Trung Quốc phải trả giá ngày càng đắt cho tham vọng ở Biển Đông

Thứ sáu, 28/08/2020 07:48

Với việc áp đặt lệnh trừng phạt vào 24 công ty Trung Quốc liên quan tới việc bồi đắp và xây dựng trái pháp các đảo nhân tạo ở Biển Đông, Mỹ muốn phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng, Washington sẽ không dừng lại ở việc chỉ trích mà sẽ hành động cứng rắn hơn để buộc Bắc Kinh phải trả giá cho việc vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền các quốc gia liên quan, đe dọa tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này.

20200828-l1.jpg

Trung Quốc đã bồi đắp cải tạo đá Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo nổi nhân tạo quy mô lớn

 Những “khuôn mặt đen” bị Mỹ trừng phạt

Trong thông báo đưa ra ngày 26-8, chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết, áp đặt thêm sự trừng phạt đối với 24 công ty và một số cá nhân của Trung Quốc có liên quan tới những hành động xây dựng trái phép đảo nhân tạo và quân sự hóa ở Biển Đông. Thông cáo đăng trên trang web chính thức của Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ, Cục Công nghiệp và an ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung 24 công ty Trung Quốc vào danh sách các công ty bị Mỹ trừng phạt vì đã “giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án tại Biển Đông”.
 
Thông báo của chính quyền Mỹ cũng nhấn mạnh, bất chấp những phản đối của Mỹ và nhiều nước khác, Trung Quốc vẫn không ngừng tăng tốc xây dựng các đảo nhân tạo từ năm 2013, quân sự hóa các tiền đồn gây tranh cãi tại Biển Đông, làm xói mòn những quyền chủ quyền thuộc về các đối tác của Mỹ trong khu vực. Trong thông báo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross khẳng định, các công ty và cá nhân Trung Quốc bị liệt vào danh sách trừng phạt đã “đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xây dựng gây hấn những đảo nhân tạo này của Trung Quốc và họ phải chịu trách nhiệm”.
 
Trong số 24 công ty Trung Quốc vào “danh sách đen” trừng phạt của Mỹ, nổi bật nhất là Tập đoàn Kiến thiết giao thông Trung Quốc (CCCC) - “gã khổng lồ” trong nhiều dự án hạ tầng lớn ở Đông Nam Á. CCCC và các công ty con của tập đoàn này đi đầu trong hoạt động bồi đắp và quân sự hóa trái phép thực thể nhân tạo ở Biển Đông. Đồng thời, Tập đoàn CCCC còn được Trung Quốc ưu ái giao các dự án lớn trong “Vành đai - Con đường” vốn bị Mỹ chỉ trích là chiến lược ngoại giao bẫy nợ của Bắc Kinh. Nêu cụ thể trường hợp CCCC như để giải thích cho lý do trừng phạt, giới chức Mỹ cáo buộc tập đoàn này và các chân rết của nó “đã dính líu tới các hoạt động tham nhũng, tàn phá môi trường và lạm dụng một danh sách rất dài các nước trên thế giới”. Theo đó, năm 2009, CCCC từng bị Ngân hàng thế giới (WB) đưa vào danh sách đen vì gian lận trong đấu thầu đối với một hợp đồng đường cao tốc ở
 
Philippines. Trên sông Mekong, CCCC có vai trò chủ chốt trong các kế hoạch nổ mìn và khơi dòng chảy ở Trung Quốc, việc làm có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với các nước hạ nguồn con sông này.
 
Ngoài CCCC, trong số những công ty liên quan tới việc bồi đắp, xây dựng trái phép và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông còn có 4 công ty con của Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc (CETGC), Công ty Kỹ thuật cáp đại dương Thượng Hải, công ty thuộc Tập đoàn đóng tàu Trung Quốc, các công ty về điện tử, viễn thông, hàng không… Mỹ gọi những công ty bị trừng phạt là công cụ trong “chiến thuật săn mồi” của Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ, những công ty Trung Quốc nằm trong “danh sách đen” trừng phạt sẽ bị ngăn chặn tiếp cận những công nghệ và sản phẩm từ Mỹ hoặc có yếu tố Mỹ. Cùng với Bộ Thương mại Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 26-8 cho biết, sẽ áp các quy định hạn chế visa với một số cá nhân Trung Quốc “chịu trách nhiệm hoặc thông đồng” trong những hành động xây dựng trái phép đảo nhân tạo và quân sự hóa ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm, sẽ có chính sách hạn chế visa với những người có liên quan tới “hành động cưỡng ép của Trung Quốc với các nước đòi yêu sách chủ quyền ở Đông Nam Á nhằm ngăn chặn họ tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi”.

