Tổng hợp báo chí viết về ngành TT&TT tuần 41 (từ 6/10/2012-12/10/2012)

Thứ sáu, 12/10/2012 16:45

Tuần này, thị trường viễn thông giữ vị trí nổi bật trên các báo điện tử với việc ban hành Nghị định 77/2012/NĐ-CP về chống thư rác, xây dựng Trung tâm dữ liệu (Data Center) đặt tại Cục Viễn thông, chặn được các cuộc gọi lừa đảo từ điện thoại vệ tinh sử dụng công nghệ tự động của Công ty An ninh mạng Bkav. Bên cạnh đó là thông tin về ngày Bưu chính Thế giới, Ngày Tiêu chuẩn Thế giới 14/10/2012 với thông điệp: Tiêu chuẩn giúp gia tăng hiệu quả − Lãng phí ít hơn, kết quả tốt hơn; việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Điều hành UPU và sự không đồng tình với việc tăng giá cước truyền hình cáp.

img
Ảnh: Nguồn báo Tuổi trẻ

VIỄN THÔNG

Gửi tin nhắn, email "rác" và mạo danh sẽ bị phạt nặng
Theo quy định tại Nghị định 77, người dùng dịch vụ viễn thông sẽ chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý một cách rõ ràng trước đó của người nhận.
Đồng thời, các hành vi này phải chấm dứt ngay sau khi người nhận có yêu cầu từ chối. Như vậy, quy định mới này "rắn" hơn nhiều so quy định cũ.
Ngoài ra, ngay khi nhận được yêu cầu từ chối, người quảng cáo hoặc nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải gửi ngay thông tin xác nhận đã nhận được yêu cầu từ chối và phải chấm dứt việc gửi loại thư điện tử, tin nhắn quảng cáo đã bị từ chối đến người nhận đó.
Về số lượng thư điện tử, tin nhắn quảng cáo, thay vì được gửi tối đa 5 thư điện tử, tin nhắn quảng cáo theo như quy định cũ, thì trong quy định mới, Chính phủ giới hạn không cho phép gửi quá 1 thư điện tử quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận.
Đồng thời, cũng không được phép gửi quá 1 tin nhắn quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thoả thuận khác với người nhận.
Cũng tại Nghị định lần này, cơ quan điều hành đề rõ mức phạt tiền từ 60 đến 80 triệu đồng đối với hành vi không hoàn lại cước theo yêu cầu của nhà cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn hoặc không thông báo cho người sử dụng về việc hoàn cước.
Hành vi giả mạo tên hoặc giả mạo địa chỉ điện tử của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thư điện tử, tin nhắn cũng phải nhận mức phạt tương tự.
Nghị định 77 của Chính phủ có hiệu lực kể từ 1/1/2013, ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90 ngày 13/8/2008 về chống thư rác.

Liên quan đến thông tin này còn có bài viết:
Siết tin nhắn rác, được không?
Sửa đổi, bổ sung Nghị định của CP về chống thư rác
Cấm gửi SMS quảng cáo sau 22 giờ 

