Tổng hợp báo chí viết về ngành Thông tin và Truyền thông tuần 29 (Từ ngày 13/7 đến ngày 19/7/2013)

Thứ sáu, 19/07/2013 16:01

Trong tuần qua thông tin nổi bật được các báo điện tử tập trung đưa tin là Bộ Thông tin và Truyền thông tập huấn Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, quản lý game online, nhà mạng tăng cước 3G; việc đã tìm ra máy chủ điều khiển tấn công DDoS các báo điện tử…

img

Thế giới bắt đầu coi doanh nghiệp cung cấp OTT là doanh nghiệp viễn thông -  Ảnh minh họa: Internet

  BÁO CHÍ

+ Nhà nước sẽ không bao cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng

Quan điểm của Bộ TT&TT là doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất (TDPS) phải tự lực trong kinh doanh, nhà nước sẽ không dùng ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp mới làm dịch vụ TDPS. Cấp phép bằng thi tuyển. Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, định hướng của nhà nước sẽ xã hội hóa dịch vụ TDPS và dần dần quy hoạch theo cơ chế thị trường cạnh tranh. Các doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường TDPS  khu vực phải có đủ năng lực, nhà nước sẽ không cấp ngân sách để cho các doanh nghiệp TDPS khu vực hoạt động mà các doanh nghiệp này phải tuân theo cơ chế thị trường. Để thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020, Bộ TT&TT có chủ trương thúc đẩy việc hình thành và phát triển thị trường TDPS  cạnh tranh. Hiện nay, đã có 3 đơn vị có khả năng làm TDPS truyền hình số mặt đất trên toàn quốc là VTV, VTC và AVG. Ba doanh nghiệp này có đủ năng lực để truyền dẫn các kênh của truyền hình địa phương trên từng khu vực hoặc toàn quốc, bằng các phương thức truyền dẫn khác nhau như: số mặt đất, vệ tinh hoặc qua mạng cáp.

+ Tập huấn Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

Sáng 17/7 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí các tỉnh, thành phía Nam. Tham dự và chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho biết, cả nước hiện có hàng ngàn ấn phẩm báo chí, phát thanh truyền hình, tất cả cơ quan ngôn luận này đều là tiếng nói của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, việc các cơ quan hành chính Nhà nước cử người phát ngôn cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí là hết sức cần thiết. Báo chí luôn rất cần thông tin, nên khi các cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin nhanh, chính xác, báo chí sẽ có thông tin chính thống để định hướng dư luận. Bằng không, báo chí sẽ phải mày mò tìm kiếm, khai thác thông tin từ các nguồn khác để phản ánh và thông tin này chính xác đến đâu còn phụ thuộc vào nguồn tin. Vì vậy, việc cung cấp thông tin nhanh và chính thống sẽ giúp báo chí có thông tin kịp thời, chính xác để cung cấp cho xã hội. Khi đơn vị chủ quản đã cung cấp nguồn tin chính thống, cơ quan báo chí hoặc nhà báo nào cố tình thông tin sai lệch sự việc sẽ bị xử lý.

 Tin bài liên quan:

- Báo thông tin chậm thì mạng xã hội sẽ chiếm lĩnh

- Báo chí không đăng, mạng xã hội sẽ chiếm lĩnh

- Cá nhân được quyền phát ngôn và ghi rõ chức danh

+ VTC tuyên bố có lợi nhuận từ dịch vụ truyền hình vệ tinh

Sau 5 năm đầu tư vào dịch vụ truyền hình số vệ tinh, VTC công bố có lợi nhuận từ dịch vụ này. VTC đang hoàn thiện hệ thống thanh toán dùng chung, để tất cả các dịch vụ do VTC cung cấp sẽ dùng chung một loại thẻ thanh toán. Sáng 18/7/2013, tại Hà Nội, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC đã tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son và Thứ trưởng Trần Đức Lai đã tới dự. 6 tháng đầu năm 2013 là giai đoạn VTC bắt đầu thực hiện Đề án tái cấu trúc VTC theo phê duyệt của Bộ TT&TT. Những kết quả đạt được cho thấy, quyết định tái cơ cấu VTC là một bước đi đúng hướng và bước đầu đã giúp cho VTC khắc phục được những khó khăn, tồn tại trong hai năm 2011 và 2012. 6 tháng đầu năm VTC đã đạt doanh thu 1.811 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch năm, lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra. Đây là những kết quả rất có ý nghĩa khi mà liên tiếp trong hai năm 2011, 2012 hoạt động kinh doanh của VTC gặp nhiều khó khăn và thua lỗ.

+ Trang tin điện tử tổng hợp phải có nhân sự theo quy định

Tổ chức, doanh nghiệp chỉ được thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp khi có Giấy phép. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 72 về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Nghị định này quy định chi tiết việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng; đảm bảo an toàn thông tin và an ninh thông tin; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin. Điều kiện để được cấp Giấy phép trên là tổ chức, doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ hoặc đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với dịch vụ và nội dung thông tin cung cấp; Có nhân sự quản lý đáp ứng yêu cầu theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông; đã đăng ký tên miền sử dụng để thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; có đủ khả năng tài chính, kỹ thuật, tổ chức, nhân sự phù hợp với quy mô hoạt động; có biện pháp đảm bảo an toàn thông tin và an ninh thông tin. Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép thiết lập mạng xã hội có thời hạn theo đề nghị của tổ chức, doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 10 năm./.


 CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

+ Sắp thanh tra đột xuất 7 DN sản xuất thiết bị vô tuyến

Cục Tần số Vô tuyến điện đã có công văn đề nghị Thanh tra Bộ TT&TT thanh tra đột xuất 7 doanh nghiệp sản xuất thiết bị phát sóng vô tuyến điện không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật. Để giải quyết vấn đề các thiết bị vô tuyến không đạt chuẩn gây can nhiễu cho hệ thống mạng di động, hàng không, Cục Tần số Vô tuyến điện đã đề nghị Thanh tra Bộ TT&TT tiến hành hành thanh tra đột xuất đối với 7 doanh nghiệp sản xuất thiết bị phát sóng vô tuyến điện có nghi ngờ không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật. Cụ thể Thanh tra Bộ TT&TT sẽ thanh tra Công ty cổ phần Phát triển Phát thanh Truyền hình Thông tin Phương Nam EMI (EMI - S - JSC), Tổng Công ty Phát triển Phát thanh Truyền hình Thông tin (BDC); Công ty TNHH Thương mại Điện tử Viễn thông Thành Nam; Công ty Kỹ thuật điện tử Nha Trang; Công ty cổ phần khoa học công nghệ P.E; Xí nghiệp tư doanh Điện tử TQT; Công ty TNHH Kỹ thuật và xây dựng Thành Tín).

+ Tìm ra máy chủ điều khiển tấn công DDoS các báo điện tử

Ngày 16/7, ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Bộ phận An ninh mạng Bkav cho biết, đơn vị này đã tìm ra nguồn gốc của 3 máy chủ điều khiển (C&C Server) dùng để tấn công từ chối dịch vụ các báo điện tử trong thời gian gần đây, trong đó chỉ có duy nhất một máy chủ hoạt động có địa chỉ IP ở Đức. Cùng ngày, anh Nguyễn Hồng Phúc, một thành viên diễn đàn bảo mật HVA Online cũng khẳng định, sau khi diễn đàn HVA Online thông báo cho các nhà cung cấp dịch vụ về việc hosting của họ đang lưu trữ các máy chủ kiểm soát mạng máy tính ma ở Việt Nam để điều khiển mạng máy tính này tấn công một số báo điện tử ở Việt Nam như Dân trí, Tuổi trẻ, VietnamNet, đến sáng 16/7, các máy chủ này đã tạm thời bị vô hiệu hóa. Như vậy, với nỗ lực của diễn đàn HVA Online, Bkav và cộng đồng mạng, các cuộc tấn công lớn của tin tặc bằng hình thức DDoS vào báo điện tử Việt Nam trong suốt hai tuần qua đã thực sự kết thúc

 Tin bài liên quan:

- Đã tìm ra máy chủ điều khiển tấn công DDoS báo điện tử

- Máy chủ “đánh” báo điện tử tạm thời bị vô hiệu hóa

+Tỷ lệ máy tính được đảm bảo an toàn an ninh giảm 20%

Ở khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, tỷ lệ trung bình máy tính được trang bị công cụ bảo đảm an toàn an ninh trong năm 2012 giảm 20,7% so với năm 2011; ở khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, mức giảm là 15,9%. Theo Báo cáo Ứng dụng CNTT năm 2012 vừa được Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT công bố ngày 15/7/2013, việc đảm bảo an toàn cho hạ tầng ứng dụng CNTT năm 2012 của các cơ quan Nhà nước có sự sụt giảm so với trước. Trong năm 2012, tỷ lệ trung bình máy tính được trang bị công cụ bảo đảm an toàn an ninh giảm 20,7% so với năm trước (năm 2011 đạt 92,8% nhưng 2012 chỉ đạt 72,1%); tỷ lệ trung bình mạng cục bộ được trang bị hệ thống an toàn dữ liệu cũng giảm 5,5% (năm 2011 đạt 85,8%; 2012 đạt 80,3%). Giống như khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong năm 2012, số lượng máy tính được trang bị công cụ bảo đảm an toàn ở các địa phương lại giảm 15,9% so với năm 2011 (từ 73,5% xuống còn 57,6%). Nguyên nhân là nhiều tỉnh, thành phố giảm lượng máy tính được trang bị công cụ bảo đảm an toàn (một số địa phương giảm mạnh tới gần 50% so với năm 2011).

+ Giải thưởng CNTT-TT ASEAN 2013 khuyến khích R&D

So với lần đầu tiên tổ chức năm 2012, Giải thưởng ICT ASEAN (AICTA) năm nay có thêm hạng mục dành riêng cho lĩnh vực Nghiên cứu và Phát triển (R&D). Các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia hạng mục về R&D cần lưu ý sản phẩm đề cử phải đáp ứng những tiêu chí như: đã được hoàn thiện nhưng chưa được bán trên thị trường; hoặc đưa quảng bá trên thị trường song chưa có khách hàng, phải đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ,…Như vậy, AICTA năm 2013 sẽ có 6 hạng mục gồm: Giải thưởng cho khu vực Nhà nước; Giải thưởng cho khu vực tư nhân; Giải thưởng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; Giải thưởng về nội dung số; Giải thưởng cho doanh nghiệp mới thành lập (start-up); Giải thưởng về R&D. Giải thưởng AICTA là sáng kiến được các Bộ trưởng ASEAN thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và CNTT (ASEAN TELMIN) lần thứ 11 tại Myanmar tháng 12/2011, được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 11/2012 tại Cebu, Philippines, với mục tiêu ghi nhận thành tích nổi bật nhất trong việc ứng dụng CNTT, định hướng, dự báo xu thế phát triển và tiềm năng của CNTT, ghi nhận vai trò của CNTT trong phát triển kinh tế tại các nước ASEAN. AICTA được kỳ vọng trở thành giải thưởng CNTT-TT uy tín nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

+ Vì sao thương mại điện tử chưa "phát"?

Theo kết quả khảo sát hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cộng đồng vừa được Cục Ứng dụng CNTT (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố, có đến 32% số người được hỏi đều nêu lý do chưa tham gia thương mại điện tử (TMĐT) là vì chưa có thẻ tín dụng hoặc các loại thẻ thanh toán qua mạng. Đây là con số đáng chú ý, bởi việc thanh toán và hạ tầng kỹ thuật là hai yếu tố đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành bại của dịch vụ TMĐT. Tỷ lệ 32% số người được hỏi chưa sẵn sàng với TMĐT vì rào cản thanh toán đã cho thấy, đây là yếu tố khiến TMĐT Việt Nam chưa thể bùng nổ. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt so với tổng phương tiện thanh toán đã giảm dần qua các năm (từ 31,6% năm 1991 xuống còn 11,8% vào tháng 9/2012). Ông Christopher Beselin, Giám đốc điều hành Lazada Việt Nam nhận xét, thẻ tín dụng vẫn chưa được sử dụng phổ biến, rộng rãi ở Việt Nam, khiến dịch vụ TMĐT chưa có đất phát huy.

