Vườn vải thiều rộng hơn 2ha của ông Nguyễn Văn Lân tại Lục Ngạn (Bắc Giang) chín đỏ, bắt đầu cho thu hoạch. Song, thời điểm này ông chưa biết làm cách nào để bán hết 45-50 tấn vải thiều khi dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh. Theo ông Lân, tầm này năm ngoái các doanh nghiệp đến tận vườn đặt mua vải thiều để xuất khẩu với giá cao. Còn năm nay, vải đã chín mà vẫn chưa có khách tới hỏi mua.
Tại Bắc Giang, vải thiều đã vào thời kỳ thu hoạch rộ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất và tiêu thụ vải thiều.
Trước sức ép phải tiêu thụ hết 180 nghìn tấn vải thiều chỉ trong vòng 2 tháng, UBND tỉnh Bắc Giang đã “cầu cứu” Bộ Công thương hỗ trợ xây dựng chương trình đẩy mạnh phân phối vải thiều Bắc Giang qua “Gian hàng Việt trực tuyến” và trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Tỉnh này xác đây là một kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững trên nền tảng số. Qua đó hy vọng, vải thiều sẽ được tiêu thụ tốt hơn, tránh phải giải cứu.
Cùng thời điểm, vải thiều tại Hải Dương cũng vào mùa thu hoạch. Nhưng thay vì chỉ bán tại chợ truyền thống, siêu thị và xuất khẩu như trước, loại quả đặc sản này còn xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử như: Voso, Sendo, Lazada… với giá cao hiếm có.
Đây không phải là lần đầu tiên nông sản Hải Dương được bán trên các sàn TMĐT. vào thời điểm đầu tháng 3 năm nay, dịch Covid-19 bùng phát, tỉnh này thực hiện giãn cách xã hội khiến nông sản bế tắc đầu ra phải giải cứu. Khi đó, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã khởi động các chương trình, chiến dịch hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Nhờ đó, các loại nông sản của Hải Dương như: ổi, su hào, bắp cải, trứng gà, gà thịt… được bán trên sàn Postmart, Voso. Và chỉ sau vài giờ đồng hồ, nông sản từ trang trại đã xuất hiện trên bàn ăn của nhiều gia đình với giá còn rẻ hơn giá bán ngoài chợ.
Các địa phương đang đẩy mạnh việc đưa quả vải thiều lên sàn TMĐT khi loại quả đặc sản này đang vào chính vụ thu hoạch
Sau hơn 1 tháng triển khai, tổng số đơn hàng nông sản của 2 sàn giao dịch này đạt trên 33.000 đơn, sản lượng tiêu thụ lên tới hơn 60 tấn rau củ, cùng với gần 8.000 con gà và hơn 300.000 trứng.
Không bị động, chờ nông sản ùn ứ, phải giải cứu mới đưa hàng lên bán trên sàn như trước, đợt này Hải Dương đã chủ động đưa vải thiều lên sàn TMĐT, coi đây là một kênh phân phối mới đầy tiềm năng, giải quyết được những điểm nghẽn trong tiêu thụ.
Theo ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc chủ động đưa nông sản lên sàn TMĐT sẽ có lợi hơn trong vấn đề tiêu thụ. Quả vải thiều không những được quảng bá rộng khắp mà còn được giao tới tay người tiêu dùng khắp mọi miền vẫn đảm bảo tươi ngon, bởi các sàn giao dịch đều có hệ thống logistics tốt.
Năm 2020, dịch Covid-19 xảy ra, nhiều nông sản khó tiêu thụ và xuất khẩu, một số địa phương đã đưa nông sản lên sàn TMĐT. Bến Tre là địa phương đầu tiên được mời tham gia chương trình “Làng nghề đặc sản online”. Kết quả, chủ đề “Ngày của làng Dừa Bến Tre Online” thu hút sự quan tâm theo dõi của người tiêu dùng khắp nơi trong và ngoài nước. Doanh nghiệp ngành dừa đã tận dụng tốt cơ hội để quảng bá sản phẩm, nâng cao thương hiệu, tăng doanh thu bán hàng, tạo được tiếng vang trên thị trường thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Tham gia sàn TMĐT chuyên về nông sản của tỉnh Vĩnh Long - sân chơi còn khá mới với ông Võ Văn Bê - Giám đốc HTX Chôm chôm Java Tân Khánh, song ông thừa nhận sản phẩm của HTX được thị trường đón nhận tích cực, người mua cũng tin tưởng hơn, đối tác cũng được mở rộng, số lượng hàng hóa sản xuất, tiêu thụ cũng tăng đáng kể. Thông qua sàn, ông còn ký được những hợp đồng bán hàng tấn chôm chôm mỗi lần.