 
Mỹ không ngồi yên để Trung Quốc lấn tới ở Biển Đông
 
Thời gian qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã trừng phạt hàng chục công ty Trung Quốc bằng cách đưa họ vào “danh sách đen” để từ đó cấm mua một số sản phẩm nhạy cảm nhất định của Mỹ vì nỗi lo an ninh quốc gia... Tuy nhiên, với sự trừng phạt áp đặt với 24 công ty và cá nhân Trung Quốc ngày 26-8, đây là lần đầu tiên chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa công ty của cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới này vào “danh sách đen” vì vấn đề Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ khi công bố các biện pháp trừng phạt ngày 26-8 đã nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt này chỉ là bước đầu. Việc danh sách trừng phạt không có Tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC, tập đoàn sở hữu giàn khoan HD-981 đã xâm phạm vùng biển của Việt Nam năm 2014) cho thấy khả năng các công ty dầu khí và khảo sát Trung Quốc đã quấy rối hoạt động dầu khí của nước khác ở Biển Đông sẽ bị trừng phạt vào lúc khác. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 26-8 khẳng định, “Washington sẽ tiếp tục hành động cho tới khi Trung Quốc chấm dứt các hành vi cưỡng ép trên Biển Đông, hướng tới lợi ích chung và cư xử một cách thân thiện, tôn trọng các nước láng giềng”.
 
Việc áp đặt trừng phạt với 24 công ty và cá nhân Trung Quốc vì thế là thông điệp mạnh mẽ của Mỹ, cảnh báo Trung Quốc rằng Washington sẽ còn hành động mạnh mẽ hơn để đáp trả, ngăn chặn tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông theo yêu sách phi pháp “đường lưỡi bò” và thuyết “Tứ Sa”. Thực hiện những yêu sách chủ quyền phi pháp này, Trung Quốc từ năm 2013 đã ráo riết tiến hành bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép 7 thực thể chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nổi nhân tạo quy mô lớn.
 
Trung Quốc từ năm 2013 tới nay đã ráo riết đầu tư, tăng cường hoạt động bồi đắp 7 thực thể mà họ chiếm đóng trái phép trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo với tổng diện tích lên tới hơn 13 km2, chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa hiện nay. Trong đó, Trung Quốc bồi đắp 3 thực thể gồm đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn thành 3 đảo nhân tạo lớn, có đường băng rộng 55m, dài 3.000m, đủ để cho các máy bay chiến đấu hạng nặng có thể cất/hạ cánh; đồng thời có cảng biển nước sâu đủ cho các tàu chiến hạng nặng ra vào. Trong thời gian Trung Quốc bồi đắp trái phép các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo nổi nhân tạo cũng như có các hành vi hung hăng, gây hấn khác ở Biển Đông, Mỹ liên tục lên tiếng chỉ trích, đồng thời có những hành động răn đe như điều tàu chiến, thậm chí tàu sân bay, tuần tra vào trong phạm vi 12 hải lý các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
 
Tuy nhiên, tất cả những điều đó chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe, ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Trung Quốc đang hoàn tất tiến trình quân sự hóa ở Biển Đông khi xây dựng các đảo, thực thể chiếm đóng tại vùng biển này thành các căn cứ quân sự quy mô lớn, làm bàn đạp hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi pháp. Mỹ cũng đã nhận thấy những phản ứng của mình ở Biển Đông thời gian qua là chưa đủ để ngăn chặn tham vọng chủ quyền vô lý của Trung Quốc. Tiếp sau tuyên bố hồi tháng 7 vừa qua khẳng định yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc là “không có cơ sở pháp lý”, thể hiện bước ngoặt quan trọng của chính quyền Mỹ về vấn đề Biển Đông, với đòn trừng phạt với 24 công ty và cá nhân Trung Quốc ngày 26-8, Washington đang hành động ngày càng cứng rắn và mạnh hơn để buộc Bắc Kinh phải trả giá cho tham vọng ở Biển Đông.
Theo anninhthudo.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top