Di động có thêm tần số khi số hóa truyền hình
Hội thảo “Số hóa phát thanh truyền hình và sử dụng tần số sau số hóa” đã được tổ chức trong hai ngày 26-27/05/2011 bởi Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và Bộ TT& TT, phát biểu tại hội nghị Thứ trưởng Bộ TT& TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng từ khía cạnh quản lý tần số, việc thúc đẩy số hóa phát thanh truyền hình là việc làm tất yếu phát triển của công nghệ, sử dụng phổ tần hiệu quả hơn và dành thêm băng tần cho các dịch vụ vô tuyến băng rộng. Số hóa dịch vụ phát thanh truyền hình và thêm băng tần cho băng rộng sẽ thúc đẩy kinh tế xã hội và tăng thêm lợi ích cho người dùng. Để đạt được mục tiêu đó, các nhà quản lý khai thác viễn thông và phát thanh truyền hình cần phải bắt tay nhau thực hiện. Theo chuyên gia của ITU, lộ trình số hóa truyền hình rất quan trọng và cần được xem xét một cách thận trọng để đạt được sự chuyển đổi thành công truyền hình số cũng như băng rộng số đến tất cả người dân Việt Nam. Việc chuyển đổi này cũng sẽ giúp cho các nhà cung cấp nội dung có thể tăng số kênh phát cho khách hàng bởi nếu như trước đây trên mỗi kênh của analog chỉ phát được 1 kênh nội dung nhưng với công nghệ digital thì có thể phát tới 20 kênh nội dung. Hơn nữa, hiện nay xu hướng công nghệ đang xóa nhòa khoảng cách thiết bị giữa viễn thông và phát thanh truyền hình. Các hãng bắt đầu tung ra các loại ti vi có thể kết nối Internet, trong khi đó các điện thoại cũng đã tích hợp với ti vi.
Viễn thông công ích: Xóa xã “trắng” dịch vụ Internet
Ngày 20/5 Thứ trưởng Trần Đức Lai đã chủ trì cuộc họp với Quỹ viễn thông công ích về góp ý, xây dựng hoàn thiện dự thảo Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích (VTCI) giai đoạn 2011-2015. Theo dự thảo, các mục tiêu cụ thể về hỗ trợ phát triển hạ tầng, dịch vụ viễn thông cũng như hỗ trợ sử dụng dịch vụ của Chương trình cung cấp dịch vụ VTCI giai đoạn 2011-2015 được xác định gồm: 100% số xã được kết nối với đường truyền dẫn Internet băng rộng đa dịch vụ; 100% số xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng; hầu hết các hộ gia đình thuộc các huyện nghèo có sử dụng điện thoại cố định (cả có dây và không dây); trên 5% hộ gia đình thuộc các huyện nghèo có thể truy cập dịch vụ Internet băng rộng; người dân được sử dụng miễn phí các dịch vụ viễn thông bắt buộc; 100% các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp, cơ sở y tế, giáo dục có máy điện thoại và được kết nối Internet băng thông rộng. Về vùng công ích, vùng cung cấp dịch vụ VTCI đến năm 2015 được xác định sẽ tập trung vào 69 huyện nghèo (căn cứ quy định của Thủ tướng Chính phủ); các xã đảo xa bờ; và 32 xã chưa có dịch vụ điện thoại và Internet theo kết quả đợt tổng điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, Internet và nghe-nhìn do Bộ TT&TT chủ trì thực hiện trong năm 2010. Còn trong giai đoạn trước, vùng công ích gồm hơn 180 huyện, khoảng 5.000 xã. Sau khi gửi xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan, dự kiến, chương trình cung cấp dịch vụ VTCI mới sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2011.
“Máy tính cho cuộc sống” rút ngắn khoảng cách số
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Intel Việt Nam đã giới thiệu chương trình đồng hành cùng sáng kiến “Máy tính cho cuộc sống” nhằm tiếp tục thực hiện cam kết khuyến khích sử dụng máy tính cho người Việt Nam, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, và hải đảo. Chương trình này là một phần nằm trong Biên bản ghi nhớ có thời hạn 10 năm mà Intel đã ký kết với Bộ Thông tin và Truyền thông vào tháng 10 năm ngoái. Các máy tính với bộ vi xử lý của Intel tham gia chương trình này sẽ có mức giá hợp lý và sẽ được cài đặt sẵn các công cụ, các ứng dụng hữu ích phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng nhóm đối tượng người dùng, ví dụ như chương trình học Anh ngữ của Hội đồng Anh (British Council), các phần mềm MeeGo và Intel® AppUp của Intel. Năm 2011, chương trình được chia ra làm 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất từ ngày 25/5 đến hết 30/9, tập trung đưa máy tính đến các đối tượng học sinh, sinh viên mang tên “Máy tính ước mơ.”
