Tổng hợp báo chí viết về ngành Thông tin và Truyền thông tuần 31 (từ ngày 27/7 đến ngày 2/8/2013)

Thứ sáu, 02/08/2013 14:37

Trong tuần qua thông tin Khai mạc Hội nghị phát thanh Châu Á năm 2013, tăng cường quản lý trò chơi điện tử và thông tin trên mạng xã hội, vấn đề số hóa truyền hình, bản quyền truyền hình giải bóng đá Ngoại hạng Anh… đã được các báo điện tử tập trung phản ánh.

img

Game online sẽ được cấp phép trở lại sau gần 3 năm ngừng cấp phép. Ảnh minh họa: Internet

   BÁO CHÍ

+ Thủ tướng dự Hội nghị Phát thanh Châu Á 2013

Hội nghị Phát thanh Châu Á 2013 (Radio Asia 2013), khai mạc chiều 29/7, tại Hà Nội, thu hút 500 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan truyền thông, chuyên gia nghiên cứu trong nước và quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự và phát biểu tại sự kiện này. Radio Asia 2013 do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Phát thanh-Truyền hình Châu Á- Thái Bình Dương (ABU) tổ chức với chủ đề "Phát thanh và Truyền thông xã hội: Xu hướng phát triển trong tương lai". Đây cũng là sự kiện phát thanh quốc tế duy nhất trong khu vực, lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Phát biểu tại buổi khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng từ khi ra đời cho tới nay, phát thanh luôn là một trong những phương tiện truyền thông phổ cập, đạt hiệu quả cao trong truyền tải thông tin và đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nhân loại, cả ở phạm vi mỗi quốc gia và trên toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành Phát thanh Việt Nam theo hướng hiện đại hóa về công nghệ, thực hiện lộ trình ứng dụng kỹ thuật số đến năm 2020, chuyên nghiệp hóa về sản xuất và đa dạng hóa về thể loại chương trình, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của nhân dân và của bè bạn quốc tế.

 Tin bài liên quan:

- Khai mạc Hội nghị Phát thanh châu Á 2013 ở Hà Nội

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự khai mạc Hội nghị Phát thanh châu Á 2013

- Ngành phát thanh “nhờ cậy” Internet để hút thính giả

+ Sẽ siết chặt quản lý thiết bị thu truyền hình số

Sắp tới Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để có biện pháp siết chặt quản lý các thiết bị thu truyền hình số không đúng quy chuẩn kỹ thuật "lọt" vào thị trường Việt Nam. Sáng 26/7/2013, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam tổ chức phiên họp lần thứ 3 để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc triển khai "Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020". Tại cuộc họp lần này, có một số ý kiến đề nghị cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ và thiết bị thu, phát truyền hình số, trong đó đặc biệt là quản chặt thiết bị thu truyền hình số trên thị trường. Theo kế hoạch đề ra, việc triển khai, cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất cần đảm bảo vùng phủ và chất lượng tín hiệu truyền hình số mặt đất theo quy chuẩn, không khóa mã các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu. Bên cạnh đó, nhà nước sẽ phân công cụ thể các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất để truyền tải các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu, nhằm tránh tình trạng truyền dẫn phát sóng trùng lặp về nội dung giữa các nhà mạng gây lãng phí.

 Tin bài liên quan:

