Tổng hợp báo chí viết về ngành Thông tin và Truyền thông tuần 27 (Từ 29/6 đến 5/7/2013)

Thứ sáu, 05/07/2013 09:15

Trong tuần qua thông tin nổi bật được các báo điện tử quan tâm phản ánh là việc Bộ TT&TT bàn giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý trò chơi trực tuyến, Bộ TT&TT sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm, công tác quản lý thuê bao trả trước, sim khuyến mãi, tin nhắn rác, bản quyền truyền hình,...

img

Trong 6 tháng đầu năm 2013, công tác quản lý viễn thông, internet và CNTT đều có nhiều thành tựu đáng kể       Ảnh: Vietnamnet

 BÁO CHÍ

+ Nhiều đài truyền hình địa phương muốn được phát qua vệ tinh

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2013 của Bộ TT&TT được tổ chức trực tuyến vào ngày 1/7/2013, ông Lê Tiến Ninh – Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thái Bình đề xuất, khi thực hiện lộ trình số hóa truyền hình, một số địa phương muốn đưa các kênh truyền hình của tỉnh phát sóng lên vệ tinh. Ông Ninh đề nghị, khi thực hiện số hóa truyền hình cần dùng kết hợp cả phát sóng vệ tinh và mặt đất để hỗ trợ các đài địa phương. Hiện nay đã có hơn 30 đài truyền hình địa phương đã phát sóng kênh truyền hình thiết yếu lên vệ tinh, trong đó khu vực phía Bắc có Lào Cai, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang còn lại là các tỉnh thành phía Nam. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chỉ đạo, Bộ ủng hộ chủ trương cho một số tỉnh miền núi nên dùng truyền hình vệ tinh kết hợp với mặt đất để thực hiện số hóa truyền hình. Như vậy sẽ vừa tận dụng được hạ tầng của 2 vệ tinh VINASAT, vừa phục vụ được người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

+ Hiệp hội truyền hình trả tiền "tố" VTV "hứa một đằng, làm một nẻo"

VNPayTV lên tiếng phản ứng việc VTV tiếp tục để K+ độc quyền 2 gói bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh. Đồng thời "tố" VTV thiếu nhất quán và không giữ lời hứa với các thành viên VNPayTV. VNPayTV còn cho rằng, tại cuộc họp hội đồng thành viên VSTV mà VTV nắm giữ 51% và giữ quyền quản lý nội dung phát sóng của VSTV đã họp hôm 24/6/2013 và đồng ý để VSTV mua độc quyền bản quyền phát sóng gói 1 và gói 2 với giá gần 40 triệu USD. Với quyết định này, VTV đã "phớt lờ" ý kiến của Bộ TT&TT và phản ứng mạnh mẽ của các thành viên VNPayTV. VNPayTV tỏ ra bất bình trước sự thiếu nhất quán của VTV và đề nghị Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&&T chỉ đạo VTV thực hiện đúng cam kết đã gửi Bộ TT&TT là "không có bất kỳ gói độc quyền nào và giá của toàn bộ giải EPL chỉ cao hơn 20% so với mùa giải trước". Hồi cuối tháng 6, VTV đã có công văn báo cáo Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT, theo đó VTV khẳng định sẽ không can thiệp vào việc độc quyền Giải Ngoại hạng Anh phát trên hệ thống truyền hình vệ tinh K+ (thương hiệu của liên doanh VSTV mà VTV nắm giữ 51%).

+ Truyền hình trả tiền cạnh tranh quyết liệt

Truyền hình số vệ tinh K+ mới đây đã tung ra gói thuê bao đặc biệt với giá 99.000 đồng/tháng. Động thái này của K+ lại một lần nữa làm dậy sóng thị trường đang trầm lắng. Chương trình hỗ trợ lớn này tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thêm một lựa chọn khá cạnh tranh. Khi cạnh tranh ngày càng trở nên mạnh mẽ, một cuộc đào thải sẽ diễn ra hết sức khốc liệt. Các nhà cung cấp dịch vụ uy tín và ổn định sẽ có cơ hội phát triển, còn người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ sự cạnh tranh đó với những lựa chọn tốt hơn và đa dạng hơn.


