“Từ Olympic, 10 đội tuyển sinh viên Việt Nam tự tin đến Thái lan tìm vị trí trong Top 100 tại Chung kết ACM/ICPC toàn cầu”

Thứ năm, 15/10/2009 10:01

Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam lần thứ 18 (OLP’09) và Kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC Việt Nam - Đại học Nha Trang từ 7-9/10/2009 đã thành công tốt đẹp, Đại học Bách Khoa Hà Nội giành ngôi Vô địch Siêu CUP OLP’09, Đại học Công nghệ ĐHQG Hà Nội giành CUP vô địch ACM/ICPC Việt Nam cùng 9 đội tuyển khác vào Top 10 Việt Nam tự tin tới đấu trường ACM/ICPC Châu Á để tự khẳng định “Sinh viên Việt Nam tự tin hội nhập” giành vị trí Top 100 tại Chung kết ACM/ICPC toàn cầu tại Harbin, Trung Quốc từ 1-6/2/2010.

img

Olympic Cuộc thi dành cho sinh viên CNTT quy mô lớn nhất và sôi động nhất

Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam đã qua hơn 18 năm liên tục với các cuộc thi sôi động diễn ra tại các trường ĐH&CĐ trên khắp các tỉnh và thành phố, là một phong trào thiết thực với sinh viên các trường Đại học & Cao đẳng, là một trong những nguồn phát hiện và phát huy tài năng trí tuệ của lớp trẻ Việt Nam bổ sung nguồn lực CNTT-TT phục vụ công cuộc Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá đất nước do Bộ Giáo dục & Đào tạo, Hội Tin học VN và Hội Sinh viên VN đồng tổ chức. Trường Đại học Nha Trang đơn vị đăng cai đã tạo mọi điều kiện tổ chức Olympic và ACM/ICPC tốt nhất.

OLYMPIC Tin học sinh viên đã khẳng định phong trào học tập và giảng dạy CNTT-TT trong các trường ĐH&CĐ ngày càng cần thiết, phong phú và thiết thực. Tuy là cuộc thi mang tính chuyên môn cao nhưng đã lôi cuốn được các trường, khoa không đào tạo chuyên ngành CNTT và sinh viên khối cao đẳng cùng tham gia trong một sân chơi kỹ năng – trí tuệ chung của Việt Nam.

Kỳ thi ACM/ICPC Việt Nam đã 4 lần trực tiếp tổ chức lần lượt tại Hà Nội (2006), Đà Nẵng (2007), Tp Hồ Chí Minh (2008) và Nha Trang, từ đây 4 năm Việt Nam liên tục có mặt tại vòng Chung kết ACM/ICPC toàn cầu. Đây là kỳ thi : trí tuệ - kỹ năng, phong cách làm việc tập thể, tính hoàn thiện và từ đây các điểm còn yếu của sinh viên Việt Nam sẽ không ngừng được trau dồi và nâng cao.    

Tại OLP’09 và ACM/ICPC Việt Nam năm 2009 có: 60 trường ĐH&CĐ tham dự, hơn 100 thầy cô giáo huấn luyện viên, gần 250 đội tuyển dự thi 7 khối thi: Siêu CUP OLP, Chuyên Tin, Không chuyên, Cao đẳng, Phần mềm nguồn mở, 83 đội tuyển tham dự ACM/ICPC Việt Nam, toàn bộ dự thi Trắc nghiệm tiếng Anh – Tin học. Tổng cộng: 361 sinh viên đăng ký thi Giải cá nhân OLP; 83 đội tuyển với 238 sinh viên đăng ký dự thi ACM/ICPC.

Nét đổi mới tại OLP’09 và kỳ thi ACM/ICPC Việt Nam là sự đồng hành với Giải thưởng mùa hè sáng tạo viết ứng dụng Phần mềm nguồn mở do Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ cho sinh viên với 05 dự án xuất sắc nhất vào vòng chung khảo từ 22 dự án sinh viên đăng ký thực hiện từ tháng 7/2009.

