Ảnh bìa cuốn sách "Trường Sa trong tôi" (Ảnh:KS)
Cuốn sách ra mắt vào đầu tháng 5 năm 2020. Chủ biên của cuốn sách gồm các đồng chí: Phạm Văn Quang, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân; Tiến sĩ Trần Doãn Tiến, Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cuốn sách do Nhà xuất bản Thế giới thực hiện với 244 trang chia thành nhiều phần khác nhau như: Tháng 5 với các “Chiến sĩ Trường Sa”; Dấu ấn không thể nào quên… Đây là "một cuốn nhật ký hải trình" của đoàn công tác số 13 trên con tàu KN491. Từ ngày 18 - 26/5/2019, Đoàn công tác đã lần lượt đến thăm, gặp gỡ, động viên cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên các đảo: Đá Lớn A, Đá Thị, Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le B, Tốc Tan A, Phan Vinh A, Đá Tây B, Trường Sa và Nhà giàn DK1/7.
Trong Lời nói đầu, Tiến sĩ Trần Doãn Tiến, Trưởng đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương viết: “Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước luôn hướng về Trường Sa với những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Trường Sa hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới với một khí thế mới, sức sống mới. Ở mỗi nơi đoàn công tác đi qua, dù là đảo nổi hay đảo chìm, cuộc sống của các cán bộ, chiến sĩ cũng đã được cải thiện đáng kể. Đảo đã có thêm công trình nhà văn hóa đa năng khang trang, rộng rãi, có các phòng sinh hoạt chung, phòng tập thể dục thể thao, nơi ở, thư viện, phòng chăm sóc sức khỏe cho các chiến sĩ... Đoàn công tác mong muốn trong thời gian tới, cán bộ, chiến sỹ trên đảo sẽ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của Hải quân Nhân dân Việt Nam, đoàn kết, thống nhất vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó".
Đặc biệt, lưu lại trong cuốn sách với những dòng chữ đầy cảm xúc về chuyến đi, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân Phạm Văn Quang, Trưởng đoàn công tác viết: “Và trên tất cả là tình người. Con người thật nhỏ bé trước biển khơi. Nhưng thông qua các hoạt động hết sức ý nghĩa trong suốt chuyến hành trình, các thành viên của Đoàn công tác ngày càng thêm gắn bó; giữa biển khơi, tình người, tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân càng thêm sâu nặng, mênh mông, bền chặt. Những con người từ nhiều miền quê, nhiều lĩnh vực, nhiều cương vị công tác khác nhau, nhưng khi đến với Trường Sa đều có chung một tình cảm, suy nghĩ và quyết tâm hành động “Cả nước vì Trường Sa thân yêu, tất cả để Trường Sa ngày càng gần hơn với đất liền. Quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo”.
Cuốn sách đã ghi lại hình ảnh các hoạt động của Đoàn công tác với những điểm nhấn rất đáng chú ý: thăm và dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các liệt sỹ tại thị trấn Trường Sa; dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm chùa Linh Sơn trên đảo Sơn Ca …cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác. Ngoài các hoạt động thăm và động viên cán bộ, chiến sỹ trên đảo, đoàn công tác còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, đem đến cho các cán bộ, chiến sĩ những ca khúc đặc sắc, ca ngợi về biển đảo, về quê hương đất nước, về những người chiến sĩ Hải quân nơi đảo xa. Tiếng hát của các ca sĩ giữa biển khơi bao la chứa đựng tình cảm, hơi ấm từ đất liền đã tạo ra nguồn động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.