- Đảm bảo số hóa truyền hình theo đúng tiến độ

- HTV và VTC hợp tác để đẩy nhanh số hóa truyền hình

- Tuyên truyền về số hóa truyền hình mặt đất

- VTC đang dẫn đầu trong số hóa truyền hình

+ Hậu quả khôn lường khi K+ độc quyền Ngoại hạng Anh

Đầu năm nay Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPay TV) đã xin ý kiến Bộ Thông Tin và Truyền thông họp bàn thống nhất ủy quyền VTV đại diện đàm phán mua bản quyền truyền hình trực tiếp Ngoại hạng Anh với mức giá tăng khoảng 20% so với trước đây. Tuy nhiên, Canal+ đã lặng lẽ “đi đêm” với Hãng IMG (Hoa Kỳ) để họ nhanh chóng ôm trọn gói Ngoại hạng Anh rồi bán lại cho K+ độc quyền phát sóng ở Việt Nam với một mức giá khiến các nước trong khu vực phải lè lưỡi lắc đầu (hơn 33 triệu USD). Việt Nam có luật chống độc quyền. Đến như than, điện, xăng dầu... còn phải chịu sự điều tiết giá, thậm chí còn phải bán thấp hơn giá thành. Nhà nước Việt Nam luôn bảo đảm quyền lợi chính đáng của mọi công dân, đặc biệt là quyền được hưởng thụ văn hóa, thông tin, thể thao... bình đẳng. Vậy thì không nên nhầm lẫn giữa bản quyền và độc quyền ở Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực báo chí - phát thanh truyền hình. Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần phải tách K+ là một doanh nghiệp cổ phần độc lập, không thuộc VTV nữa để bảo đảm sự công bằng với mọi đơn vị truyền hình trả tiền và để bảo vệ sự trong sáng, sang trọng của Đài Truyền hình Quốc gia".

 Tin bài liên quan:

- K+ độc quyền: VTV có quyền phủ quyết

- Chưa thống nhất được phương thức chia sẻ sóng giải Ngoại hạng Anh

- Bộ trưởng Vũ Đức Đam: VTV và các đài ngồi lại với nhau để người dân được lợi

+ Thực hiện nghiêm quy chế cung cấp tin cho báo chí

Ngày 1/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí, thực hiện nghiêm Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; thường xuyên theo dõi phản ánh từ báo chí, phối hợp chặt chẽ cung cấp thông tin, giải đáp kịp thời những vấn đề thuộc thẩm quyền, thuộc trách nhiệm của ngành mình, cấp mình. Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị các cơ quan báo chí và nhân dân Thủ đô tiếp tục hợp tác, đồng thuận và tăng cường giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành và thành phố theo quy định.

  Tin bài liên quan:

- Các sở, ngành của Hà Nội chủ động thông tin cho báo chí


  XUẤT BẢN

+ Ngành xuất bản 6 tháng đầu năm: Nhiều sách sai phạm về lịch sử, địa lý

Cục Xuất bản phối hợp với Bộ TT&TT vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2013 của ngành xuất bản tại Cần Thơ. Nhiều sai phạm về các vấn đề lịch sử, địa lý, tôn giáo… bị dư luận và báo chí phản ánh trong thời gian qua đã được đề cập tại hội nghị lần này. Một số nhà xuất bản buông lỏng quản lý, thực hiện quy trình biên tập không khoa học, dẫn đến sai phạm nội dung, đặc biệt sai phạm đối với loại sách liên quan đến lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia nên đã có sai sót về sự kiện lịch sử, thể hiện không rõ ràng và đầy đủ chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia (thiếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đảo Phú Quốc...), sử dụng minh họa cờ Trung Quốc thay cho cờ Tổ quốc trong sách dạy cho trẻ em…

 Tin bài liên quan:

- Nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất bản

- Phải nâng cao trách nhiệm của những người làm xuất bản

+ Bắt gần 2.000 quyển truyện tranh in lậu

Một lô sách lậu gồm 1.967 quyển thuộc bộ truyện tranh Trạng Qùynh vừa được đội kiểm tra liên ngành văn hóa xã hội quận 5 và PA83 Công an TP.HCM phát hiện tại cửa hàng mua bán sách cũ 35 Trần Nhân Tôn, P.9, Q.5. Số sách trên bao gồm 10 tập trong bộ truyện, tất cả đều không có hóa đơn chứng từ nguồn gốc sách. Chủ cửa hàng cho biết số sách này mua trôi nổi và không biết tên, địa chỉ của bên bán sách. Theo thông tin từ cán bộ kiểm tra, mặc dù các sách này đều ghi rõ có giấy phép xuất bản của NXB Đồng Nai, nhưng chất lượng các bản sách ở đây cho thấy đây là ấn phẩm lậu, được làm theo cách “luộc” lại sách gốc (scan, in bằng giấy rẻ tiền). Thông thường, những trường hợp phát hiện sách lậu như thế này sẽ xử lý theo khung phạt hành chính, nên thường không có hiệu quả ngăn chặn hành vi in lậu.


 CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

+ Nghị định về quản lý, sử dụng dịch vụ Internet... có hiệu lực: Có thể giám sát con em khỏi tác động tiêu cực của trò chơi điện tử

Chiều 31/7, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức họp báo về việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Nghị định này gồm 6 chương, 46 điều, có hiệu lực từ 1/9/2013 và thay thế Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008, đồng thời bãi bỏ các thông tư liên tịch số 02/2005 ngày 14/7/2005 về quản lý Internet và số 60/2006, ngày 1/6/2006 về quản lý trò chơi trực tuyến (online games). Theo đó, nghị định này nhằm tăng cường phát triển và quản lý nội dung thông tin trên mạng, quản lý trò chơi điện tử trên mạng, trong đó quản lý các trò chơi thông qua biện pháp cấp phép, phê duyệt nội dung và phân loại trò chơi theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ theo độ tuổi nhằm giúp người chơi chọn lựa trò chơi điện tử phù hợp với lứa tuổi và cha mẹ có thể biết, chọn lựa hoặc giám sát con em mình, bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi những tác động tiêu cực của trò chơi; quản lý các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

 Tin bài liên quan:

- Nghị định mới tạo điều kiện phát triển cho Internet

- Tăng cường quản lý trò chơi điện tử trên mạng

- Nghị định số 72/2013/NĐ-CP đã đi vào tính “phẳng” của Internet?

- Tăng cường quản lý trò chơi điện tử và thông tin trên mạng xã hội

- “Sẽ xử lý các trang facebook tổng hợp thông tin”

- Các trang cá nhân trên Facebook không được tổng hợp thông tin

- Trang mạng cá nhân dẫn tin thế nào thì không vi phạm?

- Sẽ quản doanh nghiệp xuyên biên giới và “cởi trói” cho game online

- Vẫn cho phép chia sẻ thông tin trên Facebook

- Chủ tài khoản Facebook vẫn có thể dẫn đường link

- Quản lý Google, Facebook theo luật Việt Nam và thông lệ quốc tế

- Bộ TT&TT sẽ lấy ý kiến về việc “quản” Google và Facebook

+ Sắp có cuộc thi CNTT dành riêng cho công chức, viên chức

Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi về CNTT trong khối công chức, viên chức và lao động trẻ lần thứ nhất trong năm 2013. Cuộc thi nhằm khuyến khích công chức, viên chức, lao động trong độ tuổi 18 - 35 sáng tạo, ứng dụng và làm chủ CNTT, đồng thời góp phần đánh giá trình độ CNTT của đoàn viên, thanh niên khối công nhân viên chức. Theo chương trình hợp tác, Bộ TT&TT cùng Trung ương Đoàn còn phối hợp thực hiện nhiều hoạt động đáng chú ý khác như: Chương trình Máy tính nối mạng tri thức, Phát triển nội dung của Cổng tri thức Khoa học công nghệ thanh niên; Xây dựng Mạng xã hội thanh niên Việt Nam và Cổng thông tin việc làm thanh niên chuyên ngành CNTT-TT; Chương trình Sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt (VIBRAND); Hội thi Tin học trẻ toàn quốc; Xây dựng thư viện điện tử gồm 200.000 đầu sách cho 6 đảo gồm Bạch Long Vĩ - Quảng Ninh, Cô Tô - Quảng Ninh, Lý Sơn - Quảng Ngãi, Phú Quý - Bình Thuận, Côn Đảo - Bà Rịa Vũng Tàu, Phú Quốc - Kiên Giang.

+ Tiến tới “chính quyền điện tử Thủ đô”

Khi Thủ đô Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ cải cách hành chính ở các đơn vị chưa được đồng đều. Song 5 năm qua, bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao, giờ đây Hà Nội đã có nền tảng khá vững chắc để hướng đến mục tiêu xây dựng "chính quyền điện tử". Theo đánh giá về mức độ ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước năm 2012 được Bộ TT&TT công bố, TP.Hà Nội đã được xếp vị trí thứ 2 trên toàn quốc, tăng 17 bậc so với năm 2011. Không dừng lại ở đó, trong năm 2013 này, TP.Hà Nội đang tích cực thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị cho việc triển khai dự án Khu công nghiệp phần mềm nội dung số trọng điểm TP.Hà Nội. Theo đó, Chương trình phát triển công nghiệp CNTT TP.Hà Nội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 sẽ chính thức được triển khai. Đó chính là những điều kiện thiết thực trong việc tạo nền móng ban đầu cho quá trình xây dựng "cơ quan điện tử" và tiến tới "chính quyền điện tử Thủ đô" giai đoạn 2011-2015.

