Tổng hợp báo chí ngành TT&TT tuần 29 (từ ngày 14/07/2012 đến ngày 20/07/2012)

Thứ sáu, 20/07/2012 15:12

Trong tuần này, nổi bật trên các báo điện tử là việc Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận đang xây dựng thông tư đánh số điện thoại quốc gia theo đó sẽ đưa thêm hai dải số 0 và 1 vào sử dụng cho số điện thoại di động. Như vậy mối lo kéo dài đầu số di động của các thuê bao đã được giải tỏa. Việc chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 cũng chiếm được sự quan tâm của báo chí. Bên cạnh đó là một số tin nổi bật về việc Việt - Lào phát hành bộ tem bưu chính chung đầu tiên, S-Fone ngừng hợp đồng với toàn bộ nhân viên…

img

VIỄN THÔNG – INTERNET
 
Thở phào với nỗi lo mang tên “kéo dài đầu số di động”
Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, đang xây dựng nội dung dự thảo thông tư đánh số điện thoại quốc gia và sẽ quy hoạch lại số thuê bao di động của Việt Nam hiện nay. Một trong những điểm đáng chú ý nhất của dự thảo thông tư đó là Bộ sẽ đưa thêm hai dải số 0 và 1 vào sử dụng cho số điện thoại di động. Với chính sách này, những đầu số gồm 10 số của các mạng di động hiện giờ sẽ được thêm dải số 0 và 1 sau 3 số đầu tiên.
Chẳng hạn, với mạng di động VinaPhone hiện nay, những đầu số 10 số sẽ có thêm hai dải số, như 0911xxxxxx, 0910xxxxxx, 0940xxxxxx, 0941xxxxxx…. Của mạng MobiFone là 0900xxxxxx, 0901xxxxxx, 0930xxxxxx… Dự thảo thông tư sẽ được lấy ý kiến người dân và các mạng di động trước khi được ban hành.
Như vậy, cùng với kho số hiện tại của các doanh nghiệp, rất có thể, trong thời gian tới, sẽ có thêm khoảng 20 triệu số di động mới được tung ra thị trường, khi bản dự thảo thông tư đánh số điện thoại quốc gia và quy hoạch lại số thuê bao di động của Việt Nam hiện nay được thông qua.
Thông tin này được đưa ra chắc hẳn sẽ khiến rất nhiều người dùng di động thấy thở phào nhẹ nhõm. Bởi, trước đó, lại có thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành nghiên cứu kéo dài đầu số di động thay vì cấp đầu số mới. Việc kéo dài đầu số được nhìn nhận không kém phần phiền phức như nếu kéo dài thêm đầu số 09x từ 10 chữ số hiện nay lên 11 sẽ gây xáo trộn và lãng phí không cần thiết cho người sử dụng và bản thân doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Liên quan đến thông tin này còn có bài:
Sắp tăng thêm dải số với thuê bao di động 10 số

