Báo cáo đề cập tới các phương pháp tiếp cận mà các nhà khai thác bưu chính được chỉ định nên áp dụng nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ tài chính bưu chính số (DFS).
Báo cáo nghiên cứu gồm 5 mục tiêu rõ ràng: Xác định các đòn bẩy đổi mới các dịch vụ tài chính bưu chính số (DFS); Xác định lộ trình đổi mới DFS; Tạo ra một khuôn khổ pháp lý về đổi mới DFS; Xác định các trường hợp đổi mới DFS và Đề xuất các lộ trình triển khai cho các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan bưu chính các nước.
Theo nhóm chuyên gia của UPU, các cơ quan bưu chính có vị thế tốt để cung cấp các dịch vụ tài chính và cải thiện khả năng cung cấp tài chính toàn diện do có phạm vi tiếp cận rộng, sự tin tưởng và trải nghiệm của khách hàng do đã có hàng trăm năm cung cấp các dịch vụ tài chính bưu chính cơ bản. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong số khoảng 5,4 tỷ người trưởng thành trên toàn thế giới, có tới 1,5 tỷ tương đương 28% tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản thông qua hệ thống bưu cục của các cơ quan bưu chính. Cũng theo báo cáo, trên toàn thế giới hiện nay, hơn 90% bưu chính các nước hiện đang cung cấp dịch vụ tài chính bưu chính.
Tuy nhiên, những đổi mới nhanh chóng trong môi trường tài chính toàn diện, do số hóa, đã khiến nhiều cơ quan bưu chính đang chưa xác định được hướng đi tiếp theo: hoặc tìm cách chuyển đổi hoặc có nguy cơ bị loại khỏi lĩnh vực kinh doanh bởi các đối thủ cạnh tranh. Với báo cáo nghiên cứu này, UPU và nhóm chuyên gia về dịch vụ tài chính bưu chính hy vọng sẽ đóng vai trò là một diễn đàn để chia sẻ các chiến lược và kiến thức về tài chính toàn diện, kinh nghiệm và bài học thực tiễn của 192 quốc gia thành viên.
Báo cáo nghiên cứu cũng chỉ ra hiện nay, các cơ quan bưu chính hầu như mới chỉ cung cấp các sản phẩm thanh toán và tiết kiệm, mà đang bỏ lỡ các phân khúc lớn nhất và sinh lợi nhất đó là tín dụng số, các sản phẩm bảo hiểm, đầu tư tài chính cá nhân và các sản phẩm quản lý tài sản.
Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường pháp lý và chính sách tạo điều kiện để các cơ quan bưu chính có thể đổi mới DFS, và cách các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý có thể tham gia và nâng cao vai trò của các cơ quan bưu chính trong việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia. Cùng với đó, đưa ra 5 khuyến nghị chính để cải thiện việc cung cấp DFS trong tương lai: Xác định kế hoạch kinh doanh các dịch vụ tài chính bưu chính số bền vững và hấp dẫn; Tăng cường cải thiện công nghệ, quy trình nội bộ và nguồn nhân lực; Đổi mới quy trình để đáp ứng các nhu cầu riêng biệt của khách hàng; Ưu tiên cung cấp trải các nghiệm cao cấp, an toàn và liên tục cho người sử dụng; Hỗ trợ cung cấp các dịch vụ phi tài chính cho khách hàng như các kiến thức về tài chính và kỹ thuật số.
Báo cáo nghiên cứu đưa ra đúc kết: “Bản chất của hoạt động kinh doanh bưu chính đang thay đổi và đã đến lúc các nhà khai thác bưu chính phải tự thiết kế lại để phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội”. Đây thực sự là một ấn phẩm hữu ích cho không chỉ cơ quan bưu chính các nước mà các nhà hoạch định chính sách tham khảo.