+ Ra mắt Viện Tin học Nhân dân

Chiều 31/7, Hội Tin học Việt Nam chính thức tổ chức lễ ra mắt Viện Tin học Nhân dân, nhằm thu hút, tập hợp các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phát triển CNTT-TT nước nhà. Với cơ cấu tổ chức và hoạt động theo mô hình mở, sẵn sàng kết nạp, liên kết các tổ chức, Hội Tin học Việt Nam hy vọng Viên Tin học Nhân dân sẽ trở thành một tổ chức KH-CN ngoài công lập có uy tín, thu hút hiệu quả sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm từ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức nghiên cứu, trường đại học…trong nước và quốc tế, giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT-TT, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh bằng CNTT-TT.

 Tin bài liên quan:

- Viện Tin học nhân dân sẽ phổ cập Tin học cho 1 triệu người

+ Khai mạc hội thi tin học trẻ toàn quốc

Ngày 31/7, hội thi Tin học trẻ toàn quốc đã được tổ chức ở thành phố Vinh, Nghệ An. Tham gia hội thi có 224 thí sinh đến từ 51 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hội thi lần này chia thành 3 cấp học gồm tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Các thí sinh tranh tài để nhận 36 giải thưởng phần thi chung và 15 giải thưởng phần thi phần mềm sáng tạo. Theo Ban tổ chức, hội thi lần này, các thí sinh nộp thi phần mềm sáng tạo có 107 phần mềm và đa số nội dung phần mềm đều gắn với thực tiễn cuộc sống. Một số tỉnh, thành phố có số lượng đông thí sinh và phần mềm dự thi như Hà Nội (23 phần mềm), Đà Nẵng (18 phần mềm), Hậu Giang (12 phần mềm), Thành phố Hồ Chí Minh (10 phần mềm)...Hội thi Tin học trẻ toàn quốc là sự kiện thường niên do Trung ương Đoàn, Bộ Khoa học-Công nghệ, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài truyền hình Việt Nam và Hội Tin học Việt Nam phối hợp tổ chức.

 Tin bài liên quan:

- 224 học sinh tranh tài tại Hội thi Tin học Trẻ toàn quốc 2013

+ Doanh nghiệp Việt thờ ơ với tên miền quốc gia “.vn”

Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn khá thờ ơ với đăng ký tên miền “.vn”. Tại Hội thảo với chủ đề “Bảo vệ thương hiệu Việt với tên miền .vn” ngày 31/7,  ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc VNNIC cho hay, hiện riêng khối các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đăng ký khoảng 200.000 tên miền, bao gồm cả tên miền Việt Nam (.vn) và tên miền quốc tế. Thông thường mỗi doanh nghiệp thường đăng ký nhiều hơn 1 tên miền. Trong khi đó, tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay là hơn 500.000. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ doanh nghiệp có tên miền hoặc website mới chỉ trên 20% và con số trên rõ ràng còn khá khiêm tốn. “Trong bối cảnh hội nhập, việc sử dụng tên miền .vn để bảo vệ các thương hiệu Việt sẽ giúp các doanh nghiệp nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ cộng đồng và khách hàng để không bị thua thiệt ngay trên sân nhà,” ông Tân chốt lại.

 Tin bài liên quan:

- Doanh nghiệp chưa chú trọng việc đăng ký tên miền

- Bảo vệ thương hiệu Việt với tên miền .VN

- TP. Cần Thơ: Hội thảo “Bảo vệ thương hiệu Việt với tên miền .vn”

- Doanh nghiệp mất thương hiệu vì chưa lo giữ tên miền

+ Liên thông kết nối để có Bộ TT&TT điện tử vào năm 2020

Đến năm 2020, các cơ quan, đơn vị của Bộ TT&TT sẽ liên thông kết nối giao dịch điện tử và người dân chỉ cần truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Bộ để sử dụng mọi dịch vụ công trực tuyến được cung cấp bởi các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Định hướng xây dựng Bộ TT&TT điện tử đến năm 2020 vừa được công bố sáng 31/7/2013, tại cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Ứng dụng CNTT năm 2013 của Bộ TT&TT do Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng chủ trì. Dự kiến năm 2020, 80% dịch vụ công trực tuyến của Bộ TT&TT sẽ đạt mức 3 và 20% đạt mức 4. Khi đó, người dân, doanh nghiệp không cần tiếp xúc trực tiếp khi muốn làm việc hoặc thực hiện các thủ tục hành chính với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT.

