Kế hoạch triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc; xây dựng phòng họp không giấy tờ tại UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chứng thực điện tử và chữ ký số chuyên dùng cá nhân trong tiếp nhận, xử lý, ký số, phát hành, quản lý và lưu trữ văn bản, hồ sơ điện tử; tổ chức hội nghị không sử dụng văn bản, tài liệu giấy trong các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh; chuyển đổi hình thức làm việc từ sử dụng văn bản, tài liệu giấy sang sử dụng văn bản điện tử làm việc trực tuyến trên môi trường máy tính và thiết bị di động nhằm hiện đại hoá hệ thống hành chính nhà nước; tiến tới xây dựng thành công chính quyền điện tử của tỉnh.
Theo kế hoạch, từ ngày 22/5/2020, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh và các sở ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh thực hiện tiếp nhận, xử lý, ký số, phát hành, quản lý và lưu trữ văn bản, hồ sơ điện tử hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ một số tài liệu gửi kèm chưa được số hoá theo quy định); đồng thời tạo lập văn bản, hồ sơ điện tử trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Từ ngày 01/6/2020, triển khai ứng dụng giải pháp phòng họp không giấy tờ (e-Cabinet) phục vụ các hội nghị do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tinh tổ chức. Từ ngày 01/8/2020, triển khai giải pháp phòng họp không giấy từ tại các sở ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh.
Hiện nay, 100% các sở ngành, UBND cấp huyện, cấp xã thường xuyên điều hành, xử lý công việc trên hệ thống phần mềm TD-Office. Tỷ lệ văn bản đi qua mạng đạt 93,96%; tỷ lệ văn bản ký số đạt 95,55%. 100% các sở ngành, UBND cấp huyện, cấp xã có mạng LAN kết nối internet tốc độ cao, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Các trung tâm an ninh mạng và tích hợp dữ liệu của tỉnh được duy trì hoạt động ổn định 24/7, đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh. Cổng dịch vụ công tỉnh Thanh Hoá và hệ thống một cửa điện tử được trang bị đồng bộ tại 27 UBND cấp huyện, 559 UBND cấp xã và Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh đã góp phần hiện đại hoá nền hành chính công khai, minh bạch, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh: việc ứng dụng chữ ký số và xây dựng phòng họp không giấy tờ là nội dung rất quan trọng trong việc xây dựng chính quyền điện tử. Đến thời điểm này, điều kiện cần và đủ để triển khai xử lý công việc trên môi trường điện tử đã đầy đủ; khi yêu cầu về cải cách hành chính ngày càng cao; các cơ sở pháp lý cho việc xử lý công việc trên môi trường điện tử đã cơ bản đầy đủ; hạ tầng công nghệ thông tin của Thanh Hoá đáp ứng được yêu cầu công việc; đội ngũ cán bộ của các sở ngành, đơn vị đã được nâng cao năng lực, trình độ về công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, việc triển khai xử lý công việc trên môi trường điện tử ngày càng được đặt ra bức thiết và cấp bách. Điều quan trọng là quyết tâm thay đổi thói quen xử lý công việc của cán bộ công chức, viên chức, đặc biệt là quyết tâm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng yêu cầu: các sở ngành, đơn vị phải xác định việc ứng dụng chữ ký số và xây dựng phòng họp không giấy tờ là nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/ 2020. Do vậy, các sở ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc các mốc thời gian, giải pháp trong kế hoạch; từng sở ngành, đơn vị phải xây dựng chương trình hành động cụ thể; phải xác định đây vừa là nhiệm vụ trước mắt vừa là nhiệm vụ có tính lâu dài.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đã cho ý kiến chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể theo từng mốc thời gian; và nhấn mạnh: từ ngày 22/5/2020, phải thực hiện đồng bộ việc xử lý công việc trên môi trường mạng; từ mùng 01/8/2020, triển khai đồng bộ phòng họp không giấy tờ tại tất cả các sở ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh.