TP.HCM đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới

Thứ ba, 03/10/2023 07:20

Sở NNPTNT TP.HCM đã có những đề xuất với Sở Tài nguyên Môi trường thành phố nhằm thực hiện hiệu quả Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình xây dựng nông thôn mới.

a25.jpg

Nhằm thực hiện hiệu quả Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình xây dựng nông thôn mới, Sở NNPTNT TP.HCM đã có đề xuất nội dung kế hoạch triển khai với Sở Tài nguyên Môi trường thành phố.

Theo đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Sở NNPTNT đã cung cấp thông tin, hiện trạng, kết quả thực hiện đến nay về môi trường nông thôn tại TP.HCM và đề xuất chỉ tiêu, giải pháp thực hiện nhằm đạt được mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2023-2025.

Đối với lĩnh vực chất thải và phụ phẩm nông nghiệp, Quyết định 925/QĐ-TTg đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 ít nhất 80% chất thải chăn nuôi phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường. 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Căn cứ thực trạng hiện nay, Sở NNPTNT thành phố cho biết, tỷ lệ xử lý nước thải trong chăn nuôi của thành phố đạt 66,27%; xử lý chất thải rắn trong hoạt động chăn nuôi đạt 57,58%. Tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường trong lĩnh vực trồng trọt và lĩnh vực thủy sản đạt 100%.

Riêng lĩnh vực lâm nghiệp, các chất thải phát sinh trong lĩnh vực lâm nghiệp chủ yếu liên quan đến các hoạt động phát triển rừng (túi bầu PE, bao bì phân bón, thuốc BVTV). Trong đó, 100% chất thải trong trồng rừng và trồng cây đều xử lý triệt để qua hoạt động thu gom bao bì trong quá trình thực hiện.

Đối với lĩnh vực diêm nghiệp, chất thải rắn từ vỏ chai lọ, thuốc xử lý động vật, dụng cụ phục vụ sản xuất, 100% được thu gom xử lý, bán ve chai, hoặc tái sử dụng. Chất thải trong lĩnh vực phát triển nông thôn và làng nghề đảm bảo xử lý đạt 100%.

Đối với nhiệm vụ về bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), Quyết định 925/QĐ-TTg đặt ra mục tiêu đến năm 2025, có 95% bao thuốc BVTV sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định.

Về nội dung này, Sở NNPTNT TP.HCM cho biết thực trạng hiện nay tỷ lệ bao thuốc BVTV sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định đạt 100%. Trong đó đốt 12%, chôn lấp 23%, bỏ vào hố thu gom 45% và hình thức xử lý khác là 20%.

Qua thực trạng, Sở NNPTNT TP.HCM đã đề xuất giải pháp thực hiện nhằm đạt được mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2023 - 2025 theo Quyết định 925/QĐ-TTg.

Theo đó, cần triển khai các hoạt động thực thi Luật Chăn nuôi như: kiểm tra điều kiện của các cơ sở chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi; tuyên truyền các quy định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; tuyên truyền cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ phù hợp trong thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thông qua cẩm nang, tờ rơi, phóng sự truyền hình, phát thanh… Qua đó giúp người dân có ý thức thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Sở NNPTNT thành phố đề xuất đến năm 2025, TP.HCM đạt 100% bao thuốc BVTV sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định. Trong đó, cần tăng cường hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng thuốc BVTV và thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng thông qua xây dựng cẩm nang, tờ rơi, tập huấn…

Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025:

- Tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 40% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; đảm bảo cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn.

- Ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai 1-2 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện trở lên với công nghệ phù hợp.

- Ít nhất 15% số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 50% số đơn vị cấp huyện có triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp, hiệu quả.

- Ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường.

- Có 95% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định.

- Có 100% chất thải rắn và 50% nước thải sản xuất của các làng nghề truyền thống được thu gom và xử lý theo quy định.

- Ít nhất 35% số huyện có đề án cải tạo chất lượng môi trường nước mặt khu vực công cộng và có mô hình xây dựng hoặc cải tạo cảnh quan ao hồ.

- Có 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; 80% số xã có tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Ít nhất 85% hộ gia đình nông thôn và 95% trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng và quản lý sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Theo danviet.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top