  XUẤT BẢN

+ Kiến nghị giao cho Ban Văn hóa xã làm đầu mối quản lý sách

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản đề nghị đưa sách từ các dự án trang bị sách về cơ sở tập trung về một đầu mối là Ban Văn hóa xã, nhằm triển khai hiệu quả việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng những ấn phẩm thuộc các dự án trang bị sách về cơ sở. Thu về một mối, chi phụ cấp cho nhân viên quản lý sách. Những năm gần đây có một số bộ, ngành đã và đang triển khai các đề án, dự án trang bị sách cho các xã, phường, thị trấn, đặc biệt là tới các xã thuộc 69 huyện nghèo của cả nước từ nguồn kinh phí nhà nước. Cụ thể là Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật triển khai; các dự án, đề án khác liên quan đến hoạt động xuất bản và phát hành sách đến cơ sở trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì; Dự án “xuất bản phẩm theo chuyên đề” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo do Bộ TT&TT chủ trì; Mô hình Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn do Bộ Tư pháp chủ trì; Các chương trình, dự án cung cấp sách, tài liệu của những tổ chức chính trị - xã hội trong nước...


 CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

+ Quản lý nhà nước ngành TT&TT nửa đầu 2013: Viễn thông, Internet và CNTT có nhiều điểm sáng

Báo cáo sơ kết Công tác Quản lý Nhà nước 6 tháng đầu năm 2013 của Bộ TT&TT công bố cho biết, cả nước hiện có 815 cơ quan báo chí in với hơn 1000 ấn phẩm báo chí, 67 đài phát hanh, truyền hình Trung ương và địa phương, 75 báo và tạp chí điện tử, 1110 trang thông tin điện tử và 382 mạng xã hội. Hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet của Việt Nam tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là mạng di động 3G. Các doanh nghiệp như VinaPhone, MobiFone, Viettel đã tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư mạng lưới và cung cấp dịch vụ đúng như cam kết. Số thuê bao điện thoại cố định giảm 100.000 thuê bao nhưng tốc độ giảm đang chậm dần. Thuê bao 2G, 3G tăng 4,3 triệu thuê bao mới. Ước tính cả nước hiện có 145,47 triệu thuê bao điện thoại, trong đó cố định chiếm 9,47 triệu, di động đạt 136 triệu thuê bao. Việt Nam cũng phát triển mới được hơn 42.000 tên miền, nâng tổng số tên miền ".vn" lên con số hơn 245.000 tên miền.

+ Ngày ATTT Việt Nam 2013 sẽ "xoáy" chủ đề chiến tranh mạng

Ngày An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam năm 2013 dự kiến tổ chức vào 21/11 tại khách sạn Melia - Hà Nội sẽ có hội thảo quốc tế tập trung vào chủ đề chiến tranh không gian mạng. Theo kế hoạch, Ngày ATTT Việt Nam 2013 bao gồm một chuỗi sự kiện. Sự kiện chính là hội thảo quốc tế diễn ra sáng 21/11 bàn về chủ đề liên quan tới chiến tranh không gian mạng, với sự tham gia của các quan chức Chính phủ, lãnh đạo Bộ, ngành, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội, trường học, viện nghiên cứu… Trong đó, sẽ có một số tham luận của đại diện nước ngoài như Cisco, Intel, Google,…Cũng như thường niên, Ngày ATTT 2013 sẽ có nhiều sự kiện được diễn ra từ trước hội thảo chính, gồm: Thi về ATTT (bắt đầu từ tháng 10/2013, tổ chức chung kết tại TP.HCM ngày 10/11); Đào tạo miễn phí về ATTT; Điều tra thực trạng ATTT Việt Nam (tiến hành trong 2 - 3 tháng dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT).