Chưa định lượng được lợi ích của IPv6
Những lợi ích kinh tế của việc chuyển mạng lên IPv6 sớm chưa được định lượng, chưa tính toán ra con số được nên doanh nghiệp phân vân không biết phương án nào, chuyển sớm hay chuyển muộn thì có lợi hơn.
Tại Hội nghị báo cáo Hoạt động Thúc đẩy IPv6 Quốc gia 6 tháng đầu năm 2012 diễn ra sáng nay (18/7) tại Hà Nội, đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thừa nhận sự hiện diện của công nghệ IPv6 Việt Nam trên bản đồ thế giới còn “mờ nhạt”, “chỉ là một chấm nhỏ lập lòe” và hầu như chưa có gì đáng kể.
Cho tới thời điểm này, mới có 7 doanh nghiệp báo cáo với Bộ TT&TT về kế hoạch hành động chuyển đổi sang IPv6 là: VNPT, Viettel, SPT, FPT, EVN, CMC và Netnam. Đến thời điểm hiện tại, có 5 ISP đang duy trì đường kết nối thuần IPv6 tới mạng lõi IPv6 của VNNIC bao gồm NetNam, DTS, Viettel, VTC và SCTV. Tuy nhiên, lưu lượng trao đổi trên thực tế của các kết nối này còn rất hạn chế. Có kết nối hầu như không có lưu lượng, vị đại diện của VNNIC thừa nhận.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng yêu cầu các ISP báo cáo rõ tình hình đã triển khai, cũng như dự kiến kế hoạch triển khai tiếp IPv6 trong thời gian tới. “Nếu có tồn tại, bất cập nào thì đề nghị nêu rõ và nói luôn nguyên nhân vì sao. Trong các nguyên nhân thì đâu là nguyên nhân chính cản trở tiến trình chuyển đổi.”.
Thứ trưởng thừa nhận “nhân lực và nguồn lực IPv6 hiện tại” của Việt Nam có hạn, thời gian lại không nhiều các ISP cần tập trung chỉ ra những biện pháp cần được quan tâm nhiều nhất trong 6 tháng cuối năm 2012, cũng là thời điểm nước rút của giai đoạn 1 Chương trình Hành động Quốc gia về IPv6.
Đối với việc đào tạo nhân lực, một nhiệm vụ rất quan trọng trong Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, VNNIC cho biết hiện cũng mới chỉ dừng ở việc đào tạo một số cán bộ cho các ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet). Nội dung về IPv6 chưa được đưa vào chương trình đào tạo của các Đại học – Cao đẳng chuyên ngành về Điện tử, viễn thông. Bên cạnh đó, việc các cán bộ được đào tạo xong lại “nhảy việc” hoặc chuyển công tác khác cũng là một thực trạng.
Về phía các ISP, đại diện Viettel cho biết khó khăn chủ yếu tập trung ở thiết bị đầu cuối người dùng và từ phía các nhà cung cấp nội dung. Đại diện VNPT cho biết: chúng tôi được cảnh báo là router khi chuyển sang IPv6 sẽ bị sụt giảm lưu lượng, tức là vùng phục vụ sẽ bị thu hẹp lại. Như thế thì doanh nghiệp sẽ phải mua thêm thiết bị, đầu tư thêm cho hạ tầng rất tốn kém và giá thiết bị đầu cuối hỗ trợ dual-stack (tức hỗ trợ đồng thời cả IPv4 lẫn IPv6) hiện cao hơn đáng kể so với những thiết bị chỉ tương thích với IPv4. VNPT đề xuất Bộ TT&TT cân nhắc việc xếp thiết bị IPv6 vào danh mục hàng hóa được miễn thuế công nghệ cao để “hỗ trợ doanh nghiệp.
Trước thắc mắc và đề xuất của các ISP, VNNIC cho biết Dự thảo Nghị định Internet do Bộ TT&TT trình Thủ tướng đã dành riêng một Điều (Điều 18) về thúc đẩy ứng dụng IPv6, trong đó quy định: Công nghệ IPv6 thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Cũng có nghĩa các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu các thiết bị, phần mềm và các hoạt động ứng dụng công nghệ IPv6 khác được hưởng các mức ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Luật công nghệ cao; Các doanh nghiệp ISP khi đầu tư phát triển hệ thống mạng IPv6 sẽ được khuyến khích, tạo điều kiện tối đa. Các sản phẩm, thiết bị, phần mềm không hỗ trợ IPv6 sẽ dần bị ngừng sản xuất và nhập khẩu hoàn toàn vào Việt Nam.

Liên quan đến thông tin này còn có bài viết:
Viettel đang nghiên cứu sản xuất thiết bị IPv6 

“Khẩn thiết” đề nghị các đơn vị sử dụng vệ tinh Vinasat-2
Đó là đề nghị của ông Lâm Quốc Cường, Giám đốc công ty Viễn thông quốc tế (VTI), đơn vị thuộc VNPT được giao quản lý, vận hành khai thác vệ tinh Vinasat-1 và 2.
VTI cho biết sẽ hết sức quyết liệt trong việc triển khai khai thác vệ tinh Vinasat-2. VTI cũng tích cực làm việc với các khách hàng, đối tác trong khu vực để sử dụng vệ tinh Vinasat-2. Đối với vệ tinh Vinasat-2, VTI cung cấp dịch vụ với chất lượng rất cao, giá thành rất cạnh tranh.