Nói về câu chuyện chuyển đổi số trong nông nghiệp và giải cứu nông sản, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đó đơn giản vì không kết nối được từ người nông dân trong mảnh vườn đó với thị trường. Nếu kết nối được sẽ giảm thiểu rủi ro.
“Cùng lúc ông Nông nghiệp và ông Công thương có thể ngồi với nhau ở đây biết rằng cái miếng đất nào đó tại Hải Dương đang tồn trữ nông sản. Khi ấy đưa nó lên các sàn giao dịch thương mại điện tử phân phối bằng một cái cái “nhấp chuột” đơn giản, đỡ nhốn nháo cả xã hội đi làm từ thiện”, ông Hoan nói.
Vải thiều Hải Dương bán trên sàn Lazada với giá cao hiếm khó được giao tới tay khách hàng
Dạy nông dân tham gia “chợ mới”
Thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới. Bởi vậy, việc doanh nghiệp, cá nhân đẩy mạnh ứng dụng TMĐT, cập nhật cách thức kinh doanh từ truyền thống sang kinh doanh online là xu thế tất yếu.
Theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain&Company, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay, nhiều khả năng quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT Vĩnh Long từng nhận định, trong thời đại công nghiệp 4.0, việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ đang thực sự trở thành một xu thế kinh doanh tất yếu, rất cần thiết.
Song, để đưa nông sản lên sàn giao dịch đòi hỏi nhiều yếu tố. Ngoài việc sản xuất theo hình thức tập trung, có truy xuất nguồn gốc, mã code, đạt quy chuẩn an toàn thì việc giới thiệu sản phẩm cho các đối tác để ký kết rất quan trọng. Do đó, thời gian tới, nông dân cần được đào tạo bàn bản hơn trong sản xuất cũng như ứng dụng công nghệ số. Cơ quan chức năng, doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ người nông dân quảng bá về sản phẩm, hỗ về trợ tiếp thị, về logistics.
Dịch Covid-19 là thảm họa toàn cầu nhưng cũng được nhận định là cú huých trăm năm cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Thế nhưng, từ thực tế triển khai hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm lên bán trên sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp bưu chính Vietnam Post, Viettel Post đều có chung nhận xét phần lớn bà con chủ yếu tập trung sản xuất, chưa quen với việc sử dụng công nghệ cũng như chưa từng tiếp xúc với bán hàng online.
Nông dân cần được đào tạo bài bản hơn để tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử
Kinh nghiệm có được từ đợt hỗ trợ nông dân Hải Dương hồi tháng 3/2021, các doanh nghiệp này cho rằng, để nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho các hộ nông dân, hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn cần được thực hiện theo cách “cầm tay chỉ việc”.
Cũng vì thế, Viettel Post lên kế hoạch tại mỗi địa phương, sẽ tổ chức các nhóm nhân sự xuống tận trang trại, nhà vườn, hợp tác xã… để trực tiếp hướng dẫn bà con cách tạo tài khoản, livestream, viết nội dung giới thiệu sản phẩm và vận hành gian hàng trên sàn Voso.
Đầu tháng 5 này, bà con nông dân Hải Dương được tham gia khoá huấn luyện hướng dẫn truy xuất nguồn gốc và tham gia gian hàng Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại trên sàn TMĐT. Các doanh nghiệp và hợp tác xã từng bước tham gia hoạt động TMĐT thành công trên các sàn. Với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, thỏa thuận hợp tác đưa vải thiều lên các sàn TMĐT đã được ký kết.
Thay đổi tư duy từ bị động sang chủ động đã giúp Hải Dương có được kết quả bước đầu rất khả quan. Vải thiều trên sàn giao dịch được tiêu thụ tốt. Ví như trên sàn Lazada, nửa tấn vải u trứng được bán hết sạch chỉ trong vòng 4 giờ đồng hồ. Trong khi doanh nghiệp Rồng Đỏ dự kiến sẽ bán khoảng 300 tấn vải thiều trên sàn TMĐT.
Thực tế cho thấy, thay vì ùn ứ chờ giải cứu như vài năm trở lại đây, nhiều tỉnh đang chủ động kế hoạch đưa nông sản địa phương lên sàn thương mại điện tử, mở ra cánh cửa tiêu thụ mới cho người nông dân, giúp người tiêudùngdễ dàng tiếp cận đặc sản vùng miền. Theo đó, đưa hàng lên chợ mạng phải là một chiến lược, một hướng đi tất yếu chứ không chỉ ngồi chờ và càng không thể khi nào cần giải cứu mới gọi đến các sàn.