+ VNPT, Viettel, FPT, VTC, Bkav... là ứng viên cho hệ thống eDoc

Hệ thống thông tin quản lý văn bản tích hợp toàn quốc cho các cơ quan Chính phủ (gọi tắt là eDoc) do Bộ TT&TT xây dựng sẽ thực hiện việc trung chuyển văn bản điện tử (trừ văn bản mật) được gửi - nhận giữa các cơ quan Nhà nước. eDoc là hệ thống thực hiện chức năng trung chuyển văn bản điện tử (trừ văn bản mật) được gửi - nhận giữa các cơ quan Nhà nước, không lưu trữ văn bản như một hệ thống lưu trữ quốc gia mà chỉ lưu trữ tạm thời các văn bản khi cần thiết. Nói cách khác, eDoc không thay thế các hệ thống quản lý văn bản và điều hành nội bộ của các cơ quan Nhà nước mà chỉ đảm nhận vai trò kết nối liên thông các hệ thống này. Dự kiến, hệ thống eDoc được triển khai cho khoảng 32.994 đơn vị, cơ quan thuộc hệ thống chính trị Việt Nam trong vòng 3 năm. Bộ Quốc phòng (Ban Cơ yếu Chính phủ) sẽ chịu trách nhiệm triển khai các giải pháp bảo đảm cung cấp dịch vụ chữ ký số, giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đối với các văn bản điện tử trung chuyển trên hệ thống eDoc.

+ Hình thành khu công nghiệp CNTT tập trung của Hà Nội

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 107/KH-UBND về Phát triển công nghiệp CNTT trên địa bàn năm 2013. Theo đó, Hà Nội sẽ hình thành và đẩy mạnh hoạt động khu CNTT tập trung trên cơ sở công nhận Cụm tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhỏ Cầu Giấy; xây dựng và đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ; triển khai hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp CNTT, phát triển thị trường, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với sở, ban, ngành liên quan, doanh nghiệp thực hiện 6 nhiệm vụ: Hoàn thiện và nâng cao năng lực quản lý nhà nước; phát triển các khu công nghiệp CNTT tập trung và thu hút đầu tư; hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp CNTT; phát triển thị trường công nghiệp CNTT…

+ Sẽ tăng cường kiểm tra các tên miền đã đăng ký

Chia sẻ tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2013 của Bộ TT&TT, Giám đốc VNNIC Hoàng Minh Cường cho biết, hiện tên miền .gov.vn vẫn đang được đăng ký và cấp phép dưới dạng tiền kiểm. Do đó, thời gian qua, theo phản ánh của các địa phương đã nảy sinh tình trạng một số doanh nghiệp cố tình sử dụng tên miền giống với cơ quan nhà nước. Trong khi đó, theo quy định, chỉ các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước mới được phép đăng ký sử dụng tên miền .gov.vn. Bàn về hướng khắc phục trong thời gian tới, vị đại diện VNNIC cho biết sẽ yêu cầu các Sở TT&TT địa phương phối hợp chặt chẽ cùng Trung tâm để kiểm tra, phát hiện các vi phạm, sai phạm trong sử dụng tên miền.

+ "Nâng cao hiệu quả công tác quản lý trò chơi trực tuyến"

