Trường Sa vang mãi khúc khải hoàn

Thứ năm, 25/06/2020 11:05

Cách đây 45 năm, trong lúc trên đất liền các cánh quân lớn đang hành quân thần tốc tiến vào Xuân Lộc, chọc thủng tuyến phòng ngự cuối cùng của cửa ngõ phía đông Sài Gòn; trên tuyến biển, chấp hành chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Quân chủng Hải quân đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng, tranh thủ thời cơ, mưu trí, dũng cảm, bất ngờ tấn công giải phóng quần đảo Trường Sa.

 Lần đầu tiên tôi vinh dự được tháp tùng cùng đoàn công tác của Bộ Quốc phòng và các cơ quan dân chính đảng trên đất liền ra thăm Trường Sa đúng vào dịp kỷ niệm 32 năm ngày Trường Sa được giải phóng. Trưởng đoàn công tác là trung tướng Bùi Văn Huấn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (sau này là thượng tướng); Phó Trưởng đoàn là chuẩn đô đốc Trần Thanh Huyền, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân (sau đó là phó đô đốc, Chính ủy).

 
Thần tốc, táo bạo, bất ngờ
 
Vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, quân và dân huyện đảo Trường Sa đã đạt được những thành tích vẻ vang. Nhiều đảo được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân; được tặng Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, cờ thi đua, đơn vị huấn luyện giỏi, đơn vị Quyết thắng...
 
Đảo đầu tiên đoàn đặt chân đến là Trường Sa Lớn. Cũng tại trung tâm huyện lỵ Trường Sa này, đoàn công tác cùng quân và dân trên đảo đã tổ chức trọng thể lễ mít tinh kỷ niệm 32 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975-29/4/2007). Giữa biển Đông mênh mông bốn bề sóng vỗ, lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trước gió hòa quyện với giai điệu của bài Tiến quân ca, chuẩn đô đốc Trần Trọng Huyền đã đọc diễn văn của buổi lễ: Trong hào khí cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 lịch sử, sau chiến thắng vang dội của ta ở mặt trận Buôn Ma Thuột, Huế, Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác, thực hiện mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương, với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, Quân chủng Hải quân đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng, tấn công giải phóng quần đảo Trường Sa…
 
20200625-l38.jpg
 
Chào cờ và mít tinh kỷ niệm 32 năm Ngày giải phóng Trường Sa (29/4/1975-29/4/2007) tại đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: XUÂN HIẾU
 
Ngày 11/4/1975, các lực lượng của ta bí mật xuất phát từ Đà Nẵng và chọn đảo Song Tử Tây làm mục tiêu giải phóng đầu tiên. Rạng sáng 14/4, Đội 1, Đoàn 126 đặc công Hải quân, dưới sự chỉ huy của đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế, có tăng cường một bộ phận của Tiểu đoàn 471 đặc công Quân khu 5 bí mật áp sát đảo. Đúng 4 giờ 30 cùng ngày, sau phát súng ĐKZ đầu tiên báo hiệu lệnh hiệp đồng, bộ đội ta bắt đầu tiến công. Bị đánh bất ngờ, địch vội vàng triển khai đội hình, chúng dùng súng 12,7mm, cối 82mm, ĐKZ chống trả. Sau 30 phút chiến đấu, địch không thể chống cự, phải tháo chạy tán loạn. Thừa thắng, quân ta vừa truy lùng vừa kêu gọi địch ra hàng. Đúng 5 giờ 5 cùng ngày, chiến sĩ Lê Xuân Phát kéo lá cờ đỏ sao vàng lên đỉnh cột mốc chủ quyền báo hiệu đảo Song Tử Tây được giải phóng.
 
Sau khi ta giải phóng Song Tử Tây, hệ thống phòng thủ của địch trên quần đảo Trường Sa bị đe dọa, địch hoang mang lo sợ. Tiếp cận và hoàn tất công tác trinh sát, sáng 25/4, lệnh tấn công lên đảo Sơn Ca được đưa ra. Chỉ sau 30 phút khi nổ súng, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam phấp phới tung bay trên cột mốc chủ quyền của hòn đảo này. Thừa thắng tiến lên, 10 giờ 30 ngày 27/4, ta hoàn toàn làm chủ đảo Nam Yết - trung tâm chỉ huy của địch trên quần đảo Trường Sa. Đến 9 giờ ngày 29/4/1975, phân đội chiến đấu cuối cùng của Lữ đoàn 126 đổ bộ hoàn toàn làm chủ đảo Trường Sa.
  
