Vai trò của dữ liệu trong vận hành và quản trị doanh nghiệp

Thứ hai, 07/11/2022 19:01

Trong thời đại công nghiệp 4.0, vấn đề của các doanh nghiệp (DN) là “có quá nhiều dữ liệu”. Vì thế, việc sử dụng dữ liệu sao cho hiệu quả đang đặt ra mối quan tâm lớn cho các nhà quản trị.

 Quản trị dữ liệu - vấn đề của các DN thời đại 4.0

Trong chương trình DxTalks với chủ đề “Vai trò của dữ liệu trong hoạt động vận hành quản trị và kinh doanh” diễn ra mới đây của FPT Digital, dữ liệu và quản trị dữ liệu được xác định đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với mọi DN trong nền kinh tế hiện nay. Khi DN dần chuyển dịch mô hình hoạt động theo xu hướng số, quản trị dữ liệu cũng như xây dựng chiến lược dữ liệu trở thành “vấn đề sống còn của” DN. Ông Nguyễn Khải Hoàn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính, FPT Software, cho rằng: “Nếu nói dữ liệu quan trọng là… hơi thừa, bởi vì nó luôn luôn quan trọng”.

20221202-pg49.jpg

Tuy vậy, lãnh đạo FPT Software cho rằng trong thời đại công nghiệp 4.0, vấn đề của các DN là “có quá nhiều dữ liệu”. Vì thế, việc sử dụng dữ liệu sao cho hiệu quả đang đặt ra mối quan tâm lớn cho các nhà quản trị. Sẽ có những dữ liệu tạp, dữ liệu không đồng nhất và quá trình sử dụng dữ liệu cần phải được thanh lọc và chuẩn hóa.

Khi nói về dữ liệu DN, các công ty hay nói về dữ liệu tài chính. Tuy nhiên, để DN phát triển một cách toàn diện hơn thì ngoài dữ liệu tài chính, DN cần quan tâm đến những dữ liệu khác như dữ liệu về nhân sự, khách hàng, thậm chí là dữ liệu về môi trường vĩ mô.

Vấn đề đặt ra cho các DN là làm thế nào để quản trị toàn bộ dữ liệu đó, bởi khối lượng khổng lồ đến từ các phòng ban khác nhau như phòng nhân sự, phòng kế toán, phòng chiến lược, phòng khách hàng… DN sẽ có nhu cầu tập hợp những dữ liệu đấy về một chỗ, loại bỏ những “dữ liệu tạp” và trích lọc ra được những dữ liệu có giá trị nhất cho mục tiêu kinh doanh của DN.

Ông Nguyễn Thành Hải, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số của FPT Digital, cho rằng chiến lược dữ liệu là một ngành khoa học mới khá trừu tượng. “Nhưng tóm tắt một cách ngắn gọn, dễ hiểu thì một chiến lược dữ liệu là kế hoạch tận dụng tất cả dữ liệu thu thập, sau đó phân tích và quản lý dữ liệu. Từ đó, dữ liệu được chia sẻ và mọi người đều sử dụng dữ liệu đó một cách hiệu quả nhất trong DN”.

Vướng mắc của DN trong chiến lược quản trị dữ liệu

Khi dữ liệu tiếp tục phát triển theo cấp số nhân, các nhà lãnh đạo DN có quyền truy cập vào nhiều dữ liệu hơn trước. Tuy nhiên, nhiều tổ chức không biết cách khai thác sức mạnh của dữ liệu trong hoạt động kinh doanh. Theo thống kê được FPT Digital đưa ra, 53% tổ chức cho rằng các chương trình quản trị dữ liệu của họ không hiệu quả; 52% lãnh đạo loại bỏ các dữ liệu bởi vì họ không hiểu được ý nghĩa của nó.

Là công ty đã có nhiều năm làm việc về các giải pháp quản trị dữ liệu khách hàng cho các tập đoàn, các ngân hàng, các chuỗi bán lẻ lớn, ông Phan Hồng Sơn, Giám đốc kinh doanh Mobio Việt Nam, cho biết một trong những vấn đề nổi cộm của các tập đoàn, chuỗi bán lẻ là dữ liệu về khách hàng. Bởi vì dữ liệu khách hàng thường bị phân mảnh, chẳng hạn các ngân hàng thường có nhiều mảng như thẻ, ngân hàng số, mạng lưới xã hội, hệ thống quản lý khách hàng (CRM)....

Một khách hàng có thể xuất hiện ở rất nhiều dịch vụ, giải pháp công nghệ khác nhau và dữ liệu về họ sẽ bị phân mảnh. Vì vậy, nhu cầu hợp nhất dữ liệu, làm sao để có được một “dữ liệu sạch” nhất, đồng nhất và kịp thời trong toàn bộ hành trình trải nghiệm thời gian thực của khách hàng là yếu tố mà các DN cần chú ý khi xây dựng chiến lược, đặc biệt là chiến lược dữ liệu khách hàng.

