Tổng hợp báo chí viết về ngành Thông tin và truyền thông tuần 28 (từ ngày 6/7 đến ngày 12/7/2013)

Thứ sáu, 12/07/2013 15:29

Trong tuần qua thông tin về việc các hacker tấn công vào các báo mạng, Trao Giải thưởng sách Việt Nam năm 2013, số hóa truyền hình, vấn đề quản lý game online được được các báo tập trung đưa tin.

img

Giải thưởng sách Việt Nam năm 2013 không có giải thưởng riêng cho sách điện tử - Ảnh minh họa; nguồn: Internet

  BÁO CHÍ
 
Vài ngày qua, một số báo điện tử có lượng truy cập lớn tại Việt Nam lâm vào tình trạng khó truy cập, có dấu hiệu bị tấn công từ chối dịch vụ. Nguồn tin từ một báo điện tử cho biết, lúc cao điểm, tốc độ truy cập của báo này tăng hàng chục lần so với bình thường. Tình trạng này làm cho nhiều báo điện tử dù được đặt máy chủ ở nước ngoài song tốc độ truy cập bị chậm đáng kể. Trên các diễn đàn tin học, việc một số báo bị tấn công thu hút nhiều sự chú ý. Nhiều ý kiến cho rằng hacker đã dùng phương thức tấn công từ chối dịch vụ (Distributed Denial of Service-DDoS) để "làm hại" các website thông tin. Có ý kiến cho rằng, hiện đang có một đợt tấn công DDoS lớn nhắm vào hệ thống máy chủ của Trung tâm Điện toán và truyền số liệu khu vực 2 (thuộc Công ty Điện toán và truyền số liệu - VDC), gây ra hiện tượng nói trên.
 
 Tin bài liên quan
 
Tính đến 11-7, sau hơn một tuần bị hacker tấn công theo hình thức DDoS (tấn công từ chối dịch vụ phân tán), nhiều tờ báo mạng như Dân Trí, Tuổi Trẻ, Kênh 14, Vietnamnet… đã trở lại hoạt động bình thường mà chưa ghi nhận những thiệt hại đáng kể nào. Đây là lần đầu tiên, tại Việt Nam xảy ra một cuộc tấn công internet trên diện rộng. Và các chuyên gia an ninh mạng lo sợ, đó mới chỉ là “màn chuẩn bị” cho một đợt tấn công thật sự tiếp theo. Trước đó, người dùng internet khi truy cập vào các tờ báo mạng như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Dân Trí, Vietnamnet, Kênh 14… hết sức khó khăn. Ngay lập tức, các chuyên gia bảo mật của các diễn đàn an ninh mạng đã phân tích và đưa ra cảnh báo về dấu hiệu của một cuộc tấn công mạng vào các trang tin tức của Việt Nam. Vì vậy, bước đầu nhận định, các hacker đã tấn công theo dạng tên miền mà không quan tâm đến máy chủ của các trang web đó đặt tại đâu. Và mục đính chính lần này là có lẽ nhằm vào các trang báo mạng có lượng người truy cập lớn.
 
Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC đang chuẩn bị các bước cần thiết để đưa nội dung truyền hình của VTC lên mạng xã hội chia sẻ videoYoutube, dự kiến chính thức hoạt động từ quý 4/2013. Việc xây dựng một kênh truyền hình trên một mạng xã hội có nhiều người dùng như Youtube sẽ tạo thêm một kênh tương tác với khán giả của VTC, đồng thời cũng giúp VTC có thể cập nhật được các thông số về khán giả, thêm hệ thống lưu trữ online bảo mật và tra cứu thuận lợi... Dự kiến kênh truyền hình này sẽ chính thức hoạt động từ quý 4/2013. Youtube hiện đang là mạng chia sẻ có lượng truy cập đứng thứ 3 toàn cầu và đứng thứ 7 Việt Nam, với 1,79 tỷ video được xem mỗi tháng, trong đó có 73% người dùng có độ tuổi dưới 35. Youtube được tích hợp trên tất cả các thiết bị truy cập bao gồm máy tính, smartphone, smartTV.
 