Chủ trương đúng, kịp thời
 
Theo trung tướng Bùi Văn Huấn, từ đầu năm 1975, Bộ Tổng tham mưu đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhìn nhận cần gấp rút giải phóng các đảo trong quần đảo Trường Sa - vùng lãnh hải có vị trí chiến lược rất quan trọng về kinh tế và quân sự mà quân đội Việt Nam Cộng hòa đang nắm giữ. Đây là chủ trương đúng đắn, sáng suốt, có tầm nhìn xa, trông rộng, nhằm ngăn chặn kịp thời sự chiếm đóng, can thiệp của các lực lượng nước ngoài trong lúc rối ren, đồng thời tránh được những sự phức tạp sau này, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thời điểm này, Trường Sa có 11 đảo có người ở do quân đội của ba nước và vùng lãnh thổ đóng giữ, gồm: Đài Loan chiếm giữ Ba Bình; Philippines giữ Thị Tứ, Vĩnh Viễn, Bến Lạc, Nam Côn, Song Tử Đông; chính quyền Việt Nam Cộng hòa đóng giữ Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn và mới đặt bia chủ quyền ở đảo An Bang (chưa có người ở). Lực lượng quân đội Sài Gòn đóng giữ ở đây gồm khoảng 150 lính bảo an, thuộc Tiểu đoàn 371 Phước Tuy.
 
“Lực lượng giải phóng quần đảo Trường Sa là một trong những mũi tiến công thành công nhất trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975”, chuẩn đô đốc Trần Thanh Huyền khẳng định. Bởi lúc này, lực lượng Hải quân của ta chưa thực sự đủ mạnh, tàu nhỏ, sóng lớn, phương hướng không xác định được cụ thể. Ta cũng chưa hiểu rõ kẻ thù phòng thủ như thế nào, lại tác chiến cách bờ hàng trăm hải lý… Song bộ đội ta đã chấp hành triệt để mệnh lệnh của cấp trên, khắc phục mọi khó khăn, kịp thời giải phóng các đảo, đá mà quân đội Sài Gòn chiếm giữ, hạn chế thấp nhất thương vong, góp phần vào thắng lợi chung giải phóng hoàn toàn miền Nam, vang mãi khúc khải hoàn.
 
Sức sống mới giữa trùng khơi
 
Sau 45 năm kể từ ngày giải phóng, Trường Sa hôm nay đang bừng bừng sức sống mới. Tại huyện lỵ Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn), những công trình kiên cố như sân bay, bến tàu, cầu cảng, trung tâm y tế, trường học… được dựng xây trên nền thổ nhưỡng vốn là cát san hô phủ lớp mùn mỏng. Không chỉ như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa biển Đông, đêm về Trường Sa Lớn điện sáng lung linh; cỏ cây xanh ngát bốn mùa; hàng ngày, nhất là rằm, mùng một vang vọng tiếng chuông chùa... Hay như Sinh Tồn là một trong những đảo không có nước ngọt; thổ nhưỡng chủ yếu trên đảo là cát, san hô. Nhưng với sự đầu tư và chăm chút của cả nước, nhiều bể ngầm nước ngọt được xây dựng đã cơ bản đảm bảo nước sinh hoạt hàng ngày cho dân và quân ở đảo. Hệ thống pin năng lượng mặt trời và quạt gió được đầu tư những năm gần đây đã giúp quân và dân trên đảo có điện sinh hoạt. Bên cạnh đó, với ý chí tự lực, tự cường và tinh thần chủ động, đoàn kết khắc phục khó khăn, quân và dân xã đảo này đã tích cực tăng gia sản xuất tự bảo đảm được 100% nhu cầu rau xanh và một phần lớn thực phẩm. Khi màn đêm buông xuống, đảo Sinh Tồn như một thành phố lung linh, huyền diệu tràn đầy sức sống giữa trùng khơi.
 
20200625-l37_1.jpg
 
Trung tướng Bùi Văn Huấn phát biểu tại lễ mít tinh. Ảnh: XUÂN HIẾU
 
Còn xã đảo Song Tử Tây, đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên đảo phát triển từng ngày, bộ mặt của đảo có sự thay đổi đáng kể so với trước. Ngoài sở chỉ huy của đảo bộ, hải đăng, bệnh xá, trường học, trụ sở UBND xã…, trên đảo có nhiều công trình bề thế như: âu tàu có sức chứa 100 tàu cá; làng chài có thể bảo đảm cùng lúc cho trên dưới 400 ngư dân ăn nghỉ tại đảo; hệ thống năng lượng mặt trời và quạt gió đủ điện cung cấp 24/24. Nhà dân, nơi ở của bộ đội có ti vi, đầu karaoke để theo dõi thời sự và giải trí...
 
Ở các đảo chìm như Tiên Nữ, Đá Nam, Đá Lát, Tốc Tan, Thuyền Chài, Núi Le, Cô Lin…, điều kiện không bằng các đảo nổi nhưng nhà cửa, bể chứa nước ngọt, hệ thống năng lượng mặt trời… cũng đã được xây dựng mới đi kèm nhiều trang thiết bị hỗ trợ. “Sự động viên, hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước hướng về Trường Sa chính là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn cho những người lính ở nơi đầu sóng ngọn gió, tiếp thêm sức mạnh, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”, đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Hải quân, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa khẳng định.
 
XUÂN HIẾU
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top