Phần mềm diệt virus Việt Nam vào Top 3 thế giới
Theo kết quả kiểm định mới nhất vừa được phòng thí nghiệm Virus Bulletin (Anh), phần mềm Bkav của Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong 3 sản phẩm bảo mật tốt nhất.
Các bài đánh giá của Virus Bulletin tập trung vào trình độ nhận diện virus với các tập mẫu RAP (khả năng bao phủ tập mẫu và dự đoán chống bùng nổ), Wildlist (những virus lây lan rộng), Trojans (phần mềm gián điệp, nằm vùng), Polymorphic (virus đa hình), Worms và Bots (sâu máy tính).
Phiên bản Bkav Pro 2011 đã đạt số điểm cao như Wildlist 100%, Polymorphic 100%, Trojans 98,8%, Worms và Bots 99,81% và RAP 98,1%. Trong số này, RAP là tiêu chí quan trọng bởi nó là chỉ số tổng thể và Bkav đã đứng thứ ba trong tổng số 43 phần mềm trên toàn cầu tham gia, vượt qua các tên tuổi Kaspersky (94,3 điểm), AVG (94,4 điểm), Avira (93,7 điểm)…
Trước đó, vào kỳ kiểm định cuối năm 2010, Bkav đã lần đầu tiên lọt vào Top 10 sau những cố gắng đưa sản phẩm ra quốc tế kiểm định chất lượng.
Nhiều năm qua, Virus Bulletin đã thực hiện kiểm định độc lập các phần mềm diệt virus trên toàn cầu và những kết quả này được công nhận rộng rãi trong ngành công nghiệp phần mềm.
Doanh nghiệp thứ 6 được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng
Ngày 28/6/2011, Bộ TT&TT đã chính thức trao giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông CK với tên giao dịch là CKCA.
Theo nội dung giấy phép, công ty CK sẽ được cung cấp 3 loại chứng thư số, bao gồm: Chứng thư số cho cơ quan, tổ chức và cá nhân (giúp người dùng chứng thực các giao dịch điện tử như Internet Banking, chứng khoán trực tuyến, khai báo thuế, hải quan trực tuyến…); chứng thư số SSL (chứng thực cho các website) và chứng thư số Code Signing sử dụng cho các nhà sản xuất phần mềm để chứng thực và đảm bảo tính toàn vẹn của sản phẩm.
Như vậy, cùng với CKCA thì đến nay Bộ TT&TT đã cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho 6 doành nghiệp là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), công ty Công nghệ thẻ Nacencom, Công ty An ninh mạng Bkav, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel và Công ty Hệ thống thông tin FPT - FIS.
Sẽ thành lập Cục Viễn thông
Thủ tướng Chính phủ vừa ra quyết định số 35/2011/QĐ-TTg quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT).
Cụ thể, Cục Viễn thông có nhiệm vụ chủ trì xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành, phê duyệt văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược... về viễn thông. Cục được chủ trì, thẩm định vấn đề liên quan đến các loại giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng; cung cấp dịch vụ viễn thông; thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông; thiết lập mạng viễn thông dùng riêng. Ngoài việc quản lý kho số viễn thông, Cục còn thực hiện việc cấp các loại giấy phép nhập khẩu, tạm nhập tái xuất thiết bị phát thu - phát sóng vô tuyến điện; quản lý hệ thống đo kiểm chuyên ngành... Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15-8-2011.
Theo Nghị định sửa đổi số 50/2011/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, từ ngày 15-8-2011, trong cơ cấu, Bộ TT&TT không còn Cục Quản lý chất lượng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT).
Thuê bao di động không còn tăng trưởng phi mã
Theo con số mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng số thuê bao điện thoại phát triển mới trong sáu tháng đầu năm 2011 ước tính đạt 4,7 triệu thuê bao, bằng 59,5% cùng kỳ năm trước, bao gồm 33,4 nghìn thuê bao cố định, bằng 26,3% và trên 4,6 triệu thuê bao di động, bằng 60%.
