Việc Trung Quốc công bố đặt 'danh xưng' cho các chủ thể địa lý trên Biển Đông là 'cố tình đòi hỏi phi lý'. (Ảnh minh họa. Nguồn: Sputnik)
Hãng tin của Nga bình luận: "Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) viết rằng, các quốc gia không thể đòi hỏi chủ quyền đối với các chủ thể dưới mặt nước biển nếu như các chủ thể này không nằm trong khu vực 12 hải lý tính từ điểm xác định gần nhất trên đất liền.
Do đó, việc Trung Quốc công bố tên gọi cho khoảng 20 chủ thể địa lý gồm các đảo, bãi cạn và rạn san hô ở Biển Đông, cũng như hơn 50 vỉa đá ngầm dưới Biển Đông là cố tình tuyên bố đòi hòi chủ quyền phi lý, bất chấp luật pháp quốc tế, khiêu khích phản ứng đáp trả của các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á".
ANNA-News trích dẫn bình luận của chuyên gia Mỹ Gregory Pauling về vấn đề này nêu rõ: "Đáy biển không phải là chủ thể để đòi hỏi chủ quyền theo luật biển quốc tế”. Theo chuyên gia Pauling, việc Trung Quốc đặt tên và đòi hỏi chủ quyền đối với các rạn san hô ở Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cùng ngày, trang tin kinh tế Enovosti.ru có bài bình luận về tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông tác động tới an ninh khu vực. Theo Enovosti, tình hình đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 cũng như tháng lễ ăn chay Ramadan của người Hồi giáo không làm cho thế giới yên tĩnh hơn bởi quyết định mới đây của chính quyền Trung Quốc công bố đặt tên cho các chủ thể địa lý trên Biển Đông.
Enovosti gọi bước đi này của chính quyền Trung Quốc là một hành động đẩy căng thẳng gia tăng tại Biển Đông.