Năm 2023 là “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn” nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ hiện nay. Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2023), báo Tuổi trẻ Thủ đô có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Thị Thanh – Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam về phát huy vai trò xung kích của đoàn viên thanh niên trong hoạt động chuyển đổi số.
Xác định rõ hai nhiệm vụ trọng tâm
PV: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn tỉnh Quảng Nam, đoàn viên, thanh niên phải nắm được những kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, từ những kiến thức đó áp dụng vào học tập, lao động, góp phần thực hiện nhiệm vụ tại địa phương. Xin đồng chí cho biết, trong thời gian qua, Tỉnh đoàn Quảng Nam đã có những chương trình, hoạt động cụ thể như thế nào để nâng cao trình độ, kiến thức chuyển đổi số cho đoàn viên, thanh niên?
Đồng chí Phạm Thị Thanh: Thay đổi nhận thức của đoàn viên thanh niên về chuyển đổi số, tham gia xây dựng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số là hai nhiệm vụ trọng tâm được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Nam xác định trong triển khai Nghị quyết 04 NQ/TU ngày 12/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và chỉ đạo của Trung ương Đoàn.
Để thực hiện nhiệm vụ đó, với nhiệm vụ được giao của Tổ công tác triển khai nhiệm vụ của Đoàn thanh niên tham gia chuyển đổi số, thời gian qua Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng lực số trong đoàn viên thanh thiếu nhi, cụ thể như: Tập huấn về chuyển đổi số và vai trò của thanh niên Quảng Nam năm 2021 cho đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp; Hội nghị tập huấn về luật an ninh mạng, kỹ năng sử dụng internet mạng xã hội hiệu quả, an toàn; Talkshow thanh niên ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển kinh tế; triển khai phát động cài đặt các ứng dụng y tế, giáo dục, Smart Quảng Nam, Thanh niên Việt Nam.
Song song với đó, xây dựng Trang Fanpage và trang thương mại điện tử quảng bá và tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp, OCOP cho thanh niên; Nâng cấp trang thông tin việc làm: http://vieclam.thanhnienqnam.vn/ tạo thuận lợi cho Thanh niên tiếp cận với việc làm; hay như Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số thu hút gần 50% lượt tham gia của đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh…
Qua các hoạt động Đoàn viên, thanh niên được trang bị những kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, từ đó áp dụng vào học tập, lao động, góp phần thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.
V: Với lợi thế về sự nhanh nhạy với công nghệ của lực lượng trẻ, xin đồng chí cho biết, đoàn viên, thanh niên Tỉnh đoàn Quảng Nam đã phát huy vai trò xung kích thông qua các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công tác đoàn như thế nào?
Đồng chí Phạm Thị Thanh: Thanh niên là lực lượng trẻ tuổi có độ nhanh nhạy trong tiếp cận khoa học kỹ thuật cho nên vai trò tiên phong của thanh niên trong tham gia chuyển đổi số và vấn đề được Tỉnh đoàn xác định phải thực hiện hiệu quả, có điểm nhấn. Vai trò xung kích của thanh niên Quảng Nam trong thời gian qua được phát huy qua các hoạt động như: Xây dựng dữ liệu số địa chỉ của Tuổi trẻ Quảng Nam, nội dung này được triển khai xuyên suốt nhiệm kỳ qua, từ việc số hóa thông tin, hình ảnh, video, bản đồ số, mã QR tại từng địa chỉ từ năm 2017 đến nay đã cơ bản hoàn thiện.
Cùng với đó, xây dựng dữ liệu số về cột mốc, cọc dấu đường biên giới của tỉnh và nước bạn Lào phục vụ công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo cho Đoàn viên thanh thiếu nhi. Hay như hình thức triển lãm trực tuyến, Tỉnh đoàn là đơn vị đầu tiên trong hệ thống đoàn triển khai triển lãm giới thiệu cuộc đời sự nghiệp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào giữa năm 2021.
Chúng tôi cũng tiên phong trong tổ chức các Hội nghị trực tuyến, đại hội không giấy; các buổi livestream và ghi hình phát lại các hoạt động, chương trình của đoàn trên trang fanpage của Tỉnh đoàn.
