Vừa qua, Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP.HCM đã phối hợp Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM khảo sát nhu cầu học nghề ở 2 huyện Bình Chánh và Nhà Bè để nâng chất công tác dạy nghề nông nghiệp.
Dạy nghề nông nghiệp đáp ứng nhu cầu thực tế
Cuộc khảo sát thực trạng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và nhu cầu đào tạo nghề giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn huyện Nhà Bè cho thấy, nghề trồng hoa kiểng được lựa chọn nhiều nhất với 29.8%. Nghề trồng rau quả với 28,1%. Theo đánh giá, hai nghề này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng và địa lý, cũng như thế mạnh hiện có của huyện. Nghề trồng, tạo dáng bonsai có 17,5% lựa chọn. Nghề nuôi tôm, cá kiểng được 15,8% người lựa chọn. Nghề chăn nuôi có tỷ lệ lựa chọn 14%.
Cũng theo kết quả khảo sát trên, hơn 94% số người được khảo sát mong muốn được đào tạo nghề nông nghiệp ở các lớp đào tạo dưới 3 tháng và có cấp chứng chỉ. 1,7% số người lựa chọn các lớp sơ cấp nghề. 3,4% số người mong muốn được dạy nghề dài hạn. 100% người lao động được khảo sát mong muốn các lớp đào tạo nghề được tổ chức tại nơi đang sinh sống, như: Văn phòng ấp, UBND xã… Việc đào tạo nghề tại nơi sinh sống sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức…
Tại huyện Bình Chánh, kết quả khảo sát cũng cho thấy, nghề chăn nuôi heo, bò là nghề được lựa chọn nhiều nhất với tỷ lệ 31%. Nghề thiết kế sân vườn có 29% lựa chọn. Các nghề này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết, thế mạnh của địa phương.
Các nghề được lựa chọn tiếp theo là: Trồng rau quả, hoa kiểng, tạo dáng bonsai, nuôi cá kiểng, nuôi tôm…
Dạy nghề nông nghiệp đế có nông dân chuyên nghiệp
Không chỉ khảo sát nghề kỹ càng, chuyên nghiệp, TP cũng vừa ban hành Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn TP giai đoạn 2023-2025. Mục tiêu sẽ đào tạo hình thành đội ngũ 9.336 nông dân chuyên nghiệp để trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới.
Đội ngũ nông dân chuyên nghiệp này góp phần nâng tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo trên 85%, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 20%; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Các ngành nghề được định hướng đào tạo là các nghề để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, đề án mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, nghề "Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp", các nghề mới, nghề đặc thù thu hút nhiều lao động nông thôn và đáp ứng với các yêu cầu phát triển kinh tế nông.thôn trong thời gian tới, như dịch vụ nông nghiệp nông thôn, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản, kinh doanh…
Theo Ths Huỳnh Thị Ly Na, Giảng viên Khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật, để hiệu quả kinh tế trong đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ổn định và lâu dài, chính quyền và cơ quan chức năng phải nỗ lực nhiều hơn.
Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ở TP ngày càng thu hẹp nhanh như hiện nay và việc trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả thì chính quyền cần nhận thức rõ vai trò đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là bước ngoặc lớn giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển mô hình kinh tế hiệu quả.
Đội ngũ giảng dạy phải là các nhà khoa học, các chuyên gia trong lịnh vực nông nghiệp, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, nông dân giỏi có đủ điều kiện tham gia dạy nghề. Đồng thời, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các cơ sở dạy nghề.