Theo Bloomberg, ở Trung Quốc, các quy tắc đối với các công ty niêm yết ở nước ngoài sẽ được sửa đổi và các công ty giao dịch công khai sẽ nhận được sự giám sát chặt chẽ hơn về cách họ xử lý dữ liệu.
Ngoài Didi, những gã khổng lồ công nghệ khác của Trung Quốc như Alibaba và Tencent cũng bị chính phủ giám sát trong những tháng gần đây.
Trong vài tháng qua, Bắc Kinh đã gia tăng trừng phạt các "ông lớn" công nghệ trong nước, từ việc hủy niêm yết 34,5 tỷ USD của Ant Group cho đến khoản phạt chống độc quyền 2,8 tỷ USD của Alibaba. 33 ứng dụng di động khác cũng đã bị "sờ gáy" vì thu thập nhiều dữ liệu người dùng hơn mức cần thiết khi cung cấp dịch vụ.
Bloomberg cho biết, Hội đồng Nhà nước mới đây đã đưa ra một tuyên bố họ sẽ siết chặt kiểm soát khu vực doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực, từ chống tín nhiệm đến an ninh mạng và cả lĩnh vực fintech.
Là một phần của tuyên bố, Trung Quốc cho biết các quy tắc đối với các công ty trong nước niêm yết ở nước ngoài sẽ được sửa đổi và các công ty giao dịch công khai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đảm bảo an toàn dữ liệu của họ. Đồng thời, Trung Quốc cũng sẽ tăng cường giám sát quy định đối với các công ty kinh doanh trên thị trường nước ngoài.
Các nhà lập pháp Trung Quốc đã bắt đầu chiến lược kiểm soát, thông qua Luật bảo mật dữ liệu mới để tăng cường kiểm soát của chính phủ đối với thông tin kỹ thuật số. Các luật mới được thông qua cung cấp một khuôn khổ rộng rãi cho các quy tắc trong tương lai về dịch vụ Internet, chẳng hạn như cách một số loại dữ liệu nhất định phải được lưu trữ và xử lý cục bộ.
Một bộ luật riêng biệt có tên là Luật Bảo vệ thông tin cá nhân cũng đang được thực hiện. Nếu được thông qua, Luật cho phép người dùng nhiều quyền kiểm soát hơn đối với dữ liệu của họ.
Với sự tăng cường giám sát của chính phủ Trung Quốc, các công ty công nghệ, bao gồm Apple, Facebook, Google và Twitter, cũng đã có phản ứng khi có thể ngừng cung cấp dịch vụ ở Hồng Kông nếu quốc gia này tiến hành kế hoạch sửa đổi luật bảo mật dữ liệu và doxing (việc thu thập và xuất bản thông tin cá nhân của ai đó trực tuyến, thường được thực hiện với mục đích kích động quấy rối trong cuộc sống thực).
Các "ông lớn" công nghệ lo ngại các luật nếu sửa đổi, nhân viên của họ có thể phải đối mặt với các cuộc điều tra hoặc thậm chí buộc tội nếu người dùng chia sẻ thông tin cá nhân trực tuyến, ngay cả khi họ không có ý gây hại./.