Đã có thuốc đặc trị "bệnh" khai vống thuê bao
Từ khi thị trường viễn thông di động bắt đầu cạnh tranh quyết liệt thì cũng là lúc phát sinh căn bệnh khai vống thuê bao. Thời điểm 2005-2006 cũng là thời điểm “anh em” nhà VNPT là VinaPhone và MobiFone đua nhau tuyên bố làm số 1. Sau đó, cuộc đua này đã ngã ngũ, nhưng lại đến tuyên bố mới về số 1 của MobiFone và Viettel.
Không chỉ dừng lại ở thuê bao 2G, mà thuê bao 3G cũng bị nghi là đã được nhà mạng khai vống. Khoảng giữa năm 2010, các mạng di động Việt Nam thông báo rằng họ đã có khoảng 14 triệu thuê bao 3G. Trong khi đó tại buổi họp với tất cả các mạng di động cùng thời điểm đó, Bộ TT&TT đã công bố số lượng thuê bao 3G của các mạng chỉ có 7 triệu.
Thực tế Bộ TT&TT đã đưa ra những quy định rất chặt chẽ về việc công bố số thuê bao của các mạng di động. Tuy các văn bản về báo cáo và công bố số thuê bao của các mạng rất chặt chẽ, nhưng việc báo cáo số thuê bao di động của các mạng vẫn còn quá nhiều hoài nghi.
Ngày 6/10 vừa qua, Bộ TT&TT đã có buổi họp với các doanh nghiệp viễn thông. Cục Viễn thông (BộTT&TT) khẳng định sẽ xây dựng Hệ thống thu thập và quản lý số liệu và viễn thông online. Hệ thống này ra đời sẽ chấm dứt tình trạng doanh nghiệp khai vống thuê bao như hiện nay. Cục Viễn thông cho biết, trước mắt dự án này sẽ thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu với 3 mạng di động lớn nhất là Viettel, MobiFone và VinaPhone để thực hiện thu thập các thông tin về: đăng ký thuê bao, chi tiết các cuộc gọi, tin nhắn, giá cước, khuyến mãi, kho số...
Để thực hiện dự án này, Cục Viễn thông sẽ xây dựng Trung tâm dữ liệu (Data Center) đặt tại Cục Viễn thông và xây dựng hệ thống mạng phục vụ kết nối đến các mạng, đồng thời lắp đặt các thiết bị thu thập số liệu. Bộ TT&TT cũng đã yêu cầu 3 mạng di động này phải bố trí vị trí đặt trang thiết bị thu thập số liệu của Cục Viễn thông và cung cấp đường truyền cáp quang kết nối đến Trung tâm dữ liệu của Cục.
Dự kiến trong tháng 10/2012, Cục sẽ làm việc với các mạng di động để thống nhất về tiến độ thi công các tuyến cáp quang kết nối từ các mạng này đến Cục Viễn thông. Và tới năm 2013 thì Hệ thống thu thập và quản lý số liệu viễn thông online sẽ hoạt động. Khi hệ thống này được đưa vào hoạt động, thì Bộ TT&TT sẽ có đầy đủ số liệu của các mạng di động một cách chính xác nhất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các mạng di động không phải gửi những bản báo cáo đã được "chỉnh sửa" lên cơ quan quản lý nhà nước như hiện nay.

Trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng sông Mê Công (GMS), Bộ Thông tin và Truyền thông đã đăng cai tổ chức Kỳ họp Nhóm điều hành dự án Xa lộ thông tin tiểu vùng sông Mê Công (GMS - IS, SG No.6). Sự kiện diễn ra từ ngày 8 đến 9 tháng 10 năm 2012 tại Hà Nội. Đây là hội nghị chuyên ngành trong lĩnh vực viễn thông giữa các nước thành viên GMS và được tổ chức theo cơ chế luân phiên.
Thành phần tham gia chủ yếu của Kỳ họp GMS - IS, SG No.6 là các quan chức cấp cao phụ trách về viễn thông của 6 nước GMS bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc và các doanh nghiệp viễn thông chủ chốt tại các nước GMS. Các đại biểu tham dự Kỳ họp sẽ nghe báo cáo về tình hình triển khai dự án Xa lộ thông tin tiểu vùng sông Mê Công do Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam - đơn vị triển khai các hoạt động xây dựng kết nối xa lộ thông tin trong khu vực GMS.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Thứ trưởng Bộ Nguyễn Minh Hồng cho biết hợp tác GMS sẽ tạo ra một nền tảng mới kết nối 6 quốc gia tập trung vào các lĩnh vực cụ thể: ứng dụng điện tử đối với các dự án quốc gia và khu vực (bao gồm chính phủ điện tử, thương mại điện tử…); Ứng dụng phát triển nông thôn (giáo dục, y tế, cộng đồng nông thôn…), An ninh mạng và an ninh thông tin; Phát triển nguồn nhân lực; Khai thác thị trường các nước thứ ba; Các dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước; Nghiên cứu, thiết kế và phát triển; Quản lý thay đổi văn hóa trong khu vực công…