Đẩy nhanh triển khai số hóa truyền hình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục Tần số Vô tuyến điện trong kế hoạch 6 tháng cuối năm 2013. Trong 6 tháng vừa qua, Cục Tần số Vô tuyến điện đã thực hiện nhiều công tác góp phần đẩy nhanh tiến trình triển khai đề án số hóa truyền hình, như: Công bố triển khai đề án số hóa truyền hình đến năm 2020 để thông báo rộng rãi thông tin tới nhân dân; Tổ chức Hội nghị triển khai đề ấn số hóa trên toàn quốc với sự tham gia chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Mới đây nhất, Cục Tần số Vô tuyến điện cũng đã tổ chức phiên họp lần 2 (28/6) của  Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo để triển khai đề án số hóa (các vấn đề về phương án cấp phép nhà khai thác khu vực, phương án phát truyền hình analog các chương trình thiết yếu của trung ương tại các vùng lân cận 5 tỉnh thành phố dừng analog giai đoạn 1, các vấn đề hỗ trợ tài chính…)Ngoài đề án số hóa truyền hình, việc trình Bộ TT&TT ban hành thông tư về tần số phục vụ cho an toàn, cứu nạn trên biển và tần số phục vụ tàu cá cũng là những nhiệm vụ trọng tâm của Cục Tần số Vô tuyến điện trong nửa cuối năm 2013.
 
Ngày 12-7, tại TP Đồng Hới (Quảng Bình), Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã mở khóa hội thảo, tập huấn nâng cao nhận thức, nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam. Hội thảo bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về công tác tuyên truyền biển, đảo; cụ thể hóa các yêu cầu, nhiệm vụ tuyên truyền trong Nghị quyết số 27/2007/NĐ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đại diện Bộ TTTT đưa ra phương pháp tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cả trước mắt và lâu dài, nhằm nâng cao ý thức vươn ra biển, làm giàu từ biển trong cộng đồng người Việt Nam; khẳng định việc thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên các vùng biển, hải đảo trong khu vực biển Đông. Thông qua nhận thức và hành động chung của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội, từng bước định vị Việt Nam là một quốc gia mạnh về biển trong khu vực.

 
XUẤT BẢN
 
Luật Xuất bản 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7, đã dành riêng chương 5 (và cũng là chương hoàn toàn mới so với Luật Xuất bản 2004) để nói về "Xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử". Cuối tháng 6 vừa qua, Bộ TT-TT cũng tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định "Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản". Thực ra đây không phải là bước đi đón đầu mà chỉ là động thái luật hóa, nhằm đáp ứng những nảy sinh thực tế từ đời sống và xu hướng xuất bản thế giới… Xuất bản, phát hành sách điện tử phải xin phép tác giả. Vậy chương 5 của Luật Xuất bản 2012 góp gì đáng kể để cải thiện tình trạng này? Trước hết, các NXB đã có câu trả lời cơ bản về các điều kiện để có thể xuất bản điện tử. Trong đó, bên cạnh năng lực, thiết bị, công nghệ điều hành và quản lý quá trình xuất bản điện tử thì còn phải có "kỹ năng chống trộm" để ngăn chặn sao chép, can thiệp bất hợp pháp vào nội dung xuất bản phẩm. Rồi phải đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, và có tên miền internet Việt Nam. Cũng như vậy, các cơ quan, tổ chức, cá nhân muốn phát hành xuất bản phẩm điện tử phải có chừng ấy điều kiện mới được coi là "danh chính ngôn thuận".
 
 Tin bài liên quan:
 
Khẳng định xuất bản điện tử và sách điện tử ngày càng phát huy vai trò mạnh mẽ trong đời sống, song Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn vẫn "chốt" là chưa đưa loại hình sách điện tử vào quy chế xét Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2013. Tại Hội nghị triển khai kế hoạch chấm Giải thưởng sách Việt Nam năm 2013 do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức chiều 10/7/2013, một số ý kiến cho rằng trên thực tế, xuất bản điện tử và sách điện tử đang phát triển rất mạnh. Trong Luật Xuất bản sửa đổi cũng có hẳn 1 chương về xuất bản điện tử. Bởi vậy, Quy chế xét Giải thưởng sách Việt Nam năm nay nên có 1 hạng mục trao cho sách điện tử nhằm khuyến khích sản phẩm mới mang tính xu thế thời đại này. Đồng tình với quan điểm cho rằng sách điện tử, xuất bản điện tử sẽ giữ vai trò chủ yếu trong lĩnh vực xuất bản thời gian tới, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ T&TT Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Sách Việt Nam lưu ý đây vẫn là một lĩnh vực mới, đang trong quá trình vận động, chưa rõ các tiêu chí và vẫn còn có những lúng túng trong việc hướng dẫn Luật Xuất bản sửa đổi. “Hiện vẫn chưa có quy định bằng văn bản dưới Luật về sách điện tử. Bởi vậy, năm nay chưa đưa sách điện tử thành hạng mục chấm giải riêng trong quy chế xét Giải thưởng Sách Việt Nam. Có thể sẽ đề xuất trao giải cho sách điện tử vào năm sau hoặc năm sau nữa”.
 
