Tổng hợp báo chí viết về ngành TT&TT tuần 16 (từ ngày 14-20/4/2012)

Thứ sáu, 20/04/2012 15:53

VNPT xin hợp nhất hai mạng di động Vinaphone và Mobifone, Thông tư 04/2012/TT-BTTTT về quản lý thuê bao di động trả trước trong đó quy định cấm không được mua, bán sim đã được kích hoạt trước, Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT do Bộ TT&TT soạn thảo đang nhận được nhiều ý kiến góp ý, phản biện… là những thông tin nổi bật được nhiều báo đăng tải trong tuần này.

img
Khách hàng sẽ phải đăng ký thông tin cá nhân tại các điểm giao dịch. Ảnh Vietnamnet.

BƯU CHÍNH

VNPost dự kiến tách hoàn toàn khỏi Tập đoàn VNPT từ 1/1/2013
ictpress -Bộ TT&TT vừa cho biết Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) đã lên phương án chia tách độc lập hoàn toàn khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và báo cáo với Lãnh đạo Bộ.
Theo đó, dự kiến VNPost sẽ tách ra hoạt động độc lập hoàn toàn từ ngày 1/1/2013, với tên gọi Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (tên viết tắt tiếng Việt là Bưu điện Việt Nam, tên viết tắt tiếng Anh là Vietnam Post).
Vietnam Post sẽ hoạt động theo mô hình Công ty THHH một thành viên không có Hội đồng Thành viên, áp dụng Chủ tịch Công ty và Ban Tổng Giám đốc với chủ sở hữu trực tiếp là Bộ TT&TT.
Bộ TT&TT cho biết, dự thảo phương án sau khi hoàn thiện sẽ được đưa ra xin ý kiến các Bộ, Ngành có liên quan để trình lên Chính phủ phê duyệt.

ViettelPost chính thức “nâng cấp” lên Tổng Công ty
ICTnews - Với việc được Sở KH&ĐT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 13/4, Công ty CP Bưu chính Viettel (ViettelPost) chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình Tổng công ty.
Việc tái cơ cấu, thay đổi mô hình tổ chức quản lý của ViettelPost sang mô hình Tổng công ty nằm trong định hướng, chiến lược phát triển của Bưu chính Viettel, đã được đơn vị khởi động chuẩn bị những điều kiện cần thiết ngay sau khi thực hiện xong quá trình cổ phần hóa DN. Cụ thể, trong 2 năm 2010 và 2011, ViettelPost đã hoàn tất các thủ tục để thành lập 4 công ty thành viên gồm: Bưu chính Viettel Campuchia, Bưu chính Viettel TP.HCM, Bưu chính Viettel TP.Hà Nội và Công ty Bưu chính liên tỉnh Viettel. Bên cạnh các công ty con này, trên phạm vi toàn quốc ViettelPost hiện có 61 chi nhánh.


VIỄN THÔNG - INTERNET

Cấm mua, bán SIM đã kích hoạt sẵn trên thị trường
VnMedia, Vietnamnet, Vietnamplus, Dân trí, Lao động, Ictnews - Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT quy định về quản lý thuê bao di động trả trước vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành đã đưa 6 hành vi nghiêm cấm trong hoạt động đăng ký, lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao di động trả trước, trong đó có việc cấm mua bán SIM đã kích hoạt sẵn trên thị trường…
Phạm vi điều chỉnh của Thông tư này là quy định về quản lý thuê bao di động trả trước bao gồm hoạt động đăng ký, lưu giữ và sử dụng các thông tin thuê bao và số thuê bao của cá nhân, người đứng tên đại diện cho cơ quan, tổ chức sử dụngdịch vụ viễn thông di động mặt đất trả trước.
Theo Thông tư 04, hành vi sử dụng chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người khác để đăng ký thông tin thuê bao sẽ bị nghiêm cấm. Cá nhân không được sử dụng chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của mình để đăng ký thông tin thuê bao cho người khác trừ trường hợp là bố mẹ hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật đăng ký cho người dưới 14 tuổi.
Thông tư cũng nghiêm cấm các hành vi kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho thuê bao khi chính chủ thuê bao vẫn chưa thực hiện việc đăng ký thông tin thuê bao theo quy định; Cấm mua bán, lưu thông trên thị trường SIM đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước khi chưa đăng ký thông tin thuê bao theo quy định.
Việc tiết lộ, sử dụng thông tin thuê bao di động trả trước trái pháp luật cũng bị nghiêm cấm. Đặc biệt, Thông tư 04 nghiêm cấm mua bán, lưu thông, sử dụng SIM đa năng để đăng ký thông tin thuê bao, thiết bị có chức năng kích hoạt SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM.