Liên quan đến thông tin này còn có bài viết:
Tiểu vùng Mekong đẩy mạnh dự án Xa lộ Thông tin

Mạng di động ảo “chết non” 
Mới đây, Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp (DN) được cấp giấy phép triển khai mạng di động không tần số, nếu không cung cấp dịch vụ sẽ bị thu hồi giấy phép.
Cách đây hơn ba năm (ngày 19-8-2009), lần đầu tiên Bộ TT-TT cấp giấy phép cung cấp mạng di động không tần số (còn gọi là mạng ảo) cho Đông Dương Telecom. Tại buổi lễ đón nhận giấy phép, lãnh đạo Đông Dương Telecom khi đó đã khẳng định sẽ triển khai dịch vụ ngay trong quý I-2010. Nhưng, hết năm 2010 vẫn chưa thấy mạng ảo này ra mắt. Nguyên nhân của sự chậm trễ là vì mạng ảo này chưa đàm phán được với nhà mạng đối tác sẻ chia hạ tầng là Viettel.
Ngày 22-6-2010, Bộ TT-TT lại tổ chức trao giấy phép cung cấp mạng ảo cho VTC. VTC đã đạt được thỏa thuận hợp tác với EVN Telecom, nhưng do đối tác này làm ăn thua lỗ và Chính phủ đã phải yêu cầu sáp nhập vào Viettel cuối năm 2011, thành ra VTC cũng không thể triển khai theo kế hoạch.
Theo quy định, sau hai năm được cấp phép, DN phải cung cấp dịch vụ, quá thời hạn sẽ thu hồi giấy phép. Chiếu theo quy định đó thì cả hai nhà mạng kể trên đều vi phạm quy định. Được biết, năm 2011 Bộ TT-TT đã có văn bản yêu cầu Đông Dương Telecom triển khai dịch vụ theo quy định.
Các DN nhận giấy phép kể trên chưa triển khai dịch vụ như cam kết bởi nhiều nguyên nhân. Một số nguyên nhân từng được lý giải liên quan đến kỹ thuật như phải "sống" phụ thuộc hoàn toàn vào hạ tầng của các nhà mạng có hạ tầng dẫn đến việc đàm phán hợp tác không đơn giản. Tuy nhiên, lý do chủ yếu lại bắt nguồn từ thị trường viễn thông Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực di động trong những năm qua có sự cạnh tranh khắc nghiệt.
Trong khi thị trường viễn thông di động Việt Nam đã ở trạng thái bão hòa (hiện có gần 130 triệu thuê bao) thì các nhà mạng lớn với thế mạnh lại đã và đang đưa ra đủ loại gói cước để "vét" nốt thuê bao… Như vậy, ngay cả các mạng có hạ tầng như S-Fone, Gmobile, Vietnamobile còn gặp khó, huống hồ các mạng ảo - phải đi mua lại hạ tầng của mạng khác rồi kinh doanh và cạnh tranh với chính đối tác của mình. Và đó cũng là lý do khiến các mạng ảo dù được cấp phép, nhưng khó có thể triển khai vì thiếu hạ tầng.

Thị trường điện thoại di động Việt suy giảm 18%
Theo kết quả khảo sát thị trường hàng quý của IDC, thị trường điện thoại di động Việt Nam quý II/2012 suy giảm 18% so với quý trước nhưng vẫn tăng 10,9 % so với cùng kỳ năm 2011. Dù có sự dịch chuyển mạnh sang sử dụng smartphone, nhưng phân khúc này vẫn giảm 4,1%, trong khi phân khúc điện thoại chức năng cơ bản giảm đến 20,3%.
Nokia dẫn đầu thị trường quý II với hơn 50% thị phần số lượng. Samsung đứng thứ hai về tổng thị phần, nhưng dẫn đầu ở phân khúc smartphone. Vinaphone bứt lên vị trí thứ ba nhờ vào nhiều dòng máy mới gắn liền với các gói cước.