Nếu so với số liệu được công bố cách đây đúng một tháng, thì số lượng thuê bao phát triển mới trong tháng 6 vừa rồi chỉ khoảng 300 ngàn. Đây là mức mà cách đây hai, ba năm một mạng di động có thể phát triển được trong… 1 ngày.
Đây là tháng thứ hai Tổng cục Thống kê tiến hành việc thống kê số liệu thuê bao di động theo tiêu chí mới. Theo đó, Tổng cục Thống kê chỉ tính số thuê bao di dộng có phát sinh ít nhất 1 giao dịch trong tháng trước tháng báo cáo, không tính các thuê bao tuy chưa bị cắt liên lạc nhưng không phát sinh giao dịch.
Mặc dù không có sự tăng trưởng nhiều song theo nhận định của các chuyên gia viễn thông, kết quả trên mới phản ánh đúng thực chất sự phát triển của thị trường di động Việt Nam hiện nay. Thay vì tăng trưởng nóng, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đã và đang hướng đến phát triển bền vững, tập trung về chất lượng cũng như những giá trị gia tăng hữu ích cho khách hàng.
Beeline thay Tổng giám đốc mới
Gặp khá nhiều trắc trở và khó khăn trong việc phát triển thị trường, ngày 24/6 vừa qua, nhà mạng Beeline đã quyết định thay Tổng giám đốc mới như một phần trong việc cải tổ chiến lược kinh doanh tại Việt Nam.
Là nhà mạng thuộc nhóm “chiếu dưới” của thị trường viễn thông Việt Nam, Beeline đã có 1 năm 2010 chật vật với những con số tăng trưởng không mấy khả quan. Việc thay Tổng giám đốc như một diễn biến tất yếu của nhà mạng này.
Về tân Tổng GĐ mới của Beeline, ông Micheal Cluzel được miêu tả là một người có bề dày kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực viễn thông và hàng tiêu dùng - Thực phẩm & Đồ uống, Mỹ phẩm.
Trong buổi họp báo ra mắt Tổng GĐ mới, Tập đoàn VimpelCom, công ty mẹ của GTEL-Mobile Beeline cho biết tập đoàn sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD từ nay đến hết năm 2013. Khoản góp vốn đầu tiên trị giá 196 triệu USD đã được VimpelCom đầu tư vào liên doanh, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông này trong GTEL-Mobile từ 40% lên 49%. Tuy nhiên, số tiền này sẽ chỉ được giải ngân đầy đủ nếu Beeline Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu về chỉ tiêu kinh doanh do công ty mẹ đặt ra.
Sắp hoàn tất đối chiếu thông tin trả trước
Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an đang hoàn tất việc rà soát thông tin của hơn 4 triệu thuê bao trả trước thuộc ba mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel tại khu vực Hà Nội. Nhiều người đang lo ngại sẽ có hàng loạt thuê bao bị cắt liên lạc hoặc xoá số trên hệ thống vì lý do khai khống, khai không chính xác thông tin.
Dù đây là lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an thực hiện đối soát thí điểm song cơ quan quản lý sẽ không “nương tay” với những trường hợp cố tình không chấp hành quy định, vẫn khai thông tin sai mà không tới thay đổi lại cho đúng dù doanh nghiệp đã đưa ra thời gian để giúp họ sửa sai.
Theo con số được đưa ra từ Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 19/4, có khoảng 4,1 triệu thuê bao thuộc khu vực Hà Nội đã được chuyển sang cơ quan Công an đối chiếu dữ liệu chứng minh thư trong đó, Viettel có 1,57 triệu, MobiFone có 1,25 triệu, còn lại là VinaPhone với khoảng 1,28 triệu thuê bao.
Đây mới chỉ là những thuê bao được cơ quan quản lý nhà nước “nhặt” ra trong số hàng chục triệu thuê bao trả trước hiện đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội - một trong những địa phương có lượng người dùng lớn nhất cả nước. Mức độ chính xác về thông tin của các thuê bao chưa được đối chiếu lần này cũng cần được kiểm chứng trong thời gian tới.
