Chưa bao giờ trẻ em dành nhiều thời gian cho Internet như hiện nay
Việc sử dụng, tham gia các hoạt động trên Internet gia tăng sẽ mang lại cho các em rất nhiều lợi ích cho việc học tập, phát triển và hòa nhập với thế giới. Tuy nhiên, điều này cũng khiến các em phải đối mặt với nhiều cạm bẫy, rủi ro, phổ biến như tiếp cận với những nội dung độc hại, bị phát tán thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ, bị bắt nạt trực tuyến dưới nhiều hình thức khác nhau...
Chia sẻ tại Hội nghị "Nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ phục vụ triển khai hoạt động hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng", ngày 27/12, ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) - Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ TT&TT cho biết, các hoạt động về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Việt Nam mới chỉ là các bước bắt đầu, sẽ tiếp tục được lan tỏa nhiều hơn nữa, bám sát tinh thần công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân, của toàn xã hội.
"Mong rằng toàn xã hội, các tổ chức và các bậc phụ huynh sẽ luôn quan tâm, theo sát, hỗ trợ các em có một môi trường mạng hoạt động an toàn, lành mạnh và đầy sáng tạo", ông Tuân nói.
Lan tỏa nhiều hơn các hoạt động về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Tại hội nghị, các chuyên gia cũng đã cung cấp các kinh nghiệm, công nghệ chi tiết, và nhấn mạnh việc cấp thiết trong công tác cập nhật các xu hướng công nghệ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiện nay như: Nâng cao kỹ năng bảo vệ trẻ em trên nền tảng TikTok; Game online và định hướng phát triển các sản phẩm hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh trên môi trường mạng; Dấu chân số và hậu quả khôn lường đối với trẻ em; Giải pháp WiFi an toàn, bảo vệ toàn diện các thiết bị trong gia đình; Bảo vệ thiết bị đầu cuối, điểm chặn quan trọng trong bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Bà Nguyễn Phương Thanh Trúc, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành CyberPurify đã chia sẻ về dấu chân số và hậu quả khôn lường với trẻ em. Theo bà Trúc, tất cả trẻ em đều có nguy cơ tạo ra dấu ấn số tiêu cực, khi ngày càng nhiều trẻ sử dụng Internet và mạng xã hội với độ tuổi ngày một rút ngắn. Chưa kể, rất khó để các phụ huynh xác định dấu vết số tiêu cực của trẻ em vì phụ thuộc tuổi tác, mức độ hiểu biết về công nghệ cũng như các hoạt động cụ thể mà các em tham gia trực tuyến.
Bà Trúc cũng đã chia sẻ về vấn nạn sexting - gửi, chia sẻ nội dung nhạy cảm của bản thân mà trẻ em đang gặp phải và những hậu quả của nó, khi số lượng báo cáo dụ dỗ trực tuyến trẻ em ngày càng gia tăng.
"Vì vậy, trò chuyện và công nghệ là mấu chốt trong việc bảo vệ con hiệu quả trên môi trường mạng", bà Trúc nhấn mạnh.
Giám đốc VNCERT Nguyễn Đức Tuân chia sẻ thêm, Cục ATTT thấy rằng do trẻ em phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ trên không gian mạng, nên nếu không sự quan tâm sâu sát từ phụ huynh cho đến các tổ chức, cơ quan nhà nước thì rủi ro các em gặp phải là rất lớn.
Tiếp theo, do công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là một việc rất khó khăn, phức tạp và lâu dài, đòi hỏi phải tiến hành thường xuyên, liên tục. Do đó, đỏi hỏi các toàn bộ tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp, phụ huynh... cần hợp sức lại ngay từ bây giờ thì việc bảo vệ trẻ em mới đem lại hiệu quả, vì đây là vấn đề quan trọng và được cả xã hội quan tâm.
Về công tác bảo vệ trẻ em trong thời gian tới, theo ông Tuân, việc truyền thông nếu theo cách thức truyền thống thì sẽ không thể đem lại những kết quả tích cực, thay vào đó, cần kết hợp những cách làm mới thông qua mạng xã hội như Tiktok... Ngoài ra, công tác truyền thông trong thời gian tới cũng sẽ phải kết hợp để hiệu quả hơn, nếu theo cách cũ thì sẽ không hiệu quả.
Thời gian qua, Cục ATTT cũng đã nhận được nhiều đề nghị, câu hỏi về những giải pháp để bảo vệ con em mình trên không gian mạng, hạn chế truy cập website độc hại... Do đó, sắp tới, cần truyền thông, giới thiệu mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, nhất là các sản phẩm Make in Viet Nam. Việc thúc đẩy các sản phẩm này không chỉ nhằm giúp đỡ cho cộng đồng, xã hội mà còn là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp. "Cần thúc đẩy thêm nhiều sản phẩm cũng như truyền thông giới thiệu các giải pháp này mạnh mẽ hơn nữa", ông Tuân kết luận./.