Lại "nóng" chuyện cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về
Vừa qua Báo Bưu điện Việt Nam đã đăng loạt bài phản ánh về tình trạng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về (VoIP quốc tế chiều về) đua nhau "phá nát" thị trường bằng việc phá giá để kéo lưu lượng về mình. Sau đó, lãnh đạo Bộ TT&TT đã chỉ đạo Cục Viễn thông phải có biện pháp xử lý vấn đề này để đảm bảo quyền lợi cho chính các doanh nghiệp và lợi ích quốc gia. Đến ngày 27/8/2012, Cục Viễn thông đã có văn bản yêu cầu tất cả các doanh nghiệp viễn thông báo cáo về vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, việc phá giá cước dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về sẽ ảnh hưởng đến lợi ích doanh nghiệp và quốc gia. Vì thế, các doanh nghiệp đều thống nhất cần có nhiều biện pháp quản lý giá cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về. Bộ TT&TT đã có những quy định và động thái quản lý dịch vụ này như quy định mức giá cước là 4,1 cent (855 đồng)/phút và không thấp hơn 3,4 cent (726 đồng)/phút, nhưng các doanh nghiệp vẫn phá mức sàn. Nếu bắt doanh nghiệp nhỏ bán bằng giá doanh nghiệp lớn thì lưu lượng sẽ đổ về doanh nghiệp lớn. Nhưng nếu doanh nghiệp nhỏ hạ giá nhiều thì lưu lượng sẽ dồn hết về doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy, cần xác định tỷ lệ chênh lệch mức giá giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ là bao nhiêu để doanh nghiệp lớn và nhỏ đều có lưu lượng. Cái gốc của vấn đề là các doanh nghiệp phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, trong đó bản thân doanh nghiệp phải ngồi với nhau thống nhất, quyết tâm cùng thực hiện đúng quy định mà Bộ đã đề ra. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ và Cục Viễn thông cần tăng cường kiểm tra giám sát quy định đã ban hành để đảm bảo các quy định được tuân thủ nghiêm túc.
Cũng tại buổi họp này, ông Lê Hữu Phương, Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, với việc các doanh nghiệp đua nhau phá giá dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về, sắp tới Thanh tra sẽ ra tay mạnh để xử phạt. Mức xử phạt theo quy định sẽ từ 30 đến 50 triệu đồng, nếu doanh nghiệp vẫn tái phạm sẽ xử phạt tiếp. Ông Phương còn cho biết thêm, theo Nghị định mới quy định về xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực viễn thông, sẽ thiên về hình phạt bổ sung là rút giấy phép cung cấp dịch vụ. Vì vậy, sắp tới Thanh tra sẽ xem xét đến cả khả năng rút giấy phép các doanh nghiệp vi phạm trong kinh doanh dịch vụ này.

Đã chặn được các cuộc gọi lừa đảo từ điện thoại vệ tinh  
 (HNMO) - Trong hơn một tuần qua, nhiều người sử dụng điện thoại tại Việt Nam đã bị mất tiền oan vì các cuộc gọi lừa đảo từ điện thoại vệ tinh. Chiều ngày 10/10/2012, Công ty An ninh mạng Bkav cho biết đã tích hợp thành công công nghệ tự động chặn các cuộc gọi lừa đảo này vào phần mềm bảo vệ Smartphone - Bkav Mobile Security.
Để lừa cước viễn thông, kẻ xấu dùng dải số quốc tế tạo cuộc gọi nhỡ vào điện thoại của người dùng. Dải số này thuộc Hệ thống vệ tinh di động toàn cầu (Global Mobile Satellite System - GMSS) và không thuộc bất kỳ quốc gia nào. Khi người sử dụng gọi lại, dù đầu dây bên kia chỉ mới đổ chuông, cước phí đã được tính với mức lên tới hàng trăm nghìn đồng. Các nhà mạng cũng không thể bảo vệ khách hàng, hoàn lại cước phí vì dải số không thuộc phạm vi quản lý. Điều này gây hoang mang cho người sử dụng.
Ngay sau khi có phản ánh về sự việc, các chuyên gia của Bkav đã nghiên cứu và tích hợp thành công công nghệ chặn các cuộc gọi lừa đảo này vào phần mềm bảo vệ Smartphone - Bkav Mobile Security. Phần mềm hỗ trợ cho tất cả các dòng điện thoại sử dụng hệ điều hành phổ biến như Android, iOS, Symbian, RIM (BlackBerry).