Nhằm khuyến khích phong trào đọc của toàn dân, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quyết định về Ngày Sách Việt Nam. Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ) với mục tiêu “xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai”, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quyết định về Ngày Sách Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi Dự thảo Đề án Ngày Sách Việt Nam tới gần 100 cơ quan, đơn vị liên quan để lấy ý kiến góp ý như: Ban Tuyên Giáo Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương, các tổ chức, hiệp hội, đoàn thể... Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đăng tải toàn bộ nội dung Đề án trên website của Bộ để lấy ý kiến góp ý rộng rãi theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
 
Sáng nay, 9-7, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử”. Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, đơn vị tổ chức, thì triển lãm  về Hoàng Sa, Trường Sa tại thủ đô Hà Nội lần này dựa trên cơ sở những tư liệu quý đã công bố trước đó và có sự mở rộng về nội dung, chú giải đầy đủ hơn, đặc biệt là có phần chú giải bằng tiếng Anh và tiếng Trung, nhằm cung cấp các nguồn tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hệ thống và chuẩn xác, góp phần nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của mọi người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Gần 150 bản đồ và nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật và ấn phẩm được trưng bày là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế, là bằng chứng lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.

 
CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
 
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Ấn Độ, ngày 4/7/2013, Bộ trưởng TT&TT Việt Nam Nguyễn Bắc Son đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Truyền thông và CNTT Ấn Độ (Minister of Communication and Information Technology - MCIT) Kapil Sibal. Bộ trưởng Kapil Sibal nhấn mạnh việc ký kết hai văn bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác CNTT lần này là một bước tiến nhảy vọt trong quan hệ hợp tác song phương. Sau khi ký những thỏa thuận này, hai Bộ sẽ có cơ sở để tăng cường hợp tác; các cộng đồng doanh nghiệp hai nước sẽ sớm triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác. Về phần mình, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Bộ TT&TT Việt Nam và Bộ Truyền thông và CNTT Ấn Độ. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng trao đổi với đoàn cấp cao Bộ Truyền thông và CNTT Ấn Độ những nét cơ bản của ngành CNTT - truyền thông Việt Nam. Chính phủ Việt Nam coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu để phát triển và đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực CNTT; mong mỏi học hỏi kinh nghiệm từ Ấn Độ trong lĩnh vực này.
 
Thông tin từ Chi hội an toàn thông tin phía Nam (VNISA phía Nam) cho biết, trong 12 tháng qua, việc đảm bảo an toàn thông tin đối với tổ chức, cá nhân sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin hiện đại vẫn còn nhiều vấn đề đáng báo động. Bên cạnh nguy cơ “bọ” điện tử phần cứng cài trong các thiết bị thì việc các mã độc được phát tán qua nhiều cách như email, websex, diễn đàn, mạng xã hội ảo, các ứng dụng phổ biến như Unikey... rất cần được cảnh báo. Virus vẫn tiếp tục hoành hành các máy tính. Thống kê trong 12 tháng qua, người dùng máy tính ở Việt Nam đã chịu tổn thất khoảng 8.000 tỷ đồng do virus. Máy chủ của Chính phủ, Bộ, ngành Việt Nam là đích bị tấn công khá cao. Đã phát hiện có khoảng 394 máy chủ bị kết nối âm thầm và thường trực ra nước ngoài. Khắc phục và giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn thông tin có khá nhiều giải pháp. Tuy nhiên, trước mắt, ý thức cảnh giác của người sử dụng là một trong những yếu tố quan trọng. Về phía cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động xây dựng và triển khai chương trình an toàn an ninh thông tin trong cơ quan. “Luật An toàn thông tin” đang được Quốc hội thảo luận xem xét thông qua cũng được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề tồn tại trong an toàn thông tin Việt Nam hiện nay.
 
Tại hội thảo kết nối internet và kết nối giữa doanh nghiệp di động với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung ngày 10-7, đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho biết, sắp tới Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ tiến hành quy định giá cước kết nối internet. Theo đó, đối với kết nối internet chuyển tiếp (transit), cơ quan quản lý sẽ quy định khung giá cước kết nối theo Mbps chuyển tiếp. (X-Y đồng/Mbps) giữa các đơn vị trên cơ sở báo cáo giá thành mạng, dịch vụ của các đơn vị. Còn đối với kết nối  internet trực tiếp giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet (ISP), cơ quan quản lý sẽ quy định về giá cước kết nối và phương thức thanh toán trong trường hợp kết nối không ngang bằng và các đơn vị không tự thỏa thuận được.
 
Để tránh tình trạng một số nhà mạng lợi dụng quyền cấp đầu số cho CSP theo kiểu "quyền sinh quyền sát", hoặc thiếu kiểm soát đối với các đầu số đã cấp dẫn đến tình trạng loạn tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã có kế hoạch thu hồi các đầu số từ nhà mạng để trực tiếp cấp phát cho các doanh nghiệp nội dung. Bản thân Viettel với tư cách một Telco cũng cho biết họ sẵn sàng ủng hộ Bộ TT&TT cấp phát đầu số, song kiến nghị Bộ nên quản lý cả đầu số 1900xxxx do bản chất đầu số này không khác gì các đầu số 8xxx. "Nếu đầu số 1900xxxx vẫn giao cho doanh nghiệp tự cấp phát thì quản lý sẽ rất phức tạp", Viettel lưu ý. Quan điểm về quản lý đầu số 1900xxx cũng nhận được sự đồng thuận từ đại diện VMS, dù đơn vị này là ý kiến duy nhất tại Hội thảo cho rằng Bộ chỉ nên ban hành Quy hoạch đầu số, khâu cấp đầu số vẫn nên để cho Telco tự làm. Tuy vậy, cũng có một số ý kiến từ NetNam hay Hiệp Hội Internet Việt Nam cho rằng, Bộ chỉ nên quản lý trong ngắn hạn còn về lâu dài sẽ để cho thị trường tự điều tiết. Lúc này, Bộ chỉ đóng vai trò giải quyết, phân xử tranh chấp, kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm quy định mà thôi.
 
Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) vừa ban hành quyết định về việc tăng cường chính sách quản lý tên miền .gov.vn và bảo vệ tên miền ".vn" sau khi nhiều trường hợp lợi dụng tên miền .gov.vn vào mục đích cá nhân bị phát hiện trong thời gian qua. Theo đó, VNNIC đã bổ sung thêm một số quy định liên quan đến hồ sơ đăng ký cấp phép tên miền .gov.vn, cũng như đến quy trình thẩm định cấp phép. Cụ thể, bản khai đăng ký tên miền phải có đầy đủ dấu và chữ ký của người có thẩm quyền, đầy đủ thông tin về người quản lý tên miền (chức danh, họ tên, số điện thoại, số fax, email, địa chỉ liên hệ). Trường hợp tên miền đăng ký không phải là tên gọi, tên viết tắt của tổ chức đăng ký tên miền, tổ chức có nhu cầu đăng ký sẽ phải giải trình, nêu rõ mục đích, nhu cầu sử dụng tên miền có phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình hay không. Ngoài ra, tổ chức này cũng phải cam kết sử dụng tên miền đúng mục đích.
 
 Tin bài liên quan:
 
Đang có nhiều sự đe dọa và cảnh báo về tính bảo mật từ các sản phẩm viễn thông của các công ty Trung Quốc. Các sản phẩm này được đánh giá không đảm bảo an ninh thông tin tại Mỹ và châu Âu. Theo báo cáo của Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam về an ninh thông tin, trong vòng 12 tháng qua, có 6/7 hãng viễn thông ở Việt Nam đang sử dụng thiết bị công nghệ của Huawei (Hoa Vĩ) và ZTE của các công ty Trung Quốc. Đặc biệt hơn, hiện có hơn 30.000 trạm thu phát sóng (BTS) của các hãng viễn thông sử dụng thiết bị của hai tập đoàn công nghệ này. Riêng trong năm 2009, đã có hơn 5 triệu thiết bị như USB, moderm, router của Huawei và ZTE đã được bán ra trên thị trường Việt Nam. Con số thiết bị của hai hãng này bán ra trong nửa năm nay chưa được hiệp hội này thống kê được. Các chuyên gia an ninh thông tin khác cũng cho rằng, niềm tin này hiện đang bị lung lay khi một số quốc gia khác trên thế giới như Mỹ, Australia và một số nước ở châu Âu e ngại về tính trung thực của cam kết của hai công ty trên. Cũng trong báo cáo của hiệp hội An ninh thông tin Việt Nam, trong 12 tháng qua, xu hướng tội phạm mạng nhắm đến các tổ chức và doanh nghiệp với mục đích phá hoại kinh tế gia tăng rất nhanh tại Việt Nam.
 
Ngày 10/7, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo về kết nối Internet và kết nối giữa doanh nghiệp di động với doanh nghiệp cung cấp nội dung số. Đại diện các doanh nghiệp viễn thông, Internet và doanh nghiệp nội dung số đã trao đổi, thảo luận về các vướng mắc trong việc kết nối cung cấp dịch vụ Internet, những vấn đề cần điều chỉnh trong hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động. Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet được quyền kết nối, sử dụng chung hạ tầng cơ sở, giá cước kết nối sẽ do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định. Tuy nhiên, thực tế trên thị trường đang tồn tại một số vấn đề như: Doanh nghiệp hai bên có kết nối trực tiếp nhưng chưa thỏa thuận được cước phí, trong khi lưu lượng sử dụng hai bên không cân bằng dẫn đến một bên yêu cầu phải thanh toán cước kết nối. Điều này khiến hai doanh nghiệp xảy ra tranh chấp, không tạo được sự đồng thuận và quyết định cắt kết nối trực tiếp.Thay vì kết nối trực tiếp, hai doanh nghiệp buộc phải kết nối qua hệ thống VNIX của Trung tâm Internet quốc gia (VNNIC). Các doanh nghiệp kết nối qua trạm trung chuyển internet quốc gia đề nghị xem xét, điều chỉnh lại một số các điều khoản về kinh tế, kỹ thuật cho phù hợp với tình hình hiện nay.
 
 Tin bài liên quan:
 
Lĩnh vực phần mềm công nghệ thông tin (IT) được TP Hồ Chí Minh xác định là một trong bốn ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong chín ngành dịch vụ ưu tiên phát triển. Vì vậy, thành phố đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy ngành này ngày càng phát triển. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) phần mềm tại thành phố đã xây dựng được uy tín ở thị trường các nước như FPT, HPT, TMA, KMS, Global Cybersoft... Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội Tin học thành phố,  lĩnh vực phần mềm và dịch vụ IT tại địa bàn có giá trị doanh thu thấp, ít có sản phẩm trọn gói, chủ yếu thực hiện theo từng phần việc trong chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ. Lĩnh vực này cũng chưa tạo được thương hiệu riêng trên bản đồ IT thế giới, chưa giới thiệu được tiềm năng về nhân lực của ngành để thu hút các nhà đầu tư từ các nước đến đặt hàng. Một trong những nguyên nhân là từ thị trường.
 
Nếu chuyển đổi 10.000 máy tính cá nhân (PC) sang dùng phần mềm nguồn mở (PMNM) thay vì bỏ tiền mua bản quyền phần mềm cho số máy tính này, trong 1 năm, Nhà nước có thể tiết kiệm được 53 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) nhẩm tính chi phí trung bình để mua một bản quyền cho một máy tính văn phòng sử dụng hệ điều hành Windows 7 và ứng dụng Office 2010 là 450 USD (gần 10 triệu đồng). Trong khi đó, chỉ cần giao cho VFOSSA 200 USD/máy (khoảng 4 triệu đồng) thì có thể chuyển máy tính này thành máy trạm sử dụng hệ điều hành nguồn mở Linux cùng ứng dụng văn phòng nguồn mở Libre Office (LibO). Sau đó thường kỳ hàng tháng hoặc hàng năm, người sử dụng chỉ cần chi một khoản tiền cho dịch vụ triển khai ứng dụng PMNM. Nếu so với chi phí mua bản quyền thì khoản tiền chi cho dịch vụ triển khai ứng dụng PMNM “khiêm tốn” hơn rất nhiều. “Thực tế hàng năm, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân phải chi một khoản tiền rất lớn cho việc mua bản quyền, nâng cấp phần mềm thương mại đóng gói. Chính phủ Việt Nam đã từng phải chi đến khoảng 20 triệu USD (tương đương 400 tỷ đồng) cho 1 lần mua bản quyền cho riêng hãng Microsoft”, ông Quang “bật mí”.
 
Tại hội thảo về "Nâng cao hiệu quả công tác quản lý trò chơi trực tuyến (game online)" do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa tổ chức tại Hà Nội, việc quản lý dịch vụ này đã được đặt ra…Cuối năm 2010, do sức ép từ dư luận xã hội, Bộ TT-TT đã ngừng cấp phép game online. Mặc dù đã ngừng cấp phép gần 3 năm, nhưng thị trường game vẫn sôi động. Vì thực tế ngoài con số gần 70 game do các DN trong nước phát hành được cấp phép từ trước, người chơi trong nước được tiếp cận tới hơn 200 game trên mạng internet, chưa kể đến hàng nghìn game có sẵn trên các mạng xã hội, smartphone… Có thể thấy việc ngừng cấp phép không có tác dụng ngăn chặn nhưng lại đẩy các DN "nội" vào tình trạng phát hành game không phép. Cùng quan điểm này, đại diện các hiệp hội, DN cho rằng, về lâu dài Bộ nên nghiên cứu và áp dụng hình thức quản lý bỏ giấy phép mà đưa ra các quy định để DN kinh doanh game được và không được làm gì, tạo điều kiện cho ngành dịch vụ này phát triển, đem lại lợi nhuận, việc làm cho người lao động.
 
 Tin bài liên quan:
 
Các sản phẩm phần cứng, điện tử nội địa sẽ được ưu tiên đầu tư, mua sắm bằng vốn ngân sách Nhà nước nếu có doanh thu tối thiểu 10 tỷ đồng/năm; với sản phẩm phần mềm, doanh thu phải đạt 500 triệu đồng/năm, còn nội dung số và dịch vụ CNTT phải đạt 2 tỷ đồng/năm. Bộ TT&TT đang xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 42/2009/TT-BTTTT ngày 30/12/2009 quy định chi tiết về ưu tiên đầu tư, mua sắm các sản phẩm CNTT sản xuất trong nước bằng nguồn vốn Nhà nước. Trong Dự thảo nêu rõ các tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ CNTT nội địa được ưu tiên đầu tư, mua sắm, thuê sử dụng. Đáng chú ý, đối với sản phẩm phần cứng, điện tử thì doanh thu từ hoạt động sản xuất, lắp ráp, kinh doanh sản phẩm phải đạt tối thiểu 10 tỷ đồng/năm trong 2 năm liên tiếp gần nhất; hoặc sản phẩm được ưu tiên có tối thiểu 5 cơ quan Nhà nước hoặc 10 tổ chức, doanh nghiệp hoặc 500 cá nhân đã và đang sử dụng. Sản phẩm phải có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỉ lệ từ 20% trở lên trong tổng chi phí sản xuất ra sản phẩm; hoặc tổ chức, doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm này có tối thiểu 50 lao động chuyên môn về phần cứng, điện tử là người Việt Nam đang làm việc ổn định (hợp đồng lao động 2 năm trở lên). 

 
 VIỄN THÔNG
 
Những ứng dụng OTT đang nở rộ khiến các mạng di động bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, nhà mạng đã đầu tư rất lớn cho 3G nhưng lại đang bán dưới giá thành. Dịch vụ Over the top content (OTT) cho phép gọi điện và nhắn tin miễn phí trên nền 3G chỉ thực sự trở nên nóng bỏng tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2013. Các dịch vụ OTT đã ào ạt tấn công thị trường Việt Nam với những chương trình marketing dồn dập. Việc tung ra nhiều chương trình marketing đẩy các thuê bao di động chuyển sang sử dụng dịch vụ OTT tăng rất mạnh. Trước thực trạng sự tăng trưởng các dịch vụ OTT làm giảm mạnh nguồn thu của các nhà mạng thì nhiều ý kiến cho rằng việc các nhà mạng tăng cước 3G chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi. Việc duy trì mức cước 3G dưới giá thành như hiện nay kèm các dịch vụ OTT miễn phí thoại và SMS thì trước mắt khách hàng sẽ được lợi. Nhưng xét về lâu dài khi nhà mạng không còn đủ sức tái đầu tư mạng lưới thì khách hàng là người chịu thiệt thòi. Vì vậy, tăng cước 3G để nhà mạng có đủ sức đầu tư mạng lưới và cung cấp các dịch vụ cho khách hàng dịch vụ chất lượng tốt sẽ đem lại sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông.
 
