Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THÀNH TRUNG
Đây là một trong 10 Hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba - Industry Summit 4.0 với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số”.
Trong khuôn khổ Diễn đàn sẽ diễn ra hoạt động triển lãm ảo các mô hình, sản phẩm, công nghệ 4.0, kết quả chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực và các hoạt động kết nối đầu tư, khảo sát thực tiễn tại một số địa phương, doanh nghiệp tiêu biểu về nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng các công nghệ số.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, diễn đàn là sự kiện thường niên có uy tín và quy mô lớn. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng như gắn với kế hoạch triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Chấp hành Trung ương giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì thực hiện, trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vào tháng 10-2022.
Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, trong xu thế đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh ngày càng gia tăng, việc phát triển đô thị thông minh được Việt Nam xác định là một hướng đi đúng đắn cho các đô thị.
“Định hướng phát triển đô thị thông minh là một trong những nội dung quan trọng được Bộ Chính trị chính thức đưa vào Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Văn kiện Đại hội Đảng XIII về đường lối phát triển đất nước trong giai đoạn tới cũng đặt mục tiêu hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam, miền Trung, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: THÀNH TRUNG
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong, việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam hiện nay vẫn gặp một số khó khăn nhất định như nhận thức về Đô thị thông minh từ nhu cầu của nhà quản lý (lãnh đạo ở địa phương), nhu cầu cung cấp sản phẩm của cộng đồng doanh nghiệp và chủ đầu tư hay từ nhu cầu thụ hưởng các dịch vụ của người dân chưa được nâng cao.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị thông minh và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ. Cùng với đó, sự tham gia của cộng đồng, các thành phần kinh tế trong xây dựng đô thị thông minh còn hạn chế; Việc triển khai đô thị thông minh còn riêng lẻ, manh mún…
Ngoài các yếu tố đó, về khách quan, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải nhìn nhận lại nhiều vấn đề trong quá trình tồn tại và phát triển, đặc biệt trong đó có việc xem xét lại những mô hình phát triển đô thị nói chung và phát triển đô thị thông minh nói riêng.
Cũng trong hội thảo, các đại biểu đã nghe phát biểu của lãnh đạo Bộ Xây dựng, 6 báo cáo chính từ các chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước trao đổi, làm rõ các vấn đề về sự cần thiết và vai trò của phát triển đô thị thông minh, những kinh nghiệm và mô hình quốc tế thành công trong phát triển đô thị thông minh, những giải pháp cụ thể trong quy hoạch, quản lý, điều hành đô thị thông minh,…; Đồng thời thảo luận sâu về những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển đô thị thông minh nói chung và trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên thế giới tại Việt Nam nói riêng.
Xu hướng phát triển đô thị thông minh tại các quốc gia phát triển và đang phát triển có những khác biệt gì? Cách thức huy động nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển ra sao cũng như những khía cạnh khác liên quan tới phát triển đô thị thông minh mà các diễn giả chưa đề cập tới.
|