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ trong 2 năm gần đây, Bộ đã xử phạt 14 doanh nghiệp vi phạm kinh doanh trò chơi trực tuyến với số tiền gần 600 triệu đồng. Hành vi vi phạm của các đơn vị kinh doanh ngày càng tinh vi, nhiều nơi khi bị bắt vi phạm ở một nơi nhưng hệ thống máy chủ lại đặt tại nước ngoài chứ không phải trong nước. Nhiều doanh nghiệp sau khi được cấp phép kinh doanh trò chơi đã thay đổi toàn bộ nội dung của trò chơi. Ngoài ra, trò chơi trực tuyến còn xuất hiện ở rất nhiều nguồn khác nhau như: trên các trang mạng xã hội hay các ứng dụng trên điện thoại thông minh smartphone, smart tivi nên việc quản lý cũng khó khăn. Để quản lý trò chơi trực tuyến được hiệu quả hơn, các đại biểu tham dự Hội thảo nâng cao hiệu quả công tác quản lý trò chơi trực tuyến đã nhất trí một số giải pháp: cần nhanh chóng có Nghị định thay thế Nghị định 97 cũ không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay, thành lập Hội đồng xét duyệt nội dung cấp phép game online một cách nhanh chóng chứ không mất thời gian như hiện nay. Xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm, đặc biệt là những đơn vị nước ngoài kinh doanh trái phép ở Việt Nam. Cơ quan quản lý sẽ tạo điều kiện hết sức cho các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất những trò chơi trực tuyến mang bản sắc Việt Nam.  

 Tin bài liên quan:

- Rà soát, quản lý chặt chẽ trò chơi trực tuyến

-Thị trường game “loạn” trước sức ép từ game ngoại

- Công bằng cho game online

- 100% doanh nghiệp có game lậu

- Quản lý trò chơi trực tuyến: Mở hay đóng?

- Doanh nghiệp game online muốn được “cởi trói”

- Cấp phép ngay cho game “sạch”


  VIỄN THÔNG

+ 6 tháng, điện thoại cố định giảm 100.000 thuê bao

Trong 6 tháng đầu năm 2013, lượng thuê bao điện thoại cố định ước tính giảm khoảng 100.000 thuê bao, trong khi thuê bao điện thoại di động (2G, 3G) tăng 4,3 triệu thuê bao. Thông tin trên được Bộ TT&TT đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ngày 1/7. Theo đó, tổng số số thuê bao điện thoại cố định hiện đạt 9,47 triệu thuê bao trong khi thuê bao di động là 136 triệu thuê bao. Cũng theo báo cáo của Bộ TT&TT, trong 6 tháng qua, số thuê bao Internet băng rộng ở Việt Nam tăng khoảng 115.000 thuê bao, phát triển mới được 42.227 tên miền, nâng tổng số tên miền truyền thống ".vn" hiện có lên 245.890 tên miền.

+ "Tái cơ cấu VNPT cần thận trọng"

Khẳng định tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ TT&TT chiều 1/7, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định tái cơ cấu VNPT là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đặc biệt nên dù phải tăng tốc cũng không được "đốt cháy giai đoạn". Do VNPT vừa phải tái cơ cấu, vừa phải đảm bảo sản xuất kinh doanh ổn định nên mức tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm vẫn được Bộ trưởng Son đánh giá là khá tích cực so với mặt bằng chung của nền kinh tế. Nhận định này được đưa ra dù theo số liệu do VNPT và Viettel công bố tại Hội nghị, doanh thu nửa đầu năm 2013 của VNPT hiện đang thua Viettel hơn 18.000 tỷ đồng (54.255 tỷ đồng so với 72.638 tỷ đồng). "Tái cơ cấu VNPT phải đảm bảo tiến độ song song với chất lượng", Bộ trưởng nhấn mạnh. Trên thực tế, ngay từ cách đây 2 năm, Bộ TT&TT đã bắt đầu tái cơ cấu VNPT dưới hình thức tham mưu cho Chính phủ tách riêng VNPT với Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost). Sau khi quyết định 99 được ban hành, Bộ trở thành chủ sở hữu Nhà nước đối với VNPT và bắt đầu chỉ đạo trực tiếp việc tái cơ cấu "phần còn lại" của Tập đoàn, báo cáo lên Chính phủ. "Việc tái cơ cấu VNPT phải tuân thủ theo 13 nguyên tắc. Các nguyên tắc này sẽ được công bố rộng rãi trên mạng Internet để các địa phương có thể tham gia đóng góp ý kiến", Bộ trưởng cho biết.

