Tại Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, trong tháng 6/2021, đã có 718 vụ tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã hứng chịu tổng số 2/015 sự cố tấn công mạng, tăng gần 898 vụ so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 244 vụ so với 6 tháng đầu năm 2019.
Các vụ vi phạm dữ liệu thường dẫn đến thiệt hại danh tiếng, thiệt hại pháp lý và tổn thất tài chính cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ, ước tính tổng chi phí thiệt hại cho một lần vi phạm dữ liệu bình quân vào khoảng 149.000 USD. Đối với những doanh nghiệp có nguồn lực hạn chế thì đây là một đòn chí mạng mà cụ thể là đã có 60% doanh nghiệp nhỏ được báo cáo phải đóng cửa sau một cuộc tấn công mạng. Trong thời gian gần đây, các cuộc tấn công ransomware trở nên ngày càng phổ biến và không ngừng gia tăng. Theo các chuyên gia dự tính đến cuối năm 2021, tổng thiệt hại do các cuộc tấn công bằng ransomware gây ra có khả năng đạt 11,5 tỷ USD và được dự đoán rằng cứ sau 14 giây sẽ có một vụ tấn công mới được thực hiện.
Đứng trước những thiệt hại to lớn do những cuộc tấn công mạng gây ra, các công ty, doanh nghiệp bất kể quy mô nên có những giải pháp phòng vệ thích hợp để bảo đảm cho hệ thống an ninh mạng của doanh nghiệp mình. Đây không còn là thời điểm để nghĩ rằng liệu các vụ tấn công mạng có xảy ra đối với doanh nghiệp mình hay không mà là nó sẽ xảy ra khi nào. Điều này, buộc các doanh nghiệp cần triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể như:
1. Nắm chắc và hiểu rõ mức độ ảnh hưởng của các cuộc tấn công phổ biến.
2. Nâng cao nhận thức cho nhân viên.
3. Thường xuyên cập nhật tường lửa và các phần mềm diệt virus.
4. Yêu cầu sử dụng các mật khẩu mạnh, xác thực 2 yếu tố hoặc xác thực bằng sinh trắc và hạn chế sử dụng Wifi công cộng.
5. Sử dụng các công cụ mã hóa dữ liệu VPN.
6. Định kỳ quét các thiết bị kết nối mạng hoặc hệ thống máy tính.
7. Quy định chặt chẽ về việc sử dụng các thiết bị lưu trữ di động trên máy tính của công ty.
8. Phân quyền truy cập cho nhân viên, đặc biệt là việc tiếp cận tới các thông tin nhạy cảm.
9. Có giải pháp sao lưu hiệu quả.
10. Kết hợp chặt chẽ với các tổ chức cung cấp dịch vụ an ninh mạng, sẵn sàng chia sẻ thông tin cảnh báo về các mối đe dọa trên không gian mạng.