Nano-sim được bán vào 16/10 với giá 25.000 đồng
Nguồn tin từ VinaPhone ngày 12/10 cho biết, đơn vị này sẽ tung ra nano-sim ra thị trường Việt Nam vào ngày 16/10 với mức giá 25.000 đồng/sim.
Như vậy, VinaPhone là nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam công bố thời điểm tung loại sim này ra thị trường để đáp ứng nhu cầu của các “tín đồ Apple” khi “quả táo khuyết” iPhone5 chỉ tương thích với nano-sim.

Các fan hâm mộ thương hiệu Samsung đã rất bức xúc phàn nàn trên diễn đàn của chính hãng này vì đột ngột hủy chương trình đổi và mua ưu đãi điện thoại Samsung Galaxy Note II, tại Hà Nội mà không báo trước.
Trên diễn dàn của Samsung Việt Nam đã xuất hiện chủ đề mang tên “Thông báo tạm hoãn chương trình “Tri ân sự tín nhiệm” tại Hà Nội”.
Tuy nhiên, lý do đột ngột hoãn chương trình này được Samsung đưa ra không thuyết phục được nhiều người và càng khiến cho họ bức xúc hơn. Vì trong số họ có rất nhiều người đã háo hức xếp hàng từ chiều qua (mùng 6/10). Trong khi một số khách hàng vẫn nán lại tại địa chỉ 190 Bà Triệu thì một số người đã lên ngay diễn đàn Samsung để phàn nàn.
Về phía Samsung Việt Nam, công ty đã chính thức xin lỗi khách hàng vì sự cố ngoài ý muốn này trên diễn đàn trực tuyến Samsung Forum, trang web chính thức của Samsung và ngay tại địa điểm diễn ra chương trình.
 
Việc các sản phẩm nhái thương hiệu điện thoại có tiếng đã và đang tràn lan trên mạng Internet, thậm chí được rao bán ngang nhiên tại nhiều cửa hàng điện thoại trên thị trường Việt. Thế nhưng, có thể nói những hãng bị làm nhái sản phẩm vẫn chưa, thậm chí là không có động thái gì nhiều trước vấn nạn này.
Và trên thực tế, bên cạnh những khách hàng chấp nhận mua hàng nhái, thì không ít người lại bị lừa mua siêu phẩm với giá hời để rồi "tiền mất, tật mang".
Trong khi iPhone 5 "xịn" xách tay có giá trên 20 triệu đồng thì chỉ cần từ 1 triệu đến 2 triệu đồng, thậm chí chỉ 600 ngàn đồng, là đã có thể sở hữu một chiếc iPhone 5 nhái có xuất xứ Trung Quốc. Bên cạnh đó còn có điện thoại nhái HDC Galaxy S3, A9 - 3G nhái Galaxy Note, iPhone 4GS j9, Nokia N9 Trung Quốc

CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Bàn cách gỡ khó cho ứng dụng CNTT
Phiên họp Hội đồng Giám đốc CNTT (CIO) của cơ quan Nhà nước khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ vừa diễn ra sáng 11/10/2012 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng.
Hai vấn đề “nóng” nhất được tập trung thảo luận là: Làm thế nào để triển khai đồng bộ các hệ thống thông tin chuyên ngành quy mô quốc gia từ Trung ương đến địa phương. Và hướng đi nào để giải quyết những khó khăn trong triển khai các dự án, cơ sở dữ liệu lớn thuộc Danh mục các dự án CNTT quy mô quốc gia được nêu trong Quyết định số 1605 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/8/2010.