 Tin bài liên quan:

- VNPT đã bắt đầu tái cơ cấu từ 2 năm trước

+ Viettel sẽ đề xuất tăng giá cước đối với dịch vụ 3G

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ TT&TT ngày 1/7, ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết sẽ đề xuất tăng giá cước 3G. Hiện nay, do sự bùng nổ của các dòng điện thoại thông minh, hạ tầng công nghệ tốt nên thuê bao sử dụng dịch vụ Internet trên nền di động tương đối phổ biến, trong khi cước 3G là khá thấp. Thực tế cho thấy, chỉ cần bỏ ra hơn 1 triệu đồng, người dùng đã có thể sở hữu một điện thoại thông minh mới, và những chiếc điện thoại cũ thì giá rẻ hơn khá nhiều. Cũng theo lời ông Trung, trong thời gian đầu, do áp lực cạnh tranh giữa các nhà mạng nên doanh nghiệp viễn thông đặt ra giá cước tương đối thấp so với giá thành để mong lấp đầy lưu lượng mạng đã đầu tư. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã nảy sinh một số bất cập nên nhà mạng này quyết định sẽ đề xuất lên Bộ Thông tin và Truyền thông để tăng giá cước 3G.

 Tin bài liên quan:

- Bộ TT&TT không can thiệp việc nhà mạng tăng cước 3G

+ Sẽ vô hiệu hóa toàn bộ SIM phát hành trước 1/1/2013

Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ chọn thời điểm thích hợp để kết thúc việc lưu hành các SIM phát hành trước ngày 1/1/2013 còn tồn đọng trên thị trường, nhằm đảm bảo cho thị trường hoàn toàn lành mạnh. Trước đó, tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2013 của Bộ TT&TT, Phó Tổng Giám đốc Viettel Tống Viết Trung đã phản ánh việc ngoài thị trường vẫn có thể dễ dàng tìm thấy SIM khuyến mại, SIM đã kích hoạt trước ngày 1/1/2013, là thời điểm mà các Thông tư về quản lý khuyến mại đối với thuê bao trả trước chính thức có hiệu lực. Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng giải thích rằng, sau khi 2 Thông tư 04 và 14 ra đời thì số lượng thuê bao mới đã giảm rất mạnh. Số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy, con số này chỉ bằng 1/10 so với trước đây. Thế nhưng người dùng vẫn có thể mua được SIM kích hoạt sẵn, SIM 0 đồng, SIM khuyến mại khủng là vì doanh nghiệp đã đưa ra thị trường từ trước ngày 1/1/2013 để "lách luật". Trong khi đó, việc hoàn tất các bước cuối của quản lý thuê bao trả trước đã được xác định là một trọng tâm của Bộ trong 6 tháng cuối năm, để đến tháng 8, Bộ có thể tiến hành đánh giá lại và hoàn thiện Thông tư 04. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu các Sở TT&TT địa phương phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng Thanh tra Bộ tiến hành chặt chẽ, sát sao đợt thanh tra diện rộng về thuê bao trả trước trong ba tháng, từ tháng 6 tới tháng 9 năm nay.

 Tin bài liên quan:

- Vô hiệu hóa sim khuyến mãi tài khoản để “dọn rác”

+ Hà Nội: Bó tay với quảng cáo rác?