Phần đóng góp quan trọng không thể thiếu được là tập thể Hội đồng giám khảo OLP và ACM/ICPC không kể là cương vị hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng - phó khoa hay giảng viên các thầy đã hết lòng vì chất lượng chuyên môn và uy tín với tuổi trẻ CNTT Việt Nam. Nhiều gương mặt trẻ đã tích cực đóng góp cho phong trào đó là các cựu học sinh giải Quốc tế những năm 90, thành viên trẻ nhất là Phạm Hữu Ngôn đã từng tham dự Chung kết ACM/ICPC toàn cầu đầu tiên của Việt Nam 2005, nguyên giải Nhất Nhân tài đất Việt năm 2008. Hội đồng giám khảo do PGS.TS. Nhà giáo ưu tú Hồ Sĩ Đàm chủ trì vẫn tiếp tục khẳng định là Hội đồng giám khảo thi lập trình hàng đầu Việt Nam. Các thầy đã là hạt nhân không thể thiếu được làm nên thành công của kỳ thi.

Olympic - ACM/ICPC và vị trí  của sinh viên CNTT Việt Nam trong các kỳ  thi kỹ năng và sáng tạo trong nước và  quốc tế

Trong khuôn khổ OLP’09, buổi toạ đàm với chủ đề “Olympic - ACM/ICPC và vị trí của sinh viên CNTT Việt Nam trong các kỳ thi kỹ năng và sáng tạo trong nước và quốc tế thu hút gần 150 lãnh đạo, giảng viên các trường đại học và cao đẳng và các chuyên gia trong đó có nhiều thầy đã nhiều lần đưa đội tuyển thi Tin học Quốc tế của Việt Nam đến với đỉnh vinh quang. Tại đây Hội Tin học Việt Nam với kinh nghiệm 18 năm tổ chức OLP, 6 năm hội nhập qua kỳ thi ACM/ICPC và đồng hành cùng sinh viên Việt Nam qua các kỳ thi Topcoder, Google Code Jam, Imagine CUP, Google Summer of Code đã báo cáo về hiện trạng và trình độ hội nhập của các trường và sinh viên CNTT Việt Nam. Từ các kỳ thi - giải thưởng này hàng trăm sinh viên CNTT ưu tú đã trưởng thành phục vụ đất nước và làm việc tại các trung tâm, doanh nghiệp nổi tiếng toàn cầu. Đã có nhiều bạn trẻ trở về Việt Nam ở tuổi 30 đã là trưởng, phó khoa CNTT, nhiều bạn từ giải Siêu CUP, tham dự chung kết ACM/ICPC và các kỳ thi khác đang làm tiến sỹ ở tuổi ngoài 20 và tất cả đều tự hào và sẵn lòng tham gia phong trào chung vì tuổi trẻ sinh viên CNTT.  

Tại toạ đàm các đại biểu và các thày cô đều nhất trí cho rằng: với gần 200 trường có đào tạo CNTT nhất thiết đưa nội dung thi Olympic cho sinh viên thành bắt buộc, trước hết cho các trường có đào tạo CNTT và khuyến khích các trường khác cùng tham gia. Qua OLP chúng ta sẽ thấy rõ hiện trạng đào tạo CNTTT có đủ đáp ứng sự nghiệp đào tạo nguồn lực CNTT hay không và từ đây qua đánh giá kỹ năng – năng lực sinh viên các trường sẽ rõ hơn về hiện trạng trong bảng xếp hạng thứ bậc tranh tài. Nhà nước, Bộ GD-ĐT cần phải quan tâm cụ thể đến hoạt động thiết thực này: không tháo khoán, tạo môi trường để các trường tham gia như trách nhiệm với sự nghiệp đào tạo chuyên ngành CNTT; nhà nước cần hỗ trợ kinh phí cụ thể từ nguồn ngân sách như đã đề cập trong Quyết định số 698/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”. Cần phải thể chế rõ ràng quyền lợi chính thức cho sinh viên tham gia các kì Olympic Tin học và đạt giải, các trường cần chủ động và tạo điều kiện tốt nhất kể cả kinh phí để đưa các sinh viên tài năng tham dự các hoạt động phong phú của Olympic. Ban Tổ chức, Hội đồng giám khảo và các thày cô cũng phải tích cực, chủ động và sáng tạo góp phần đổi mới hoạt động Olympic ngày càng thiết thực và hội nhập các chuẩn quốc tế. Phong trào Olympic phải sâu rộng hơn, trước mắt trong các năm tới sẽ tổ chức kỳ thi khu vực Bắc - Trung - Nam  trước khi đến hội thi Olympic toàn quốc. Hội nghị cũng nhất trí năm 2010 Olympic và vòng loại ACM/ICPC Châu Á sẽ là hoạt động trí tuệ của tuổi trẻ với lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và Olympic sẽ tổ chức tại Đại học Công nghệ ĐHQG Hà Nội,  BTC sớm thông báo và làm việc với Ban Chỉ đạo Đại lễ 1000 Thăng Long - Hà Nội để đưa vào chương trình hoạt động cụ thể.   