Chính phủ điện tử cần có hạ tầng hội tụ
Mô hình điện toán đám mây trên nền tảng hạ tầng hội tụ được cung cấp dưới dạng dịch vụ trọn gói sẽ giúp Việt Nam giảm chi phí và tăng hiệu quả của việc xây dựng Chính phủ điện tử.
Phát biểu tại hội thảo “Giải pháp ứng dụng CNTT cho chính phủ điện tử (CPĐT)” do HP và Intel phối hợp tổ chức sáng nay, 11/10/2012 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết: Việt Nam vẫn đang tìm kiếm những giải pháp hiệu quả cho việc triển khai ứng dụng CNTT và phát triển CPĐT trong giai đoạn mới.
“Để giải quyết những hạn chế trên, cùng với sự đầu tư lớn cho ứng dụng CNTT thì cần có những giải pháp tổng thể cho việc khai thác hạ tầng, kết nối, tích hợp giữa các hệ thống CNTT trong nội bộ các cơ quan và giữa các cơ quan từ Trung ương tới địa phương”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhận định.
Giám đốc Chiến lược HP châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, Việt Nam có thể tìm “lời giải” khi sử dụng giải pháp điện toán đám mây trên nền tảng hạ tầng hội tụ được cung cấp trọn gói bởi HP và các đối tác như Intel, Microsoft...


BÁO CHÍ, XUẤT BẢN

Cùng là truyền hình trả tiền, trong khi các doanh nghiệp khác tìm cách kích cầu người dùng bằng nhiều hình thức giảm giá, khuyến mại hấp dẫn, thì với truyền hình cáp, giá cước liên tục được điều chỉnh… tăng mà chất lượng không được cải thiện là bao.
Tính ra, trong vòng ba năm trở lại đây, dịch vụ này đã có tới mấy lần điều chỉnh giá, mà chỉ có tăng chứ không hề giảm.
Lẽ dĩ nhiên, mỗi lần điều chỉnh cước tăng đều được doanh nghiệp đưa ra lý do của mình. Nào là đã nằm trong lộ trình tăng kênh, mua bản quyền và nâng cao chất lượng phục vụ khá giả. Với các khách hàng sử dụng dịch vụ truyền hình cáp Việt Nam, đây là những cái cớ không hợp lý. Nhiều người cho biết, chỉ cần nhà đài giữ nguyên kênh như hiện nay, tăng chất lượng phát sóng lên là đủ, chứ chả cần họ phải đàm phán mua thêm bản quyền để “đội” chi phí lên làm gì.
Không chỉ bị phàn nàn về cước, thời gian qua, thực trạng dịch vụ truyền hình trả tiền kém chất lượng như tín hiệu bị nhiễu hoặc mất hẳn của truyền hình cáp cũng bị nhắc tới rất nhiều. Trên khá nhiều diễn đàn mạng, các thuê bao truyền hình cáp đã đưa ra những lời kêu ca về chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng kém của các nhà cung cấp dịch vụ. Vấn nạn này cũng đã được rất nhiều phương tiện truyền thông lên tiếng cảnh báo.
Nhằm giải quyết tình trạng này, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho hay, hiện Bộ đang xây dựng và sắp ban hành Thông tư về quản lý dịch vụ truyền hình trả tiền. Thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản chặt các yếu tố tiêu chuẩn kỹ thuật dịch vụ truyền hình trả tiền như chuẩn tín hiệu, độ nét… Tiêu chuẩn này được dự kiến được áp dụng và tiến hành đo kiểm từ năm 2013.
Và với tình trạng tăng giá mà chất lượng vẫn phập phù, không được cải thiện là bao, dù cơ quan quản lý nhà nước đã vào cuộc, nhưng nhiều khách hàng đã tính chuyện chuyển sang sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp khác. 