S-Fone ngừng hợp đồng với toàn bộ nhân viên
Trong khi chưa giải quyết xong khiếu nại của người lao động khu vực Đà Nẵng, Công ty Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) vừa quyết định cho toàn bộ nhân viên S-Fone nghỉ việc với lý do chuyển mô hình hoạt động.
Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động được Giám đốc điều hành Trung tâm Điện thoại di động CDMA S-Telecom trực thuộc SPT (nơi quản lý mạng S-Fone) Phạm Tiến Thịnh ký ban hành ngày 11/6. Trong đó, SPT nêu rõ trung tâm sẽ cung cấp bảng tính chế độ chấm dứt hợp đồng lao động đến tất cả các cán bộ nhân viên trong vòng 7 ngày sau khi kết thúc hợp đồng lao động. Việc thanh toán chế độ cho nhân viên được công ty thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với VnExpress.net ngày 18/7, ông Phạm Tiến Thịnh cho biết, quyết định trên được đưa ra vì 2 lý do. Thứ nhất, sau một thời gian hoạt động, S-Fone được chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) sang mô hình Công ty TNHH Thông tin & Viễn thông di động S-Telecom. Để kết thúc hoạt động BCC, theo quy định, S-Fone phải thanh lý toàn bộ hợp đồng liên quan đến mô hình này, trong đó có cả hợp đồng lao động.
Thứ hai, do công nghệ CDMA không còn phù hợp, S-Fone đang triển khai mạng lưới theo công nghệ 3G. Quá trình đầu tư mới phải thu hẹp lại nên một số trung tâm của S-Fone phải đóng cửa là điều bắt buộc.
Trước đó, tại S-Fone Đà Nẵng, nhiều nhân viên đã nhận được thông tin bị thôi việc từ ngày 1/3 vì lý do tái cơ cấu. Theo phản ánh của chị Thủy (Thanh Khê, Đà Nẵng), đến nay, doanh nghiệp đã hoàn tất thanh lý hợp đồng nhưng người lao động chưa nhận đủ lương.
Về vấn đề lương của cựu nhân viên S-Fone Đà Nẵng, ông Phạm Tiến Thịnh giải thích, ngay cả ông cũng chưa được lĩnh lương 2 năm qua. Tuy nhiên, ông khẳng định không có tình trạng "quịt" nợ người lao động. Khi kế hoạch đầu tư mạng mới của S-Telecom được Hội đồng quản trị SPT duyệt, lúc đó thấy khả thi, ngân hàng sẽ cho vay vốn, vấn đề lương của người lao động sẽ được ưu tiên giải quyết sớm.

Điện thoại cố định nguy cơ khai tử
Báo cáo 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng thuê bao cả nước ước đạt 135,9 triệu, trong đó thuê bao cố định chỉ là 15,2 triệu. Trong khi số thuê bao di động (hiện cao gấp 1,5 lần dân số) tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2011, thì mảng cố định giảm 1,8%.
Sau 6 tháng, cả nước có 13.700 khách đăng ký mới nhưng có đến 300.000 người rời bỏ dịch vụ. Thêm đó, lượng tăng trưởng thuê bao cố định mới hằng tháng cũng sụt giảm. Điển hình, tháng một năm nay chỉ có thêm 2.200 đăng ký, giảm 88% so với cùng kỳ năm 2011.
Trao đổi với VnExpress.net, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Nam Thắng cho rằng, điện thoại cố định dần bị thay thế là điều khó cưỡng lại. Bởi khi công nghệ ngày càng phát triển, tất yếu dẫn đến sự thanh lọc, thay mới dịch vụ.
"Trước, chúng ta chủ yếu kết nối Internet bằng công nghệ dial up nhưng giờ hầu hết sử dụng ADSL, 3G vì tốc độ nhanh hơn, tiện hơn. Không thể ép khách hàng dùng cái lỗi thời trong khi dịch vụ di động ngày càng rẻ và tiện ích", ông Thắng nói. Thứ trưởng nhấn mạnh, doanh nghiệp phải cung cấp thứ xã hội cần chứ không phải điều mình có.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định dịch vụ cố định vẫn phải được duy trì để đảm bảo lợi ích của nhóm khách hàng có nhu cầu sử dụng như nông dân nghèo, người vùng sâu vùng xa hay công ty, các doanh nghiệp... Dù lợi nhuận thấp song mỗi năm, Nhà nước vẫn trích hàng tỷ đồng từ quỹ viễn thông công ích để hỗ trợ mạng điện thoại cố định.

Thủ tục và kỹ thuật chuyển mạng giữ số - cần nghiên cứu kỹ
Dự kiến tháng 10/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ chính thức cho triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số. Khi đó, các thuê bao điện thoại di động có thể được đổi mạng, sử dụng các dịch vụ của mạng khác nhưng vẫn được giữ số cũ.
Hiện đề án “Chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao tại Việt Nam” vẫn đang được Bộ TT&TT  tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến đóng góp từ các đơn vị liên quan để quyết định việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số trong thời gian tới.

