Ứng dụng "Y tế HCM" phù hợp bối cảnh mới của TPHCM

Thứ sáu, 08/10/2021 09:34

Bộ TT&TT đã công bố ứng dụng PC-Covid nhằm thống nhất các tính năng phòng chống dịch Covid-19 trên cả nước. Trong khi đó, TPHCM vẫn triển khai ứng dụng “Y tế HCM” để người dân sử dụng và công bố cổng thông tin antoan-covid.tphcm.gov.vn để doanh nghiệp, cơ quan đăng ký, cấp “mã QR đơn vị”. Nhiều ý kiến cho rằng, các nền tảng không thống nhất sẽ gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TPHCM, để làm rõ vấn đề này.

ung-dung-y-te-tphcm-hoit.jpg

Phó Giám đốc Sở TT&TT TPHCM Võ Thị Trung Trinh với mã QR xanh trên ứng dụng Y tế HCM

- PHÓNG VIÊN: TPHCM vẫn triển khai ứng dụng Y tế HCM, phải chăng một trong 2 ứng dụng đang “đá chân nhau”, thưa bà?

Bà VÕ THỊ TRUNG TRINH: Nhìn hình thức thì có thể nói cả 2 ứng dụng đang cùng chức năng phòng chống dịch Covid-19, nhưng phân tích sâu hơn sẽ khác. PC-Covid vừa ra đời, sau chỉ đạo của Thủ tướng trên tinh thần “cần có ứng dụng duy nhất”; trong khi đó, Y tế HCM đã được TPHCM phát triển từ đầu năm 2021 và qua nhiều lần nâng cấp nên còn thực hiện thêm các tính năng mới như chăm sóc F0 tại nhà, tra cứu thông tin người thân F0 đang điều trị tại các bệnh viện, hỗ trợ người dân qua tổng đài 1022. 

Thành phố đã kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua Nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và thành phố (HCM LGSP), phát triển kho dữ liệu dùng chung của thành phố với dữ liệu lớn (big data) về mã QR cá nhân, mã QR địa điểm, khai báo y tế điện tử, tiêm vaccine, thông tin về F0 đã hồi phục. Đồng thời phát triển dữ liệu mở (open data) để chia sẻ cho doanh nghiệp khai thác phục vụ công tác phòng chống dịch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dữ liệu ứng dụng Y tế HCM sẽ được đồng bộ vào PC-Covid để người dùng không cần khai báo lại từ đầu theo hướng dẫn của Bộ TT-TT. Ứng dụng Y tế HCM được tích hợp thành một tiện ích trong PC-Covid. 

- Nhiều tính năng gắn liền với thực tế và nhu cầu tại TPHCM như thế nào, thưa bà?

Với Y tế HCM, người dùng có thể chọn mẫu khai báo y tế khi đến bệnh viện hoặc cơ quan, công sở. Nội dung tương tự trên các ứng dụng khai báo sức khỏe toàn dân như VHD, Bluezone. Sau khi khai báo, ứng dụng sẽ tự động cập nhật vào mã QR cá nhân, người dùng chỉ cần đưa mã QR để cơ quan chức năng kiểm tra. Ngoài ra, ứng dụng còn có thêm tính năng quét mã QR để khai báo và đánh dấu điểm đến, giúp người dùng dễ dàng xem lại lịch trình di chuyển của mình đã đến đâu, thời gian nào. Cơ quan y tế cũng có thể dựa trên đó để truy vết trong trường hợp cần thiết…  

Những tính năng này đều đáp ứng nhu cầu của người dân khi TPHCM thực hiện theo Chỉ thị 18 vừa công bố. Và mới hơn, chúng tôi đã cập nhật tính năng “Thông tin của tôi” để sử dụng mã QR cá nhân được tích hợp thông tin về tiêm vaccine và F0 khỏi bệnh (nếu có). Người dân là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày hoặc tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) cũng được cập nhật và sẽ có mã QR cá nhân màu xanh.

- Cổng thông tin antoan-covid.tphcm.gov.vn có lợi gì cho người dân, doanh nghiệp?

Cổng thông tin này rất cần thiết, được xây dựng với mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ bảo vệ sức khỏe của người dân và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thành phố hoạt động theo lộ trình từng bước với các giải pháp phù hợp, hiệu quả thích ứng an toàn với dịch Covid-19. 

Các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng mã QR để tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn. Mỗi đơn vị có thể cấp mã QR địa điểm cho nhiều khu vực khác nhau thuộc đơn vị của mình cần kiểm soát, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, giúp đơn vị và các cơ quan chức năng dễ dàng khoanh vùng khi cần điều tra dịch tễ; kiểm tra được danh sách, thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, yếu tố dịch tễ của nhân viên, khách đến liên hệ công tác, giao dịch tự đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp theo các bộ tiêu chí do UBND TPHCM ban hành. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, các tổ chức, doanh nghiệp được chia sẻ dữ liệu phòng chống dịch Covid-19 liên quan đến đơn vị để phục vụ hoạt động, sản xuất, kinh doanh an toàn. Các cơ quan nhà nước thông qua việc kiểm tra mã QR cá nhân tại các điểm kiểm soát sẽ phát hiện, truy vết nhanh các trường hợp nghi nhiễm, nhiễm đang có trên địa bàn quản lý; kiểm tra, quản lý các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn có mức độ an toàn phòng chống dịch Covid-19 tại đơn vị theo các bộ tiêu chí do thành phố ban hành.

TPHCM chính thức thực hiện Chỉ thị 18, từng bước phục hồi kinh tế từ ngày 1-10, sau thời gian dài thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Như vậy, TPHCM chưa phải là địa phương đã hết dịch, mà chưa hết dịch thì rất nhiên phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tương ứng với cấp độ dịch đang diễn ra, nên cổng thông tin nói trên là giải pháp công nghệ không thể thiếu, nhất là với doanh nghiệp, đơn vị… trong công tác phòng chống dịch ở bối cảnh hiện nay.

 

BÁ TÂN/SGGP
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top