Việt Nam có thêm Trung tâm dữ liệu mới
Ngày 24/05/2011, Viettel IDC (thuộc tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel) đã chính thức khai trương trung tâm dữ liệu Viettel IDC Sóng Thần tại tỉnh Bình Dương. Được biết, đây là trung tâm dữ liệu có quy mô lớn và trang bị hiện đại bậc nhất tại khu vực Đông Nam Á với tổng kinh phí đầu tư lên đến 18 triệu USD và tổng diện tích phòng máy lên tới 10.000m2. Trung tâm cung cấp các dịch vụ thuê chỗ đặt máy chủ, lưu trữ cơ sở dữ liệu, khôi phục dữ liệu sau sự cố thảm họa (động đất, cháy nổ, lũ lụt...). Trung tâm có khả năng lưu trữ 40.000 máy chủ theo tiêu chuẩn Tier3 - tiêu chuẩn cao nhất hiện nay tại VN.
IBM công bố giải pháp Điện toán Đám mây Thông minh dành cho Doanh nghiệp
Ngày 26/05/2011, IBM đã công bố giải pháp Điện toán Đám mây Thông minh dành cho Doanh nghiệp (IBM SmartCloud Enterprise) với các doanh nghiệp tại thị trường VN. Thông qua Trung tâm Dữ liệu Điện toán Đám mây khu vực Châu Á Thái Bình Dương mới được khai trương tại Singapore, giải pháp Điện toán Đám mây Thông minh dành cho Doanh nghiệp của IBM là một nền tảng điện toán đám mây an toàn, ở cấp độ doanh nghiệp, được xây dựng nhằm giúp các doanh nghiệp khai thác ưu thế của các dịch vụ chia sẻ tài nguyên điện toán, nâng cao hiệu suất, kiểm soát chi phí và đẩy nhanh tốc độ đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường.
Viettel phủ sóng khắp vùng bờ biển Việt Nam
Viettel vừa tuyên bố sóng di động của nhà mạng này đã phủ kín toàn bộ vùng biển gần bờ Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đánh bắt tại các ngư trường xa bờ. Theo kết quả đo kiểm đầu tháng 5/2011 của Viettel, hơn 3.000 km vùng biển gần bờ Việt Nam đã được Viettel phủ sóng điện thoại di động. Tại những ngư trường lớn như Cà Mau – Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, vùng phủ sóng cách đất liền lên tới hơn 200 km. Với tầm phủ rộng, ngư dân đánh bắt xa bờ tại nhiều vùng biển có thể sử dụng điện thoại di động để liên lạc với người thân tại đất liền. Ngoài ra, người dùng có thể truy cập Internet qua GPRS/EDGE để đọc tin tức, cập nhật giá cả, thời tiết,… ngay giữa biển khơi. Đây là một trong những cải tiến quan trọng của Viettel trong quá trình nắm bắt và làm chủ công nghệ. Với lợi thế này, Viettel là mạng di động duy nhất có thể phủ sóng tới mọi vùng miền tổ quốc, đảm bảo phục vụ người dân và công tác tuần tra bảo vệ, phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Cú hích mới trên thị trường Internet Việt Nam
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT vừa áp dụng chính sách ưu đãi tăng tốc độ truy nhập cho dịch vụ Internet cáp quang FTTH FiberVNN và dịch vụ MegaVNN mà giá cước vẫn được giữ nguyên. Động thái này của ISP có thị phần dịch vụ lớn nhất được giới công nghệ nhận định sẽ là “ngòi nổ” của cuộc đua mới trên thị trường Internet băng rộng Việt. Theo chính sách này, gói cước thấp nhất của FiberVNN sẽ trong khoảng từ 700.000đồng - 900.000 đồng phù hợp cho đối tượng khách hàng thuộc khối giáo dục đào tạo. Với các khách hàng là doanh nghiệp và cơ quan Đảng, Nhà nước sẽ được miễn cước 01 địa chỉ IP tĩnh.