VNPT đề nghị hợp nhất VinaPhone và MobiFone
Dân trí, Ictnews, Vnexpress - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) đề nghị Chính phủ không cổ phần hóa MobiFone mà sẽ hợp nhất VinaPhone và MobiFone thành Tổng công ty thông tin di động (VNPT- Mobile).
Theo đề án tái cấu trúc Tập đoàn này vừa trình Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT gửi trình Chính phủ và Bộ Thông tin- Truyền thông, 5 năm qua, Công ty thông tin di động VMS - MobiFone đóng góp khoảng 40% doanh thu, trên 60% tổng lợi nhuận của tập đoàn. Do vậy, VNPT đề nghị Chính phủ không cổ phần hóa MobiFone để tạo điều kiện hoạt động của VNPT được ổn định, đủ nguồn lực cần thiết cho quá trình đổi mới, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, VNPT và người lao động.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, phương án sáp nhập MobiFone và VinaPhone đang vướng Luật cạnh tranh và nằm trong nhóm các hành vi tập trung kinh tế bị cấm.
Theo ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, tại điều 18 của Luật Cạnh tranh có quy định cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan. Trong khi đó, nếu VinaPhone và MobiFone tập trung lại sẽ có thị phần trên 50% nên sẽ vi phạm điều luật này.
Vì vậy, ông Vũ Bá Phú cho rằng, nếu VNPT vẫn muốn được chấp thuận thì sẽ phải xin được miễn trừ đối với trường hợp này.

Vinasat-1 tròn 4 tuổi, Vinasat -2 chuẩn bị lên bệ phóng
VnMedia - Hôm nay, 19/4, kỷ niệm 4 năm ngày vệ tinh Viễn thông đầu tiên của Việt Nam Vinasat-1 được phóng thành công lên vũ trụ, khẳng định những ý nghĩa về mặt quốc gia, dân tộc…
Mặc dù không phải là một vệ tinh “thuần Việt”, bởi được đối tác nước ngoài chế tạo và phóng ở địa phận quốc tế, nhưng vệ tinh Vinasat-1 đã thể hiện ý chí quyết tâm và khát vọng chinh phục đỉnh cao công nghệ của những người dân Việt Nam.
Bên cạnh việc khẳng định chủ quyền quốc gia Việt Nam trên không gian, Vinasat-1 đi vào hoạt động đã và đang góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, truyền thông của quốc gia, nâng cao năng lực mạng lưới, chất lượng dịch vụ viễn thông, CNTT, phát thanh, truyền hình của Việt Nam.
Chỉ còn không đầy một tháng nữa thôi, theo kế hoạch, quả vệ tinh viễn thông thứ hai của Việt Nam - Vinasat-2 sẽ được phóng lên vũ trụ. Với tuổi thọ thiết kế 15 năm, Vinasat-2 sẽ có 24 bộ phát đáp băng tần Ku (băng thông 36Mhz), sau khi tối ưu thiết kế vệ tinh, Lockheed Martin cam kết vệ tinh Vinasat-2 có thể khai thác lên đến 25 bộ phát đáp tính đến cuối thời gian sống. Vùng phủ sóng vệ tinh cũng rộng hơn so với Vinasat-1. khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận.

Thuê bao sử dụng 3G tăng 150% chỉ trong 9 tháng
Dân trí, Ictnews – Thống kê mới nhất cho thấy tổng số thuê bao 3G đạt khoảng 12,8 triệu, chiếm 14,71% dân số Việt Nam.
Thông tin này được Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đưa ra tại buổi họp giao ban với các doanh nghiệp hạ tầng viễn thông ngày 19/4. Đây là mức tăng rất mạnh, đạt trên 150% so với tổng số 8 triệu thuê bao 3G được Bộ TT&TT công bố hồi cuối tháng 7/2011.
Dù nền kinh tế  chung vẫn khó khăn, nhưng chuyên gia vẫn nhìn nhận: năm 2012 vẫn là năm bùng nổ của dịch vụ nội dung dịch vụ dựa trên nền tảng 3G. Và trên thực tế, chất lượng 3G của mỗi nhà mạng đã được coi như thước đo khẳng định giá trị thương hiệu. Những tiện ích và lợi thế của 3G đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa thích.