Quản vấn nạn SIM rác sau thông tư 04/TT-BTTTT - Cần hợp tác đồng bộ
Trong thời gian vừa qua, cơ quan quản lý đã áp dụng rất nhiều biện pháp để đẩy lùi vấn nạn SIM rác. Sau ngày 1/6/2012, ngày Thông tư 04/04/TT-BTTTT của Bộ TT&TT có hiệu lực, khách hàng vẫn rất dễ dàng mua được SIM trả trước được kích hoạt với khuyến mại lớn của các nhà mạng. Tuy nhiên, giá SIM cao hơn một chút vì lo ngại nguồn cung bị các nhà mạng siết chặt ở một số nơi. Có nhiều lý do khiến Thông tư của Bộ TT&TT chưa phát huy hiệu quả cao:
Một là, các đại lý vẫn còn sim kích hoạt trước từ trước;
Hai là, một số đại lý nhỏ lẻ từ trước tới nay chỉ lấy SIM về bán sẵn chứ không quan tâm đến quy định mới. Nhiều đại lý biết quy định nhưng thấy thị trường vẫn bán SIM kích hoạt trước tràn lan nên cũng không có lý do gì để ngừng bán;
Ba là, việc siết chặt quản lý chưa đồng loạt, có thể nói vào những ngày đầu sau khi Thông tư có hiệu lực, chưa có cơ quan quản lý nào đi kiểm tra và xử phạt nên các đại lý cũng như doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp tục bán SIM kích hoạt trước;
Bốn là, các đại lý vẫn có cách lách luật như nhờ bạn bè, người thân đứng tên đăng ký hộ một số SIM số đẹp.
Với Thông tư mới, Bộ TT&TT hy vọng sẽ đạt được kết quả cao hơn, nhưng nếu các Sở TT&TT không ra quân đồng loạt, xử phạt nghiêm các đại lý thì mọi việc vẫn y như trước đây.
Có ý kiến cho rằng cần xử phạt DN viễn thông và các đại lý. Tuy nhiên, số lượng lên tới hàng chục ngàn đại lý trên toàn quốc mà lực lượng của cơ quan quản lý thì lại mỏng.
Ngoài ra, SIM được kích hoạt mà hiện các đại lý SIM thẻ đang bán là từ trước, còn tồn đọng với số lượng lớn và việc xử lý tồn tại này là cả một quá trình không thể thực hiện ngay được.
Cơ quan quản lý và các nhà mạng đã nhiều lần họp bàn với nhau để tìm ra những đề xuất mới nhằm xóa bỏ vấn nạn SIM rác. Theo kết quả các cuộc họp, trong thời gian tới, có thể những biện pháp sau sẽ được áp dụng như:
Thu cước hòa mạng đối với thuê bao di động trả trước giống như thuê bao trả sau. .
Một mức giá SIM chung được áp dụng cho tất cả các nhà mạng. Và giá bán SIM sẽ bằng giá sản xuất ra SIM
Xây dựng chính sách ưu đãi cho thuê bao trả sau.
Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ ban hành Thông tư điều chỉnh giá cước giữa thuê bao trả sau và thuê bao trả trước, giữa thuê bao đăng ký mới và thuê bao cũ đang sử dụng để tạo sự phát triển bền vững thuê bao di động.

Mạng chuyên dùng vẫn khó tiếp cận
 “Mạng chuyên dùng khai trương rồi nhưng Quảng Ninh khó tiếp cận. Bộ cũng đã hướng dẫn, chỉ đạo nhưng tiếp cận mạng chuyên dùng rất khó vì được cho biết mạng cáp chưa đến, thiết bị đầu cuối chưa có”, là ý kiến của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh Nguyễn Minh Hồng tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ TT&TT mới đây tại Hà Nội.
Trong khi đó Giám đốc Sở TT&TT Long An Lê Văn Bích cho biết giá cước theo Thông tư 06 còn cao nên chưa khuyến khích được việc sử dụng mạng chuyên dùng. Cũng trong ngành thôi, Viettel cũng đến chào, giá mềm và tốt hơn nữa, dung lượng “vô tư”, ông Lê Văn Bích cho biết thêm.
Để sử dụng mạng chuyên dùng tốt hơn trong thời gian tới, Sở TT&TT Quảng Ninh và Long An đề nghị Bộ TT&TT phải có chỉ đạo quyết liệt triển khai mạng chuyên dùng. Bộ TT&TT nên có văn bản sớm hướng dẫn cụ thể hơn Thông tư 06, chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành mạng chuyên dùng có cơ chế phân quyền đến các địa phương để chủ động trong quá trình khắc phục sự cố.