Ngoài ra, để có một chiến lược dữ liệu tốt, lãnh đạo DN phải hiểu được giá trị của dữ liệu. Ông Phan Hồng Sơn cho rằng nếu DN nhìn nhận giá trị dữ liệu khách hàng là một tài sản lâu dài, vô giá để họ tận dụng và đi suốt vòng đời, họ sẽ phải có chiến lược sử dụng và tái sử dụng đúng đắn, phục vụ các nghiệp vụ chủ yếu như tiếp thị và bán hàng, vì đó là những “đầu ra dữ liệu” có thể đem lại doanh thu tốt nhất cho DN.

Nhân sự cũng là một thách thức mà các DN cần chú trọng bằng cách xây dựng những nhân sự có kỹ năng về dữ liệu. Bởi khi đã có dữ liệu rồi, nhân sự có kỹ năng về dữ liệu sẽ phân tích và xác định dữ liệu đó đem lại giá trị gì cho công ty, giá trị gì cho nhóm tiếp thị, giá trị gì cho nhóm bán hàng. Nhân sự dữ liệu cần phải đọc, khai thác được dữ liệu và “đem lại tiền” cho DN. Ngoài hiệu quả và vận hành, chiến lược dữ liệu phải đem lại một phần doanh thu, đem lại giá trị về mặt kinh tế.

Đồng quan điểm, ông Hải cho biết một yêu cầu trong quy trình phát triển chiến lược dữ liệu là yếu tố con người, làm thế nào để tăng cao năng lực và kỹ năng của nhân sự, để họ có thể khai thác, sử dụng và cuối cùng là đem lại những giá trị cho công ty của mình.

Cuối cùng, văn hóa dữ liệu cũng là một vấn đề quan trọng mà DN cần lưu ý. Bởi vì, văn hóa thay đổi cách làm việc khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, khi trước đây họ được truy cập vào vùng dữ liệu nào đó, bây giờ áp dụng chính sách, quy trình mới, họ phải thay đổi văn hóa đó. Vì thế, họ cần nhận thức nhận thức được giá trị dữ liệu và sẵn sàng hợp tác.

Những vấn đề DN cần lưu ý khi xây dựng chiến lược dữ liệu

Theo các chuyên gia, để đảm bảo một chiến lược dữ liệu hiệu quả, DN cần làm rõ một số yếu tố. Đầu tiên là xác định mục tiêu. Đứng về góc độ xây dựng chiến lược dữ liệu, theo ông Nguyễn Thành Hải, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số của FPT Digital, không có một cách tiếp cận nào có thể đáp ứng tất cả các mục tiêu khác nhau.

Chẳng hạn, mục tiêu của DN là phân tích báo cáo tài chính, hoặc nâng cao trải nghiệm khách hàng, hay xa hơn nữa là sử dụng dữ liệu để phát triển các ứng dụng về AI hoặc máy học... Như vậy, tùy vào mục tiêu mà DN có chiến lược phát triển dữ liệu khác nhau.

Thứ hai là tìm hiểu và thu thập dữ liệu. Dữ liệu ở đây có thể là dữ liệu có cấu trúc, phi cấu trúc, hoặc dữ liệu ở một đơn vị thứ 3 bên ngoài, hoặc các dữ liệu từ trang mạng xã hội. Sau đó, DN phải làm sạch, chuẩn hóa, quản trị, phân quyền cho những người có quyền truy cập vào từng vùng dữ liệu.

Một yếu tố rất quan trọng là đảm bảo dữ liệu đó được an toàn. Khi khách hàng hoặc đối tác nhận thấy những dữ liệu của họ được bảo vệ, giá trị công ty cũng đáng tin cậy hơn. Hơn nữa, những quy định về an toàn dữ liệu ngày càng được các quốc gia trên thế giới coi trọng, chẳng hạn như chính sách về GDPR (General Data Protection Regulations) của châu Âu, vì thế trong thế giới kinh doanh toàn cầu, ông Hoàn cho rằng DN Việt Nam cần quan tâm khía cạnh bảo mật thông tin.

“Một số DN Việt Nam có thể chưa quan tâm đầy đủ vấn đề này, nhưng ở các nước phát triển, bảo mật dữ liệu là mối quan tâm lớn để tránh những rắc rối kiện tụng hoặc những chi phí phát sinh không đáng có”, lãnh đạo FPT Software nói.

Để lựa chọn giải pháp thực hiện, ông Hải cho rằng DN nên lựa chọn công nghệ phù hợp với mục tiêu cũng như ngân sách của mình. Đặc biệt, DN cần cân nhắc sử dụng những công nghệ, nền tảng dữ liệu không chỉ được thiết kế đáp ứng nhu cầu hiện tại của DN mà còn có tầm nhìn để DN mở rộng trong tương lai.

Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu và áp dụng những phương pháp nào cho phù hợp, DN nên làm việc với các công ty tư vấn, để từ đó đưa ra định hướng giúp DN có lộ trình phát triển chiến lược dữ liệu phù hợp./.

 

theo ictvietnam.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top