Tuyên Quang: Chuyển đổi số, xây dựng nông nghiệp thông minh đẩy nhanh tiến trình xây dựng Nông thôn mới

Thứ tư, 14/12/2022 06:00

Trong các giải pháp xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Tuyên Quang xác định phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ và cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp… và các doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) tác có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc liên kết các hộ dân đầu tư sản xuất áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

20211226063030hinhanh-1648704988287.jpg 

Thời gian qua, Tuyên Quang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các chính sách ra đời đã góp phần tạo điều kiện cho các địa phương đưa nhanh khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung, thực hiện chuyển dịch kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho các hộ dân vùng nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Đến nay tỉnh Tuyên Quang đã có 54/122 xã đạt chuẩn Nông thôn mới bằng 44,26% tổng số xã trên địa bàn tỉnh, tiêu chí bình quân đạt 15,51 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 09 tiêu chí; Năm 2022, tỉnh phấn đấu có thêm ít nhất 08 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, nâng tổng số lên 62/122 xã, chiếm 50,81%; diện mạo nông thôn thay đổi tích cực, kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, điện, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư xây dựng; sản xuất nông nghiệp hàng hóa tiếp tục phát triển, nhiều mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt; truyền thống văn hóa bản sắc địa phương được phát huy; ý thức bảo vệ môi trường nông thôn từng bước được nâng lên; quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội được giữ vững.

Có thể khẳng định, những thành công lớn trong xây dựng Nông thôn mới của tỉnh Tuyên Quang thời gian qua có đóng góp lớn của ngành Nông nghiệp, nhờ bước tiến mạnh mẽ trong cơ cấu, chuyển đổi sản xuất theo hướng hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn cao. Hiện Tuyên Quang có nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT (sử dụng hệ thống cảm biến, máy ảnh và các thiết bị khác giúp người nông dân có được những thông tin chính xác nhất trong quá trình sản xuất nông nghiệp); công nghệ GIS thông minh quản lý và dự báo sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử…

Nhờ ứng dụng nông nghiệp thông minh, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Tuyên Quang đã được xuất khẩu, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ. Việc thúc đẩy chuyển đổi số giúp không ít trang trại, doanh nghiệp, HTX của Tuyên Quang được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn thông qua các tiện tích của các nền tảng số như Google, Youtube, Facebook...

Bên cạnh việc đẩy mạnh dán mã QR, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, tỉnh cũng xây dựng thành công nhiều thương hiệu nông sản, đồng thời triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 128 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng trong đó có 33 sản phẩm 4 sao và 95 sản phẩm 3 sao. Nhờ sự hỗ trợ đắc lực của khoa học công nghệ, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao hình thành, một số sản phẩm nông nghiệp xây dựng được thương hiệu và từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Mục tiêu xuyên suốt của ngành Nông nghiệp Tuyên Quang là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, đặc biệt phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương, những sản phẩm đã ứng dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghiệp số trong nền kinh tế; tiếp tục xây dựng thí điểm mô hình sản xuất kết nối nông nghiệp thông minh, quản lý theo chuỗi, kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; ứng dụng IoT để hỗ trợ theo dõi, giám sát và hỗ trợ tự động hóa quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp.

Nỗ lực của ngành Nông nghiệp tỉnh, đặc biệt là sự năng động, nhạy bén của các doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân trong ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số đã và đang từng bước hình thành một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững, góp phần không nhỏ vào thành công trong xây dựng Nông thôn mới của Tuyên Quang.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top