Nghị quyết số 06 - NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu tổng quát: Đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và hoạt động của các cơ quan, đơn vị; tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của các ngành, các sản phẩm, các doanh nghiệp và nền kinh tế của tỉnh; tạo nền tảng để thúc đẩy hình thành và phát triển các ngành, lĩnh vực mới, đẩy nhanh tiến trình xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, tiến bộ; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh. Phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Thanh Hóa trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số.
Thực hiện nội dung Nghị quyết trên, quá trình chuyển đổi số trên địa bàn Thanh Hóa đã diễn ra nhanh chóng và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Trong đó, các doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp có thể hiểu là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, điện toán đám mây... để thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp.
Việc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp Thanh Hóa không chỉ có tác động riêng đối với hoạt động của chính doanh nghiệp, mà còn tác động đến quá trình chuyển đổi số của toàn xã hội, ở nhiều lĩnh vực như giáo dục, xây dựng chính quyền số, số hóa lĩnh vực nông nghiệp, y tế, đào tạo nguồn nhân lực…vv….Với lĩnh vực xây dựng chính quyền số, trong những năm qua, các doanh nghiệp lớn như Viettel Thanh Hóa, VNPT Thanh Hóa có đóng góp cực kỳ quan trọng.
Chi nhánh Viettel Thanh Hóa đã tham gia xây dựng và triển khai các giải pháp công nghệ thông tin với công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện, cơ sở hạ tầng để phục vụ cho việc phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số cho tỉnh Thanh Hóa; hoàn thành xây dựng đề án Xây dựng thành phố Thanh Hóa trở thành Đô thị thông minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Xây dựng Trung tâm điều hành Đô thị thông minh thành phố Sầm Sơn, hiện đã đưa vào hoạt động rất hiệu quả với 10 dịch vụ Giám sát Đô thị thông minh…
VNPT Thanh Hóa triển khai phần mềm phòng họp không giấy tờ cho HĐND tỉnh, góp phần giảm giấy tờ và nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian họp; triển khai dự án cung cấp phần mềm chấm điểm chỉ số cải cách hành chính và đào tạo cho Sở Nội Vụ tỉnh Thanh Hóa, đã góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính tại đơn vị, khẳng định việc cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin có chất lượng trên địa bàn tỉnh...
Trong lĩnh vực giáo dục, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với ngành Giáo dục triển khai nhiều dịch vụ số hóa, như dịch vụ quản lý nhà trường vnEdu, đạt gần 90%, sổ liên lạc điện tử, đạt gần 70%.
Các doanh nghiệp cũng ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Giáo dục & Đào tạo Thanh Hóa cung cấp các sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin ứng dụng trong ngành giáo dục, triển khai hệ sinh thái giáo dục định hướng đến năm 2025; ký thành công hợp đồng mạng xã hội học tập LMS trong toàn tỉnh; Cung cấp cổng thông tin điện tử cho khoảng 500 trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông, giúp các nhà trường có kênh thông tin chính thống, dễ dàng truyền thông đến các bậc phụ huynh và học sinh...
Trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp đã góp phần xây dựng phần mềm cung cầu nông sản, các trang web giới thiệu nông sản... nhằm giúp quảng bá, đưa nông sản chất lượng đến gần hơn với người tiêu dùng.
Thời gian qua, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử được chính quyền tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm. Năm 2019, Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ra mắt Phần mềm kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, với địa chỉ website "nongsanantoanthanhhoa.vn".
Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ Tân Thanh Phương là một trong số các doanh nghiệp triển khai hiệu quả nhiều giải pháp chuyển đổi số ở lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là mảng nông nghiệp; đã hoàn thiện các sàn thương mại điện tử như langnghethoxuan.vn; Langnghethanhhoa.vn ; langnghedulich.vn; langnghedulichhoanghoa.vn.
Ngoài các lĩnh vực nêu trên, chuyển đổi số còn được thúc đẩy toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, như y tế, thương mại, truyền thông... Bên cạnh các doanh nghiệp lớn, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp trẻ chuyên về công nghệ, phần mềm, tin học, đã có những đóng góp lớn đối với quá trình chuyển đổi số.
Công ty phần mềm LigoSoft chuyên gia công nghệ chuyên về nghiên cứu và phát triển phần mềm trên nền tảng công nghệ 4.0. Sản phẩm chính cung cấp ra thị trường là hệ sinh thái phần mềm quản trị doanh nghiệp, giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho các doanh nghiệp với quy mô khác nhau dựa trên nền tảng điện toán đám mây.
Công ty phần mềm ThinkLabs chú trọng vào hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển các nền tảng công nghệ mới). Các sản phẩm chiến lược bao gồm: giải pháp giám sát tự động hệ thống điện lưới sử dụng trí tuệ nhân tạo và thiết bị bay không người lái, các giải pháp chuyển đổi số cho chính quyền, cổng dữ liệu mở cho các sở ban ngành…
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa đã chú trọng đầu tư vào việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, phục vụ vai trò dẫn dắt và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.
Tiêu biểu như Công ty TNHH Minh Lộ đã tự nguyện tài trợ toàn bộ học phí và cấp học bổng cho 01 lớp sinh viên cử nhân CNTT chất lượng cao của Trường ĐH Hồng Đức trong 4 năm (2017-2021); tiếp nhận các sinh viên từ năm thứ 2 khoa CNTT-TT trường Đại học Hồng Đức tham gia thực tập; tuyển dụng các sinh viên ngành CNTT... Các doanh nghiệp khác tổ chức cho nhân viên tham gia các chương trình đào tạo nâng cao về nghiệp vụ chuyên môn, các công nghệ mới như AI, ML, Devops; tổ chức các chương trình đào tạo dạy lập trình cho trẻ em và học sinh bậc trung học về kiến thức lập trình cơ bản.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc công ty TNHH Minh Lộ cho biết: "Công ty tạo việc làm cho sinh viên và nhân lực công nghệ thông tin Thanh Hóa nhằm mục tiêu hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với quá trình chuyển đổi số của tỉnh".
Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị, tổ chức, thực hiện nhiều sự kiện liên quan đến chuyển đổi số… Thông qua những sự kiện này, các doanh nhân, doanh nghiệp có điều kiện chia sẻ tiềm năng, cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh, kinh nghiệm trong chuyển đổi số; đồng thời cũng giúp cộng đồng có thêm những kiến thức bổ ích về chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội...
Có thể nói, thời gian qua các doanh nghiệp đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của thị trường công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ở nhiều mảng dịch vụ số khác nhau. Qua đó, góp phần tạo ra một sân chơi lành mạnh, minh bạch, tạo uy tín và gây dựng được thương hiệu cho các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh và mạnh trên địa bàn toàn tỉnh.