Vì sao khó có thể ủng hộ ứng dụng mobile Việt?
Việc các chợ ứng dụng trên iOS, Android, BlackBerry, Marketplace mở cửa cho người dùng VN được xem là một cơ hội cho những nhà lập trình ứng dụng trong nước. Thế nhưng, vì sao người dùng khó có thể ủng hộ cho những ứng dụng mobile Việt?
Nếu nhìn vào danh sách những ứng dụng Việt được bán trên các chợ ứng dụng App Store hay Google Play Store, có thể nhận thấy các lập trình viên ứng dụng trong nước đang tỏ ra khá bế tắc trong việc đưa ra những ứng dụng có tính sáng tạo thực thụ. Phần lớn các ứng dụng đều có cấu trúc tương tự như một phần mềm đọc sách, với dữ liệu là những thông tin được góp nhặt khá cẩu thả trên internet. Sự khác biệt có lẽ chỉ được thể hiện chút đỉnh qua các ứng dụng văn phòng như từ điển, bộ gõ tiếng Việt, đọc báo…
Ngay cả với game, mảng đem lại thành công cho rất nhiều lập trình viên ứng dụng trên thế giới thì các game Việt chỉ là những phiên bản “Việt hóa” của các trò chơi nổi tiếng.
Xét trên khía cạnh sở hữu trí tuệ, khó có thể nhận định một ứng dụng nào đó có mức giá đắt hay rẻ bởi nó còn phụ thuộc vào sự sáng tạo, nội dung của từng ứng dụng. Tuy nhiên, nếu so sánh mức độ đầu tư của một ứng dụng Việt với những ứng dụng có mức giá tương tự của các lập trình viên trên thế giới, có thể thấy hầu hết mức giá mà các lập trình viên trong nước đưa ra là khá đắt.
Mặt khác, đối với một ứng dụng trên các thiết bị di động vì việc cập nhật, sửa lỗi thường xuyên là việc rất quan trọng để ứng dụng có thể tương thích tốt hơn sự thay đổi của hệ điều hành. Hơn nữa, đó cũng được xem là một chế độ hậu mãi sau bán hàng buộc của phải có của một nhà cung cấp có trách nhiệm.
Vậy nhưng trên thực tế, tình trạng “đem con bỏ chợ” của các nhà lập trình ứng dụng Việt vẫn xảy ra khá thường xuyên.

Bưu điện TP Hồ Chí Minh: Dịch vụ 108 vừa tròn 20 tuổi
Dịch vụ 108 của Bưu điện Thành phố  Hồ Chí Minh  ra đời vào ngày 14/7/1992 với 12 nữ điện thoại viên, giải đáp 9 lĩnh vực về văn hóa, xã hội, kinh tế. Chỉ sau 3 năm, số lượng điện thoại viên đã tăng lên gấp 6 lần và có thể phục vụ khách hàng trên 12 lĩnh vực với nhiều thông tin, tư liệu phong phú và đa dạng. Sau khi 108 thành phố Hồ Chí Minh phát triển thì lần lượt các tỉnh thành trong cả nước cũng đã cho ra đời dịch vụ này.
Hiện nay, 108 thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển tới gần 600 nhân viên với trình độ cao, có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu và áp lực công việc.
Từ đầu năm 1999, hệ thống 108 được tách ra thành 2 dịch vụ: 1080 - dịch vụ giải đáp thông tin kinh tế, văn hóa, xã hội; và 1088 - dịch vụ tư vấn qua điện thoại về nữ công gia chánh, y khoa, tâm lý, luật, chứng khoán, tin học, kế toán, thể thao, hướng nghiệp, khai thuế hải quan, nông nghiệp...
Hệ thống Contact Center ra đời tháng 08/2009 với đầy đủ các tính năng của một trung tâm tương tác khách hàng đã giúp cung cấp khả năng chọn lựa linh hoạt các dịch vụ với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao nhất cả về thuê thiết bị, hạ tầng, chăm sóc khách hàng một cách trọn gói. Đến cuối năm 2012, hệ thống 108 thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đưa vào kinh doanh dịch vụ HomeCare với nhiều tính năng tiện ích phục vụ khách hàng như: chăm sóc y tế tận nhà, bảo trì sữa chữa thiết bị gia dụng, điện và điện lạnh, máy tính, mạng.
Bằng việc chủ động tiến công vào khoa học, nghiên cứu chuyển giao công nghệ mới và đưa vào cung cấp hàng loạt dịch vụ tiện ích, trong đó có dịch vụ 108, Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định được vai trò mũi nhọn của ngành trong góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Viettel mở đợt tuyển dụng nhân sự cấp cao 
Nhằm bổ sung nhân sự cho yêu cầu phát triển giai đoạn mới, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa cho biết sẽ mở đợt tuyển dụng đặc biệt, nhằm tìm kiếm những ứng viên giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm cho nhiều vị trí quản lý cấp cao ở tất cả lĩnh vực kỹ thuật, kinh doanh, nhân sự, tài chính. Những nhân sự mới sẽ làm việc tại cơ quan Tập đoàn và các công ty/chi nhánh thành viên của Viettel tại Việt Nam và các thị trường nước ngoài.
Ứng viên cần tốt nghiệp đại học chính quy, ưu tiên được đào tạo ở nước ngoài, có trên 5 năm kinh nghiệm làm chuyên môn và 3 năm làm quản lý ở vị trí trưởng/phó phòng ban công ty có từ 300 người trở lên. Bên cạnh những kỹ năng làm việc về nhận dạng, phân tích, tổng hợp vấn đề, khả năng diễn đạt và đàm phát tốt, những ứng viên cần sử dụng thành thạo tiếng Anh, có chứng chỉ TOEFL trên 500 điểm, hoặc chứng chỉ IELTS trên 5.5 hoặc những chứng chỉ khác tương đương.
Theo tiêu chuẩn về cán bộ quản lý của Viettel, những vị trí nhân sự trong đợt tuyển dụng này đòi hỏi yêu cầu cao trong cả 3 vài trò chiến lược, quản lý và chuyên môn.
Viettel sẽ kết hợp với công ty tuyển dụng nhân sự chuyên nghiệp và có uy tín để tìm kiếm những ứng viên phù hợp nhất, ưu tiên nam giới trong độ tuổi từ 30 – 45 và không phân biệt quốc tịch.

