Lữ đoàn 172 luyện tập báo động sẵn sàng chiến đấu tại bến.
Thấm nhuần lời dạy của Người, các thế hệ, cán bộ chiến sĩ Quân chủng Hải quân luôn giữ trọn lời thề giữ biển, đoàn kết, đồng lòng, chung sức xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành. Trong các chuyến công tác tại Vùng 3 Hải quân mới đây, chúng tôi hiểu sâu sắc hơn về truyền thống và chiến công của những chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển...
Những con tàu ra khơi thực hiện nhiệm vụ phải đối mặt với bao thử thách, sóng gió và hiểm nguy luôn rình rập, bủa vây. Giữa biển trời bao la, nhưng họ không hề đơn độc, bởi tình mẹ, tình yêu quê hương đất nước chính là nguồn động viên, tiếp thêm sức mạnh và dũng khí cho người chiến sĩ giữ biển vượt qua thử thách, gian khó, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...
Trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng
Cùng Chuẩn đô đốc Phạm Văn Hùng, Tư lệnh Vùng 3 Hải quân bước chầm chậm trên Quân cảng Đà Nẵng, tôi được anh chia sẻ về “bí quyết” quản lý, điều hành đơn vị: “Bài học kinh nghiệm của đơn vị chúng tôi trong những năm qua là nhận thức rõ trách nhiệm thiêng liêng của người chiến sĩ làm nhiệm vụ canh giữ biển trời, luôn phát huy nhân tố chính trị tinh thần; thường xuyên nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ)”.
Minh chứng cho điều khẳng định ấy, Tư lệnh Phạm Văn Hùng dẫn tôi xuống đơn vị cơ sở. Chiều đông, gió biển se lạnh, nhưng không khí làm việc của đơn vị rất khẩn trương. Cán bộ, thủy thủ trên các con tàu hăng say luyện tập khoa mục tại bến. Tiếng máy, tiếng khẩu lệnh hòa cùng tiếng sóng âm vang...
Sau cái bắt tay chắc nịch, Đại tá Đỗ Ngọc Hiểu, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 172 vào việc ngay: “Tàu ra khơi thực hiện nhiệm vụ tuần tiễu trên vùng biển xa, đòi hỏi công tác huấn luyện SSCĐ phải đáp ứng yêu cầu cao; chuẩn bị chu đáo đến mấy cũng không thừa.
Cán bộ, chiến sĩ tranh thủ thời gian luyện tập nhiều phương án để ra khơi thật an toàn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện SSCĐ, bảo đảm an toàn tuyệt đối, đơn vị tập trung vào những khoa mục ứng dụng phức tạp, chuẩn bị cho các thủy thủ tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ ra khơi trong mọi điều kiện, tình huống”.
Thực tế cho thấy, trước đây, Lữ đoàn 172 chỉ đặt vấn đề gắn chất lượng huấn luyện với trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy, nhưng nay thực hiện gắn chất lượng huấn luyện với trách nhiệm của từng cá nhân. Quá trình huấn luyện không như trước đây thường ra tình huống ngay tại bến, bây giờ khi các tàu, biên đội hành quân ra khu neo đậu mới phát tình huống chiến đấu. Cách làm như vậy không những giúp bộ đội tránh chủ quan mà còn phát huy tính chủ động, sáng tạo trong huấn luyện.
Nhiều năm gắn bó với biển và những con tàu nên Đại tá Nguyễn Hữu Minh, Phó chính ủy Vùng 3 Hải quân nắm rất chắc bài học kinh nghiệm trong công tác huấn luyện, SSCĐ của vùng là thực hiện “5 sát” (sát nhiệm vụ, đối tượng, phương án, vũ khí trang bị và chiến trường). Chính nhờ phát huy sức mạnh tập thể và tính chủ động, tích cực của các cá nhân nên trong những năm qua vùng thường xuyên bảo đảm 100% nội dung, thời gian, 98,8% quân số tham gia huấn luyện. Hằng năm, tổ chức huấn luyện trên biển đạt 100% kế hoạch; huấn luyện chuyên ngành đạt 100% khá, giỏi (hơn 50% giỏi)...
