Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ngãi do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 03/BDN ngày 08/01/2020, nội dung kiến nghị như sau:
Cử tri phản ánh:Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý và sử dụng mạng Internet, trong đó quy định cụ thể việc quản lý các trang mạng, mạng xã hội, các trò chơi trực tuyến cho người dưới 16 tuổi, giúp cho việc khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên thông tin, phát huy khả năng sáng tạo của trẻ em, đồng thời hạn chế việc tiếp cận những thông tin tiêu cực, loại hình giải trí không lành mạnh. Thường xuyên chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp dịch vụ Internet, mạng xã hội, trò chơi trực tuyến nhằm xử lý nghiêm các hành vi khi có dấu hiệu vi phạm.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) xin trả lời như sau:
* Đối với nội dung tăng cường quản lý và sử dụng mạng Internet.
Do tính mở của công nghệ, tính hai mặt của thông tin trên Internet và do nhu cầu tất yếu sử dụng dịch vụ và nội dung thông tin trên Internet, các giải pháp quản lý, đặc biệt là đối với trẻ em phải hướng tới việc phát huy những mặt tích cực, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực của Internet; các biện pháp cấm đoán cực đoan bằng hành chính và kỹ thuật chỉ có hiệu quả hạn chế.
Vì vậy, chính sách quản lý phải là sự kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp quản lý, bao gồm:biện pháp tuyên truyền giáo dục: đóng vai trò chủ đạo để trẻ em từng bước thích ứng một cách tích cực với môi trường mạng, biết sàng lọc thông tin xấu, tiếp nhận thông tin hữu ích; biện pháp kỹ thuật: xây dựng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ nhằm phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn các thông tin không phù hợp đối với trẻ em; biện pháp hành chính: đưa ra cáchướng dẫn cụ thể và mức xử phạt đủ sức răn đe.
Hiện nay, Luật Trẻ em 2016 và các văn bản hướng dẫn Luật Trẻ em như: Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em;Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 đã có quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng:
+ Trách nhiệm cơ quan quản lý, bảo vệ trẻ em, cơ quan truyền thông về tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kỹ năng và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng;
+ Trách nhiệm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng phải xây dựng và phổ biến công cụ, phần mềm, tiếp nhận thông tin, cảnh báo thông tin không phù hợp với trẻ em;
+Trách nhiệm cơ quan truyền thông cung cấp thông tin phải bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật;
+Trách nhiệm cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan bảo vệ trẻ em, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xâm hại trẻ em.
- Điều 73 Luật Công nghệ thông tin quy định Nhà nước, xã hội và nhà trường có trách nhiệm bảo vệ trẻ em chống lại những tác động tiêu cực của thông tin trên môi trường mạng và có biện pháp ngăn ngừa và xử lý các ứng dụng công nghệ thông tin với nội dung gây hại trẻ em; xây dựng và phổ biến bộ công cụ (phần mềm) để lọc nội dung gây hại trẻ em; nhà cung cấp dịch vụ có biện pháp ngăn ngừa trẻ em truy nhập vào nội dung không có lợi cho trẻ em.
- Điều 12 Luật Công nghệ thông tin, Điều 5 Luật Xuất bản, Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 đều có các quy định về nghiêm cấm cung cấp, trao đổi, truyền bá, tàng trữ hoặc sử dụng thông tin số nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của các tổ chức, hay danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân.
- Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 và Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT ngày 29/12/2014 đã có quy định về quản lý trò chơi trực tuyến bảo vệ trẻ em khỏi các ảnh hưởng tiêu cực như: hạn chế giờ chơi, đăng ký thông tin cá nhân, dán nhãn trên màn hình phân loại độ tuổi, thẩm định nội dung game G1 trước khi phát hành, quy định khoảng cách của điểm cung cấp trò chơi công cộng đến cổng trường học.
* Để ngăn chặn việc phát tán, chia sẻ các trang web, tài khoản, nội dung thông tin xấu, độc nói trên, thời gian qua, Bộ TTTT đã triển khai đồng thời nhiều giải pháp như: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt, đối với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài gỡ bỏ thông tin vi phạm.
