Sáng 16-7, kỳ họp thứ 17, HĐND TPHCM khóa X bước vào ngày làm việc thứ hai, HĐND TPHCM tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng và Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt.
Giải pháp để người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến dễ dàng?
Chất vấn Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng, ĐB Lê Minh Đức, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM thắc mắc, trong thực hiện chuyển đổi số thì Sở TT-TT đã có giải pháp nào tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho người dân, nhất là người yếu thế, người già khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Trả lời ĐB, Giám đốc Sở TT-TT cho biết, TPHCM đã thực hiện một số giải pháp để người dân thực hiện thủ tục hành chính được thuận lợi hơn. Cụ thể, TPHCM thiết kế cổng dịch vụ công đơn giản, tiện lợi và đồng bộ với Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Về dữ liệu, ngoài phát triển dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu chung của TPHCM và dữ liệu người dân. Trong đó, dữ liệu người dân được tái sử dụng. Như vậy, những lần thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến, người dân không phải khai báo thông tin lại, mà hệ thống đã có sẵn. Từ đó, dữ liệu người dân khai báo trên hệ thống sẽ ngày càng ít đi, thủ tục hành chính tự động ngày càng nhiều hơn.
TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân như sử dụng trợ lý ảo; bố trí cán bộ hỗ trợ người dân ở các bộ phận làm thủ tục hành chính ở các cơ quan đơn vị, địa phương; và sẽ nhận hỗ trợ qua email, số điện thoại. Đặc biệt, TPHCM đang triển khai tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương để hỗ trợ người dân, đặc biệt là người yếu thế, người lớn tuổi…
ĐB Phạm Văn Khoa (quận 3) chất vấn hiện nay, giải ngân vốn đầu tư công ở các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn chậm. Vậy giải pháp trong thời gian tới của Sở TT-TT ra sao để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trên lĩnh vực này?
Giám đốc Sở TT-TT cho biết, TPHCM đã bố trí 1.290 tỷ đồng cho các dự án, hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin. Các cơ quan đơn vị, địa phương đã đề xuất nhu cầu đầu tư và được Sở TT-TT tổng hợp gửi về UBND TPHCM. Đến tháng 5-2024, UBND TPHCM có quyết định bố trí vốn cho các đơn vị. Dự kiến đến quý 3 hoặc quý 4, các đơn vị sẽ giải ngân xong.
Sở TT-TT sẽ theo dõi, đôn đốc cấp các sở, ngành, các địa phương được bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Cụ thể, Sở xây dựng hệ thống quản lý đầu tư trên nền tảng số và đưa vào sử dụng từ tháng 7-2024. Các đơn vị đăng ký các hạng mục đầu tư trên nền tảng này và theo dõi tiến độ tiến độ bố trí vốn, tiến độ giải ngân vốn, tiến độ triển khai… Đây là công cụ để lãnh đạo TPHCM, các cơ quan đơn vị theo dõi, giám sát tiến độ thực hiện dự án theo thời gian thực.
Tài khoản mạng xã hội phải định danh mới được bình luận
ĐB Nguyễn Thị Nga, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM chất vấn, trên các trang mạng xã hội tràn lan tin tức giả. Vậy việc quản lý thông tin trên các trang mạng xã hội ra sao và giải pháp nào để người dân nhận biết đâu là thông tin chính thống, đâu là tin giả?
Giám đốc Sở TT-TT TPHCM nhìn nhận, tình trạng tin tức giả trên các trang mạng xã hội hiện khá phổ biến và khó kiểm chứng, kiểm soát kịp thời do lý do khách quan lẫn chủ quan.
Ông phân tích hai nguồn cung cấp thông tin trên các trang mạng này. Trong đó, có những trang mạng xuyên biên giới có đặt máy chủ ở nước ngoài và các quy định pháp luật hiện nay của Việt Nam chưa điều chỉnh được. Cho nên khi xuất hiện thông tin giả, cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu tháo gỡ thì phía nhà mạng chưa xử lý kịp thời, thậm chí còn né tránh. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương trong xác định thông tin giả hay không hiện nay còn chậm.
Về giải pháp, Giám đốc Sở TT-TT cho biết, đó là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và mở rộng xử lý vi phạm dù chủ thể không cư trú ở TPHCM. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Công an TPHCM trong việc giám định những trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự (từ đầu năm 2024 đến nay đã giám định 18 hồ sơ). Sở cũng đã ban hành cẩm nang nhận diện phòng chống tin giả và ban hành quy tắc ứng xử trên không gian mạng.
Sở TT-TT đã ra mắt phần mềm lắng nghe mạng xã hội dùng chung cho toàn thành phố. Hệ thống này không chỉ tổng hợp thông tin dư luận mà còn phát hiện các trang thông tin điện tử thay đổi thông tin, thay đổi nguồn gốc hoặc là những hành vi vi phạm trên mạng.
Đồng thời kiến nghị Bộ TT-TT đẩy mạnh quá trình thay đổi thể chế, đó là điều chỉnh nghị định liên quan đến quản lý thông tin trên mạng theo hướng tất cả tài khoản trên mạng xã hội phải được định danh và chỉ có tài khoản đã định danh thì mới được phép bình luận trên mạng xã hội. Các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội biên giới phải chấp hành quy định pháp luật Việt Nam. Quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong vấn đề mà xác định tin giả tin xấu độc.
Thời gian tới, TPHCM sẽ thành lập Trung tâm xử lý tin giả TPHCM và sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam. Đồng thời ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ban ngành, địa phương trong xử lý thông tin giả trên mạng.
Hòa thượng Thích Minh Thành chất vấn, Sở TT-TT có tham gia trực tiếp thực hiện công trình điều tra và nghiên cứu chuyên sâu mang tính xã hội nào, tính dài hạn, liên tục để nắm bắt tình hình thông tin sai, thông tin giả để xử lý thông tin đó. Sở có công trình nào nhằm giúp người dân nâng cao năng lực nhận diện các thông tin sai lệch, tin giả?
Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng đáp, Sở TT-TT chưa chủ trì một công trình nghiên cứu xã hội cụ thể nào liên quan vấn đề nắm bắt thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Tuy nhiên, sở có tham gia cùng các đơn vị khác như Sở KH-CN, Đại học Quốc gia TPHCM trong vấn đề này.
Về các giải pháp nâng cao năng lực nhận diện các thông tin sai lệch, tin giả, Sở TT-TT dù không có chương trình cụ thể nhưng đã thường xuyên vận động, tuyên truyền rộng rãi cho người dân về quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, cẩm nang an toàn thông tin. Ngoài ra, TPHCM cũng đã thành lập trung tâm xử lý tin giả.