Trong điều kiện máy móc, trang bị qua nhiều năm sử dụng ngày càng xuống cấp, vật tư thay thế chỉ đáp ứng được phần nào... nhưng nhờ phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động 50, đội ngũ nhân viên kỹ thuật đã chủ động sửa chữa vượt cấp nhiều hạng mục, làm lợi cho quân đội hàng chục tỷ đồng. Sự cố gắng ấy đã góp phần làm tăng hệ số kỹ thuật, tăng giá trị sử dụng cũng như tuổi thọ của những con tàu.
Cứu dân là mệnh lệnh trái tim
Tuy bận rộn với nhiệm vụ tổng kết cuối năm và triển khai nhiệm vụ cho các biên đội tàu, các tàu tuần tiễu bảo vệ chủ quyền biển, đảo và tham gia cứu hộ cứu nạn (CHCN), nhưng Đại tá Ngô Văn Tuyền, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 161 vẫn dành cho tôi những giây phút trao đổi thú vị.
Anh tâm sự: “Mỗi lần ra khơi thực hiện nhiệm vụ CHCN, các tàu hoạt động liên tục, thủy thủ chỉ dùng bánh mì, lương khô trong khi phải chịu đựng sóng to, gió lớn, nhưng không ai rời vị trí. Bởi chúng tôi nghĩ, sự sống còn của ngư dân là trên hết! Cứu dân là mệnh lệnh trái tim!”.
Những năm qua, nhiều lượt tàu, biên đội tàu của Lữ đoàn 161 đã có nhiều chuyến vượt biển trong điều kiện sóng to, gió lớn, kịp thời CHCN. Những chiến công tiêu biểu ấy thể hiện trách nhiệm của người chiến sĩ giữ biển đối với nhân dân. Từ năm 2015 đến nay, đơn vị thực hiện cứu nạn 44 vụ/33 tàu với gần 400 thuyền viên và ngư dân; cấp cứu, hỗ trợ y tế 16 vụ với 34 ngư dân...
Từng công tác tại Vùng 3 Hải quân, nên tôi hiểu rõ sự gian nan, vất vả của đồng đội trong những chuyến vượt biển cứu ngư dân giữa sóng cuồng, bão giật...
Sau này trở thành phóng viên Báo Quân đội nhân dân, tôi lại được tận mắt chứng kiến, được nghe những câu chuyện cảm động, thể hiện tình cảm quân dân sâu nặng, thắm thiết... Thiếu tá Trần Hậu Tình, Thuyền trưởng Tàu 628 kể lại: "Đêm 5-1-2021, Tàu 628 đang làm nhiệm vụ trên biển thì nhận được lệnh cơ động đến vùng biển Hòa Sa (cách đảo Tri Tôn 15 hải lý về phía Tây Nam) cứu nạn tàu cá QNg 91756 TS, gồm 8 thuyền viên, do ông Dương Văn Châu (trú tại xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng bất ngờ bị hỏng máy, gãy chân vịt đang trôi dạt trên biển.
Mặc dù đêm tối, gió Đông Bắc cấp 6-7 khiến sóng to, gió lớn, nhưng cán bộ, chiến sĩ Tàu 628 đã quyết tâm tổ chức cơ động tàu nhanh nhất, xác định chính xác dòng chảy, hướng gió để tìm kiếm và đã tiếp cận, cứu toàn bộ thuyền viên và lai dắt tàu cá bị nạn về đất liền. Sáng 6-1-2021, trên cầu tàu Lý Sơn (Quảng Ngãi), thuyền trưởng Dương Văn Châu vẫn chưa hết bàng hoàng, hai tay ôm chặt Thiếu tá QNCN Lưu Quang Nguyên, nhân viên mặt boong Tàu 628, giọng cảm động: “Nếu không có cán bộ, thủy thủ Tàu 628 dũng cảm cứu hộ kịp thời thì tính mạng của chúng tôi khó được bảo toàn giữa vùng bão gió. Ơn nghĩa này chúng tôi mãi khắc ghi!”.
Nỗi niềm của người lính biển
Để thực hiện trọn vẹn lời thề giữ biển, các biên đội tàu ra khơi luôn đối mặt với nhiều cam go, thử thách. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập tới những góc khuất, nỗi niềm, nét dung dị giữa đời thường của cán bộ, thủy thủ ...