- Đối với các trang thông tin điện tử, mạng xã hội do tổ chức, doanh nghiệp trong nước cung cấp, các quy định của pháp luật hiện hành (cụ thể Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT) đã quy định bắt buộc tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải có biện pháp ngăn chặn, loại bỏ thông tin xấu độc. Qua theo dõi, Bộ TTTT nhận thấy vi phạm trên các mạng xã hội này là không phổ biến.
- Đối với mạng xã hội nước ngoài được cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, điển hình là Facebook và Youtube, Bộ TTTT đã và đang tích cực làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, yêu cầu họ gỡ bỏ những nội dung không phù hợp, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, yêu cầu có giải pháp quản lý các nội dung dành cho trẻ em, đồng thời tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về những tác động tiêu cực của mạng xã hội nói riêng và của Internet nói chung để trẻ em và đặc biệt là các bậc phụ huynh biết, hướng dẫn con em mình lựa chọn những chương trình, nội dung phù hợp, bổ ích và biết tự bảo vệ thông tin bí mật riêng tư của mình và của con em mình khi tham gia mạng xã hội.
Youtube đã công bố sẽ có một số thay đổi chính sách nhằm bảo vệ trẻ em: Yêu cầu tất cả các nhà sáng tạo nội dung phải đánh dấu nội dung video dành cho trẻ em. Từ tháng 01/2020, Youtube giới hạn dữ liệu thu thập từ nội dung dành cho trẻ em; không phân phát quảng cáo được cá nhân hóa đối với nội dung dành cho trẻ em.
* Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ triển khai một số giải pháp để tăng cường công tác quản lý, cụ thể:
- Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quản lý về thông tin điện tử như: Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 để bổ sung quy định bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
- Xây dựng Đề án Bảo vệ hỗ trợ trẻ em tương tác trên không gian mạng.Đề án được phê duyệt sẽ giúp trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng thông qua các chương trình, chiến dịch do các cơ quan, tổ chức triển khai, thực hiện; các tổ chức kinh tế - xã hội có đủ điều kiện về cơ chế, chính sách để phát triển các sản phẩm, dịch vụ giúp trẻ em tương tác sáng tạo trên không gian mạng, từng bước hình thành thị trường riêng về các sản phẩm, dịch vụ số cho trẻ em; các sự việc tiêu cực xảy ra khi trẻ em tương tác trên không gian mạng được dự báo, phòng ngừa, kiểm soát và ngăn chặn kịp thời thông qua các biện pháp kỹ thuật.
-Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, nhà trường, gia đình để giúp trẻ em nhận biết, cảnh báo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ về các nội dung không phù hợp trẻ em.
- Xây dựng chính sách nhằm khuyến khích việc phát triển các trò chơi điện tử có nội dung giáo dục về văn hóa, lịch sử, kiến thức phù hợp với trẻ em.
* Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm:
- Bộ TTTT đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (trong đó lĩnh vực trò chơi điện tử) đã bổ sung nhiều quy định nhằm tăng cường quản lý, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến cung cấp trò chơi điện tử trên mạng.
- Song song với việc khẩn trương cấp phép phát hành trò chơi, để làm cơ sở sàng lọc các trò chơi hợp pháp và trò chơi lậu phát hành tại Việt Nam, Bộ TTTT cũng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi; có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi phát hành trò chơi điện tử không phép; đối với các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, mức độ nghiêm trọng, Bộ TTTT sẽ xem xét rút giấy phép, quyết định, giấy chứng nhận. Đối với các trường hợp phát hiện vi phạm có dấu hiệu hình sự như trò chơi điện tử cờ bạc, đổi thưởng, Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ Công an để xử lý. Năm 2019, Bộ TTTT đã tiến hành xử lý đối với 03 trường hợp, trong đó có 01 trường hợp xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 120 triệu đồng do cung cấp trò chơi điện tử (G1) trên mạng không đúng với nội dung, kịch bản trò chơi điện tử trên mạng đã được cấp.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ngãi, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi để trả lời cử tri./.