 Tin bài liên quan:

- 32% người dân phải "quên" TMĐT vì không có thẻ thanh toán

+ CMC, FPT khó phát triển thuê bao mới vì thiếu IPv4

Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), 2 nhà mạng CMC Telecom và FPT Telecom đang đứng trước tình trạng thiếu hụt địa chỉ IPv4 để phát triển thuê bao mới do lượng địa chỉ dự trữ chưa tương xứng với tốc độ phát triển và thị phần băng rộng hiện tại. Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài hơn 15 triệu địa chỉ cấp cho 5 nhà mạng lớn, 600.000 địa chỉ IPv4 còn lại đang được phân phối cho các ISP nhỏ cũng như các doanh nghiệp ngân hàng, chứng khoán... đã làm lượng địa chỉ này phân mảnh và sử dụng không hiệu quả. Đặc biệt là thời điểm này cơ quan quản lý chưa có quy định thu hồi lại nếu sau một thời gian không sử dụng hết khoảng 80% lượng địa chỉ được cấp. Chưa kể, 2 doanh nghiệp lớn là Viettel và VNPT (giữ khoảng 84% tổng lượng địa chỉ hiện có) xin địa chỉ IPv4 để "giữ chỗ" là chính, thay vì dựa vào tốc độ phát triển thực tế của doanh nghiệp.

+ Đà Nẵng triển khai phần mềm đánh giá công chức

Việc chấm điểm công chức phường, xã qua mạng sẽ giúp giảm bớt thủ tục hành chính, cuối năm công chức không phải báo cáo bằng giấy về phòng nội vụ hay sở mà tất cả được thể hiện trên phần mềm. Ngày 16/7, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức triển khai phần mềm đánh giá kết quả làm việc đối với công chức, viên chức cấp phường, xã trên toàn Thành phố, ở 5 lĩnh vực: Thống kê; Tư pháp và hộ tịch; Tài chính và kế toán; Địa chính và xây dựng; Môi trường. Phương thức để đánh giá sẽ căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ; kết quả đầu ra, theo các bước: cá nhân tự đánh giá; đánh giá của đồng nghiệp; đánh giá của lãnh đạo trực tiếp. Ông Võ Công Chánh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng cho biết cấp phường, xã là nơi trực tiếp thực hiện các quy định của pháp luật; các chủ trương, chính sách, kế hoạch của các cấp trên giao xuống. Do đó, triển khai phần mềm đánh giá về thái độ phục vụ, thái độ, tinh thần làm việc khi giải quyết, phục vụ người dân là hoàn toàn cần thiết. Nhìn chung, bộ tiêu chí với mức độ lượng hóa cao, đã thiên về nhắc nhở công chức, viên chức trong thái độ phục vụ tổ chức và công dân; nâng cao tinh thần trách nhiệm, không bê trễ dẫn đến ách tắc, chậm trả hồ sơ, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, tổ chức.

 Tin bài liên quan:

- Đà Nẵng: Chấm điểm cán bộ phường, xã bằng phần mềm

+ Nhiều doanh nghiệp "mù" thông tin về dịch vụ công trực tuyến

17,4% doanh nghiệp được hỏi không biết đến dịch vụ đăng ký kinh doanh trực tuyến, 22,5% không biết có dịch vụ đăng ký khai báo hải quan từ xa, 25,94% "mù" thông tin về đấu thầu trực tuyến... Những con số này là hồi chuông báo động về mức độ ứng dụng CNTT của các DN Việt Nam. Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT vừa tiến hành điều tra, khảo sát về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mức độ ứng dụng CNTT, hiệu quả ứng dụng CNTT tại các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước năm 2012. Kết quả cho thấy, trong số các dịch vụ công trực tuyến đang được cung cấp cho doanh nghiệp, những dịch vụ được sử dụng nhiều nhất là dịch vụ đăng ký kê khai thuế trực tuyến, đăng ký kinh doanh trực tuyến, đăng ký kê khai thuế trực tuyến, đăng ký khai báo hải quan từ xa và đấu thầu trực tuyến. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp hoàn toàn không biết đến dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể, có tới 17,4% doanh nghiệp được hỏi không biết đến dịch vụ đăng ký kinh doanh trực tuyến, 7,93% doanh nghiệp không nắm thông tin về dịch vụ đăng ký kê khai thuế trực tuyến, 22,5% doanh nghiệp không biết có dịch vụ đăng ký khai báo hải quan từ xa và 25,94% doanh nghiệp không có thông tin về đấu thầu trực tuyến.