Trên quân cảng chiều hôm ấy, người thân và bạn bè, đồng đội đến chia tay cán bộ, thủy thủ Tàu 629 (Hải đội 311, Lữ đoàn 161) lên đường làm nhiệm vụ thật bịn rịn. Tôi thấy Đại úy, Thuyền trưởng Võ Văn Nghĩa đang dỗ dành cô con gái bé bỏng Võ Trần Ngọc Hân. Vợ anh-chị Bích Luận kín đáo quay mặt gạt vội dòng nước mắt.
Vốn đã nhiều lần tiễn chồng ra khơi làm nhiệm vụ, vậy mà giây phút tiễn Trung úy QNCN Đặng Song Hiếu, nhân viên báo vụ Tàu 629 lần này, chị Thu Hiền, vợ anh, vẫn thấy xốn xang. Cứ nghĩ đến đêm Giao thừa chồng mình cùng đồng đội lênh đênh trên biển vắng là nước mắt chị lại trào ra.
Thiếu tá Chu Văn Hải, Hải đội trưởng Hải đội 311 kiểm tra lần cuối. Các thủy thủ đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị, đang chờ hiệu lệnh là lên đường...
Trước giờ tàu ra khơi, tôi hỏi Đại úy Phan Bá Sơn, Chính trị viên Tàu 629:
- Vậy là thêm một cái tết nữa đón xuân trên biển, chắc là nhớ vợ con nhiều lắm phải không em?
Thoáng chút ưu tư, Sơn trả lời: “Cũng nhớ lắm anh ạ! Nhưng em đã làm công tác tư tưởng cho vợ nhiều lần nên quen rồi. Với lại ra khơi canh giữ biển trời cho đất mẹ bình yên là nghĩa vụ và trách nhiệm của người thủy thủ!”.
Tuy Sơn nói vậy, nhưng tâm sự với anh, tôi hiểu nỗi niềm của người chính trị viên tuy trẻ tuổi nhưng phải xa nhà trong dịp Tết. Những ngày Tết, trong căn phòng nhỏ, vợ anh cũng đang mong ngóng từng ngày. Vợ chồng cưới nhau tròn 6 năm thì có đến 3 cái tết xa nhà, lần vợ sinh con trai Phạm Bá Sang thì Sơn đang thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển xa. Cứ nghĩ đến phút giây đón Giao thừa trên biển vắng, lòng anh lại nao nao, bởi khi ấy vợ anh-chị Trần Thị Thúy Hà đang tất tả lo lắng chu toàn mọi việc cho hai bên gia đình nội, ngoại, còn anh thì cứ đi biền biệt...
Tàu 629 có Trung úy QNCN Lữ Đoàn Cường còn “trai tân”, hơn 26 tuổi đời mà vẫn chưa một lần cầm tay con gái. Cường tâm sự: “Đón xuân trên biển không tránh khỏi những phút chạnh lòng, nhưng rồi chúng tôi đều vượt qua được, bởi sau lưng mình là quê hương, là tổ ấm gia đình...”.
Buổi sáng, bình minh trên Quân cảng Đà Nẵng thật trong lành. Giai điệu ca khúc “Ra khơi mang tình mẹ” của Nhạc sĩ Phạm Nguyễn cất lên sao mà da diết: “... Bờ tre ngân nga bao lời ca/ Dòng sông âm vang bao lời ca/ Thiết tha như lời mẹ dặn con/ Ấm sao như lời mẹ ru con/ Đêm nay ra khơi đêm nay sao thắp giữa bầu trời/ Như mắt mẹ nhìn theo bao yêu thương/ Ra khơi đêm nay sao sáng giữa bầu trời/ Như mắt mẹ nhìn theo bóng tàu đi...”.
Tôi biết, dù trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào, người chiến sĩ giữ biển đều vượt lên khó khăn, gian khổ và mất mát, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thế nên, mỗi độ xuân về, Tết đến, trong gia đình của những người lính biển, căn nhà nhỏ như trống trải và rộng thêm ra. Nhìn những cặp vợ chồng cùng con cái dắt tay nhau dạo phố, ánh mắt họ ngập tràn hạnh phúc, vợ của những người lính biển lại kín đáo, lặng lẽ quay mặt, vội lau dòng nước mắt...
Bài 2: “Mắt thần” giữ biển miền Trung