Từng bước hình thành và phát triển bền vững thị trường truyền dẫn, phát sóng tại Việt Nam

Thứ tư, 15/05/2013 14:10

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, Bộ sẽ đưa ra chính sách nhằm bảo đảm thị trường có sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tránh phân biệt đối xử, độc quyền. Việc thành lập mới doanh nghiệp tham gia thị trường truyền dẫn phát sóng dưới bất kỳ hình thức nào đều tuân theo khung pháp luật nói chung.

img

Toàn cảnh Hội thảo Truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất khu vực đồng bằng Nam Bộ

Ngày 14/5/2013 tại Cần Thơ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo Truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất khu vực đồng bằng Nam Bộ. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, Phó trưởng ban chỉ đạo quốc gia Đề án số hóa truyền hình Việt Nam; đại diện Lãnh đạo và chuyên viên một số đơn vị thuộc Bộ; đại diện Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và truyền hình các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng Nam Bộ, VTV, AVG, Hannel.
 
Sau khi nghe báo cáo đề dẫn, các tham luận của các Đài Phát thanh và truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, VTV, AVG, Hannel và ý kiến các đại biểu tham dự Hội thảo, Thứ trưởng Lê Nam Thắng ghi nhận các kết quả, kiến nghị đề xuất tại Hội thảo, qua đó các đơn vị thuộc Bộ sẽ tổng kết và tiếp tục nghiên cứu đưa ra chính sách, phương án tối ưu nhất.
 
Thứ trưởng nhấn mạnh 02 mục tiêu cần quan tâm của Đề án số hóa là hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất; tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, hoạt động hiệu quả và phân định rõ hoạt động về nội dung thông tin với hoạt động về truyền dẫn, phát sóng.
 
Như vậy, các đài chỉ tập trung nguồn lực sản xuất nội dung, chương trình truyền hình. Việc hình thành thị trường truyền dẫn, phát sóng có lợi ích chung là các đài sử dụng chung hạ tầng truyền dẫn, phát sóng. Không chỉ phát quảng bá các kênh chương trình thiết yếu, trên cơ sở nguồn lực của mình, các Đài có thể tự xây dựng các kênh chương trình khác để phát trong toàn khu vực, cũng như trên toàn quốc. Qua đó tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm chi Ngân sách Nhà nước cũng như chi phí chung của toàn xã hội.
 
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, Bộ sẽ đưa ra chính sách nhằm bảo đảm thị trường có sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tránh phân biệt đối xử, độc quyền. Việc thành lập mới doanh nghiệp tham gia thị trường truyền dẫn phát sóng dưới bất kỳ hình thức nào đều tuân theo khung pháp luật nói chung. Số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường cần bảo đảm quyền lựa chọn của khách hàng (là các Đài phát thanh, truyền hình), chọn ra doanh nghiệp có chất lượng tốt, giá thành hợp lý, phù hợp nhất với điều kiện của mình để thực hiện phát sóng kênh chương trình. Việc sử dụng chung hạ tầng là nhiệm vụ bắt buộc của các doanh nghiệp, được Nhà nước khuyến khích như sử dụng lại hệ thống cột, nhà trạm, tận dụng tối đa hạ tầng truyền dẫn phát sóng đã được các tỉnh, thành phố đầu tư (cả về kỹ thuật, nguồn lực con người...). Yêu cầu doanh nghiệp có cam kết về việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng là điều kiện bắt buộc khi tham gia thị trường.
 
Hình thức cấp phép tần số thực hiện theo 01 trong 02 cách: Cấp phép trực tiếp hoặc cấp phép theo hình thức thi tuyển. Nếu nhu cầu tần số của các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng vượt quá khả năng cung cấp tần số theo quy hoạch, thì cần lựa chọn hình thức thi tuyển. Nhưng dù cấp trực tiếp hay thi tuyển thì cũng cần có tiêu chí chung rõ ràng chặt chẽ như: cam kết về chất lượng, mở rộng vùng phủ sóng, tính ổn định phát triển lâu dài của doanh nghiệp, cam kết về đầu tư, yêu cầu đặt cọc.
 
Việc phát quảng bá các kênh chương trình thiết yếu là nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao, được Nhà nước hỗ trợ về cơ chế, nguồn lực, đầu tư, cũng như tài nguyên tần số. Các kênh thương mại, giải trí khác cần có tính cạnh tranh và do thị trường tự điều chỉnh, doanh nghiệp tự chịu tránh nhiệm.
 
Để thực hiện thành công Đề án số hóa truyền hình mặt đất, doanh nghiệp cần phát triển cả hình thức truyền dẫn phát sóng khác như: truyền hình qua vệ tinh, truyền hình cáp. Thống nhất lựa chọn tiêu chuẩn DVB-T2 và MPEG4 để thực hiện số hóa truyền hình Việt Nam. Xu hướng chung hướng chuyển từ SD sang HD. Các Đài cần tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng chương trình truyền hình. Qua đó, không chỉ cạnh tranh về truyền dẫn, phát sóng mà còn có cạnh tranh về chất lượng chương trình truyền hình. Khẳng định mối quan hệ giữa tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng và các Đài Phát thanh truyền hình địa phương.
 
Để từng bước hình thành và phát triển bền vững thị trường truyền dẫn phát sóng, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ trong giai đoạn đầu như: Hỗ trợ xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo qua Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích. Các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất coi là doanh nghiệp hoạt động công nghệ cao, hưởng ưu đãi về thuế, đầu tư, ưu đãi về vay vốn theo Luật Công nghệ cao. Nhà nước hỗ trợ đầu thu tín hiệu số cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.
 
Ngô Việt Hùng
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top