+ Dịch vụ trò chơi điện tử công cộng phải cách trường học từ 200m

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó quy định điều kiện hoạt động của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. Theo đó, tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi đáp ứng các điều kiện như: Có đăng ký kinh doanh điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; địa điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng cách cổng trường tiểu học, trung học phổ thông từ 200 m trở lên. Đồng thời, phải có biển hiệu "Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng" bao gồm tên điểm, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, số đăng ký kinh doanh.

 Tin bài liên quan:

- Kinh doanh game trực tuyến: cần chính sách thông thoáng

- Nhà quản lý trăn trở tìm hướng quản lý game online


  VIỄN THÔNG

+ Nhà mạng được quyền thao túng giá cước?

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ không can thiệp sâu vào việc điều chỉnh giá cước dịch vụ 3G và các nhà mạng được quyết định giá cước của mình. Ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết, Nhà nước tôn trọng và không can thiệp vào quyền định giá của doanh nghiệp. Nhà nước chỉ quản lý giá cước liên quan đến công ích và giá cước liên quan giữa các doanh nghiệp với nhau như cước kết nối giữa các mạng. Cũng theo Luật Viễn thông, giá cước dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quyết định, trừ dịch vụ thuộc danh mục giá cước do Nhà nước quy định. Một trong những điểm đáng chú ý của Luật Viễn thông là doanh nghiệp không được áp đặt, phá giá cước viễn thông gây mất ổn định thị trường, làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng, của doanh nghiệp viễn thông khác và của Nhà nước. Liên quan đến vấn đề giá cước 3G, hồi đầu tháng 7 vừa qua, Viettel đã lên tiếng sẽ điều chỉnh tăng cước 3G trong thời gian tới. Các nhà mạng cho biết hiện các dịch vụ 3G đang chiếm từ 40% đến 60% trong tổng doanh thu của các mạng vào năm ngoái.

 Tin bài liên quan:

- Cước 3G sẽ do doanh nghiệp quyết định

- Các nhà mạng muốn tăng cước 3G

+ Mô hình hợp tác nào giữa nhà mạng và ứng dụng OTT ?

"Bắt tay" để đưa ra những gói cước mới hoặc ăn chia doanh thu kinh doanh dịch vụ game, ứng dụng hay tự đưa ra những ứng dụng OTT của riêng mình - các nhà mạng đang đứng trước 3 phương án lựa chọn để đối phó với sự "bùng nổ" của các ứng dụng OTT. Không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng đang “loay hoay” giữa việc hợp tác hay đối phó với các ứng dụng OTT. Như tại Nhật Bản, phương án “Hợp tác - bắt tay” với các doanh nghiệp sở hữu ứng dụng OTT đang là sự lựa chọn của một số nhà mạng của Nhật Bản. Hay tại Indonesia, Viber đã ký hợp đồng với nhà mạng Axis (Indonesia) ra mắt gói cước chung để khuyến khích người dùng sử dụng nhiều dữ liệu hơn thông qua các gói cước phù hợp, trong đó số tiền thu được hoàn toàn thuộc về phía nhà mạng. Còn với Kakao Talk, ứng dụng này cũng đã có sự hợp tác với một số nhà mạng trên thế giới để cùng nhau quảng bá, marketing để “kích cầu” dịch vụ lẫn nhau. Chưa dừng lại ở đó, một số nhà mạng trên thế giới đã ra mắt các gói cước nhắn tin, gọi điện không giới hạn để “chống” lại các ứng dụng OTT. Như thế, các nhà mạng sẽ có được nguồn doanh thu ổn định đối với những dịch vụ cơ bản gần như đã bão hoà và không thể tăng lên, trong khi vẫn đảm bảo việc "kích cầu" lượng dữ liệu được sử dụng để tăng doanh thu.

 Tin bài liên quan:

- Không nên thả lỏng "cơn lốc" OTT

-OTT "cướp" doanh thu, nhà mạng tăng giá cước 3G

- Có nên xếp OTT vào nhóm cung cấp dịch vụ viễn thông?