Câu tiền thuê bao bằng tổng đài rác
Lãnh đạo của một doanh nghiệp viễn thông lớn xác nhận gần đây nhà mạng cũng nhận được phản ánh của một số thuê bao về việc bị dụ dỗ gọi điện tới một tổng đài dịch vụ nào để nghe hài, tư vấn sắc đẹp và tiêu dùng, vay vốn tín chấp... Mức cước thường là 10.000 - 20.000 đồng mỗi cuộc song không được thông báo rõ khi mời khách hàng tham gia. Ngoài ra, những SMS này thường được gửi từ một số di động thông thường, không phải từ đầu số dịch vụ hay tổng đài.
Theo ông, đây có thể là hình thức biến tướng của tin nhắn rác. Vì không đạt chuẩn quy định tin nhắn quảng cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông như: không có chữ QC trên đầu SMS, không có cú pháp soạn tin từ chối, không ghi rõ mức cước tham gia... nên dịch vụ này đang khiến nhiều thuê bao bức xúc.
Vị lãnh đạo cho rằng, khi nhận được những tin nhắn như vậy, thuê bao nên tỉnh táo, tránh làm theo để mất tiền oan. Khách hàng cũng nên thông báo tới tổng đài chăm sóc khách hàng, hỗ trợ nhà mạng tìm hiểu, xử phạt và ngăn chặn kịp thời những số di động phát tán tin nhắn rác. 
 
Mobifone ra mắt mạng xã hội Zoota
Mobifone vừa chính thức ra mắt mạng xã hội Zoota (http://zoota.vn) cho phép người dùng có thể chat, bình luận, kết bạn, chia sẻ hình ảnh, chơi game... dễ dàng trên các dòng điện thoại hỗ trợ Java hoặc các dòng smartphone.
Việc ra mắt mạng xã hội di động là xu hướng tất yếu. Với Zoota, sẽ không còn khoảng cách giữa các thuê bao Mobifone và đặc biệt là không mất phí dữ liệu (3G/GPRS) phát sinh khi sử dụng. Tuy nhiên Mobifone sẽ thu phí dịch vụ mạng xã hội Zoota 15 nghìn đồng/30 ngày

Nuance đưa vào VN hai ứng dụng giọng nói miễn phí
Hai ứng dụng công nghệ này là Dragon Dictation và Dragon Search, được Nuance Communications giới thiệu cho thị trường VN ngày 19.7, dành cho iPhone, iPod touch và iPad, được cung cấp trên App Store Việt Nam.
Ứng dụng được hỗ trợ tiếng Việt, bao gồm giọng phát âm của tất cả các vùng miền khác nhau. VN trở thành thị trường thứ 38 được sử dụng miễn phí hai ứng dụng này.
Dragon Dictation cho phép soạn và gửi tin nhắn bằng giọng nói với tốc độ nhanh gấp 5 lần sử dụng bàn phím. Sau khi đọc nội dung tin nhắn và ứng dụng chuyển đổi thành văn bản, người dùng còn có thể hiệu chỉnh tin nhắn bằng bàn phím cho đúng ý mình và việc này sẽ ghi nhận giúp cho lần sử dụng sau việc chuyển đổi sẽ chính xác hơn. Văn bản được chuyển đổi có thể gửi qua SMS, email hoặc dán vào bất cứ ứng dụng nào sử dụng vùng đệm.
Dragon Search giúp cho việc tìm kiếm thông tin trực tuyến trên iPhone, iPad nhanh chóng.

CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Công nghiệp CNTT Việt Nam tiếp tục tìm... hướng đi
Trong nhiều năm qua, mặc dù đã được nói đến rất nhiều nhưng ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam vẫn chưa thể phát triển như kỳ vọng, nếu không nói là đang vấp phải khá nhiều “chướng ngại vật”
Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Công ty An ninh mạng Bkis cho rằng, hơn chục năm qua, tại Việt Nam đã có rất nhiều chương trình, chính sách đề cập tới sự phát triển công nghiệp CNTT, gần đây nhất là đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT”. Tuy nhiên ông Quảng cho rằng, các văn bản, ý tưởng từ vĩ mô đến vi mô và chương trình cụ thể đều đã có hết nhưng trên thực tế công nghiệp CNTT vẫn giẫm chân tại chỗ.
Riêng công nghiệp phần cứng CNTT Việt Nam ở thời điểm này coi như không có gì đáng kể (trừ phần lắp ráp máy tính và thiết bị điện tử). Không thể phủ nhận thực tế rất nhiều cơ quan nhà nước hiện nay vẫn ưu tiên hàng ngoại khi lựa chọn sản phẩm, giải pháp cho hệ thống CNTT của mình. Điển hình nhất là các cơ quan thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Mạnh Phổ, Giám đốc Trung tâm CNTT, Ngân hàng BIDV, vấn đề này không hẳn là do “yêu ngoại hơn nội” mà do các doanh nghiệp nội không đáp ứng được nhu cầu.
Về việc tạo thương hiệu mạnh cho doanh nghiệp CNTT, đa số ý kiến đề xuất, giải pháp khả thi là Chính phủ tập trung đầu tư, hỗ trợ một số doanh nghiệp đầu tàu, giúp họ liên kết lại thành những “liên minh” có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước, có đủ tiềm năng, quy mô để thắng những gói thầu quốc tế và cạnh tranh được trên thị trường khu vực, thế giới. Đối với việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ CNTT trọng điểm, các sản phẩm và dịch vụ cần đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và thị trường quốc tế có chọn lọc.

Nguồn mở Việt Nam với ước mơ vươn ra thế giới
Sau khi đạt giải Ba Nhân Tài Đất Việt 2011, mã nguồn mở NukeViet vẫn không ngừng phát triển, khẳng định chỗ đứng vững chắc trong cộng đồng nguồn mở và quyết tâm trở thành một mã nguồn nổi tiếng trên thế giới.
Nhìn lại sự phát triển của NukeViet sau một năm đạt giải, phóng viên Báo điện tử VnMedia đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES, JSC). Ông Hùng cho biết: “Mã nguồn mở NukeViet” là sản phẩm miễn phí dành cho cộng đồng. Hiện dòng sản phẩm này vẫn duy trì và đã thu hút được rất nhiều người dùng, gần 4000 trang web đang sử dụng phần mềm nguồn mở NukeViet. Trong năm qua, chúng tôi cũng phát hành đều đặn các phiên bản tiếp theo và đã  có 3 phiên bản mới ra đời. Ba phiên bản này phát triển từ nền tảng mã nguồn NukeViet miễn phí gồm Cổng thông tin dành cho ngành giáo dục, tòa soạn điện từ và cổng thông tin dành cho doanh nghiệp. Đây là hệ thống rất mở nên các đơn vị triển khai có thể tự động bổ sung thêm tính năng mới cho phù hợp với nhu cầu thực tế của đơn vị mình.
Hiện NukeViet đã được sử dụng ở nước ngoài và nhận được sự ủng hộ tương đối tốt. Riêng hệ thống NukeViet đang được một nhà cung cấp hosting nước ngoài hợp tác và bảo trợ hoàn toàn hệ thống hosting này. Ngoài ra, hiện giờ có 3 đến 4 nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài đang thiết lập hệ thống hosting có server dành riêng cho NukeViet.
Ông Hùng cũng cho biết VINADES sẽ có kế hoạch phát triển để đưa NukeViet trở thành một mã nguồn mở nổi tiếng toàn cầu..

