Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Báo cáo về tiến độ triển khai tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM Võ Thanh Sang cho biết hiện đã có 294.572 doanh nghiệp có trong cơ sở dữ liệu. Từ ngày 1/3 đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp đã và đang kê khai đạt tỷ lệ 46,3%. Ngoài ra, đã có 3.073 cơ sở sự nghiệp, hiệp hội có trong cơ sở dữ liệu. Trong đó có 1.936 cơ sở đã hoàn thành kê khai và 568 cơ sở đang kê khai. Trong khi đó, tổng số cơ sở hành chính là 902 cơ sở, có 784 cơ sở đã và đang kê khai.
Lý giải về tỷ lệ kê khai đạt thấp, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM Võ Thanh Sang cho rằng: TPHCM có số lượng doanh nghiệp nhiều (chiếm hơn 30% số lượng của cả nước) hoạt động ở tất cả các ngành kinh tế nên việc triển khai, tiếp cận toàn bộ số cơ sở trong thời gian gần 3 tháng (từ ngày 1/3 đến ngày 30/5) là khá khó khăn. Đặc biệt, do tác động tiêu cực từ dịch Covid -19, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, tạm ngừng, chuyển địa điểm kinh doanh gây trở ngại trong tiếp cận và triển khai điều tra. Hầu hết các doanh nghiệp đều thuộc doanh nghiệp nhỏ, không có bộ phận kế toán chuyên môn về thống kê nên việc kê khai các chỉ tiêu thống kê gặp nhiều khó khăn.
Phó Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM Võ Thanh Sang đề xuất TP kiến nghị Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương sau khi doanh nghiệp đăng nhập kê khai phiếu đề nghị cho phép hiển thị tên, số điện thoại của điều tra viên và đơn vị được giao phụ trách hướng dẫn ngay góc phải màn hình để doanh nghiệp tiện liên hệ nếu có nhu cầu cần trợ giúp. Đối với quản trị viên khi kiểm tra logic của quận, huyện, thì đề nghị trong tiện ích này cần bổ sung thêm cột tên điều tra viên, nhằm thuận lợi cho quản trị viên nhắc nhở, đôn đốc một cách kịp thời.
Bên cạnh đó, đề nghị TP kiến nghị Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương sớm có cảnh báo lỗi, hoặc kiểm tra lỗi ngay từ đầu để trong quá trình kiểm tra phát hiện những lỗi cần hoàn thiện. Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương xem xét các lỗi có thể cho phép điều tra viên sửa được và phân biệt lỗi không sửa được khi đó vừa đảm bảo tiến độ vừa không phiền đến doanh nghiệp.
Đồng thời, sau khi doanh nghiệp hoàn thành phiếu kê khai và gửi báo cáo tài chính thành công, nên thiết kế tự động để có phản hồi về thư điện tử (email) của doanh nghiệp để xác nhận ngành thống kê đã tiếp nhận thông tin phiếu điều tra và báo cáo tài chính. Ngoài ra, Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương nghiên cứu tăng định mức doanh nghiệp/điều tra viên cho TP nói chung và các quận, huyện có số lượng doanh nghiệp lớn.
Đối với địa phương, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM Võ Thanh Sang đề nghị UBND TP tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành tăng cường công tác tuyên truyền trên báo, đài về nội dung, thời gian kê khai phiếu điều tra đến doanh nghiệp và các đối tượng điều tra bằng nhiều hình thức. Ban chỉ đạo các cấp quán triệt đến điều tra viên việc tuân thủ đúng quy trình điều tra, thường xuyên liên hệ để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp điền đúng và đầy đủ thông tin phát sinh trên phiếu điều tra; đề xuất Cục thuế TP hỗ trợ tuyên truyền và gửi văn bản thông qua nhiều hình thức (trang Web, trang Zalo của Cục thuế) nhằm đôn đốc các doanh nghiệp chưa kê khai hoặc còn đang lưu tạm theo từng thời điểm (15/4; 30/4/ 01/5 và 20/5) kịp thời vào hệ thống để kê khai phiếu điều tra.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đề nghị các quận, huyện, TP Thủ Đức phải xem cuộc tổng điều tra là cơ hội để đánh giá thực trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, từ đó giúp cho công tác hoạch định chính sách, điều hành, quản lý của TPHCM và cả nước sát với tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền về cuộc tổng điều tra kinh tế và cơ sở hành chính và tổ chức tập huấn đồng bộ cho đội ngũ điều tra viên. Đồng thời, TP Thủ Đức và các quận, huyện phải kiểm tra, giám sát và trực tiếp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc ở cơ sở khi thực hiện điều tra kinh tế và cơ sở hành chính.