Trước sức ép cạnh tranh của nhiều dịch vụ Internet băng rộng khác, đặc biệt là FTTH, hiện nay, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ADSL đang phải không ngừng nghiên cứu cũng như xây dựng các chính sách ưu đãi của mình. Chẳng hạn như nhà mạng sẽ không khuyến mại ào ạt nữa mà tập trung vào các thị trường trọng điểm. Với số lượng thuê bao hiện có, dù vẫn chưa tới thời điểm bão hoà song cũng đã cần được quan tâm hơn để giữ chân.
Mobifone cảnh báo về tin nhắn lừa đảo
MobiFone cho biết gần đây nhiều khách hàng của nhà mạng này phản ánh về việc xuất hiện các tin nhắn (SMS) giả mạo với nội dung sai sự thật nhằm lừa gạt tiền trong tài khoản của các chủ thuê bao. Theo MobiFone, các tin nhắn lừa đảo xuất hiện với nhiều nội dung khác nhau, chủ yếu đưa ra lời mời chào hấp dẫn từ các chương trình khuyến mại, trúng thưởng các sản phẩm có giá trị, quà tặng âm nhạc, ủng hộ quỹ từ thiện… Tin nhắn được gửi đi từ số điện thoại lạ, mạo danh là người quen, hoặc có thể mạo danh nhân viên của mạng di động để câu kéo khách hàng nhắn tin trả lời gửi tới đầu số của các nhà cung cấp dịch vụ nội dung (8xxx,7xxx, 6xxx,…). Trước tình trạng trên, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho khách hàng, MobiFone khuyến cáo các chủ thuê bao khi nhận được những tin nhắn giả mạo không nên làm theo các hướng dẫn của tin nhắn ngay lập tức mà cần xác định rõ số thuê bao gửi tin nhắn. MobiFone cũng không sử dụng số thuê bao cá nhân để gửi tin nhắn đến cho khách hàng. Bên cạnh đó, khách hàng có thể liên lạc với bộ phận chăm sóc khách hàng của MobiFone (tổng đài 18001090 hoặc 9244) hoặc truy cập website www.mobifone.com.vn để kiểm tra.
77 sản phẩm lọt qua sơ tuyển Sao Khuê
Sau vòng Sơ tuyển Chương trình bình chọn Sao Khuê diễn ra vào ngày 24/5, Ban tổ chức đã chọn được 77 sản phẩm, giải pháp phầm mềm và dịch vụ CNTT đi tiếp vào vòng sau. Hội đồng đã tiến hành đánh giá, xem xét từng hồ sơ sản phẩm, dịch vụ đề cử và bình chọn theo hệ thống 5 nhóm tiêu chí lớn, gồm tính ứng dụng và hiệu quả ứng dụng; công nghệ và chất lượng sản phẩm/dịch vụ; tính sáng tạo và đột phá; thị trường và dịch vụ hỗ trợ; chất lượng hồ sơ và bảo đảm pháp lý. Kết quả 77/89 sản phẩm, giải pháp và dịch vụ phần mềm, CNTT đăng ký tham gia đã vượt qua vòng Sơ tuyển. Trong đó có 12 dịch vụ, 65 sản phẩm/ giải pháp phần mềm, CNTT.
Theo dự kiến, vòng chung tuyển sẽ diễn ra vào ngày 4/6 để đánh giá và xếp loại 3 sao, 4 sao và 5 sao cho các sản phẩm được trao danh hiệu. Lễ Công bố và trao danh hiệu Sao Khuê 2011 sẽ được tổ chức trong đêm Gala Dinner của Hội nghị Lãnh đạo CNTT-TT 2011 (Vietnam ICT Summit 2011), một trong những sự kiện quan trọng nhất của ngành CNTT-TT năm nay.
26 thương hiệu CNTT nổi tiếng Đài Loan tới Việt Nam
Ngày 24/05, chiến dịch Taiwan Excellence chính thức khởi động với quy mô lớn hơn so với năm 2010 và diễn ra từ nay đến hết năm 2011. Chiến dịch này nhằm đưa các sáng tạo và sản phẩm CNTT nổi bật của Đài Loan tới Việt Nam. Theo ông Huan Chih-Peng, trưởng đại diện văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội, sau chiến dịch Taiwan Excellence năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng CNTT Đài Loan vào Việt Nam trong năm 2010 là gần 35 triệu USD, tăng 76,6% so với năm 2009 (gần 20 triệu USD). Ông cũng cho rằng CNTT đang là xu hướng mới để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Hiện Đài Loan đang có nhiều sản phẩm CNTT chiếm lĩnh thị phần lớn trên thế giới, trong đó laptop chiếm 94,6% thị phần, LCD chiếm 71,85, bo mạch chủ chiếm 95,4%,…