Công nghệ giúp các lực lượng tuyến đầu “chạy đua” với dịch
Thế nhưng, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, Hà Nội đã đưa số ca mắc trung bình mỗi ngày trong đợt thứ 4, từ 7/9 đến 21/9, chỉ còn 27,7 ca/ngày, giảm mạnh so với 3 đợt trước đó. Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, từ 6h ngày 21/9, Hà Nội đã nới lỏng giãn cách, điều chỉnh các giải pháp để thích ứng an toàn với diễn biến của dịch bệnh, đồng thời đảm bảo công tác an sinh, xã hội, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ an toàn trên địa bàn.
Hà Nội đã làm được việc mà nhiều người trước đó cho là “không tưởng” - đưa các hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới. Áp dụng mạnh mẽ, hiệu quả công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch là một trong những bài học chống dịch thành công của Thủ đô trong 2 tháng qua.
Ngay khi bắt đầu áp dụng giãn cách toàn Hà Nội, lãnh đạo UBND Thành phố đã giao Sở TT&TT phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia. Trung tâm tư vấn cho Hà Nội áp dụng chiến lược xét nghiệm chốt chặn tại bệnh viện và sử dụng công nghệ trong phòng chống dịch, đặc biệt là đẩy mạnh khai báo y tế và kiểm soát thông tin người vào ra các địa điểm bằng quét QR Code. Khi có ca nhiễm, lập tức áp dụng nền tảng truy vết thần tốc.
Để có dữ liệu phục vụ việc truy vết, khoanh vùng dịch, nhanh chóng phát hiện các ca nhiễm, nghi nhiễm bằng công nghệ, trong Chỉ thị 17 ngày 23/7, lãnh đạo Thành phố đề nghị người dân khai báo y tế hàng ngày qua ứng dụng Bluezone hoặc tokhaiyte.vn liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác...
Thời gian qua, Hà Nội đã liên tục tuyên truyền, kêu gọi người dân thường xuyên khai báo y tế qua ứng dụng Bluezone và tokhaiyte.vn. Nhờ vậy, theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội Lã Thị Lan, khai báo ho, sốt qua Bluezone và tokhaiyte.vn đã là kênh thông tin hiệu quả để Hà Nội phát hiện các ca bệnh trong cộng đồng.
Thống kê cho thấy, thời điểm dịch bùng phát, mỗi ngày Hà Nội có 500.000 lượt khai báo y tế, trong đó có 1.000 - 1.500 trường hợp khai báo ho, sốt, khó thở… Thực hiện xét nghiệm cho 13.579 trường hợp này, Sở Y tế tìm ra được 95 ca F0; tiếp tục truy vết, xét các trường hợp liên quan đã tìm ra thêm 691 ca mắc trong cộng đồng. Tổng số ca F0 phát hiện được từ hoạt động giám sát người có triệu chứng nghi ngờ chiếm khoảng 40% số ca mắc ghi nhận của toàn Thành phố trong đợt dịch thứ 4.
Song song với việc duy trì sử dụng 2 nền tảng: quản lý tiêm chủng Covid-19, khai báo y tế điện tử và quản lý người vào ra bằng QR Code, từ đầu tháng 9, khi triển khai kế hoạch để thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn Thành phố, Hà Nội bắt đầu sử dụng nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức trực tuyến.
Từ hiệu quả triển khai nền tảng hỗ trợ quản lý xét nghiệm tại 10 quận, huyện, ngày 16/9
Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu triển khai nền tảng này cho toàn thành phố.
Sau khi thí điểm tại quận Đống Đa thu kết quả khả quan, từ ngày 9/9 đến 15/9, nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm trực tuyến đã được Thành phố triển khai tại quận Long Biên và 9 huyện ngoại thành, giúp lấy mẫu cho 706.568 người.
“Nền tảng này giúp Hà Nội tiết kiệm thời gian lấy mẫu và có dữ liệu chính xác hơn. Bên cạnh đó, dữ liệu ngay lập tức được đưa lên hệ thống nên có thể thống kê nhanh chóng, kịp thời; đáp ứng được nhu cầu cần thông tin liên tục để có những chiến lược dập dịch phù hợp cho thành phố. Kết quả xét nghiệm cũng được trả trên ứng dụng di động, rất thuận lợi cho người dân”, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ.
Dùng công nghệ để duy trì hoạt động bình thường của xã hội
Lần lượt vào các ngày 15/9 và 20/9, cùng với việc điều chỉnh những biện pháp phòng chống dịch theo hướng nới lỏng giãn cách, UBND Thành phố yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ được hoạt động trở lại phải đảm bảo điều kiện bắt buộc là tạo điểm quét mã QR để khách đến mua hàng thực hiện quét mã QR ghi nhận có mặt và khai báo y tế.
Sở TT&TT Hà Nội được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch Covid-19, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Bluezone, NCOVI, VHD, VNelD; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn, yêu cầu người dân khi ra vào cơ quan, tổ chức, công sở, địa điểm công cộng cần thực hiện nghiêm quét mã QR.
Từ sau khi Hà Nội mở cửa trở lại, trung bình mỗi ngày đã có thêm khoảng 5.000 địa điểm đăng ký quét mã QR, có khoảng 22.000 địa điểm thực hiện quét QR thường xuyên.
Có thể thấy rằng, việc triển khai thống nhất 3 giải pháp công nghệ bắt buộc dùng chung trong phòng chống dịch Covid-19 đã có những đóng góp quan trọng giúp Hà Nội kiểm soát dịch bệnh, đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.
Đại diện Bkav, đơn vị trực tiếp hỗ trợ Hà Nội triển khai 2/3 nền tảng công nghệ cho rằng, yếu tố mấu chốt giúp Hà Nội triển khai hiệu quả các giải pháp công nghệ phòng chống dịch chính là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Thành phố và nỗ lực, sự kiên trì của đội ngũ CNTT, gồm Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia cùng Sở TT&TT Hà Nội.
Áp dụng chiến dịch xét nghiệm chốt chặn tại bệnh viện cùng sự hỗ trợ của công nghệ, nhất là giải pháp quét mã QR tại các địa điểm để nhanh chóng truy vết, tìm ra các ca liên quan F0, Hà Nội tự tin quyết định mở cửa trở lại.
Bởi lẽ, theo nghiên cứu khoảng 15% bệnh nhân Covid sẽ có triệu chứng nặng phải đến các cơ sở y tế. Thực hiện nghiêm việc xét nghiệm chốt chặn tại bệnh viện, cơ quan chức năng sẽ phát hiện được những ca chỉ điểm từ khi nó chỉ là đốm lửa nhỏ.