OLP’09 là sự lên ngôi của Đại học Bách khoa Hà Nội - vô địch Siêu CUP

OLP’09 là cuộc thi giải cá nhân và đồng đội quy mô lớn lôi cuốn sự tham gia các sinh viên giỏi tin học toàn quốc, năm 2009 hứa hẹn đầy kịch tính về thứ hạng và tạo tính sôi động trong kỳ thi.

Từ 2004 khi Siêu CUP OLP’04 Lâm Xuân Nhật lần đầu giơ cao CUP Vàng tại Hải Phòng, Siêu CUP OLP’09 trở lại Hà Nội với Nguyễn Minh Hiếu Đại học Bách Khoa Hà Nội, thứ hạng không nhiều đổi thay tuy nhiên đường tới Siêu CUP OLP luôn đổi thay và chưa có sinh viên nào nâng Siêu CUP 2 lần. Thứ vị Siêu CUP có đổi thay CUP bạc 2008 Trịnh Trần Đăng Khoa vẫ giữ nguyên vị trí, CUP đồng 2008 Tạ Việt Cường đổi màu thành Bạc, Siêu CUP 2008 Phạm Tuấn Vũ tạm lùi với CUP đồng. 2 sinh viên Đại học Ngoại thương cùng sinh viên Bách khoa Đà Nẵng giành đồng Giải Ba Siêu CUP.

Cuộc tranh ngôi các giải cá nhân OLP’09 có nhiều đổi ngôi thú vị, khối Chuyên tin về Đại học Bách khoa Tp HCM với ngôi Vô địch Nguyễn Khách Lợi và Bách khoa Tp HCM còn giật thêm 1 giải Nhất, hai sinh viên Học viện Công nghệ BCVT Hà Nội đoạt nhất và nhì khối chuyên tin. Khối không Chuyên tin với ngôi vô địch thuộc về Trương Thái Châu Đại học KHTN - ĐHQG Tp HCM và 1 giải Nhất của nữ sinh viên Vũ Thị Liên - Học viện Tài chính. Ở Khối thi Cao Đẳng, vô địch thuộc về Trương văn Tuấn Cao đẳng Sư phạm Nghệ An và 1 giải Nhất thuộc về trường Sĩ quan kỹ thuật Quân sự. Ở khối thi Phần mềm nguồn mở cả hai giải Nhất, Nhì đều thuộc về Đại học CNTT – ĐHQG Tp HCM.

Giải Đồng đội OLP’09 thuộc về Đại học Bách Khoa Hà Nội (Chuyên Tin), Đại học Kinh tế quốc dân (không chuyên) và trường Sỹ quan Kỹ thuật Quân sự (cao đẳng).