Bên cạnh đó, vai trò xung kích của thanh niên được thể hiện trong việc hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng phòng chống COVID-19; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; chỉ đạo quyết liệt trong việc tham mưu cho cấp uỷ chính quyền thành lập và tích cực tham gia vào các tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương và trong khối trường học…Tại cơ quan Thường trực Tỉnh đoàn, thể hiện tính gương mẫu chúng tôi đã số hoá quản lý hồ sơ cán bộ công chức và hồ sơ Đảng viên tại cơ quan, thực hiện nộp Đảng phí và các khoản đóng góp bằng hình thức thanh toán điện tử.
Đi từng ngõ - gõ từng nhà
PV: Là địa phương có nhiều huyện miền núi thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn. Vậy trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, tuổi trẻ Quảng Nam đã phát huy vai trò xung kích như thế nào trong việc tuyên truyền, hỗ trợ chính quyền, người dân tại những địa phương này? Thưa đồng chí.
Đồng chí Phạm Thị Thanh: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” là cách làm của tuổi trẻ Quảng Nam trong việc tuyên truyền, hỗ trợ người dân các huyện miền núi thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Chúng tôi có những đội thanh niên xung kích từ cấp cơ sở với những bạn trẻ am hiểu về công nghệ thông tin, trực tiếp hướng dẫn người dân.
Thực tiễn đã chứng minh, trong cập nhật dữ liệu đoàn viên vừa rồi, các đơn vị miền núi lại là những đơn vị hoàn thành trước hay đơn cử như trong chiến dịch cấp căn cước công dân năm 2021, huyện miền núi Tây Giang lại là đơn vị về đích đầu tiên, kết quả này không phải đoàn thanh niên nhưng tuổi trẻ Công an đơn vị và thanh niên địa phương đã góp phần không nhỏ trong thành công ấy.
Tuy nhiên về lâu dài, Ban thường vụ Tỉnh đoàn hướng đến việc phát huy chủ trương kết nghĩa giữa các đơn vị đồng bằng, trực thuộc và miền núi để hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ cho họ thực hiện nhiệm vụ này; phát huy tối đa tổ công nghệ số cộng đồng trong khối trường học, vai trò của đội TNXK trong khối cán bộ công chức để làm lan toả đến người dân; tăng cường đổi mới và lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp để triển khai tại các đơn vị miền núi.
PV: Hưởng ứng “Năm chuyển đổi số và các hoạt động của Đoàn”; “Năm Quốc gia Khởi nghiệp”, trong thời gian tới Tỉnh Đoàn Quảng Nam sẽ triển khai những hoạt động cụ thể nào để nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên trong chuyển đổi số và khởi nghiệp? Thưa đồng chí!
Đồng chí Phạm Thị Thanh: Trong chương trình công tác ban hành từ đầu năm, Tỉnh đoàn đã đề ra nhiều nội dung quan trọng để hưởng ứng Năm chuyển đổi số và các hoạt động của Đoàn” và “Năm Quốc gia Khởi nghiệp” với 11 hoạt động lớn tập trung vào các nội dung bao gồm: Chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, quản lý điều hành, tổ chức hoạt động của tổ chức Đoàn – Hội – Đội; trong công tác tuyên truyền của Đoàn; Trong quản lý đoàn viên, hội viên, thanh thiếu nhi và Hỗ trợ nâng cao năng lực số cho thanh thiếu nhi trong học tập, khởi nghiệp, thích ứng với xã hội số; Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong tham gia các hoạt động thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đặc biệt là tổ chức các triển lãm sản phẩm khởi nghiệp trên không gian mạng (online, thực tế ảo).
Bên cạnh đó, tổ chức các số giao dịch ý tưởng khởi nghiệp, dự án khởi nghiệp để gọi vốn trực tuyến, tổ chức các diễn đàn kết nối cung - cầu để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp. Chúng tôi cũng tập trung triển khai có hiệu quả Tổ công nghệ số, tư vấn công nghệ cộng đồng trong thanh niên trên địa bàn dân cư, trường học. Phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ, tổ chức các chương trình, hoạt động tìm kiếm tài năng trẻ về lĩnh vực công nghệ; đầu tư và nhân rộng các mô hình hoạt động sáng tạo, hiệu quả trong việc triển khai hỗ trợ thanh thiếu nhi tiếp cận, ứng dụng công nghệ số.
Trân trọng cám ơn đồng chí !