Như đã thành thói quen, hơn một tháng nay ngày nào anh Bành Quốc Tuấn ở khóm 5, thị trấn Trà Cú (huyện Trà Cú) cũng tranh thủ dành từ 30 phút đến 1 giờ vào Thư viện của huyện cho việc “lên mạng” xem thông tin. Anh không giấu được niềm vui, cho chúng tôi biết: “Nhà tôi nuôi được 2 con bò, lâu nay chỉ biết chăm sóc theo tập quán. Nay nhờ có nhiều thông tin trên mạng rất hay, nên mới biết được bò cũng có nhiều bệnh. Nếu chăm sóc không đúng khoa học sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển và sinh sản của bò… Nếu so với radio và sách báo, thì những tài liệu trên mạng phong phú và sinh động hơn”.
Không chỉ tham khảo những thông tin về chăn nuôi, anh Tuấn còn sử dụng máy tính ở Thư viện huyện cho đứa con gái học lớp 4 chơi trò vẽ tranh trên mạng. Thông qua việc làm này, anh hy vọng con mình sớm phát huy năng khiếu và học tốt các môn còn lại.
Cũng gần giống như anh Bành Quốc Tuấn ở Trà Cú, tại điểm Bưu điện văn hóa xã Long Sơn của huyện Cầu Ngang, nơi vừa được tài trợ lắp đặt 5 bộ máy tính có nối mạng Internet, cô giáo Phạm Thị Mỹ Hương, giáo viên trường THCS xã Long Sơn cho biết, từ ngày khai trương phòng máy đến nay, ngày ngày cô cũng giành thời gian rảnh “lên mạng” tham khảo theo môn toán mà cô đang giảng dạy. Cô Hương thông tin, sắp tới đây ngành giáo dục sẽ tiến tới việc soạn giáo án điện tử để giảng dạy cho học sinh. Vì vậy ngay từ bây giờ việc tham khảo với cách giảng dạy mới này là rất tốt. Cô Mỹ Hương nói thêm, trên mạng có nhiều giáo án điện tử tôi rất thích và hiện tôi cũng đang tập làm quen với nó.
Tại thư viện của tỉnh, dù đang chăm chú theo dõi một trang báo yêu thích nhưng bạn Nguyễn Thành Tài, sinh viên lớp Quản trị kinh doanh 2007 của Trường đại học Trà Vinh cũng hồ hởi cho biết: “Trước đây chưa được khai thác mạng miễn phí như bây giờ, mỗi ngày em tốn khoảng 10 ngàn đồng cho chi phí lên mạng”.
Bạn Thành Tài cho biết, những thông tin mà bạn thường vào xem đó là những trang thông tin thời sự trong nước và quốc tế, thông tin về nông nghiệp và đặc biệt là những tài liệu tự học tiếng Anh và những kiến thức liên quan đến các môn mà bạn đang học… nhờ đó mà việc tìm kiếm tài liệu học tập của Tài trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.
Phấn khởi là vậy, xong Thành Tài cũng tỏ ra băn khoăn. Vì hiện tại 20 máy vi tính mà Thư viện tỉnh đang phục vụ cho độc giả là còn rất hạn chế. Muốn được “sở hữu” một máy, thường phải chờ, hoặc “canh cửa” nên phải vào thật sớm.
Nói về chuyện “quá tải” này, bà Lê Thị Mỹ Hà - Giám đốc thư viện tỉnh cho biết: “Nhu cầu tiếp cận Internet của người dân Trà Vinh là rất lớn, trong đó có nhiều đối tượng là học sinh, sinh viên… Khi tiếp nhận dự án “Thí điểm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam”, tôi có phần cũng hơi lo. Nay thì lại khác, chúng tôi rất phấn khởi trước sự hưởng ứng rất nhiệt tình của bạn đọc nói chung và học sinh, sinh viên. Vì số lượng người vào truy nhập đông, chúng tôi phải quy định thời gian cho mỗi lượt bạn đọc không quá 90 phút. Điều này dù không muốn vẫn phải áp dụng, để phục vụ được nhiều bạn đọc. Để thực hiện tốt quy trình quản lý phòng Internet này, hiện chúng tôi đang kiến nghị được đáp ứng phần mềm quản lý thời gian. Bởi trong ngày, nhân viên quản lý không thể nào kiểm soát và nhắc nhở hết các bạn đọc theo phương pháp thủ công”.
Nhìn chung, qua gần hai tháng đi vào hoạt động, một phần mục tiêu của dự án là giúp người dân làm quen với Internet, tiến tới rút ngắn khoảng cách số cho người dân Trà Vinh nhất là nông dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, học sinh, sinh viên… đã được phát huy. Rồi đây, thông qua hệ thống mạng, chính quyền các cấp sẽ nhanh chóng phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những kiến thức hay tới người dân một cách thuận tiện hơn. Đặc biệt, những cánh đồng, vườn cây ăn trái, những đàn gia xúc, gia cầm… sẽ phát triển hơn nhờ những kiến thức khoa học mà người dân thu nhập được từ Internet. Qua đó, Trà Vinh sẽ nhanh chóng phát triển đi lên cùng các tỉnh, thành bạn trong một thời gian không xa.