MobiFone tăng tốc phát triển mạng lưới
VnMedia - MobiFone cho biết vừa hoàn tất việc triển khai lắp đặt thêm 7.500 trạm phát sóng 2G-3G mới trên khắp cả nước, trong đó có 3.500 trạm phát sóng 3G và 4.000 trạm phát sóng 2G.
Theo MobiFone, đây cũng là dự án trọng điểm mà MobiFone ứng dụng công nghệ HSPA+ nâng tốc độ uplink tối đa lên đến 21Mbps và tốc độ downlink tối thiểu là 5,76 Mbps trên toàn mạng. Dự án nằm trong số những dự án chiến lược của MobiFone đã nhận được đầu tư rất lớn và khởi động từ giữa năm 2011 nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ trên toàn mạng và đón bắt xu hướng ngày càng gia tăng của thị trường đối với các dịch vụ GTGT trên nền tảng 3G.
Ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phó Tổng giám đốc MobiFone cho biết, dự án đầu tư này là một trong những nỗ lực hướng đến khách hàng của MobiFone, giúp cho khách hàng trên toàn quốc có điều kiện kết nối tốt nhất để sử dụng những dịch vụ tiện ích mà MobiFone mang lại, thắt chặt các mối quan hệ xa gần và nắm bắt những cơ hội thành công mới.
Như vậy, kể từ tháng 4.2012, khi chính thức phát sóng thêm 7500 trạm 2G-3G, số lượng trạm 2G tại 6 Trung tâm của MobiFone tăng thêm trung bình khoảng 50% - 60%. Bên cạnh đó, số lượng trạm 3G lắp đặt mới tăng thêm gấp hai đến ba lần tại các địa bàn thuộc Trung tâm I, III, IV và V. Đặc biệt, số trạm 3G tăng hơn bốn lần tại Trung tâm VI với gần 1.500 trạm 3G đang hoạt động.

VNPT xin "khai tử" Internet gián tiếp (dial-up)
ICTnews - Tại buổi giao ban với các doanh nghiệp hạ tầng viễn thông (19/4), ông Nghiêm Phú Hoàn, Phó Tổng Giám đốc VNPT cho biết, do số lượng thuê bao mạng Internet gián tiếp (dial-up) ngày càng ít nên đã đề nghị Bộ TT&TT cho phép dừng cung cấp dịch vụ này.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), Bộ TT&TT đã có lộ trình cho vấn đề này và sẽ có văn bản về việc VNPT xin phép "khai tử" mạng Internet gián tiếp (dial-up).
Cách đây 4 năm, Viettel, FPT Telecom, NetNam đã tuyên bố "khai tử" dịch vụ này, chỉ có VNPT vẫn duy trì dịch vụ Internet dial-up.


CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Thành lập Cục Công nghệ thông tin Bộ Tổng tham mưu
Vietnamplus - Sáng 18/4, tại Hà Nội, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập và trao Quân kỳ Quyết thắng tặng Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Tổng tham mưu. Cục Công nghệ thông tin có vị trí là cơ quan đầu ngành về công nghệ thông tin trong Quân đội. Cục được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Đảng ủy Bộ Tổng tham mưu - cơ quan Bộ Quốc phòng; đồng thời chịu sự chỉ huy, quản lý của Tổng Tham mưu trưởng. Cục Công nghệ thông tin có nhiệm vụ giúp Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng quản lý, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong Quân đội, đồng thời chỉ đạo nghiệp vụ lực lượng công nghệ thông tin trong toàn quân.

Góp ý cho Nghị định về dịch vụ Công nghệ thông tin
VnMedia, ICTnews - Chưa từng có dự thảo văn bản luật nào của Bộ TT&TT có số lượng ý kiến đóng góp, phản biện từ cộng đồng CNTT-TT nhiều và thẳng thắn như Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT.
Với xuất phát điểm nhằm cụ thể hóa, chi tiết hóa những quy định trong Luật CNTT về việc khuyến khích, ưu đãi phát triển dịch vụ CNTT, Bộ TT&TT đã dành rất nhiều thời gian, tâm sức để soạn thảo Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT.
Để có được một Nghị định hiệu quả, khả thi, Bộ TT&TT cũng đã rất cầu thị khi đề nghị cộng đồng CNTT-TT Việt Nam cùng "vào cuộc", cùng đóng góp ý kiến thông qua các hội, hiệp hội CNTT-TT trước khi Bộ trình Dự thảo Nghị định này lên Chính phủ.
Tuy nhiên, dịch vụ CNTT vốn có bản chất phức tạp, liên tục phát triển, và lại liên quan tới quyền lợi của rất nhiều loại đối tượng khác nhau, trong đó có cả những đối tượng đang ở diện tỷ lệ nghịch về quyền lợi. Bởi vậy, công việc soạn thảo Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT vấp phải rất nhiều khó khăn, thách thức, có khi bắt buộc phải hy sinh lợi ích của một nhóm nhỏ đối tượng để phục vụ cho lợi ích của số đông cộng đồng xã hội, rất khó tránh khỏi sự phản ứng gay gắt từ phía một số đối tượng nhất định.
Đến thời điểm này, từ cộng đồng CNTT-TT đã xuất hiện rất nhiều ý kiến phản biện đề nghị chỉnh sửa, bổ sung, thậm chí bỏ một số quy định nêu trong Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT là văn bản do Bộ soạn thảo nhận được sự quan tâm từ cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất từ trước tới nay, thậm chí số lượng ý kiến đóng góp còn nhiều hơn cả khi soạn thảo Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT. Bộ TT&TT vẫn đang tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT và sẵn sàng tiếp thu để hoàn thiện. Mong cộng đồng CNTT coi đây là sản phẩm chung nhằm thúc đẩy sự phát triển dịch vụ CNTT tại Việt.

