TP.HCM: Hướng đến chuyển đổi số toàn diện

Thứ ba, 15/02/2022 15:06

Năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đặt mục tiêu thực hiện nhanh, hiệu quả việc chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền số, gắn kết với việc xây dựng Thành phố trở thành thành phố thông minh…

j4a-gnys.jpg

Xây dựng hệ thống bản đồ số, cổng thông tin hợp nhất, đa ngành, đa lĩnh vực để trở thành kênh giao tiếp đa phương tiện giữa người dân và chính quyền.

Đồng bộ các giải pháp công nghệ

Trong các cuộc họp mới đây, lãnh đạo Thành phố đã chỉ rõ 3 vấn đề lớn cần đặc biệt quan tâm: Quản trị Thành phố trong tình hình mới; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị Thành phố; từ đổi mới công tác quản trị, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng Thành phố trong tương lai.

“Đại dịch Covid-19 là tác nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn. Riêng với TPHCM, đây là thời điểm thích hợp, cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi số, giúp TPHCM đi đầu trong kỷ nguyên số hiện nay”, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận định.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TPHCM Lâm Đình Thắng, năm 2022, Chương trình chuyển đổi số và Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh sẽ tiếp tục bám sát các yêu cầu nói trên của Thành phố. Trong đó, tiếp tục tập trung phục vụ đắc lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện chuyển đổi số trong quản trị Thành phố, sản xuất kinh doanh và tổ chức xã hội. 

Theo Sở TT-TT TPHCM, vấn đề đặt ra là triển khai đồng bộ các giải pháp công nghệ, khai thác kho dữ liệu dùng chung trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM. Kho dữ liệu dùng chung được triển khai dựa trên 3 nguồn dữ liệu nền tảng: dữ liệu người dân; dữ liệu doanh nghiệp; dữ liệu đất đai. Trong đó, Thành phố đảm bảo công tác thu thập, tổng hợp và phân tích dữ liệu chính xác, kịp thời, để tiến hành đánh giá cấp độ dịch thường xuyên ở từng địa bàn phường, xã; xây dựng nguồn dữ liệu tin cậy, làm cơ sở dự báo để kịp thời khống chế dịch hiệu quả; hỗ trợ khả năng ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu. 

Chuyển đổi để tăng giá trị kinh tế số

Năm 2022, TPHCM thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn (big data) - nhất là dữ liệu về dân cư, quy hoạch, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở… phục vụ hoạt động, vận hành công tác quản trị thành phố và đời sống Nhân dân. Hiện nay, TPHCM đã triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu để kết nối chính thức nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia về kho dữ liệu dùng chung của Thành phố. 

Hơn 900 đơn vị trên địa bàn Thành phố, bao gồm cơ quan nhà nước, các tổng công ty, các đơn vị sự nghiệp… đã liên thông văn bản điện tử thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục đào tạo, môi trường, quy hoạch đô thị, an ninh trật tự cũng triển khai nhiều ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn và cung cấp dịch vụ cho người dân.

Đánh giá về nỗ lực số hóa của Thành phố, bà Trần Thị Lan Hương, Chuyên gia quản trị công cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng: “TPHCM cần thực hiện cụ thể chuyển đổi để tăng giá trị của nền kinh tế số vì Thành phố có sức cạnh tranh tốt, khả năng phục hồi tốt hơn sau dịch Covid-19. TPHCM hiện đang xếp vị trí thứ 05/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. TPHCM đóng góp 1/3 GDP của quốc gia, do đó TPHCM cần tiên phong hơn nữa trong chuyển đổi số”. 

Tập trung xây dựng chính quyền số, ông Lâm Đình Thắng cho biết, chú trọng vào lĩnh vực cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công, mang lại các tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai các ứng dụng nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền - người dân và ngược lại; tích cực và đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực; xây dựng nền kinh tế số, xã hội số có trọng tâm và chuyển đổi số tập trung các ngành, lĩnh vực ưu tiên như y tế, giáo dục…./.

Sở TT-TT TPHCM tiếp tục áp dụng Cổng Thông tin an toàn Covid (http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/) để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tiếp tục phát triển hệ thống Bản đồ số quản lý vùng nguy cơ an toàn đến cấp hộ dân; nâng cấp hệ thống tổng đài 1022 thành Cổng thông tin hợp nhất, đa ngành, đa lĩnh vực, là kênh giao tiếp đa phương tiện giữa người dân và chính quyền các cấp của Thành phố.

 

 

Theo: sggp.org.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top