Vai trò của tổ chức Đoàn trong việc phòng chống thông tin giả, xấu độc trên không gian mạng

Thứ sáu, 07/01/2022 09:12

Hội thảo là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp bách trong việc phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong công tác phòng, chống tin giả, xấu độc trên không gian mạng; rộng hơn nữa là phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, tạo môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên.

8e36cfb3540a9e54c71b--1-.jpg

Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Ngày 05/01, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Vai trò của tổ chức Đoàn trong việc phòng chống thông tin giả, xấu độc trên không gian mạng hiện nay” theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tuyến tới tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Phát biểu đề dẫn, PGS, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, với gần 40 tham luận của các nhà khoa học, các đoàn viên, thanh niên ở các tỉnh, thành Đoàn, Ban Thanh niên Quân đội, Đoàn Thanh niên Bộ Công an... Hội thảo tập trung nhận diện nội dung các tin giả, xấu độc và phương thức các đối tượng đăng tải, lan truyền những thông tin giả, xấu độc trên mạng xã hội; âm mưu, thủ đoạn, mục đích đằng sau đó và đánh giá tác động của nó đến tâm lý, thái độ, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của thanh niên Việt Nam thời gian gần đây; trao đổi, thảo luận về thực trạng công tác phòng, chống tin giả, xấu độc trên không gian mạng của các tổ chức Đoàn các cấp. Đặc biệt, chia sẻ những kinh nghiệm hay, những mô hình tốt trong việc phòng, chống tin giả, xấu độc trên không gian mạng; đưa ra những giải pháp, kiến nghị nâng cao vai trò của các tổ chức Đoàn trong việc phòng, chống tin giả, xấu độc trên không gian mạng trong thời gian tới, trong đó chú trọng đến việc đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho đoàn viên, thanh niên trên không gian mạng.

Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, hiện nay, tình trạng tin giả, tin sai sự thật có chiều hướng gia tăng về số lượng và hoạt động ngày càng phức tạp. Đặc biệt, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin xấu độc, bịa đặt, sai sự thật nhằm chống phá Đảng, chế độ, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Vì vậy, việc nhận thức đúng và tham gia phòng, chống tin giả, xấu, độc là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của hệ thống chính trị, trong đó có tổ chức Đoàn. 

Nhận thức được trách nhiệm của mình trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng chống thông tin xấu độc, các cấp bộ đoàn đã tập trung thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp trên các mặt trận, đặc biệt là không gian mạng, trong đó, tập trung vào hai nhóm nhiệm vụ lớn là tăng cường thông tin tích cực, định hướng, giáo dục nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị cho đoàn viên, thanh niên và tham gia đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc trên không gian mạng.

Bí thư thứ nhất yêu cầu, thời gian tới, tổ chức Đoàn kiên trì và không ngừng đổi mới phương thức giáo dục chính trị cho đoàn viên, thanh niên; tận dụng tối đa tiện ích của internet, mạng xã hội trong giáo dục chính trị cho đoàn viên; cung cấp các kênh thông tin chính thống để thanh niên tìm kiếm, tra cứu thông tin và học tập; tạo các diễn đàn trao đổi, đối thoại với thanh niên. 

82cdf596732fb971e03e.jpg

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tuyến tới tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Kiên trì quan điểm “Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” thông qua việc tiếp tục duy trì và đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội, để tin tốt át tin xấu, chuyện đẹp dẹp các chuyện bịa đặt do các thế lực thù địch phát tán, chia sẻ tạo dư luận và kêu gọi sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên. 

Thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội và định hướng dư luận trong thanh niên thông qua đội ngũ cộng tác viên, mạng lưới tham dò dư luận, đối thoại trực tiếp, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội; thực hiện quét dữ liệu để nắm bắt tình hình thanh niên trước các hoạt động, sự kiện lớn. Triển khai phương án nắm bắt và tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng thông qua các trang cộng đồng, báo chí, các ứng dụng thông tin liên lạc trên mạng xã hội. Xây dựng và kết nối đồng bộ các Fanpage nhằm nâng cao hiệu quả định hướng thông tin dư luận, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tổ chức lực lượng đấu tranh phản bác với các tin, bài cụ thể. Xây dựng phương án đấu tranh hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng, nghiệp vụ để đấu tranh với những sự việc, tình huống phức tạp, nhạy cảm. 

 

Bế mạc Hội thảo, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cho biết, Hội thảo là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị khẩn trương triển khai cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, quyết tâm khôi phục kinh tế - xã hội do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và trong tình hình thông tin giả, xấu độc vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp trên không gian mạng thời gian qua.

Các tham luận và phát biểu tại Hội thảo khẳng định trong những năm qua, lợi dụng sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, Internet, tận dụng sự thay đổi về hình thức kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin và sự chuyển biến trong phương thức hình thành và duy trì mối quan hệ xã hội trên không gian mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng, các thế lực thù địch, các phần tử xấu tăng cường xuyên tạc, kích động, một số doanh nghiệp, cá nhân vì lợi ích kinh tế không ngừng lan truyền thông tin giả, chế tác thông tin có một phần sự thật liên quan đến các vụ việc phức tạp, nhạy cảm, các vụ án tham nhũng, hành vi tiêu cực, các vụ việc chưa có kết luận rõ ràng trong xã hội để gây ra "bão thông tin"; từ đó, tác động, gây xói mòn, "khủng hoảng niềm tin" trong xã hội đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị từng bước thực hiện âm mưu "diễn biến hoà bình", phủ nhận, phá hoại và xoá bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, thể chế chính trị của đất nước; còn các tổ chức, cá nhân thì lợi dụng "bão thông tin" để trục lợi.

Với vai trò là lực lượng kế thừa sự nghiệp cách mạng của Đảng, tổ chức Đoàn các cấp và cán bộ, đoàn viên phải đóng vai trò là lực lượng tiên phong, nòng cốt tham gia đấu tranh phòng chống tin giả, xấu độc trên không gian mạng hiện nay và thời gian tới. 

Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam liên tục đứng trong top 20 quốc gia có số người dùng internet lớn nhất thế giới. Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê và nhiều tổ chức trong nước và quốc tế, số người dùng mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 72 triệu người, tăng hơn 7 triệu người (khoảng 11%) so với cùng thời điểm năm 2020, và chiếm 73,7% tổng dân số. Số người dùng mạng xã hội Việt Nam phổ biến nhất là từ 18 đến 34, tức là chủ yếu trong lứa tuổi thanh niên. 

Theo: dangcongsan.vn
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top