Việc xóa quảng cáo rác, rao vặt trên địa bàn Hà Nội đã được triển khai từ nhiều năm trước với những cuộc ra quân rầm rộ, tưng bừng. Tuy nhiên, gần đây tình trạng quảng cáo rác, rao vặt bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại. Một công việc không quá lớn trong việc giữ gìn mỹ quan đô thị phải chăng là bài toán quá khó của cơ quan chức năng Thủ đô? Công cuộc đẩy lùi quảng cáo rao vặt trên địa bàn Hà Nội đã phổ biến trên diện rộng toàn thành phố, được triển khai từ cuối năm 2009. Sở TT&TT Hà Nội cho hay đến nay đã có công văn gửi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cắt vĩnh viễn gần 4.000 số điện thoại quảng cáo rao vặt vi phạm quy định. Mới đây, vào trung tuần tháng 5, Sở cũng đã ra văn bản lần thứ 29 đề nghị cắt 51 số điện thoại rao vặt trái phép, trong đó có 8 thuê bao của MobiFone, 28 thuê bao Viettel, 12 thuê bao VinaPhone và 3 thuê bao VNPT.

+ Nhà mạng “đau đầu” vì ứng dụng OTT và giá cước 3G 

Tại Hội thảo dịch vụ OTT (Over The Top) trên hạ tầng băng rộng mới đây, đại diện MobiFone cho biết, giá cước 3G ở Việt Nam đang ở mức thấp nhất thế giới, thấp hơn các nước 40 - 90%. Do đó, những ứng dụng OTT nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet sẽ khiến nhà mạng tổn thất hơn 1.000 tỷ đồng/năm, trong khi lượng tiền data thu về không đáng bao nhiêu vì cước dữ liệu quá rẻ. Theo đại diện VinaPhone, bên cạnh việc giảm doanh thu các dịch vụ cơ bản vì ứng dụng OTT, giá cước 3G cũng đang khiến các nhà mạng ở Việt Nam “đau đầu”. Bởi vì, dù giá cước dữ liệu của Việt Nam thuộc diện thấp trong khu vực và thế giới nhưng số lượng thuê bao sử dụng 3G trên mạng VinaPhone chỉ chiếm 15-20% tổng số thuê bao có trên mạng và doanh thu từ dữ liệu 3G ở mức 5-10% doanh thu toàn mạng, trong khi chi phí đầu tư cho mạng 3G rất lớn.


  BƯU CHÍNH

+ VietnamPost: Gắn chíp để “đo” chất lượng bưu phẩm quốc tế đi

Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) vừa cho biết, bắt đầu từ tháng 5/2013, đơn vị này đã tham gia đợt kiểm tra chất lượng dịch vụ bưu phẩm thường quốc tế chiều đi trên GSM - hệ thống đo lường chất lượng chuyển phát của UPU. GMS (Global Monitoring System) là một hệ thống đo lường chất lượng chuyển phát do Liên minh Bưu chính thế giới - UPU thiết lập nhằm mục đích cung cấp cho các nước thành viên của UPU những kết quả đo lường chính xác, khách quan và hiện đại nhất từ trước đến nay, thông qua việc ứng dụng công nghệ nhận dạng sóng vô tuyến từ xa (radio frequency identification - RFID) với các bưu phẩm kiểm tra được gắn con chíp điện tử. Theo kế hoạch của UPU, thời gian đầu sẽ triển khai thử nghiệm việc kiểm tra chất lượng chuyển phát bưu phẩm thường chiều đi quốc tế trên GMS với hai nước Nhật Bản và Ấn Độ. Thời gian kiểm tra chất lượng bưu phẩm thường quốc tế chiều đi với Ấn Độ và Nhật Bản được bắt đầu từ tháng 5/2013 và sẽ kết thúc vào khoảng tháng 9/2013.

+ Bưu điện Việt Nam áp dụng bảng cước EMS mới từ 1/7

Bảng cước mới dịch vụ chuyển phát nhanh EMS trong nước của Công ty Cổ phần chuyển phát nhanh Bưu điện (VNPost Express) chính thức được áp dụng trên toàn mạng lưới bưu chính kể từ ngày 1/7/2013. Chuyển phát nhanh EMS là dịch vụ nhận gửi, vận chuyển và phát các loại thư, tài liệu, vật phẩm hàng hóa theo chỉ tiêu thời gian được công bố trước. Đây là dịch vụ Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) làm đại lý cho Công ty VNPost Express. Được biết, cùng với việc ban hành bảng cước dịch vụ chuyển phát nhanh EMS trong nước mới, Công ty Cổ phần chuyển phát nhanh Bưu điện cũng đã triển khai nâng cấp phần mềm quản lý dịch vụ chuyển phát nhanh EMS Enterprise phiên bản 2.6 nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu tính cước dịch vụ.

