Cán bộ Viettel hướng dẫn cách tải, lập tài khoản và sử dụng ứng dụng cho HTX Hải Khang (Bắc Quang) để đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Ảnh minh họa
Hiện nay, huyện Bắc Quang có trên 24.000 ĐVTN, chiếm hơn 20% dân số toàn huyện. Bí thư Huyện đoàn Bắc Quang, Quốc Thị Thanh Thảo chia sẻ: Nhằm phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong thực hiện CĐS, chúng tôi đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong triển khai thực hiện nhiệm vụ Đoàn – Hội – Đội. Nổi bật như: Thành lập các tổ chỉ đạo ứng dụng CĐS trong công tác thanh niên và các hoạt động của Đoàn; ứng dụng 12 mã quét QR đăng tải các tài liệu về Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Bắc Quang, tháng thanh niên, học tập, tuyên truyền nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp, hướng dẫn sinh hoạt Chi đoàn, tuyên truyền về Nông thôn mới trên không gian mạng, phục vụ công tác tuyên truyền và triển khai nhiệm vụ công tác. 37/37 cơ sở Đoàn thành lập fanpage của đơn vị, hoạt động thường xuyên, hiệu quả. 100% Đoàn cấp huyện đến cơ sở quản lý dữ liệu đoàn viên trên ứng dụng (app) Thanh niên Việt Nam; 100% cán bộ Đoàn triển khai cài đặt ứng dụng ví điện tử như Truemoney, Zalo pay, Viettel pay, Agribank E-Mobile Banking...
Hiện nay, trên địa bàn huyện Bắc Quang đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu của ĐVTN về phát triển kinh tế, ứng dụng CĐS trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: Mô hình sản xuất cam sạch của Trần Ngọc Nam (xã Vĩnh Phúc), nuôi trâu sinh sản và giun Quế của Nguyễn Quốc Việt (xã Việt Vinh); nuôi chim Bồ câu Pháp của Hứa Văn Bắc (xã Quang Minh), thành lập Hợp tác xã Thanh niên Huỳnh Minh của đoàn viên Trần Tuấn Minh (xã Tân Thành)... Nổi bật trong đó có thể kể đến đoàn viên Trần Ngọc Nam (xã Vĩnh Phúc), năm 2020, anh Nam thành lập Tổ hợp tác Thanh niên trồng cam sạch Trần Ngọc Nam và giữ vai trò là Tổ trưởng. Tổ hợp tác hiện có 11 thành viên tham gia, quy mô sản xuất hơn 20 ha cam Sành. Anh Nam cho biết: Tổ hợp tác có sự liên kết với Công ty Cổ phần chứng nhận và Giám định VinaCert (Hà Nội) để sản xuất theo hướng hữu cơ và áp dụng công nghệ số trong sản xuất, bán hàng điện tử. Cụ thể, chúng tôi đã sử dụng app VFSC quản lý các bước chăm sóc cây cam và bán hàng qua app FOSACHA. Hàng năm, doanh nghiệp bao tiêu trên 100 tấn cam Sành cho Tổ hợp tác với giá trung bình từ 13 – 15 nghìn đồng/kg. Thông qua liên kết không chỉ giúp Tổ hợp tác có đầu ra ổn định cho sản phẩm mà còn tạo ra giá trị mới khi ứng dụng CĐS vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như: Giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu; kết nối trực tiếp với người tiêu dùng; nâng cao năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, ngày 19.5 vừa qua, UBND huyện Bắc Quang đã tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Phùng Viết Vinh với thanh niên trên địa bàn huyện về chủ đề: “Thanh niên Bắc Quang với CĐS, phát triển kinh tế số”. Đây là minh chứng quan trọng cho thấy sự quan tâm, kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với lực lượng ĐVTN trong tiến trình CĐS trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thông qua đối thoại đã tạo diễn đàn mở để ĐVTN bày tỏ ý kiến, chia sẻ cách làm hay về CĐS. Trong đó, tập trung các giải pháp hỗ trợ ĐVTN tiếp cận với công nghệ để CĐS, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử; giải pháp phát huy vai trò xung kích của ĐVTN tham gia CĐS, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của huyện Bắc Quang.
Thực tế cho thấy, lực lượng ĐVTN huyện Bắc Quang với đặc tính năng động, sáng tạo, nhạy bén với khoa học – công nghệ, được kỳ vọng là lực lượng đi đầu trong CĐS, làm chủ công cuộc xây dựng và phát triển mọi lĩnh vực trong tương lai. Việc tiếp cận và thực hiện CĐS cần có con người số, công dân số mà ĐVTN là lực lượng dễ tiếp cận, tiếp thu nhanh nhất. Họ là nguồn nhân lực trẻ, năng động, sáng tạo, luôn thích ứng với điều kiện mới, có khao khát được đóng góp, cống hiến vì sự phát triển chung của quê hương, đất nước. Do đó, để đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của lực lượng ĐVTN, tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Phùng Viết Vinh đã kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến kiến nghị, đề xuất của ĐVTN về cơ chế, chính sách phát triển thanh niên trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, giao cơ quan chuyên môn tham mưu UBND huyện cơ chế hỗ trợ thanh niên đổi mới, sáng tạo, ứng dụng CĐS vào tất cả các lĩnh vực do lực lượng thanh niên khởi nghiệp.