+ 83% doanh nghiệp sử dụng CNTT như đòn bẩy kinh doanh chiến lược

83% doanh nghiệp có chỉ số tự tin về CNTT cao đã sử dụng CNTT như một đòn bẩy kinh doanh chiến lược. Trong khi đó, chỉ có 44% doanh nghiệp thuộc nhóm có chỉ số tự tin về CNTT thấp có động thái và quan điểm tương tự. Con số trên được trích ra từ Chỉ số mức độ tự tin về CNTT trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn cầu do Symantec công bố mới đây với 3 loại doanh nghiệp được xếp hạng gồm mức độ tự tin cao, mức độ tự tin trung bình, mức độ tự tin thấp. 83% doanh nghiệp có chỉ số tự tin về CNTT cao đã sử dụng CNTT như một đòn bẩy kinh doanh chiến lược, thường có xu hướng đầu tư vào hạ tầng CNTT chất lượng cao và triển khai các nền tảng điện toán tiên tiến (chẳng hạn như đám mây và di động), và coi những công nghệ tiên tiến là xứng đáng để chấp nhận rủi ro. Họ đã biết cách gắn kết đầu tư CNTT với mục tiêu kinh doanh, tập trung vào tính hiệu quả của giải pháp công nghệ tiên tiến, chẳng hạn, sẽ cân nhắc giữa áp dụng những công cụ tương tác trực tuyến và hội nghị truyền hình để giảm thiểu chi phí điện thoại và chi phí đi lại của nhân viên. Trong khi đó, chỉ có 44% doanh nghiệp thuộc nhóm có chỉ số tự tin về CNTT thấp có động thái và quan điểm tương tự


  VIỄN THÔNG

+ VNPT sẽ mạnh hơn sau tái cơ cấu?

2013 tiếp tục là năm đổi mới toàn diện tổ chức sản xuất kinh doanh của Tập đoàn VNPT. Lãnh đạo tập đoàn xác định mục tiêu tái cơ cấu làm cho VNPT mạnh hơn, giữ vững vai trò là doanh nghiệp chủ lực quốc gia trong lĩnh vực viễn thông, CNTT. VNPT xác định mục tiêu tái cơ cấu để làm cho VNPT mạnh hơn, tiếp tục giữ vững vai trò là doanh nghiệp chủ lực của quốc gia trong lĩnh vực viễn thông, CNTT. Mặt khác việc tập trung tái cơ cấu VNPT theo hướng tối ưu hóa các nguồn lực, tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển, kinh doanh hiệu quả; nâng cao năng lực cạnh tranh, trình độ quản trị doanh nghiệp của VNPT đáp ứng tiến trình hội nhập quốc tế. Điều này cũng nằm trong tiến trình thực hiện mục tiêu trở thành một nhà khai thác viễn thông lớn, có uy tín trong khu vực và quốc tế.

+ Cướp sim để đoạt tiền, phương thức mới của tội phạm

Lần đầu tiên tại Việt Nam xảy ra sự việc mạo danh để cướp sim điện thoại của khách hàng rồi xâm nhập tài khoản ngân hàng để thanh toán trực tuyến với mục đích chiếm đoạt tài sản. Đây là phương thức phạm tội mới song kẻ gian lại sử dụng những thủ đoạn cũ và lợi dụng những kẽ hở của ngân hàng cũng như nhà mạng để có thể chiếm đoạt tiền một cách dễ dàng. Một cán bộ của Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội cho biết đây là một thủ đoạn mới của bọn tội phạm. Sở dĩ kẻ gian có thể thực hiện được hành vi phạm tội của mình là do đã lợi dụng được sơ hở từ chính cá nhân người sử dụng cũng như những kẽ hở của ngân hàng và các nhà mạng. Về sơ hở của người sử dụng, theo phân tích của cán bộ Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có thể họ đã sơ suất để lộ các thông tin cá nhân. Bởi ngoài việc có được số điện thoại thì để chiếm đoạt được tiền kẻ gian còn cần phải có số thẻ (dãy số in trên thẻ) và ngày hiệu lực (hoặc ngày cấp) thẻ sau đó mới có thể nhận mật khẩu OTP qua số điện thoại di động.

