Vang mãi thiên hùng ca trên biển: Khai mở một con đường

Thứ hai, 18/10/2021 16:13

Chuyện về con đường biển và những người vận chuyển vũ khí trên con đường ấy được ví như một thiên hùng ca ngời sáng về lòng yêu nước. Trong điều kiện kẻ thù ngày đêm phong tỏa, nhưng với ý chí cao, sẵn sàng quyết tử, cán bộ, chiến sĩ trên những con tàu không số vẫn băng qua hiểm nguy, đạp sóng Biển Đông để vận chuyển hàng chục nghìn tấn vũ khí, đạn dược, nhân lực, kịp thời chi viện cho quân và dân miền Nam đánh giặc.

Kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 / 23-10-2021), Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt ký “Vang mãi thiên hùng ca trên biển” góp phần tôn vinh, tri ân chiến công của các cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số; đồng thời làm rõ và khẳng định giá trị của con đường biển chiến lược này.

1-2.jpg

Các cựu chiến binh của Đoàn tàu Không số đến thăm đơn vị tàu thuộc Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân (tháng 3-2008).

Đường Hồ Chí Minh trên biển là kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, thể hiện nghệ thuật quân sự tài tình, độc đáo và sáng tạo của chiến tranh nhân dân, cũng như tài trí, bản lĩnh, lòng quả cảm của những chiến sĩ tàu không số trên con đường huyền thoại. Hơn 60 năm đã trôi qua nhưng dấu ấn khai mở con đường như mới vừa hôm qua...

Chuyến mở màn và dấu ấn Tập đoàn đánh cá sông Gianh

Trước diễn biến của tình hình thực tiễn, ngày 13-1-1959, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II tổ chức Hội nghị lần thứ 15, ban hành nghị quyết xác định nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới và vạch ra đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà. Trung ương nhận định, cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ giữa ta và địch. Đảng phải lường trước khả năng ấy để chuẩn bị chu đáo và chủ động đối phó với mọi tình huống. Để trực tiếp chi viện cho cách mạng miền Nam, tháng 5-1959, Đoàn Vận tải quân sự 559 được thành lập với lực lượng nòng cốt gồm Tiểu đoàn 301 và Tiểu đoàn 603. Tiểu đoàn 301 vận tải đường bộ gồm 500 cán bộ, chiến sĩ được tuyển lựa từ Lữ đoàn 305 do Đại úy Chu Đăng Chữ và Đại úy Nguyễn Danh chỉ huy, có nhiệm vụ mở đường bộ vào Nam. Đây là con đường "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", con đường của ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", con đường đã làm kinh sợ nhiều đời tổng thống Mỹ. Ngoài con đường Trường Sơn trên bộ còn có một con đường khác, đó là con đường biển vận chuyển vũ khí, hàng hóa, lực lượng vào chiến trường, được hình thành từ ý đồ chiến lược của Đảng. Cùng với con đường bộ xuyên Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trên biển hình thành một hướng vu hồi, góp phần quan trọng bảo đảm cung cấp vũ khí cho lực lượng vũ trang, bộ đội chủ lực và các địa phương nơi mà con đường bộ không vươn tới được.

Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phan Trung Kiên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đánh giá: "Với tài lãnh đạo kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, ngoài dồn sức mở Đường Hồ Chí Minh trên bộ xuyên Trường Sơn thì việc mở con đường biển chiến lược bảo đảm cho cuộc kháng chiến của chúng ta không lúc nào bị chia cắt. Để bảo đảm yếu tố bí mật, chúng ta phải dùng những con tàu không ghi số hiệu nhằm qua mắt địch. Ta có Đường Hồ Chí Minh trên bộ nhưng làm sao để đưa được nhiều vũ khí vào chiến trường miền Trung, Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long? Vậy nên chúng ta quyết tâm phải tổ chức tuyến đường vận tải trên biển-Đường Hồ Chí Minh trên biển".