Giải thưởng sáng tạo lần đầu tiên trong Olympic đã có chủ nhân

Giải thưởng Mùa hè sáng tạo viết ứng dụng phần mềm nguồn mở  trên cơ sở mô phỏng “Google Summer of Code”  viết mã nguồn cho các dự án PMNM do Hội Tin học Việt Nam, Văn phòng Công nghệ thông tin Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Công ty truyền thông Việt Nam với sự ủng hộ của cộng đồng Mã nguồn mở Việt Nam, các trường Đại học và Doanh nghiệp tổ chức. Từ tháng 7 đến tháng 9 trên cơ sở các dự án của  sinh viên với các ý tưởng gửi tham dự, hội đồng đã lựa chọn 8 dự án có ý tưởng và kế hoạch thực hiện trong 2 tháng tốt nhất để hoàn thiện và phát triển. Các dự án lựa chọn được Ban Tổ chức đầu tư 4 triệu đồng để hoàn thiện, giai đoạn một đầu tư 2 triệu đồng và các giám khảo đánh giá giữa giai đoạn vào cuối tháng 8, kết quả 7 dự án được đầu tư tiếp tục. Từ 25/9/2009 Hội đồng giám khảo đã tích cực làm việc và đánh giá lựa chọn 5 dự án xuất sắc nhất vào vòng Chung khảo và tới OLP’09 tại Đại học Nha Trang bảo vệ Chung khảo. Ngày 9/10, song song với cuộc đấu trí ACM/ICPC Việt Nam, 5 dự án vào chung khảo đã lần lượt bảo vệ để dành ngôi vị quán quân. Hội đồng giám khảo đã trực tiếp nghe các dự án trình bày 20-25 phút và chất vấn cùng nhóm tác giả trong 25 phút cho mỗi dự án. Mùa hè sáng tạo đã có kết quả:

1 LiveParaOS Đại học Bách khoa Hà Nội Nhất
2 Xây dựng công cụ giải  bài toán quản lý y tế tuyến cơ sở – VNHIS( Vietnam Hospital Information System) Đại học Bách khoa Hà Nội Nhì
3 POMA – Position Manager Đại học Bách Khoa – ĐHQG Tp Hồ Chí Minh Ba
4 Math Assistance software - Phần mềm hỗ trợ dạy và học toán Đại học Khoa học tự nhiên  - ĐHQG Tp HCM Khuyến khích
5 SNORG - Social Network for Organization Đại học Bách Khoa - ĐHQG Tp Hồ Chí Minh Khuyến khích

 10 đội tuyển Việt Nam sẽ tự tin đến Thái lan tìm vị trí dự Chung kết ACM/ICPC toàn cầu

Năm nay Việt Nam không đăng cai vòng loại ACM/ICPC Châu Á,  Kỳ thi ACM/ICP Đại học Nha Trang là kỳ thi quốc gia, từ đây sẽ chọn lựa 10 đội tuyển Việt Nam xuất sắc nhất tham dự vòng loại Châu Á tại Thái Lan, Indonexia, Iran ... để dành quyền ghi danh trong Top 100 trường đại học sẽ có mặt tại Harbin Trung Quốc trong Chung kết toàn cầu ACM/ICPC tổ chức từ 1-6/2/2010.

83 đội dự ACM/ICPC với 247 sinh viên tham gia thi đấu tạo một không khí đầy sôi động, phấn khích tại Nhà thi đấu đa năng ĐH Nha Trang. Các Đội tuyển rất quyết tâm và có thể thấy nhiều gương mặt quen thuộc: Đội ACT Đại học Công nghệ ĐHQG Hà Nội được tái lập lại từ TheLastChance đã dự World Final ACM/ICPC 2009 tại Thụy điển với cây coder chủ công Tạ Việt Cường (CUP bạc Siêu CUP 2009), đội Passion ĐH KHTN Tp HCM với các coder chủ công với Siêu CUP OLP’08 Phạm Tuấn Vũ và CUP Bạc OLP’09 Trịnh Trần Đăng Khoa. Với quyết tâm giữ vị trí đại diện Việt Nam dự World Final các trường ĐH KHTN Tp HCM và Đại học Công nghệ QG Hà Nội HN, Đại học Bách khoa Hà Nội và Tp HCM đều cử ít nhất ba đội mạnh gồm các sinh viên đầy tiềm năng. Lần thứ hai tham dự Đại học FPT cử tới 5 đội tuyển tham chiến (1 đội từ Tp HCM) gồm các sinh viên IT hàng đầu đã đoạt giải IOI các năm 2007, 2008. Các đội tuyển đã rất quyết tâm để có mặt trong Top 10 Việt Nam tiếp tục thi đấu vòng loại Châu Á tại Phuket Thái lan.