Vị trí CIO ngày càng quan trọng
82% số người cho rằng, trách nhiệm của lãnh đạo CNTT (CIO) ngày càng quan trọng hơn, đó là một nội dung của cuộc khảo sát các thông tin về vai trò của CIO vừa được Tổng giám đốc IDG Lê Thanh Tâm công bố ngày 19-7 tại Hội nghị lãnh đạo CNTT 2012 (CIO Summit 2012).
Báo cáo khảo sát cho thấy, các CIO ngày càng hỗ trợ tham mưu các chiến lược kinh doanh cho các tập đoàn, công ty nhiều hơn. 32% các CIO báo cáo công việc của họ cho ban giám đốc, 29% báo cáo cho tổng giám đốc và 21% báo cáo cho giám đốc tài chính.
Theo ông Tâm, tỷ lệ CIO báo cáo cho giám đốc tài chính các khảo sát trước đây chỉ chiếm 2%. Tỷ lệ này tăng lên đáng kể vì giám đốc tài chính là người nắm vai trò chủ chốt trong việc chi tiêu của doanh nghiệp.
Đặc biệt, khảo sát cho thấy tỷ lệ CIO tham gia đưa ra chương trình chiến lược kinh doanh của tập đoàn, công ty ngày càng cao hơn, có đến 52% CIO cho rằng công việc hằng ngày của họ là đưa ra chiến lược phát triển phù hợp với công ty thay vì trước đây họ chỉ nghiêng về các hỗ trợ về kỹ thuật, bởi CNTT ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong việc giúp cho công ty phát triển.
Từ 2008 trở về đây, ngoài việc đưa ra kế hoạch hoạt động CNTT hằng ngày, CIO còn có vai trò tư vấn, tham mưu cho lãnh đạo và sáng tạo trong lĩnh vực hoạt động của mình.

BƯU CHÍNH – BÁO CHÍ

Việt Nam-Lào phát hành tem Năm Đoàn kết Hữu nghị
Chiều 18-7, bộ “Tem phát hành chung Việt Nam – Lào: Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam – Lào 2012” đã được phát hành đồng thời tại thủ đô Hà Nội và thủ đô Viêng Chăn theo nghi thức phát hành đặc biệt.
Bộ tem Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam – Lào 2012 nhằm kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào và 35 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào. Sự kiện này do Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Bưu chính - Viễn thông Lào cùng thực hiện, đã được Thủ tướng phê duyệt tại “Đề án các hoạt động kỷ niệm năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam – Lào”.
Bộ tem do họa sĩ bưu chính hai nước nghiên cứu thực hiện, gồm hai mẫu giới thiệu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản trên nền quốc kỳ hai nước và công trình kiến trúc đặc trưng Chùa Một cột của Việt Nam và Chùa Thạt Luổng của Lào trên nền quốc hoa của hai nước là hoa sen và hoa chăm pa.
Bộ tem phát hành với khoảng 1 triệu mẫu tem, được sử dụng rộng rãi trên mạng bưu chính và gửi đi quốc tế.

Liên quan đến thông tin này còn có các bài:
Phát hành đặc biệt bộ tem “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012”
Việt - Lào phát hành bộ tem bưu chính chung đầu tiên.

VNPost Express muốn chiếm trên 30% thị phần CPN trong nước
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, Công ty CP chuyển phát nhanh Bưu điện (VNPost Express) sẽ phấn đấu chiếm trên 30% thị phần dịch vụ chuyển phát nhanh (CPN) trong nước và trên 15% thị phần dịch vụ CPN quốc tế tại Việt Nam.
Chỉ tiêu nêu trên là một trong những mục tiêu phát triển cụ thể của phương án SX-KD giai đoạn 2012-2015 vừa được Đại hội cổ đông VNPost Express nhất trí thông qua trong phiên họp đầu tháng 7/2012.
Cũng theo phương án này, thời gian tới, VNPost Express đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng doanh thu dịch vụ EMS trong nước tối thiểu là 20%/năm và tối thiểu 15%/năm đối với dịch vụ EMS quốc tế đi và đến; doanh thu đại lý chiều đến và các dịch vụ khác tăng tối thiểu 10%/năm. Phấn đấu đến năm 2015, tổng doanh thu từ cung cấp dịch vụ của Công ty đạt khoảng 775 tỷ đồng, gần gấp đôi so với tổng doanh thu dịch vụ năm 2011.
Để đạt được những mục tiêu đã đề ra cho giai đoạn 2012-2015, sắp tới bên cạnh việc triển khai các nhóm giải pháp về tổ chức bộ máy, thị trường và phát triển dịch vụ, sử dụng lao động…, các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ cũng được VNPost Express đặc biệt chú trọng.

BBT
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top