TP.Hồ Chí Minh: Cách đi nhanh bằng chuyển đổi số

Thứ ba, 30/08/2022 18:34

Những khó khăn chồng chất do đại dịch Covid-19 tác động là bối cảnh khách quan đòi hỏi, đồng thời là nhu cầu tự thân phải thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh nhanh hơn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Thành phố đang bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, càng đòi hỏi công cuộc chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh thực hiện gấp rút hơn, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

20211028-ta8.jpeg

Đồng bộ các giải pháp công nghệ

Năm 2022, TPHCM xác định, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông và phát huy nguồn lực. Thực tiễn cho thấy, TPHCM vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có 3 vấn đề lớn mà lãnh đạo Thành phố đã lưu ý cần đặc biệt quan tâm: quản trị Thành phố trong tình hình mới; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị Thành phố; và từ đó đổi mới công tác quản trị, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng Thành phố trong tương lai. 

Do đó, Chương trình chuyển đổi số và Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh - năm 2022 sẽ tiếp tục bám sát các yêu cầu của Thành phố: tiếp tục tập trung phục vụ đắc lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện chuyển đổi số trong quản trị Thành phố, sản xuất kinh doanh và tổ chức xã hội. Việc chuyển đổi số toàn diện góp phần giúp Thành phố tiến hành đồng thời và hài hòa giữa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch. 

Một trong các giải pháp rất quan trọng để đạt mục tiêu trên là triển khai đồng bộ các giải pháp công nghệ, khai thác kho dữ liệu dùng chung trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế tại TPHCM. Kho dữ liệu dùng chung được triển khai dựa trên 3 dữ liệu nền tảng: dữ liệu người dân, dữ liệu doanh nghiệp, dữ liệu đất đai. TPHCM cũng đảm bảo công tác thu thập, tổng hợp và phân tích dữ liệu chính xác, kịp thời để tiến hành đánh giá cấp độ dịch thường xuyên ở từng phường, xã, thị trấn. Xây dựng nguồn dữ liệu tin cậy, làm cơ sở dự báo để kịp thời khống chế dịch bệnh hiệu quả; hỗ trợ khả năng ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu. Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tiếp tục phát triển hệ thống an toàn Covid-19 để Thành phố thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh; nâng cấp hệ thống tổng đài 1022 thành cổng thông tin hợp nhất, đa ngành, đa lĩnh vực, là kênh giao tiếp đa phương tiện giữa người dân và chính quyền các cấp của Thành phố.Chuyển đổi số toàn diện

Năm 2022, TPHCM chú trọng chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số. TPHCM thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn (big data) phục vụ hoạt động, vận hành công tác quản trị Thành phố và đời sống người dân, nhất là dữ liệu về người dân như hộ tịch, y tế, giáo dục, bảo hiểm; dữ liệu về hoạt động doanh nghiệp và dữ liệu về quản lý đô thị như quy hoạch, đất đai, xây dựng, nhà ở...

Đặc biệt, TPHCM tập trung xây dựng chính quyền số, phục vụ hiệu quả công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính. Trong đó, tăng cường liên thông điện tử giữa các cơ quan, môi trường làm việc điện tử cho công chức, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, mang lại tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp. Thành phố cũng triển khai các ứng dụng nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền với người dân, giữa người dân với chính quyền. 

Cùng với nỗ lực xây dựng chính quyền số, TPHCM tích cực và đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực, trong đó có một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như y tế, giáo dục... TPHCM sẽ công bố chỉ số đóng góp của kinh tế số vào GRDP của Thành phố để làm cơ sở đánh giá và điều chỉnh các chính sách phù hợp, nhằm đảm bảo mục tiêu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP. Việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) rất quan trọng. Đây là lĩnh vực TPHCM có nhiều ưu thế và rất cần đưa AI trở thành công nghệ then chốt phục vụ chuyển đổi số; cung cấp giải pháp thông minh cho các dịch vụ và sản phẩm thông minh. 

TPHCM có khát vọng thực hiện nhanh, hiệu quả trong chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền số, xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh; nâng cao chất lượng sống người dân, vì hạnh phúc Nhân dân. Với tinh thần đó, hơn lúc nào hết, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cần cam kết đổi mới, ứng dụng công nghệ mới vì mục tiêu phát triển bền vững; thúc đẩy sáng tạo trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách; thúc đẩy đổi mới phương thức quản lý. Chỉ khi chấp nhận đổi mới song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, chúng ta mới có thể thực hiện nhanh, đột phá trong chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh./.

Chương trình chuyển đổi số và Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh trong thời gian qua đã có một số kết quả nổi bật, phục vụ đắc lực cho mục tiêu kép. Hệ thống thông tin an toàn Covid-19 áp dụng mã QR trên toàn Thành phố đã cấp 11 triệu mã QR cá nhân và 90.000 mã QR địa điểm.

Cổng thông tin Covid-19 và hệ thống bản đồ số Covid-19 phục vụ cộng đồng theo dõi trực quan thông tin dịch tễ với hơn 200 triệu lượt truy cập. Tổng đài 1022 trong thời điểm chống dịch được mở rộng 7 kênh, trong giai đoạn cao điểm, trung bình hơn 80.000 cuộc gọi/ngày. Trên 900 đơn vị đã liên thông văn bản điện tử thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Kho dữ liệu dùng chung và nền tảng liên thông tích hợp đã kết nối 41 đơn vị và gần 1 triệu lượt yêu cầu xử lý mỗi ngày…

 

Theo: sggp.org.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top