Kỳ thi ACM/ICPC năm 2009 bắt đầu từ 8h07 phút sáng 9/10 và sôi động từ ngay những phút đầu. Các đội với 1 PC phải giải quyết tổ hợp 8 vấn đề khác nhau trong vòng 5 tiếng với nguyên tắc gửi bài và chấm tự động trên hệ chấm chuẩn quốc tế PC^2 mới nhất version 9.1 và chỉ đúng mới được 1 điểm, sai sẽ nộp lại đến khi đúng và bị cộng thêm cho mỗi lần nộp 20 phút tính giờ.

 Căng thẳng thi đấu giành giật vị trí trong Top 10 ACM/ICPC Việt Nam

8h07, các đội tuyển nhận đề, ngay từ phút đầu đã thấy khí thế của một trận chiến online - không phải là Game nhưng đối với các Coder thì đây quả là một game trí tuệ trong một trận đấu thứ hạng với 5 tiếng căng thẳng,  với 8 bài từ A-H sẽ phải giải quyết trong 5 tiếng thi đấu.

Phút thứ 3 và 4 có 3 đội tuyển nộp bài và giành ngay điểm: phút thứ 3 với bài B đội Alpha Đại học Bách khoa Hà Nội giành vị trí số 1, sau 1 phút Đội Passion ĐH KHTN Tp HCM và Đại học Nha Trang với bài A có ngay điểm đầu. Phút thứ 6, Passion dẫn đầu với 2 bài A, B. Phút thứ 22 đã có 2 đội giải được 3 bài là Alpha và ZERO-ĐH FPT, phút 43 Passion nộp bài D và lại vươn lên dẫn đầu với 4 bài.

Kể từ đây cuộc ganh đua bắt đầu quyết liệt. Tuy 2 lần sự cố server thi đấu vào phút 130 và phút thứ 230, nhưng với nỗ lực của Hội đồng giám khảo và đội kỹ thuật các đội tuyển vẫn yên tâm làm bài và gửi nộp chấm online. Đến lúc này các đội Top đầu vẫn tranh giành ngôi đầu bảng xếp hạng.

Bài F được ACT - Đại học Công nghệ - ĐHQG HN  giải được phút thứ 74, Bài G được ĐH FPT giải phút thứ 114, Bài E được Đại học Ngoại thương giải được phút thứ 115, Bài H cuối cùng được Alpha và ACT cùng nộp có kết quả phút thứ 146. Như vậy cả 8 bài của Ban ra đề điều được các đội tuyển giải quyết trọn vẹn, tuy nhiên vẫn  còn 3 đội không giải được và không được điểm nào.

Trong 90 phút cuối  là những thời điểm quyết định ngôi vị, phút thứ 261 ACT giải nốt bài E thứ 8 sau 5 lần nộp và là đội duy nhất giải đủ 8 bài. Cùng thời điểm Knight_1 được bài 7, nhưng bó tay với bài G cuối cùng dù 3 lần nộp kết quả. Tương tự, Pasion giải được bài G với 11 lần nộp và đành bỏ bài F.

Chung cuộc đội ACT ĐH Công nghệ ĐHQG HN đã giải đủ 8 bài và giành điểm cuối ở phút thứ 261 sau 5 lần nộp. Đội Knight_1 của ĐH Ngoại thương bám đuổi với 7 bài giải trọn vẹn, Đội Passion Đại học KHTN ĐHQG Tp HCM tuy dẫn dầu tiếng thứ 3 nhưng bị mắc ở các bài cuối và về thứ hạng 3.

