“Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân” – đạo đức của người làm báo

Thứ năm, 11/10/2012 21:48

Ngày 11/10/2012, Hội Nhà báo Việt Nam và Học viện Báo chí và tuyên truyền đồng tổ chức buổi hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin”. Tham dự hội thảo có Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn, lãnh đạo và đại diện các đơn vị thuộc Hội nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí và tuyên truyền cùng 150 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà báo, các sinh viên báo chí và các phóng viên các báo, đài.

img

Tại hội thảo, các đại biểu đã làm rõ những vấn đề chính về nhận diện các dạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp báo chí, phân tích nguyên nhân, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp trong việc nâng cao phẩm chất đạo đức của người làm báo.

Theo các ý kiến phát biểu tại hội thảo, các dạng sai phạm trong báo chí được nhận diện bao gồm: đưa tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, nhận thức chính trị non kém, bịa đặt sai sự thực; xúc phạm đời tư, danh dự, nhân phẩm công dân, vụ án đang điều tra, chưa có kết luận của cơ quan điều tra, những vấn đề xã hội gây ảnh hưởng lớn…

Các đại biểu cũng đã phân tích những nguyên nhân dẫn đến những sai phạm trên là do trình độ nhận thức của phóng viên, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao; do sự tắc trách, cẩu thả, cố tình đưa tin giật gân, câu khách. Đặc biệt có thực tế phóng viên không đi thực tế mà ngồi một chỗ, khai thác các nguồn tin không đáng tin cậy để viết bài. Thêm nữa, một số tòa soạn chưa có quy trình đưa tin nghiêm túc đặc biệt là các khâu kiểm duyệt nội dung.

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại buổi Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cho rằng, mặc dù số bài báo sai phạm những năm qua chỉ từ 5-10% nhưng do báo chí có sức lan tỏa rộng do vậy tác động của báo chí với xã hội là rất lớn. Hơn nữa, hiện nay nhiều báo cùng khai thác một chủ đề, đưa tin giống nhau gây nên sự tác động rất lớn trong xã hội. Thứ trưởng cho rằng cần tăng cường phổ biến pháp luật về báo chí đến với những người làm báo.

Ông Trương Ngọc Nam – Giám đốc Học viện báo chí và tuyên truyền cho rằng báo chí góp phần xây dựng đất nước do vậy khi khai thác, xử lý nguồn tin cần đặt trong nhiều mối quan hệ và đưa tin phải bằng lương tâm và trách nhiệm của nhà báo. Do vậy, đây là vấn đề bức thiết trong công tác đào tạo báo chí, không chỉ trình độ nghề nghiệp mà còn phải có đạo đức nghề báo.

Nhà báo lão thành Đỗ Phượng phát biểu

Hội thảo cũng đã lắng nghe các ý kiến góp ý của các nhà báo lão thành. Nhà báo Đỗ Phượng nhấn mạnh, nhà báo cần thực hiện “trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân”. Theo ông, hiện nay làm báo có nhiều thuận lợi, tuy nhiên các nhà báo chỉ nên khai thác thông tin trên mạng để làm tư liệu chứ không được lấy đó là nguồn tin. Mọi thông tin về những vấn đề tiêu cực cần thẩm định cho rõ. Ngoài ra, ông cũng cho rằng cần rà soát lại nhân sự các ban biên tập, đội ngũ phóng viên để có đội ngũ làm báo có chất lượng.

Nhà báo lão thành Phan Quang cũng có nhiều tâm huyết với vấn đề đạo đức nhà báo. Ông cho rằng có một thực tế hiện nay là có nhiều nhà báo bị hành hung nhiều hơn trước. Ông đặt ra vấn đề vai trò, chức năng của nhà báo trong con mắt của người dân, đặc biệt một số nhà báo thiếu tư cách đạo đức gây ảnh hưởng lớn đến đội ngũ làm báo làm cho người dân có cái nhìn sai lệch về nhà báo. Ông đặc biệt lưu ý về biện pháp có chế tài xử lý sai phạm, trong đó nêu rõ trách nhiệm liên đới của cả tổng biên tập, biên tập viên, phóng viên…

Nhà báo Hà Mạnh Tường – Phó TBT Báo QĐND đặc biệt lưu ý vấn đề giáo dục, quản lý đối với các phóng viên trẻ. Nhà báo Như Phong – TBT Báo năng lượng mới cho rằng cần phải chọn lọc kỹ từ khâu đầu vào từ quá trình đào tạo cho đến khi tuyển chọn vào nghề.

Nhà báo Phương Quyên

“Không phải trong tất cả các trường hợp đều đưa tất cả sự thật lên mặt báo. Mỗi nhà báo từ những va chạm, những trải nghiệm thực tế sẽ có sự nhạy cảm về nghề, từ đó mà có thể cân nhắc để đưa tin hay và đúng và cần cân nhắc quyền lợi của nguồn tin để đưa tin cho phù hợp” - Nhà báo Phương Quyên – Báo Nhân dân chia sẻ.

Hội thảo này mang tính thời sự cao và đã nhận được sự đồng tình, tâm đắc của các đại biểu. Trên 40 tham luận tới từ 30 cơ quan báo chí trung ương và địa phương cùng với các ý kiến thảo luận sôi nổi của các nhà nghiên cứu, quản lý, các nhà báo về thực trạng, định hướng phát triển tương lai về đạo đức nhà báo. Nhà báo không chỉ cần được đào tạo nghề, có bản lĩnh chính trị mà còn cần có đạo đức nghề báo. Đó là những điều kiện cần thiết đối với mỗi nhà báo.

Đại hội VIII Hội Nhà báo Việt Nam đã thông qua quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam gồm 9 điều:
- Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
- Luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân
- Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật
- Sống lành mạnh, trong sáng, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật
- Gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội
- Bảo vệ bí mật quốc gia, nguồn tin và giữ bí mật cho người cung cấp thông tin
- Tôn trọng, đoàn kết, hợp tác giúp đỡ đồng nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp
- Thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, khiêm tốn cầu tiến bộ
- Giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc các nền văn hóa khác.

 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top