Bộ TNMT xây dựng cơ sở hạ tầng Điện toán Đám mây
Ngày 27/6/2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) đã công bố hợp tác với IBM trong việc xây dựng một cơ sở hạ tầng điện toán đám mây cho trung tâm dữ liệu mới tích hợp tất cả các số liệu về tài nguyên và môi trường của Việt Nam trên nền tảng điện toán đám mây.
Trước kỷ nguyên của sự bùng nổ thông tin, trong vài năm trở lại đây, MONRE đã phải đối mặt với nhiều thách thức ngày một lớn từ cơ sở hạ tầng CNTT hiện tại - một cơ sở hạ tầng manh mún với nhiều ốc đảo dữ liệu tản mát tại các cơ quan và sở ban ngành. Khi các tài nguyên CNTT không được sử dụng một cách hiệu quả và những hệ thống không thể đối phó tức thời với những thăng giáng và đột biến về nhu cầu, chi phí cơ sở hạ tầng của MONRE đã gia tăng ở mức báo động.
Do đó, là một phần trong chiến lược năm năm của mình, MONRE đã lên kế hoạch xây dựng một nền tảng cơ sở hạ tầng để tích hợp và quản lý các số liệu quốc gia liên quan đến đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường, khí tượng, thủy văn và hải dương học nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng thiết bị phần cứng; hợp nhất quản lý tất cả các tài nguyên; và cung cấp các tài nguyên mạng, lưu trữ và máy chủ ảo theo phương thức tự phục vụ.
“Săn” thiết bị thu sóng wifi
Mới dọn về sống tại khu đô thị Định Công, đang lúc bí bách chưa lắp đặt được đường truyền Internet thì anh Hoàng (nhân viên công ty Licogi) cũng nhanh chóng… phát hiện ra xung quanh nhà cũng có đến hàng chục quán café Internet đang “hối hả” cung cấp wifi miễn phí ngày đêm. Tính ngay đến việc “dùng chùa”, tuy nhiên sóng wifi từ quán café đến chiếc laptop HP của anh Hoàng lại rất chập chờn, mạng có thể rớt “bất đắc kỳ tử” khi đang tải hoặc gửi dữ liệu. Thế nên, nghe theo lời bạn bè mách nước “sắm cái thu sóng wifi về mà dùng”, anh lập tức lên mạng săn cho bằng được.
Chỉ mới lướt web… sơ sơ đã có đến vài chục địa chỉ rao bán được ra mắt anh Hoàng với đủ loại thiết bị đến từ Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản… với giá chỉ từ 150 nghìn đồng. Hầu hết những thiết bị như vậy đều được quảng cáo bằng những lời “dụ dỗ” rất mùi mẫn, kiểu như “Khu vực nhà bạn có nhiều điểm phát sóng Wifi nhưng tín hiệu rất yếu, bạn có muốn thu để sử dụng miễn phí?”, khiến cho bất kỳ ai đang sở hữu một chiếc laptop hoặc máy tính để bàn có tính năng kết nối wifi cũng phải suy nghĩ cân nhắc đến khả năng… rút ví để mua.
Còn chuyện vô cùng quan trọng là… làm thế nào để lấy được mật khẩu của các tụ điểm café Internet, đối với những người đang dùng chùa wifi thì đây là vấn đề rất dễ dàng, khỏi cần đến thiết bị hay phần mềm dò mật khẩu wifi mà hồi năm 2010 báo chí đã từng phản ánh. “Đây không phải là vấn đề quá bận tâm, chỉ cần gọi một ly trà Lipton với giá khoảng chục nghìn là có thể tự tin hỏi chủ quán mật khẩu wifi. Còn nếu… cẩn thận hơn, chỉ cần dạo qua 3 điểm với cách thức… gọi đồ uống như thế là cũng có thể nắm trong tay vài tài khoản để lựa chọn… dùng dần”, anh Hoàng tiết lộ.