Kết quả chung cuộc như sau (tính theo số bài giải được và số phút tính hạng):    

Rank Name Solved Time ACM/ICPC Certificate Giải
1 Đại học Công nghệ ĐHQG Hà Nội – ACT 8 956 Champion Vô  địch
2 Đại học Ngoại Thương – FTU Knights 1 7 871 First Prize Giải Nhất
3 Đại học khoa học tự nhiên – ĐHQG Tp Hôd Chí Minh - HCMUS-Passion 7 1085 First Prize Giải Nhất
4 Đại học Bách khoa Hà Nội - Alpha 6 1110 First Prize Giải Nhất
5 Đại học Bách khoa Tp Hồ Chí Minh- BK_AC 5 399 Second Prize Giải Nhì
6 Đại học FPT - BLUE FLAME 5 433 Second Prize Giải Nhì
7 Đại học Bách khoa Tp Hồ Chí Minh- BK_Raptor 5 499 **Second Prize**  
8 Đại học FPT - JOSE MOURINHO 5 556 **Second Prize**  
9 Đại học FPT- FU- TOAD 5 662 **Second Prize**  
10 Đại học Bách khoa Đà Nẵng - J.4.F Pro 5 673 Second Prize Giải Nhì

Theo xếp hạng, Vô định Đại học Công nghệ ĐHQG Hà Nội, tiếp theo là Đại học Ngoại thương, Thứ ba Đại học KHTN Tp HCM và thứ 4 là Đại học Bách Khoa Hà Nội. Trong Top 10 ACM/ICPC Việt Nam Đại học FPT với 1 giải Nhì và có tên 3 đội trong Top 10, Đại học Bách khoa Tp Hồ Chí Minh góp 2 đội Top 10 Việt Nam, đáng chú ý là Bách khoa Đà Nẵng là khuôn mặt cuối cùng trong Top 10. Tổng cộng có 1 Giải Vô địch, 3 giải nhất, 4 giải Nhì và 4 giải Ba Kỳ thi ACM/ICPC Việt Nam 2009.

Có gần 20 đội tham gia bảng xếp hạng ACM/ICPC các đội không chuyên: Nhất Đại học Điện lực, Nhì ĐH kỹ thuật Lý Tử Trọng. Kết quả chi tiết trên: http://www.itweek.org.vn/olympic/2009/index.html

Từ  2005, Việt Nam liên tục có  trường Đại học có đội tuyển sinh viên trong xếp hạng Top 100 trường Đại học ghi danh trong Chung kết toàn cầu ACM/ICPC - kỳ thi có  lịch sử 33 năm, kỳ thi của  trí tuệ tập thể danh tiếng nhất thế giới dành cho sinh viên CNTT các trường Đại học.

Ngôi Vô địch ACM/ICPC Việt Nam đã thuộc về ACT Đại học Công nghệ ĐHQG Hà Nội. Từ kết quả ACM/ICPC Việt Nam 10 đội tuyển xuất sắc nhất đã đăng ký và sang dự vòng đấu loại ACM/ICPC Châu Á tại Phuket, Thái Lan vào ngày 4/11/2009, mỗi đội tham dự sẽ được Ban tổ chức hỗ trợ 10 triệu đồng và đoàn sinh viên CNTT Việt Nam gồm 30 sinh viên sẽ cùng Thái Lan và các nước Châu Á thi đấu giành xuất dự World Final ACM/ICPC tại Harbin Trung Quốc sẽ tổ chức từ 1-6/2/2010.

Tính đến nay đã có 3 trường Việt Nam đã có tên trong bảng xếp hạng World Final ACM/ICPC là Bách Khoa Tp HCM (2006), Đại học Công nghệ QG Hà Nội (2007,2008,2009) và Đại học KHTN – ĐHQG Tp HCM (2008). Trước đó và đến nay còn các đội toàn sinh viên Việt Nam cũng có mặt trong Chung kết toàn cầu như Đại học Công nghệ Nayang (Singapore), Đại học Quốc gia Singapore, nhiều sinh viên Việt Nam du học cũng có mặt trong các Đội tuyển thuộc Bắc Mỹ và Úc - NewZiland.