+ Viettel, VNPT sẽ phải công khai thông tin tài chính trên website

Tất cả các doanh nghiệp Nhà nước gồm cả Viettel, VNPT, VNPost… sẽ phải có chuyên mục riêng trên trang thông tin điện tử của mình để công khai thông tin tài chính. Theo dự thảo Thông tư Hướng dẫn việc công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng, thì các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu phải công khai với công chúng thông tin tài chính của doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử (website) của doanh nghiệp, trên các ấn phẩm, các phương thức tuyên truyền phổ biến qua các phương tiện truyền thanh, truyền hình, báo giấy. Những nội dung thông tin tài chính phải công bố công khai gồm báo cáo tài chính năm, báo cáo kết quả giám sát (6 tháng và hàng năm), chiến lược, kế hoạch phát triển dài hạn doanh nghiệp, kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm. Hàng năm, chủ sở hữu của các doanh nghiệp Nhà nước (ví dụ Bộ TT&TT là chủ sở hữu của VNPT, VNPost) phải công khai danh sách cập nhật các doanh nghiệp bị đưa vào diện giám sát đặc biệt và các doanh nghiệp được đưa ra khỏi diện giám sát đặc biệt. Hiện tại, cả Viettel, VNPT và VNPost đều đã có website riêng nhưng chưa có chuyên mục riêng về công khai thông tin tài chính.

+ Kiến nghị xử lý gần 5.000 tỉ đồng của VNPT

Chiều 18.7, theo Thanh tra Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với kiến nghị xử lý của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT). Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước các khoản thuế do VNPT và các đơn vị thành viên chưa thực hiện tổng cộng gần 106 tỉ đồng. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, xử lý các khoản nợ phải thu khó đòi, giá trị dịch vụ viễn thông công ích chưa thanh toán, trích lập dự phòng, các quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ đầu tư phát triển không đúng quy định... (khoảng 4.907 tỉ đồng).Ngoài ra, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý về tài chính, thu hồi các khoản nợ khó đòi; Bộ Thông tin - Truyền thông và Tập đoàn VNPT tổ chức kiểm điểm, xử lý các cá nhân, đơn vị sai phạm, trình Thủ tướng kết quả trong tháng 9.2013.

 Tin bài liên quan:

- Kết luận thanh tra VNPT: Kiến nghị thu hồi gần 106 tỉ đồng

- Hàng loạt sai phạm kinh tế tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông

 


 BƯU CHÍNH

+ VietnamPost sẽ chiếm thị trường nông thôn nhờ mô hình BĐVHX mới

Một trong những giải pháp trọng tâm sẽ được Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) thực hiện trong những tháng cuối năm 2013 là triển khai thí điểm mô hình kinh doanh mới tại điểm Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX). Đại diện lãnh đạo VietnamPost cho hay, trong những tháng cuối năm 2013, VietnamPost sẽ tập trung xây dựng dự thảo đề án tổng thể hỗ trợ hoạt động bưu chính công ích sau năm 2013, trong đó một nội dung sẽ được tập trung là các cơ chế, chính sách hỗ trợ điểm BĐVHX. Ban lãnh đạo VietnamPost dự kiến sẽ trình đề án tổng thể này lên Bộ TT&TT trong tháng 8/2013. Cũng với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống gồm khoảng 8.100 điểm BĐVHX trên toàn quốc, VietnamPost sẽ khởi động việc triển khai thí điểm mô hình kinh doanh mới tại điểm BĐVHX. Mô hình kinh doanh mới này đang được các đơn vị chức năng của Tổng Công ty nghiên cứu. “Cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ các điểm BĐVHX , tới đây khi mô hình kinh doanh mới tại điểm BĐVHX được triển khai sẽ góp phần giúp VietnamPost chiếm lĩnh được thị trường khu vực nông thôn, huyện xã”, đại diện lãnh đạo VietnamPost chia sẻ.

+ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh sắp trả lương qua Bưu điện

