Ứng xử với thuốc lá thế hệ mới: Đặt sức khỏe người dân làm trọng tâm

Thứ bảy, 19/11/2022 08:43

Năm 2020, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ đề nghị thí điểm có thời hạn áp dụng trước với thuốc lá làm nóng, xem xét trên cơ sở sản phẩm hội đủ các điều kiện “là một sản phẩm thuốc lá dạng khác” theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá hiện hành.

20221208-A-82.jpg
ảnh minh họa
Nhu cầu chuyển đổi chính đáng của người dùng
Dù đề xuất này vẫn còn gặp ý kiến khác biệt, nhưng tổng quan mục tiêu được đánh giá là phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ từ năm 2017. Theo các chuyên gia, các bộ, ngành cần ưu tiên tháo gỡ quan ngại dựa trên tiêu chí đặt sức khỏe người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng và quyền bình đẳng của con người làm trọng tâm.
Tại Việt Nam, tỉ lệ người hút thuốc lá biết đến và sử dụng thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) ngày càng tăng cao. Ngoại trừ một tỉ lệ thanh thiếu niên bị dẫn dắt sử dụng TLĐT (lậu) sai mục đích xem đó là cách thể hiện "cá tính" hoặc lối sống "thời thượng", TLTHM nói chung đang được nhiều người hút thuốc trưởng thành (chưa thể cai thuốc) xem là một giải pháp chuyển đổi bớt độc hại hơn so với việc tiếp tục hút thuốc lá điếu.
Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh, thành năm 2020 cho thấy tỉ lệ hút TLĐT năm 2020 tăng 18 lần so với năm 2015. Khảo sát của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2020 cho thấy hơn 96% tin rằng hút thuốc lá gây ung thư phổi, 87,7% tin rằng hít phải khói thuốc của người khác cũng bị mắc các bệnh lý nghiêm trọng.
Tại Tọa đàm "Xu hướng tiếp cận giải pháp giảm tác hại thuốc lá tại Việt Nam" do báo điện tử VietnamPlus phối hợp với Tổng hội y học Việt Nam tổ chức vào tháng 8-2022, PGS-TS-BS Trần Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP HCM - cho rằng nếu biết được TLTHM giúp giảm tác hại mà không thể tư vấn cho những bệnh nhân không cai bỏ được thuốc lá thì đó là lỗi của thầy thuốc, và việc chuyển đổi giảm tác hại cần được thực hiện càng sớm càng tốt vì lợi ích sức khỏe.
Đừng bỏ qua căn cứ khoa học và nghiên cứu quốc tế
Dù Việt Nam chưa có nghiên cứu khoa học về TLTHM trong nước, nhưng có thể tận dụng những kết quả đáng tin cậy từ các tổ chức y tế uy tín trên thế giới như FDA Mỹ, Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE), Viện Đánh giá nguy cơ Liên bang Đức (BfR), Bộ Y tế Nhật Bản và các tổ chức y tế khác ở Mỹ, Anh, Canada, Hà Lan, Ukraine, New Zealand, Hàn Quốc, Trung Quốc… trong ứng xử với TLTHM để bổ sung giải pháp cho "cuộc chiến" chống tác hại thuốc lá.
Khi tiến hành kiểm định một sản phẩm thuốc lá làm nóng (TLLN), Trung tâm Thuốc lá của FDA Mỹ đã xác định rằng chỉ định điều chỉnh mức độ phơi nhiễm (với chất có hại lên cơ thể) sẽ thích hợp để cải thiện sức khỏe cộng đồng. Theo đó, năm 2019 FDA đã cho phép sản phẩm TLLN này được kinh doanh tại Mỹ, và tiến tới cấp chỉ định "Sản phẩm Thuốc lá Điều chỉnh Nguy cơ - Giảm thiểu phơi nhiễm" (MRTP) 1 năm sau đó.
Dưới một góc nhìn quan trọng khác, các luật sư cho rằng Luật PCTHTL hiện hành đã có định nghĩa rõ ràng về phạm vi điều chỉnh, không chỉ bao gồm thuốc lá điếu, xì gà, mà còn cả thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác sử dụng để hút, nhai, ngửi, hít, ngậm,… Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng không thể phủ định Luật hiện hành và chủ trương của WHO đối với TLTHM. "Việc đề xuất cấm, hoặc buông lỏng, chậm trễ quản lý TLTHM, nhất là các sản phẩm phù hợp định nghĩa của Luật như TLLN, thuốc lá ngậm… vốn chứa nguyên liệu thuốc lá cũng có thể xem là hành vi phủ định Luật hiện hành"- một chuyên gia nêu quan điểm.
Ngoài ra, việc quản lý TLTHM, bao gồm việc thí điểm theo lộ trình như đề xuất của Bộ Công thương cũng hướng đến việc bổ sung cách tiếp cận mới hơn trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá vốn chưa thật sự hiệu quả, thúc đẩy chiến lược giảm tác hại bên cạnh hai chiến lược giảm cung, giảm cầu theo chủ trương, hướng dẫn của WHO. Tổ chức này từng nhiều lần khẳng định, các quốc gia cần cân nhắc tới thực trạng tiêu thụ thuốc lá và mục tiêu chống buôn lậu thuốc lá, cần phải đưa những sản phẩm này vào quản lý và chịu sự kiểm soát của luật phòng chống thuốc lá của nước sở tại.
Trong bối cảnh tỉ lệ cai nghiện thuốc lá điếu ở nước ta không được như kỳ vọng, gánh nặng y tế từ việc hút thuốc còn nhiều, thì giải pháp giảm tác hại nên được tận dụng, nhất là trên cơ sở bằng chứng khoa học đã có. Điều này cũng là hành động thể hiện nỗ lực bảo vệ quyền con người, kể cả người hút thuốc lá của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Thành An (nguồn: nld.com.vn)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top