Thay lời kết

Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam lần thứ 18 (OLP’09) và Kỳ thi lập trình sinh viên quốc tê ACM/ICPC Việt Nam tại Đại học Nha Trang đã được tổ chức thành công và chu đáo. Để đón gần 1000 sinh viên và thầy cô tham dự Đại học Nha Trang đăng cai tổ chức đã hết lòng vì thành công của cuộc thi. OLP’09 và ACM/ICPC Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ và quan tâm của các Doanh nghiệp đặc biệt Tập đoàn BCVT Việt Nam vẫn tiếp tục 7 năm là Nhà tài trợ chính, Công ty Netcom tài trợ và đảm bảo mạng không dây cho kỳ thi liên tục trong 5 năm qua. Các Doanh nghiệp khác đã có phần thưởng xứng dáng cho sinh viên đoạt giải bằng hiện vật như FPT, HP, Intel, Microsoft, CMC, CMS…. Công ty FPT đã treo giải thưởng 150 triệu đồng cho Đội Việt Nam ghi danh trong top 30 và 50 triệu đồng cho top 40 trong bảng xếp hạng ACM/ICPC toàn cầu năm 2010.

Các sinh viên Việt Nam tự khẳng định mình “tự tin đi ra biển lớn hội nhập Quốc tế” bằng việc cùng tranh đẳng cấp cao nhất với các đội tuyển Châu Á và thế giới. Kỳ thi ACM/ICPC là một  hoạt động thiết thực cho sinh viên trong tiến trình hội nhập đáng được quan tâm nhằm từng bước đưa các tên tuổi của Đại học Việt Nam vào danh mục các trường đại học đào tạo chuyên ngành CNTT-TT đẳng cấp Quốc tế. Thành công của kỳ thi OLP’09 và ACM/ICPC tại Đại học Nha Trang đã khẳng định xu thế “xã hội hoá” các hoạt động chuyên môn mang tính phong trào và các hoạt động thúc đẩy tài năng của các tổ chức xã hội nghề nghiệp  trong mối liên kết chặt chẽ của ngành Giáo dục Đào tạo cùng các bộ, ngành nhà nước với sự đóng góp ủng hộ của các tổ chức và doanh nghiệp theo tiêu chí “chất lượng chuyên môn và hiệu quả cao, tiết kiệm ”.

Tiếp tục tranh tài với mục tiêu để Việt Nam tiếp tục có đại diện lọt vào vòng chung kết toàn cầu ACM/ICPC khẳng định thương hiệu của các trường đại học Việt Nam. Đó cũng là nỗ lực của cá nhân các tài năng sinh viên Việt Nam qua việc tập dượt trong các kỳ thi Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam hàng năm trong tiến trình hội nhập, góp phần nâng cao vị thế của tài năng trẻ Công nghệ thông tin trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Chúc các đội tuyển đại diện cho giới trẻ CNTT-TT Việt Nam cải thiện và nâng tầm thứ hạng Việt Nam trên bản đồ đào tạo CNTT-TT bậc đại học toàn cầu tại vòng Chung kết ACM/ICPC năm 2010. Qua 18 năm phong trào Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam và 5 lần tham dự Chung kết toàn cầu kỳ thi ACM/ICPC các sinh viên CNTT Việt Nam đã nỗ lực giành vị trí xếp hạng trong Top 100 các trường đẳng cấp Quốc tế về CNTT trong bảng xếp hạng ACM/ICPC toàn cầu. Tại bảng xếp hạng theo lãnh thổ cho lập trình sinh viên Việt Nam cũng đang có thứ hạng 20 của TopCoder, Việt Nam cũng đã hai lần góp tên trong Chung kết Imagine CUP toàn cầu. Nếu năm 2009, 10 đội tuyển Việt Nam với quyết tâm và sự tự tin các bạn trẻ CNTT Việt Nam sẽ đưa thứ hạng của Việt Nam lên Top 30 và 40 trong xếp hạng của Kỳ thi ACM/ICPC toàn cầu năm 2010 tại Trung Quốc.

Chúc các bạn trẻ CNTT thành công!

Ban Tổ chức OLP’09 và ACM/ICPC Việt Nam

 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top