Chấm dứt dịch vụ truyền hình analog vào năm 2020
Việt Nam sẽ không cấp phép mới dịch vụ truyền hình cáp sử dụng công nghệ tương tự (analog) và sẽ tập trung chuyển đổi hệ thống này sang công nghệ số để bảo đảm đến năm 2020 chấm dứt sử dụng công nghệ analog.
Đây là một trong những nội dung cơ bản được nêu ra tại Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình Việt Nam đến năm 2020, đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến người dân trước khi trình Chính phủ ban hành.
Thực tế cho thấy, truyền hình trả tiền Việt Nam đang phát triển lộn xộn, manh mún với hơn 40 đơn vị tham gia. Do đó, để đảm bảo thị trường truyền hình dịch vụ truyền hình cáp phát triển bền vững theo hướng chất lượng, cạnh tranh bình đẳng, bản Quy hoạch nêu rõ sẽ hình thành từ 2-3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp công nghệ số trên toàn quốc và tối đa 5 doanh nghiệp trên phạm vi vùng không trùng nhau về địa lý.
Bên cạnh đó, sẽ hình thành 3-4 đơn vị cung cấp truyền hình Internet (IPTV), 3 doanh nghiệp cung cấp truyền hình trực tiếp qua vệ tinh, 2 doanh nghiệp cung cấp truyền hình qua di động, 3 doanh nghiệp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số mặt đất.
Đối với dịch vụ truyền hình quảng bá, bản Quy hoạch cũng nêu rõ sẽ không phát triển thêm dịch vụ truyền hình quảng bá tương tự mặt đất. Ưu tiên phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá số mặt đất, di động mặt đất, số vệ tinh, sử dụng kết hợp trên mạng viễn thông đã có sẵn phù hợp với định hướng số hóa và xu hướng hội tụ công nghệ và dịch vụ…

Kỷ niệm ngày thành lập ngành xuất bản, in và phát hành sách

Sáng 11.10, Sở Thông tin-Truyền thông (TT-TT) Bình Dương tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Xuất bản - In - Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952-10/10/2012).

Tin bài liên quan:
60 năm Ngày truyên thống ngành Xuất bản
Đồng chí Trần Thọ thăm và chúc mừng nhân Ngày Xuất bản Việt Nam
Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Ngành Xuất bản, In, Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952-10/10/2012)
.....

Hội thảo khoa học “Văn hóa đọc và ngày đọc sách Việt Nam”

 Ngày 8/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa đọc và ngày đọc sách Việt Nam”.

"Văn hóa đọc và Ngày đọc sách Việt Nam" 

Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Phát hành–In–Xuất bản Việt Nam (10/10/1952-10/10/2012).
 
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung bàn luận về thực trạng văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay; các giải pháp, kiến nghị để văn hóa đọc ngày càng phát triển.

......


BƯU CHÍNH

Theo thông tin đăng tải trên website của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) ngày 10/10/2012, Việt Nam là 1 trong 40 nước được bầu vào Hội đồng Điều hành của UPU nhiệm kỳ 2013 - 2016.
Việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Điều hành của UPU nhiệm kỳ 2013 - 2016 là một thành tựu to lớn, thể hiện uy tín ngày càng cao của Bưu chính Việt Nam nói riêng và đất nước nói chung trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế.

TGĐ UPU: “Chiến lược Bưu chính mới cho thế giới mới”
Hôm nay, 9/10, nhân ngày Bưu chính Thế giới, ông Edouard Dayan – Tổng giám đốc Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã ra thông điệp nhấn mạnh Bưu chính toàn cầu phải đổi mới và nắm lấy cơ hội thương mại điện tử trao tặng.
Mời xem toàn văn Thông điệp của Tổng giám đốc UPU đăng trên website của UPU, nhân ngày Bưu chính thế giới năm 9/10/2012 tại đây.
 

BBT
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top