Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, vì sức khỏe của bạn và mọi người xung quanh
Theo các chuyên gia về sức khỏe, thuốc lá có hàm lượng Nicotin cao - là chất gây nghiện mạnh, làm tăng nhịp tim, mức hô hấp, huyết áp, kích thích khu vực khoái cảm của não làm tăng cảm giác hưng phấn, khiến người hút phụ thuộc vào thuốc lá, từ đó dẫn tới những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Trong khói thuốc lá có chứa hơn 7.000 loại hóa chất, trong đó, ít nhất 250 loại hóa chất có hại cho sức khỏe và khoảng 70 loại hóa chất có thể gây ung thư, đột biến và độc tố.
Khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích lũy lâu ngày gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp. Người hút thuốc lá dễ bị các bệnh như: rụng tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, giảm thính lực, sâu răng, ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu, ung thư phổi và các bệnh ở cơ quan khác như: mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh quản, thực quản, thận, tụy; ung thư cổ tử cung ở phụ nữ; tinh trùng biến dạng, vô sinh ở nam giới; trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng đối với trẻ em, v.v. .
Các bệnh do hút thuốc lá gây ra đã được các nhà khoa học trên thế giới và trong nước nghiên cứu và kết quả đã được chứng minh qua thực tế. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc bao giờ cũng ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 05-08 năm. Hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30-80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư (ung thư phổi),…..
Hút thuốc lá cũng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí trong nhà, nơi làm việc, nơi công cộng, ngoài trời do khói thuốc thải ra ngoài môi trường hàng ngàn hóa chất độc hại. Ngoài tác hại đối với sức khỏe thì thuốc lá cũng là nguyên nhân hủy hoại môi trường sống của con người; ước tính mỗi năm có khoảng 4.500 tỷ đầu lọc thuốc lá và đây là một khối lượng rác thải không nhỏ nguy hại thải ra ngoài môi trường, từ 5-7 năm chúng mới có thể phân hủy hết.
Đối với người lớn, khi tiếp xúc với khói thuốc sẽ có tác động xấu ngay lập tức đến hệ tim mạch và có thể gây ra bệnh tim mạch vành và ung thư phổi. Bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề về tuần hoàn máu, tim mạch, chẳng hạn như bệnh tim và đột quỵ. Nhất là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em, khi cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, sức đề kháng kém nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi những tác hại do khói thuốc đem lại và là nguyên nhân gây nên nhiều loại bệnh tật nguy hiểm.
Đối với trẻ em, khói thuốc thụ động cũng có thể gây ra các vấn đề về răng miệng cho người khác khi hít phải, điển hình là tình trạng sâu răng ở trẻ em.
Theo các phân tích, khói thuốc có thể gây viêm màng miệng, tổn thương chức năng tuyến nước bọt và giảm nồng độ vitamin C trong huyết thanh cũng như rối loạn chức năng miễn dịch. Tất cả những điều này đều góp phần vào sự phát triển của sâu răng ở trẻ em.
Tác hại hút thuốc lá thụ động ở trẻ em cũng được quan sát thấy nồng độ IgA trong nước bọt thấp, nồng độ axit sialic và hoạt tính cao hơn. Axit sialic là một trong các yếu tố thúc đẩy sự hình thành mảng bám răng và cuối cùng là gây sâu răng. Hơn nữa, răng của trẻ tiếp xúc với hút thuốc thụ động cho thấy chức năng hình thái và sự khoáng hóa mô cứng răng cũng bị ức chế. Như vậy, điều này cho thấy rằng việc giảm thiểu khói thuốc thụ động có thể giúp ngăn ngừa sâu răng ở trẻ em.
Việc bỏ thuốc lá phụ thuộc chính vào sự quyết tâm của bản thân người hút. Thiết lập môi trường không có khói thuốc lá là nhiệm vụ chung của tất cả mọi người, để bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như cả cộng đồng./.