Từ tháng 7/2013 tới cuối năm 2013, Bưu điện Việt Nam sẽ triển khai việc chi trả lương hưu, bảo hiểm xã hội tại hàng chục tỉnh, thành phố. Theo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam(Vietnam Post), trên cơ sở Chính phủ đồng ý cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) thực hiện mở rộng việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua Bưu điện từ năm 2013 trên phạm vi toàn quốc, BHXH VN và Vietnam Post mới đây đã thống nhất lộ trình triển khai công tác này. Theo đó, đối với 49 địa phương triển khai mới trong năm 2013 (trừ thành phố Hà Nội(HN) và thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM)): từ 1/7/2013, triển khai tại 15 tỉnh, thành phố, gồm Bạc Liêu, Bình Dương, Bình Định, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kiên Giang, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Tiền Giang. Theo Vietnam Post, tùy theo từng địa phương sẽ triển khai tại toàn bộ địa bàn hoặc một vài quận, huyện. Từ 1/8/2013, Vietnam Post sẽ triển khai thêm từ 12 đến 15 tỉnh, thành phố. Từ 1/9/2013 sẽ triển khai các tỉnh còn lại. Riêng Tp.HN và Tp. HCM, do có số lượng người hưởng, số tiền chi trả lại lớn nhất trong cả nước, do vậy BHXH VN và Vietnam Post thống nhất lùi thời điểm triển khai muộn hơn các tỉnh khác. Tuy nhiên, phương án thực hiện cũng sẽ phải hoàn thành trong tháng 7/2013.

+ Sẽ phát hành 4 bộ tem bưu chính trong tháng 9/2013

Với việc dời ngày phát hành "Tem phát hành chung Việt Nam-Singapore: Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1/8/1973-1/8/2013)" sang tháng 9/2013 thay vì phát hành vào 1/8/2013 như dự kiến, tháng 9 tới sẽ có 4 bộ tem bưu chính được ra mắt. Theo thông tin từ Ban Tem bưu chính của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Bưu điện Việt Nam - VietnamPost), bộ tem “Tem phát hành chung Việt Nam-Singapore: Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1/8/1973-1/8/2013)” sẽ được phát hành theo nghi thức phát hành đặc biệt trong tháng 9/2013, thay vì phát hành ngày 1/8/2013 như dự kiến ban đầu. Việc thay đổi thời gian phát hành được thực hiện theo ý kiến đề xuất của cơ quan ngoại giao hai nước. Bộ tem “Tem phát hành chung Việt Nam-Singapore: Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1/8/1973-1/8/2013)” gồm 2 mẫu tem, đã được Bộ TT&TT quyết định bổ sung vào Chương trình phát hành tem bưu chính Việt Nam năm 2013 vào ngày 18/1/2013. Bộ tem này có thời hạn cung ứng trên mạng bưu chính công cộng kéo dài đến hết ngày 30/6/2015.

+ Phát hành bộ tem chuyên đề "Nhạc cụ dân tộc Việt Nam"

Ngày 15/7/2013, Bộ TT&TT phát hành bộ tem chuyên đề "Nhạc cụ dân tộc Việt Nam (bộ 1)" với 3 mẫu tem, giới thiệu hình ảnh 3 loại nhạc cụ gồm: Ta lư, đàn Goong và đàn Kloong put. Được thiết kế bởi hai họa sĩ của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) là Đỗ Lệnh Tuấn và Võ Lương Nhi, “Nhạc cụ dân tộc Việt Nam (bộ 1)” là bộ tem bưu chính thứ sáu và là bộ tem chuyên đề thứ năm được Bộ TT&TT phát hành trong năm 2013. Trước đó, vào các ngày 15/2, 1/3, 1/4, 1/5 và 1/6/2013, Bộ TT&TT đã lần lượt phát hành bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh Huỳnh Tấn Phát (1913 - 1989)” và 4 bộ tem chuyên đề “Võ dân tộc”, “Hoa Lan”, “Đèn biển Việt Nam” và “Chim vườn quốc gia Xuân Thủy”, với tổng số 15 mẫu tem và 1 blốc tem. Trên từng mẫu tem của bộ tem “Nhạc cụ dân tộc Việt Nam (bộ 1)”, hình ảnh chính về loại nhạc cụ được thể hiện gắn với hình ảnh hoa lá thiên nhiên. Tem được in offset nhiều màu trên giấy tiêu chuẩn có tráng keo mặt sau tại Công ty In tem Bưu điện, TP.HCM. Thời hạn lưu hành trên mạng bưu chính công cộng của bộ tem này kéo dài từ nay đến ngày 31/12/2014.

* Chuyên mục này có mục đích tổng hợp các bài báo viết về Ngành Thông tin và Truyền thông trong tuần để giúp cán bộ quản lý, cán bộ công chức, viên chức ngành Thông tin và Truyền thông cũng như bạn đọc có thông tin nhiều chiều, toàn diện. Nội dung các bài báo được tổng hợp không phản ánh quan điểm, chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Ban Biên tập.

Hải Nam
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top