Bến K15 Đồ Sơn (Hải Phòng) được biết đến là nơi con tàu Phương Đông 1 lần đầu tiên xuất phát vào đêm 11-10-1962, chở 30 tấn vũ khí vào bến Vàm Lũng (Cà Mau) thành công, khai thông con đường biển huyền thoại. Trước đó đã có những con tàu không số và những thủy thủ xuất phát từ sông Gianh (Quảng Bình). Đó là năm 1960, trong khi Tiểu đoàn 301 mở đường xuyên Trường Sơn thì Tiểu đoàn 603 bắt đầu mở con đường trên biển. Để giữ bí mật, Tiểu đoàn 603 ẩn dưới cái tên là Tập đoàn đánh cá sông Gianh. Nhiệm vụ chuyến đi đầu tiên của Tập đoàn đánh cá sông Gianh là chở 5 tấn vũ khí, thuốc men chi viện cho Khu V. Địa điểm cập bến là khu vực Hồ Chuối, nằm khuất dưới chân đèo Hải Vân (Đà Nẵng).

Chúng tôi cùng các cựu chiến binh của Đoàn tàu Không số quê ở Quảng Bình trở lại sông Gianh-nơi con tàu đầu tiên xuất phát (nay là thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Chứng tích của chiến tranh không còn, bến bãi hai bên sông Gianh đã thay đổi, nhưng ký ức và kỷ niệm của những ngày ấy thì vẫn không phai mờ. Ông Lê Ngọc Hòe, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Thanh Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết: "Cách đây 60 năm, những người dân của xã đã tham gia đóng những con tàu gỗ đầu tiên cho Tập đoàn đánh cá sông Gianh. Chúng tôi không ngờ những con tàu đó lại là những con tàu không số đầu tiên tham gia vận chuyển vũ khí vào chi viện cho quân, dân miền Nam đánh giặc"...

Đặt nền móng cho con đường lịch sử

Dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-2011), chúng tôi may mắn được gặp ông Huỳnh Ba, nhân chứng duy nhất còn lại của chuyến đi đầu tiên đó. Ông đã kể về chuyến đi năm ấy, chuyến đi của ông và đồng đội trên một con tàu gỗ nhỏ, đối mặt với bao thử thách mà ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Chuyến đi dù không đưa được hàng đến bến nhưng nó lại mở ra một hướng đi, một kỳ vọng mới, đặt nền tảng cho con đường lịch sử-Đường Hồ Chí Minh trên biển. Chuyến đi đó, ông Nguyễn Bất, Đại đội trưởng Đại đội 1 của Tiểu đoàn 603 làm thuyền trưởng, ông Trần Mức làm thuyền phó, các thành viên là Nguyễn Sanh, Huỳnh Sơn, Nguyễn Nữ và Huỳnh Ba. Cả 6 thành viên quê ở Khu V, hồi chống Pháp từng ở trong đội thuyền của đồng chí Võ Bẩm và Anh hùng Nguyễn Á, bí mật chở vũ khí từ Khu V vào Khu VI.

 p1040004.jpg
Các cựu chiến binh tàu không số xác định nơi con tàu đầu tiên dự định cập bến Hồ Chuối, khu vực chân đèo Hải Vân (Đà Nẵng)

Nhằm che mắt địch nên tàu phải lựa khi sóng to, gió lớn để ra khơi. 18 giờ ngày 27-1-1960, khi nghe tin có gió mùa Đông Bắc tràn về, 6 thành viên cho thuyền nhổ neo. Chuyến đi ấy có Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đến động viên, tiễn cán bộ, thủy thủ lên đường. Đêm đầu, anh em cho tàu chạy thẳng ra vùng hải phận quốc tế rồi men dần vào chân đèo Hải Vân. Đến ngày hôm sau thì sóng dữ quá, thuyền chồm qua chồm tới và có nguy cơ bị chìm. Anh em vẫn cố sức chèo lái nhưng không lại được với sóng gió nên thuyền cứ dạt vào phía Nam và bị gãy mất một lái. Sang ngày thứ ba thì thuyền lạc vào Cù Lao Ré (Quảng Ngãi), cán bộ, thủy thủ định cho thuyền ngược lên thì lái thứ hai cũng bị gãy nốt. Lúc này trên biển sóng đã êm, nhiều tàu tuần tra của địch đổ ra tuần tiễu, kiểm soát. Trước tình huống nguy cấp, để giữ bí mật con đường, anh em đành ngậm ngùi thả hàng xuống biển trước khi bị bắt.

