Tiền Giang, Cà Mau ứng phó sạt lở và bảo vệ bờ biển bằng đê trụ rỗng
Mặc dù đã triển khai một số giải pháp chống sạt lở, bảo vệ bờ biển, tuy có hiệu quả mang lại, nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế như kè bảo vệ trực tiếp đê và bờ biển kinh phí lớn, điều kiện thi công hạn chế, túi Geotube thường xuyên bị thủng, gây bồi chậm, khó có khả năng phục hồi diện tích bờ biển đã bị xói lở, chưa phát huy được hiệu quả đầu tư. Sau khi đưa vào khai thác sử dụng, công nghệ đê giảm sóng kết cấu rỗng bước đầu đem lại kết quả khả quan, đạt được những mục tiêu đề ra như chi phí đầu tư vừa phải, diện tích gây bồi nhanh, có khả năng phục hồi lại diện tích đã bị xói lở.
Ông Lê Xuân Tú, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) cho biết, Dự án công nghệ đê biển giảm sóng kết cấu rỗng bảo vệ bờ biển được thực hiện ở khu vực cồn Cống (huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) với tổng mức đầu tư khoảng 35 tỷ đồng, chiều dài 1,6km.
Dải đê giảm sóng xa bờ kết cấu rỗng được nghiên cứu với chức năng giảm sóng, dòng chảy tác động trực tiếp vào bờ biển, không cản trở quá trình trao đổi môi trường tự nhiên trước và sau công trình; từ đó giúp gây bồi, tạo bãi và tái tạo hệ sinh thái ven biển vốn có một cách tự nhiên.
Kết cấu chính của đê giảm sóng sử dụng cấu kiện TC1 (cao 2,57m, bề rộng đáy 3,12m, trọng lượng 9,05 tấn) và cấu kiện TC2 (cao 2,5m, bề rộng đáy 3,8m, trọng lượng 10,75 tấn). Các cấu kiện được thiết kế bằng bê tông cốt thép dày 20cm, được đặt trên bè gỗ nhằm chống lún và gia cố bằng đá hộc trước, sau công trình. Đồng thời, trên bề mặt các cấu kiện có đục lỗ nhằm tiêu tán năng lượng sóng và hạn chế sóng phản xạ tác động lên cấu kiện. Bên cạnh đó, việc các cấu kiện đục lỗ rỗng giúp dễ “bẫy” bùn, cát, gây bồi, tạo bãi.
Tương tự như Tiền Giang và nhiều tỉnh duyên hải khác, giải pháp đê trụ rỗng của nhóm nghiên cứu mũi nhọn bảo vệ bờ sông, bờ biển của Viện Thủy Công, do TS Trần Văn Thái chủ trì đã giúp Cà Mau ứng phó với sạt lở ven sông, ven biển.
Đê trụ rỗng là các cấu kiện có hình dạng nửa hình trụ rỗng đúc sẵn, trên mặt có các lỗ để tiêu sóng. Khi sóng lọt vào các lỗ rỗng có hướng tâm, nó bị xé ra pha trộn với không khí, bị nhiễu xã, triệt tiêu phần lớn năng lượng sóng. Các lỗ rỗng cho phép trao đổi phù sa và gây bồi rất nhanh.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, đê trụ rỗng là giải pháp có hiệu quả vượt trội ở các mặt: Khả năng tiêu giảm sóng cách bờ từ 100-150m vượt trội; sau tuyến kè, phù sa bồi lắng thành bãi với tốc độ gây bồi nhanh, khả năng tái sinh rừng sau 2 năm lắp đặt và có thể di dời đê trụ rỗng sang vị trí khác khi đã tạo bãi, khôi phục được rừng…
Ngư dân công nghệ cao ở Khánh Hoà
Cùng với việc kiên trì bám biển, nhiều ngư dân tại Khánh Hoà đã bắt đầu áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật công nghệ cao vào hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ. Những công nghệ mới đã giúp họ tiếp cận rộng hơn với nguồn lợi thuỷ sản, doanh thu cho mỗi chuyến đi biển, góp phần thay đổi đời sống kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Những năm gần đây, đội tàu cá tỉnh Khánh Hoà được tiếp cận các loại máy móc, thiết bị cơ giới hoá công nghệ cao như máy thu lưới vây, máy thu – thả câu cá ngừ đại dương. Đặc biệt, các thiết bị điện tử hàng hải hiện đại cũng được ngư dân ưu tiên lắp đặt, sử dụng trong hoạt động khai thác xa bờ như máy đo sâu – dò cá, máy định vị, máy dò ngang, ra-đa hàng hải, điện thoại vệ tinh, máy nhận dạng tự động AIS đảm bảo an toàn cho người và tàu trên biển.