Game Việt vẫn phát triển ì ạch
ICTnews - Được khuyến khích phát triển, một số DN đã bắt tay thực hiện các dự án game Việt nhưng đến nay những dự án này vẫn phát triển ì ạch và có chiều hướng chững lại.
Sự hụt hơi của các dự án game Việt trong nước thực tế đã được chỉ ra từ trước, do đây là một cuộc chơi không hề đơn giản, nếu không có sự đầu tư kỹ lưỡng. Không phải ngẫu nhiên mà đến bây giờ FPT Online - DN kinh doanh game được xem lớn thứ 3 trong nước đến giờ vẫn chưa nhảy vào lĩnh vực này.
Theo những người trong ngành, để làm game Việt phải có sự đầu tư kỹ lưỡng từ con người đến cơ sở vật chất và tất nhiên phải có tiền. Chẳng hạn như VNG và VTC Online muốn có được một vài thành công “khiêm tốn” đã phải trải qua một quá trình rất dài. Cụ thể, họ khởi đầu bằng con đường phát hành game và thu được lợi nhuận lớn từ các game mình phát hành sau đó mới tiến hành tái đầu tư để sản xuất game. Bởi để làm game, DN phải bỏ ra số tiền khá lớn đầu tư xây dựng studio, gửi nhân viên ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm…
Nhiều DN game khác gần như chỉ có sự tâm huyết, trong khi đó vấn đề cốt yếu là vốn đầu tư và nhân lực có trình độ lại đang thiếu trầm trọng...


BÁO CHÍ

Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc, tổng kết hoạt động năm 2011 và triển khai nhiệm vụ, công tác năm 2012

Kiểm sát Online - Sáng ngày 20/4/2012, Hội nghị toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam tổng kết hoạt động năm 2011 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2012 đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Nhà báo Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cùng các đồng chí Phó Chủ tịch: Hà Minh Huệ, Phạm Quốc Toàn, Mã Diệu Cương chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các đại biểu đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và đại diện một số Bộ, Ban, Ngành trung ương, cùng lãnh đạo Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các Liên chi hội, Chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam.

Năm 2011, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội IX của Hội Nhà báo Việt Nam, hoạt động của các cấp Hội Nhà báo đã diễn ra sôi nổi và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hội Nhà báo với trên 19.000 hội viên đã thể hiện tinh thần khởi đầu một thời kỳ mới, có nhiều hoạt động nhằm nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, củng cố về mặt tổ chức với mong muốn nâng cao vai trò, vị trí của Hội; phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị góp phần xứng đáng vào thành tựu chung phát triển đất nước.

Ra mắt Hội Truyền thông số Việt Nam
Dân trí - Hôm nay, 20/4, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam chính thức được ra mắt.
Trước đó, nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp đã được bầu chọn làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2011-2015 tại Đại hội lần thứ nhất của Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức tại trụ sở của Bộ Thông tin và Truyền thông vào ngày 2/3/2011. Hội có 25 thành viên ban chấp hành, trong đó, Phó Tổng biên tập báo điện tử Dân trí ông Nguyễn Lương Phán được bổ nhiệm làm Phó tổng thư ký Hội.                                   
Theo ông Hợp, ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam rất có tiềm năng và thực tế đây là lĩnh vực mang lại doanh thu lớn. “Việt Nam có thuận lợi với tỷ lệ lao động trẻ, Thế hệ trẻ của Việt Nam rất say mê với công nghệ. Điều này thể hiện qua con số 27 triệu người đọc báo điện tử chủ yếu là giới trẻ, trong khi đó, báo in chỉ dành cho 5 triệu người đọc chủ yếu thuộc thế hệ cao tuổi”.
Ngoài ra, theo chủ tịch Hội Truyền thông số, Việt Nam đang đi sau các nước nên có nhiều bài học của người đi trước để đi tắt đón đầu. Tuy nhiên, “chúng ta cần phải khiêm tốn để học hỏi những kinh nghiệm của các nước đi trước”.
Tuy vậy, ngành công nghiệp số Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, như hầu hết các doanh nghiệp đều phát triển tự phát, thiếu cơ quan chỉ đạo chủ lực. 
Ông Hợp cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động khi mà luật lệ chưa đồng bộ và chưa có cơ chế chính sách rõ ràng trong lĩnh vực này.

BBT tổng hợp
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top