Chìa khóa mở cánh cửa thịnh vượng
Có một điểm nhất quán, xuyên suốt trong tư duy phát triển đất nước, được nhấn mạnh trong các phát biểu và các văn kiện tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vừa kết thúc: Chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc tới 4 lần cụm từ “cách mạng công nghiệp lần thứ tư” khi phát biểu tại Đại hội 13.
Người dân ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc. Ảnh: idea.gov.vn |
Bàn về hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông nói: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để khoa học và công nghệ thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế".
“Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” cũng được nhắc lại tới 26 lần trong báo cáo chính trị và hai báo cáo kinh tế xã hội của Đại hội 13.
Chưa bao giờ một cụm từ nào được nhắc lại nhiều lần như vậy trong các văn kiện qua các kỳ Đại hội Đảng - kim chỉ nam cho phát triển đất nước - như cụm từ này. Chủ động tham gia, bắt kịp cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được xác định một cách dứt khoát, rõ ràng như là chìa khóa để mở cửa phồn vinh cho đất nước.
Vấn đề là chủ trương đó có được biến thành luật pháp, chính sách của Nhà nước để tạo hành lang cho doanh nghiệp và người dân đi theo, và vươn lên trước? Liệu khát vọng phát triển đó có được nuôi dưỡng trên mảnh đất màu mỡ để trở thành hiện thực?
Chiến lược quốc gia mới
Câu hỏi này đáng được đặt ra một cách nghiêm túc khi Việt Nam chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội trong các cuộc cách mạng công nghiệp của nhân loại trong hơn 200 năm qua, cũng như đã thất bại trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đến năm 2020 như mục tiêu được đặt ra từ Đại hội 8.
Điều đáng mừng là nhận thức lần này đã biến thành quyết tâm và hành động.
Tháng 9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Đến tháng 6/2020, Thủ tướng đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tháng 12/2020, Thủ tướng ký Quyết định số 2289 về Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.
Như vậy, Việt Nam thuộc nhóm ít các nước trên thế giới sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia và chiến lược tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phát biểu tại Đại hội 13, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công nghệ số, chuyển đổi số, kinh tế số, kỷ nguyên số là một quá trình nhiều thập kỷ, là xu thế toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược.
Thế giới vật lý đang được số hóa. Đời sống thực đang được ánh xạ vào không gian mạng. Quá trình sáng tạo, sản xuất kinh doanh ngày càng diễn ra nhiều hơn trên không gian mạng. Với sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với cú hích trăm năm của đại dịch Covid-19, thế giới đang ở điểm đột phá của quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số.
“Đây là cơ hội. Cơ hội cho Việt Nam thực hiện hóa khát vọng hùng cường, thịnh vượng”, ông nói.
Nền tảng để bứt phá
Bộ trưởng cho rằng, có hàng loạt yếu tố mang tính nền tảng để hỗ trợ phát triển kinh tế số Việt Nam.
Thứ nhất, là hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin - công nghệ số hiện đại, ngang tầm thế giới, băng thông rộng, tốc độ cao, mỗi người dân có một điện thoại thông minh, công nghệ 5G sẽ xuất hiện ở Việt Nam cùng nhịp với các nước phát triển.
Thứ hai, các chính sách của Chính phủ liên quan tới kinh tế số, công nghệ số, Internet phải có tính cạnh tranh toàn cầu để người Việt Nam không phải ra nước ngoài khởi nghiệp công nghệ số mà còn để người nước ngoài, tài năng toàn cầu về Việt Nam phát triển công nghệ.
Thứ ba, Chính phủ chi tiêu nhiều hơn cho sản phẩm công nghệ số, đi đầu về kinh tế số thông qua xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số nhằm tạo ra thị trường ban đầu để phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Thứ tư là đào tạo nhân lực, song song với việc đưa đào tạo tiếng Anh và công nghệ thông tin vào chương trình đào tạo bắt buộc từ phổ thông thì phải thực hiện đào tạo lại, đào tạo nâng cao về kỹ năng số, năng lực số cho lực lượng lao động.
Các trường cao đẳng, đại học nên có các khoá chính thức về đào tạo lại, đào tạo nâng cao, thời gian chỉ nên từ 6-12 tháng, chủ yếu là đào tạo chứng chỉ chứ không phải đào tạo bằng cấp, đây là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực số một cách trầm trọng.
Để chuyển đổi số, ông khẳng định, Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước: Bước một, đẩy nhanh việc số hóa các lĩnh vực, các ngành công nghiệp, đẩy nhanh chuyển đổi số chính phủ, chuyển đổi số doanh nghiệp, chuyển đổi số trong xã hội, nhằm tăng hiệu quả hoạt động, tăng năng xuất lao động và tạo ra các cơ hội tăng trưởng mới.
Bước hai, sử dụng số hóa như một lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu. Bước ba, tiến tới nền kinh tế số toàn diện, mọi lĩnh vực được số hóa, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
Ông Hùng nói một cách tha thiết: “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc, khát vọng một Việt Nam hùng cường thịnh vượng đã được khơi dậy. Ngọn cờ cao đã được giương lên để quy tụ mọi người dân Việt Nam. Con đường đi đến đích đã được chỉ ra, đó là khoa học công nghệ, là đổi mới sáng tạo, là cách mạng công nghiệp lần thứ 4, là chuyển đổi số, kinh tế số”.