Trong quá trình tái cơ cấu, tập đoàn VNPT vẫn có cơ hội để giữ lại các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành đang có hiệu quả. Trong đề án tái cơ cấu VNPT từ nay đến 2015, lĩnh vực đầu tư ngoài ngành của tập đoàn này là một trong những nội dung quan trọng nhất. Bởi lĩnh vực trên không chỉ tạo ra nguồn thu lớn cho VNPT mà còn ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp đang cùng hợp tác với tập đoàn trong thời gian qua. Được biết, các lĩnh vực mà VNPT đầu tư không phải là ngành nghề kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan tới ngành nghề kinh doanh chính gồm có: Tư vấn khảo sát, thiết kế công trình viễn thông, CNTT & TT; kinh doanh bất động sản, cho thuê văn phòng; Ngân hàng, bảo hiểm ....Tuy nhiên, khi một số lĩnh vực đầu tư ngoài ngành vẫn đạt được hiệu quả, đại diện VNPT đã đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông cho giữ lại những nguồn đầu tư này. Đây được xem là một trong những điều kiện quan trọng để tập đoàn này duy trì được sự vững mạnh của một tập đoàn kinh tế mũi nhọn. Đại diện Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, thành viên của ban chỉ đạo tái cơ cấu VNPT cho biết, tập đoàn này vẫn có cơ hội để tiếp tục đầu tư ngoài ngành.
 
Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, chỉ trong 6 tháng qua, Cục đã phát hiện và xử lý hiện các thiết bị như trạm lặp (Repeater) và điện thoại không dây DECT6.0 đang gây can nhiễu ảnh hưởng chất lượng dịch vụ của các mạng thông tin di động. Ngày 11/7/2013, phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2013, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, cho biết vấn đề can nhiễu gây ảnh hưởng chất lượng các mạng di động đang là điểm nóng trong công tác quản lý tần số. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, Cục đã tiếp nhận, xử lý 43 vụ can nhiễu, xử lý xong 38 vụ, có nhiều vụ can nhiễu ảnh hưởng chất lượng dịch vụ của các mạng thông tin di động. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do thiết bị trạm lặp và điện thoại không dây DECT6.0. Đặc biệt, đã có 5 vụ  đài truyền thanh không dây có phát xạ giả gây can nhiễu mạng điều hành bay. 6 tháng qua, Cục Tần số Vô tuyến điện đã quyết định xử phạt đối với 29 tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về tần số với tổng số tiền xử phạt là 53,5 triệu đồng.

 
BƯU CHÍNH
 
Bộ TT&TT vừa cho phép Công ty CP Tín Thành được sửa tên doanh nghiệp thành Công ty CP chuyển phát nhanh Kerry TTC (Kerry TTC Express) trên các giấy phép cung ứng dịch vụ chuyển phát thư trong nước và quốc tế của đơn vị này. Theo hai giấy phép 227 và 228 được Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng ký ngày 18/6/2013, Điều 1 của giấy phép cung ứng dịch vụ chuyển phát thư trong nước số 354/GP-BTTTT ngày 1/11/2007 và giấy phép cung ứng dịch vụ chuyển phát thư quốc tế số 119 ngày 31/1/2008 đã được điều chỉnh, sửa đổi thành: tên doanh nghiệp là Công ty CP chuyển phát nhanh Kerry TTC (Kerry TTC Express); giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0101104372 (đăng ký lần đầu ngày 10/2/2006, đăng ký thay đổi lần thứ 10 ngày 6/2/2013) do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội cấp. Các giấy phép điều chỉnh nêu trên là bộ phận không tách rời của hai giấy phép cung ứng dịch vụ chuyển phát thư trong nước và quốc tế mà Công ty CP Tín Thành (nay là Kerry TTC Express) được cấp từ năm 2007, 2008.
 
* Chuyên mục này có mục đích tổng hợp các bài báo viết về Ngành Thông tin và Truyền thông trong tuần để giúp cán bộ quản lý, cán bộ công chức, viên chức ngành Thông tin và Truyền thông cũng như bạn đọc có thông tin nhiều chiều, toàn diện. Nội dung các bài báo được tổng hợp không phản ánh quan điểm, chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Ban Biên tập.
 
Hải Nam
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top