Chúng tôi cùng ông Huỳnh Ba và các cựu chiến binh Đoàn tàu Không số khu vực Đà Nẵng ra chân đèo Hải Vân-nơi con tàu không số đầu tiên có ý định cập bến. Tại đây, chúng tôi cảm nhận được sự thú vị của lịch sử. Thời đó, ông Huỳnh Ba chỉ biết đưa vũ khí vào chân đèo Hải Vân, còn ai ra đón thì ông không rõ. Cùng khoảng thời gian đó, Tỉnh ủy Quảng Nam nhận được tin từ Trung ương điện vào: “Chờ đón hàng ở Hồ Chuối, chân đèo Hải Vân vào đêm 30 Tết”. Khi ấy, đồng chí Nguyễn Chơn, phụ trách quân sự tỉnh (sau này là Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), được cử đi đón tàu, thế nhưng lực lượng đến Hồ Chuối thức trọn hai đêm mà không thấy tín hiệu; chờ thêm một tuần cũng không thấy, mà một tháng cũng vẫn bằn bặt nên đành quay về căn cứ. Mọi người không hay, các thủy thủ của con tàu không số ấy đều đã bị địch bắt.

Ngày đó, sau khi hủy tàu, ông Huỳnh Ba cùng các thủy thủ bị bắt, giam ở Đà Nẵng rồi chuyển vào khám Chí Hòa. Không khai thác được gì, địch lại chuyển ông và đồng đội sang nhà giam Phú Lợi (Sài Gòn), rồi từ đây lại đày ra Côn Đảo. Vài năm sau bị giải về đất liền, không bao lâu sau lại ra Côn Đảo. Cứ như vậy trong suốt 14 năm, ông bị chuyển đi chuyển lại tới hơn chục lần. Năm 1974, theo Hiệp định Paris, ông được địch thả. Ông tìm về đến Đà Nẵng thì cũng vừa lúc quê hương được giải phóng.

Ông Huỳnh Ba quê ở xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Tôi được gặp ông năm 2011, khi đó ông đã cao tuổi, nhìn khắc khổ nhưng vẫn nhanh nhẹn. Từ chuyến đi đầu tiên của Tập đoàn đánh cá sông Gianh chở 5 tấn vũ khí, thuốc men vào chiến trường Khu V đến thời điểm tôi được gặp ông Huỳnh Ba đã hơn 50 năm. Hơn nửa thế kỷ với bao thăng trầm, biến đổi của cuộc sống nhưng có một bất biến là chất lính tàu không số không hề thay đổi. Tham gia chở vũ khí cho Nam Bộ kháng chiến chống Pháp từ năm 1946, đến năm 1960 đi chuyến tàu không số đầu tiên... qua hai cuộc kháng chiến trường chinh của dân tộc nhưng chiến sĩ Huỳnh Ba không quân hàm, không chức tước, địa vị, trở về đời thường làm ăn lương thiện, sống chất phác, thật thà, không mảy may nói về công lao khai mở.

Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy rõ chuyến tàu tuy không cập bến nhưng đó là tiền đề, là bài học để có những chuyến tàu sau này cập bến thành công. Từ những con người bình dị, suốt đời chịu đựng hy sinh, chính họ đã góp phần khai mở con đường biển chiến lược. Sự hy sinh thầm lặng mà cao cả ấy là một trong những nhân tố làm nên con đường vận chuyển vũ khí trên biển huyền thoại trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của thế hệ cha ông, trở thành biểu tượng của ý chí giành độc lập, tự do; là tượng đài của lòng quả cảm quyết đánh thắng giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng.

 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top