ảnh minh họa
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Chủ tịch Hội đồng Khoa học nghiệm thu của Bộ Y tế cho biết, điều tra thực trạng sử dụng thuốc lá rất cần thiết trong bối cảnh tỷ lệ hút thuốc tại Việt Nam vẫn còn ở mức cao, trong khi giá bán thuốc lá/bao quá thấp, thuế thuốc lá chưa tăng đáng kể khiến cho người hút thuốc vẫn dễ dàng tiếp cận được với thuốc lá. Bên cạnh đó, các loại thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng... đang tìm mọi cách để xâm chiếm thị trường với những chiêu trò quảng cáo tinh vi.
Điều tra cần phải thực hiện để làm cơ sở đề xuất xây dựng chiến lược quốc gia trong giai đoạn mới, đồng thời đề xuất, vận động chính sách cải thiện văn bản pháp luật liên quan và có những biện pháp can thiệp phù hợp trong hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam.
Theo đó điều tra mô tả thực trạng sử dụng thuốc lá (bao gồm cả hút thuốc lá thụ động) ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố của Việt Nam năm 2020 cho thấy, tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung giảm so với năm 2015 (21,7% năm 2020 so với 22,5% năm 2015). Nam giới hút thuốc là 42,3%, giảm so với năm 2015 (45,3%) và tỷ lệ nữ giới hút thuốc là 1,7%, tăng so với năm 2015 (1,1%).
Giảm tỷ lệ người hút thuốc lá thụ động tại một số địa điểm so với năm 2015 như nơi làm việc, từ 42,6% xuống 30,9%; tại nhà, giảm từ 59,9% xuống 56,0%, tại nhà hàng giảm từ 80,7% xuống 78,1%; tại quán bar/ cà phê/ trà giảm từ 89,1% xuống 86,2%. Ngoài ra điều tra cũng công bố tỷ lệ người cố gắng bỏ thuốc trong 12 tháng qua các biện pháp cai nghiện; các địa điểm tiếp cận mua thuốc lá; các nhãn hiệu thuốc lá; kiến thức, thái độ nhận thức về thuốc lá, về Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá…
Tại buổi họp, các thành viên đã góp ý để nhóm điều tra hoàn thiện thêm những bằng chứng, làm căn cứ đề xuất xây dựng chính sách và có những can thiệp phù hợp cho phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam