Trẻ bị xâm hại trực tuyến: Nguy cơ đã ở ngay trước mắt

Chủ nhật, 20/09/2020 09:10

Kẻ xấu có thể lợi dụng máy tính hay smartphone để tiếp cận trẻ trong quá trình học trực tuyến. Sau khi tiếp cận, làm quen, kẻ xấu sẽ đưa ra lời dụ dỗ, đe dọa rồi ép buộc trẻ để thỏa mãn những động cơ không trong sáng.

 Kẻ xấu vào phá lớp học online

Theo Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em, việc xâm hại tình dục trẻ em qua môi trường mạng đã gia tăng bất thường. Đây không phải vấn đề của riêng Việt Nam mà còn là của tất cả các nước trên thế giới trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
 
20200416-pg2.jpg
 
Việc cách ly xã hội khiến tất cả mọi người, trong đó có trẻ em dành phần lớn thời gian để ở trong nhà. Ít nhất 165 quốc gia đã đóng cửa các trường học do sự bùng phát của Covid-19. Động thái này ảnh hưởng đến hơn 1,5 tỷ học sinh trên toàn thế giới. 
 
Thời gian trẻ hoạt động trong không gian mạng nhiều hơn cũng có nghĩa là nguy cơ bị xâm hại tăng lên. Do vậy, các em có thể gặp phải những rủi ro không mong muốn khi sử dụng thiết bị di động, mạng Internet.
 
Ghi nhận của Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) cho thấy, trong quá trình tổ chức dạy học qua Internet, đã xảy ra hiện tượng kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học/phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, độc, phản cảm, phản giáo dục... 
 
Bộ GD&ĐT cũng nhận được phản ánh về tình trạng trẻ em, sinh viên bị lạm dụng, quấy rối và bắt nạt trong quá trình học thông qua Internet. Điều này đã tạo nên tâm lý hoang mang cho cả người học và người dạy, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học online.
 
Nhiều nguy hiểm khi trẻ tiếp cận môi trường mạng 
Thực tế từng ghi nhận sự xuất hiện của những tin nhắn với nội dung xấu nhằm vào đối tượng là các em nhỏ. Đáng chú ý khi có cả những tin nhắn với mục đích thu thập ảnh khỏa thân của các em nhỏ. 
 
Để làm điều này, kẻ xấu đã đóng giả là người của ban tổ chức một cuộc thi sắc đẹp nhằm dụ dỗ trẻ gửi đi những bức hình nhạy cảm. Tài khoản của kẻ xấu cài đặt thông tin là nữ, đăng avatar và các hình ảnh là nữ giới để các bé gái cảm thấy thoải mái hơn trong việc gửi ảnh “nude” cho người cùng giới. 
 
Nội dung tin nhắn có đoạn: “Để tham gia trước tiên em phải chụp cho chị 4 tấm hình (1 tấm chính diện toàn thân mặt trước, 1 tấm chính diện toàn thân mặt sau, 2 tấm 2 mặt nghiêng 2 bên). 4 tấm hình này không tham gia thi và yêu cầu khi chụp không được mặc gì cả, do chị đích thân kiểm tra sẹo. Kiểm tra sẹo xong chị sẽ quyết định em mặc trang phục gì để thi hình thể.”. 
 
Đây được xem là một mối đe dọa tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới việc xâm hại trẻ em. Kẻ xấu có thể lợi dụng sự ngây thơ của trẻ để tống tiền hoặc đưa lên những trang web không lành mạnh. Hậu quả là các em sẽ rơi vào tâm trạng lo âu, hoảng sợ và các sang chấn tâm lý khác.
 
Từ đối tượng bị hạn chế sử dụng máy tính, smartphone, trẻ em giờ đây có cơ hội tiếp cận với những thiết bị này nhiều hơn để phục vụ nhu cầu học online và giải trí trên mạng. Đây là điều kiện để kẻ xấu có thể lợi dụng và gây ra những hành vi xâm hại trẻ em. 
 
Thủ đoạn của kẻ xấu luôn là tìm cách tiếp cận, làm quen, sau đó đưa ra lời dụ dỗ hoặc đe dọa rồi đến ép buộc. 
 
Từ việc làm quen và gạ gẫm trẻ em chat sex, “khoe hàng” qua webcam, kẻ xấu có thể dùng chính các hình ảnh hay clip các em chia sẻ để ép buộc, đe dọa. Nhiều em nhỏ đã phải làm theo yêu cầu của chúng do lo sợ kẻ xấu sẽ tung các hình ảnh hay clip này đến gia đình, bạn bè hoặc lan truyền rộng rãi. 
 
Hành vi xâm hại trẻ em trong không gian mạng sẽ gây ra những tổn hại về thể chất, tình cảm, danh dự, tâm lý, nhân phẩm của trẻ, làm trẻ lo lắng, hoảng sợ, thậm chí có hành vi muốn tự tử nếu không được tư vấn, tháo gỡ kịp thời. 
 
Làm gì để bảo vệ trẻ trên không gian mạng?
Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo các bậc cha mẹ cần chú ý quan tâm tới các em nhỏ trong quá trình học tập trực tuyến.
 
Trong đó, các bậc cha mẹ cần giúp trẻ phát hiện, nhận diện các rủi ro có thể gặp phải khi trẻ sử dụng không gian mạng. 
 
Một số rủi ro thường gặp phổ biến là: mất thông tin cá nhân, tiếp cận/chia sẻ thông tin sai lệch, xem các chương trình/ấn phẩm không phù hợp, kết bạn xấu, bắt nạt trên mạng, xâm hại tình dục trên mạng…
 
Cha mẹ cũng nên hướng dẫn trẻ cách bảo vệ và xử lý trong trường hợp gặp phải những nguy cơ, rủi ro trên mạng. 
 
Cách thức để cha mẹ hướng dẫn cho trẻ có thể là trò chuyện, chia sẻ với trẻ trong quá trình trẻ sử dụng Internet. Cha mẹ và trẻ có thể cùng tạo lập các cam kết như thời gian biểu khi sử dụng Internet. 
 
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần luôn chia sẻ, quan tâm, thấu hiểu con và tạo sự tin tưởng để trẻ có thể chia sẻ những vấn đề gặp phải trên không gian mạng. Từ đó, cha mẹ sẽ có biện pháp xử lý, hỗ trợ con kịp thời, tránh sang chấn tâm lý cho trẻ.
 
Khi phát hiện ra những dấu hiệu trẻ em bị xâm hại, cha mẹ hoặc các em có thể gọi tới Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em theo số 111 để được tư vấn, hướng dẫn cách xử lý hoặc có biện pháp ngăn chặn kịp thời những tổn hại của trẻ.
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top