Tại Cảng cá Hòn Rớ - cảng cá lớn nhất tỉnh Khánh Hoà và khu vực Nam Trung Bộ, tàu KH-97279 của ngư dân Lê Văn Thuyền (thành phố Nha Trang) là một trong những tàu hiện đại bậc nhất ở Khánh Hoà. Đây là chiếc tàu được đầu tư với kinh phí hơn 20 tỷ đồng và hạ thuỷ, đưa vào khai thác từ năm 2017. Ngoài lớp vỏ bằng vật liệu composite siêu bền, nội thất của tàu cũng là điều đáng mơ ước của rất nhiều ngư dân trong nghề.
Ngồi trên buồng lái, thuyền trưởng tàu KH-97279 Ngô Xuân Hoàng tranh thủ kiểm tra lại hệ thống ra-đa, máy dò cá trước khi tàu lấy đủ đá vào hầm chứa để sẵn sàng cho chuyến ra khơi. Ông Hoàng cho biết, ngoài hệ thống đèn LED hiện đại được trang bị ở mạn tàu, trong buồng lái còn có đầy đủ các thiết bị công nghệ kỹ thuật số, đảm bảo an toàn cho suốt hải trình ở ngoài khơi cũng như năng suất cho tàu trong mỗi chuyến đi biển. Cũng nhờ có thiết bị hiện đại và công nghệ cao phục vụ việc đánh bắt, mỗi chuyến đi biển dài hơn 20 ngày, tàu này thu được trung bình 40 – 50 tấn cá, có chuyến nhiều nhất lên đến 100 tấn. Sau khi trừ chi phí, chủ tàu có thể thu về hàng trăm triệu đồng.
Ngư dân Nguyễn Đức Khánh (chủ tàu KH-90127-TS, thành phố Nha Trang) cho biết, đã theo nghề đánh bắt hải sản truyền thống được 40 năm nay, ông cũng phải thay đổi cho phù hợp với xu thế, tàu của ông hiện đã trang bị những phương tiện, thiết bị kỹ thuật cần thiết để phục vụ nghề đánh bắt cá ngừ.
Toàn tỉnh Khánh Hoà hiện có nhiều tàu đánh bắt xa bờ; trong đó có 548 tàu tham gia khai thác cá ngừ với ngành nghề chính như nghề lưới cản khơi, sản lượng trung bình 7-12 tấn/chuyến đi biển; nghề câu cá ngừ đại dương có sản lượng 700kg – 1,5 tấn/chuyến; nghề mành chụp sản lượng 17 tấn/chuyến; nghề vây khơi sản lượng 10 tấn/chuyến. Ngư trường hoạt động của các đội tàu này chủ yếu tại khu vực biển Hoàng Sa, Trường Sa và nhà giàn DK1.
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Khánh Hòa, việc áp dụng những công nghệ mới, đặc biệt là hệ thống chiếu sáng bằng đèn Led đã cho năng suất đánh bắt cao hơn và tiết kiệm nhiên liệu nhiều hơn so với đèn cao áp truyền thống mà ngư dân sử dụng lâu nay. Đây cũng là một xu thế phù hợp, tạo nên một bước phát triển mới trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản hiện nay.
Cùng với đội tàu ngày càng được nâng cấp, Khánh Hòa cũng có hạ tầng phục vụ khai thác và chế biến thuỷ hải sản phát triển đồng bộ và hoàn thiện. Trên địa bàn tỉnh có 2 cảng cá lớn là Hòn Rớ (thành phố Nha Trang) và Đá Bạc (thành phố Cam Ranh) phục vụ cho nghề khai thác cá ngừ, có 11 cơ sở đóng tàu thuyền, 20 cơ sở cung cấp vật tư, ngư lưới cụ phục vụ cho các đội tàu khai thác xa bờ.
Trong khi đó, với sản lượng khai thác đạt trên dưới 100 nghìn tấn/năm cũng giúp ngành chế biến, xuất khẩu thuỷ sản phát triển mạnh mẽ. Toàn tỉnh có 44 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận xuất khẩu thuỷ sản. Đây là lợi thế lớn cho Khánh Hoà phát triển các chuỗi liên kết, từ đánh bắt đến chế biến và tiêu thụ thuỷ hải sản.
Cùng với việc hiện đại hoá tàu cá thì các mô hình chuỗi liên kết cũng được hình thành, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, chất lượng sản phẩm. Qua đó tạo môi trường sản xuất kinh doanh ổn định cho ngư dân và doanh nghiệp, góp phần ổn định đời sống và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc./.