Ký kết hợp tác triển khai cung cấp dịch vụ chữ ký số cho người dân trên địa bàn TP.HCM
Phát biểu tại hội nghị, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT cho biết việc thực hiện chữ ký số cho người dân giúp nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Theo ông Thắng, thời gian qua, TP.HCM đã cấp chữ ký số cho hơn 1.100 cơ quan nhà nước và hơn 11.100 cán bộ, công chức, viên chức; phục vụ cho việc liên thông văn bản trong hệ thống thông tin thủ tục; sẵn sàng đưa vào sử dụng 100% các dịch vụ công đủ điều kiện trong năm 2023.
Đối với người dân, Sở TT&TT TP triển khai giải pháp tích hợp chữ ký số lên hệ thống thông tin giải quyết thủ TTHC của TP, giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện TTHC được thuận lợi hơn.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT phát biểu tại Hội nghị
“Sự kiện ngày hôm nay giúp đưa chữ ký số đến gần với người dân hơn, giúp người dân hiểu và sử dụng chữ ký số nhiều hơn, từ đó sử dụng hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP nhiều hơn” – ông Thắng nhìn nhận và mong với chữ ký số này, tốc độ và kết quả giải quyết thủ tục, hồ sơ của người dân và doanh nghiệp sẽ nhanh hơn, thuận lợi hơn trong thời gian tới.
Theo kế hoạch của Sở TT&TT TP.HCM, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị cấp miễn phí chữ ký số cho công dân đang làm việc và sinh sống tại TP.HCM từ tháng 6-2023 đến tháng 6-2024. Người dân có thể đến bộ phận một cửa của UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện để được cung cấp.
Đồng thời Sở sẽ cung cấp chữ ký số tại các sự kiện như: Tuần lễ sách của người làm báo (từ ngày 17 đến ngày 22-6) tại Đường sách TP, Hội sách quốc tế (từ ngày 25-9 đến ngày 1-10), Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024…
Theo ông Nguyễn Khơ Din, Phó Chủ nhiệm CLB Chữ ký và giao dịch điện tử Việt Nam, chữ ký số là công cụ hữu hiệu trong công cuộc chuyển đổi số và ứng dụng được trên nhiều lĩnh vực.
Trong đó, ưu điểm hàng đầu mà chữ ký số mang lại đó là sự nhanh gọn trong thủ tục, không cần trực tiếp ký tay. Chữ ký số giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí vận hành, chi phí di chuyển.
Trong các trường hợp ký kết các hợp đồng quan trọng, các doanh nghiệp đối tác không cần gặp gỡ nhau, giảm thiểu trở ngại về khoảng cách địa lý mà vẫn đảm bảo tính pháp lý.
Ông Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc NEAC phát biểu tại Hội nghị
Ông Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc NEAC cho biết hiện nay 100% DN đã sử dụng CKS, tuy nhiên, tỷ lệ người dân sử dụng CKS còn rất khiêm tốn. Tính đến hết tháng 5/2023, trên toàn quốc, số lượng chứng thư số đang hoạt động 2.080.000 chứng thư số tăng 16,13 % so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó có 2.080.000 chứng thư số đang hoạt động trong đó 1.596.127 chứng thư số DN, tổ chức và 483.675 chứng thư số cá nhân đang hoạt động.
Theo ông Nguyễn Khơ Din, Phó Chủ nhiệm, Tổng thư ký CLB CKS và Giao dịch điện tử Việt Nam, CKS là công cụ hữu hiệu trong công cuộc chuyển đổi số và ứng dụng được trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, ưu điểm hàng đầu mà CKS mang lại đó là sự nhanh gọn trong thủ tục, không cần trực tiếp ký tay. CKS giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí vận hành, chi phí di chuyển.
Song song đó, CKS còn đảm bảo tính chính xác, bảo mật dữ liệu cao. Đây còn được xem là bằng chứng cho các giao dịch điện tử, nội dung đã ký kết và các bên không có cơ sở phủ nhận chữ ký của mình khi đã thực hiện việc ký số. Từ đó, hạn chế các tranh chấp không đáng có giữa các bên.