+ Từ ngày 1/8: Cung cấp gói cước 3G chỉ với 10.000 đồng

Kể từ ngày 1/8/2013, Công ty Thông tin Di động MobiFone chính thức cung cấp gói cước 3G mới dành cho dịch vụ Fast Connect với giá gói chỉ 10.000 đồng. Đây là mức giá thấp nhất thị trường hiện nay, dành cho các thuê bao có nhu cầu sử dụng dữ liệu thấp. Với thời hạn sử dụng 30 ngày, khách này đăng kí gói này sẽ được sử dụng 50Mb miễn phí với tốc độ tối đa, cước phát sinh ngoài gói là 2,93đ/50Kb. Các thuê bao Fast Connect cơ bản (trừ gói FCU) cũng sẽ chỉ phải trả cước 500.000 đồng/tháng thay vì 1.000.000 đồng/tháng như trước đây. Cũng kể từ 1/8, MobiFone ngừng cung cấp loại hình thuê bao không đăng kí gói (FC0) và gói cước data giờ thấp điểm (OP1, OP2). MobiFone vẫn tiếp tục triển khai một số chương trình ưu đãi đặc biệt dành cho khách hàng: thuê bao Fast Connect là nhà báo, phóng viên được giảm 50% giá gói cước và cước phát sinh; tăng thêm 20% dung lượng miễn phí cho thuê bao sử dụng dịch vụ tích hợp MobiGold…

  Tin bài liên quan:

- Nhà mạng chọn điểm nhấn cho cuộc đua 3G


  BƯU CHÍNH

+ Sáp nhập xong 2 dịch vụ EMS và VExpress trong tháng 8/2013

Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam dự kiến hoàn thành sáp nhập 2 dịch vụ chuyển phát nhanh (CPN) EMS và VExpress trong tháng 8/2013. Đồng thời, VietnamPost sẽ tiếp tục có giải pháp để tăng sức cạnh tranh của dịch vụ CPN do đơn vị mình cung cấp. Từ đầu năm 2007, trên mạng lưới bưu chính Việt Nam đã tồn tại song song 2 dịch vụ CPN trong nước là EMS và VExpress. Trong đó, dịch vụ EMS là dịch vụ có trước và được VNPT giao cho Công ty CP chuyển phát nhanh Bưu điện (VNPost Express) làm chủ dịch vụ sau khi đơn vị này được thành lập vào năm 2006. Còn VExpress là dịch vụ ra đời sau trên cơ sở sự hợp tác, “bắt tay” giữa các Bưu điện tỉnh, TP để cùng xây dựng, triển khai cung cấp một dịch vụ CPN riêng cho nội bộ các Bưu điện. Trong Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2013 của VietnamPost mới đây, lãnh đạo VietnamPost đã “bật mí”, trong tháng 8/2013, sẽ hoàn thành sáp nhập 2 dịch vụ VExpress và EMS, thực hiện ngừng cung cấp dịch vụ VExpress trên phạm vi toàn quốc.

+ Bảo hiểm Bưu điện nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Ngày 1/8/2013, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện. Quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho PTI được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan ký ngày 24/6/2013. Đây là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp, nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ công nhân viên PTI trong suốt chặng đường 15 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển. PTI được thành lập ngày 1/8/1998 với chức năng chính là kinh doanh các loại hình bảo hiểm phi nhân thọ trong nước và quốc tế. Trải qua 15 năm hoạt động, PTI đã có những bước đi vững chắc, với sự tăng trưởng vượt bậc về doanh thu, lợi nhuận, liên tục đứng ở vị trí thứ 5 trên thị trường bảo hiểm phi nhận thọ Việt Nam về thị phần, có tốc độ tăng trưởng doanh thu khá cao, ổn định và kinh doanh hiệu quả, mở rộng không ngừng về mạng lưới. Tính đến hết năm 2012, tổng doanh thu bảo hiểm gốc của PTI đạt 1.663 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2011; lợi nhuận trước thuế đạt 79 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 1.612 tỷ đồng, với 29 đơn vị kinh doanh và 80 phòng giao dịch trên toàn quốc.

* Chuyên mục này có mục đích tổng hợp các bài báo viết về Ngành Thông tin và Truyền thông trong tuần để giúp cán bộ quản lý, cán bộ công chức, viên chức ngành Thông tin và Truyền thông cũng như bạn đọc có thông tin nhiều chiều, toàn diện. Nội dung các bài báo được tổng hợp không phản ánh quan điểm, chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Ban Biên tập.

Hải Nam
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top