+ "Nếu không cải tổ, điểm BĐVHX sẽ rất khó duy trì"

Tại cuộc họp tổng kết 6 tháng năm 2013 của Bộ TT&TT, nhiều ý kiến đã đề xuất cần có giải pháp củng cố, duy trì hoạt động của hệ thống điểm bưu điện văn hóa xã ở các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi. Ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc Sở TT&TT Yên Bái kiến nghị, Bộ TT&TT cần có giải pháp hỗ trợ kinh phí để đầu tư nâng cấp cho hệ thống điểm bưu điện văn hóa xã, bởi có rất nhiều điểm đã xuống cấp trầm trọng và không còn hoạt động nữa. Có cùng ý kiến với ông Tuấn, ông Hoàng Ngọc Sơn – Giám đốc Sở TT&TT Cao Bằng cũng cho rằng, nếu không có biện pháp cải tổ lại hệ thống điểm bưu điện văn hóa xã thì rất khó duy trì, bởi hệ thống này ở Cao Bằng đã bị xuống cấp trầm trọng và không còn cung cấp dịch vụ gì nữa. Liên quan đến việc duy trì hoạt động của hệ thống hơn 8.000 điểm bưu điện văn hóa xã, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cũng cho biết, sắp tới VietnamPost sẽ phải rà soát lại toàn bộ hệ thống này, điểm nào không thể duy trì hoạt động sẽ mạnh dạn loại bỏ. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, trước đây có khá nhiều điểm được xây dựng ở những vị trí không phù hợp đến nay không còn người đến, nhiều điểm đặt ở những khu vực mà các dịch vụ cung cấp ở điểm bưu điện văn hóa xã không còn phù hợp với nhu cầu người dân. 

+ Năm 2014, Bưu chính Viettel sẽ “phủ” tới 100% thôn, xã

Ngày 1/7/2013 là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu chặng đường tròn 16 năm Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel - ViettelPost, tiền thân là Trung tâm phát hành báo quân đội, góp mặt trên thị trường bưu chính chuyển phát. Nhìn lại chặng đường 16 năm hoạt động trong lĩnh vực bưu chính của ViettelPost, có thể thấy rõ một trong những chiến lược dài hạn, xuyên suốt và cũng là “bí quyết” đưa đến nhiều thành công cho Bưu chính Viettel  trong những năm qua là việc đơn vị này đã kiên trì thực hiện triết lý kinh doanh “Đầu tư phát triển mạng lưới trước, kinh doanh sau”. Được biết, thông qua việc sử dụng đội ngũ cộng tác viên địa bàn của Viettel Telecom, Bưu chính Viettel đặt mục tiêu sẽ mở rộng mạng lưới thu - phát tới tất cả các thôn, xã trong cả nước vào cuối năm 2014. Riêng trong năm nay, mục tiêu về phát triển mạng lưới của ViettelPost là đảm bảo kết nối tới 100% các huyện và trên 55% các thôn, xã, bản trên toàn quốc.

* Chuyên mục này có mục đích tổng hợp các bài báo viết về ngành Thông tin và Truyền thông trong tuần để giúp cán bộ quản lý, cán bộ công chức, viên chức ngành Thông tin và Truyền thông cũng như bạn đọc có thông tin nhiều chiều, toàn diện. Nội dung các bài báo được tổng hợp không phản ánh quan điểm, chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Ban Biên tập.

Hải Nam
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top