Chế biến sản phẩm cá ngừ đại dương xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Bá Hải. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2021 đạt 4,48%, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020 và là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, trong những quý tiếp theo, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn.
Để hiểu rõ hơn về bức tranh kinh tế Việt Nam, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương xung quanh nội dung này.
Năm 2021 là năm đầu tiên của thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2015 đã đi được 1/4 chặng đường, xin bà cho biết bức tranh toàn cảnh và những điểm sáng về tình hình kinh tế - xã hội trong quý I năm nay?
Năm 2021 được xác định là năm hồi phục kinh tế Việt Nam với mục tiêu tăng trưởng đề ra là 6,5% trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Tiếp đà phục hồi và tăng trưởng tích cực từ quý IV năm 2020, kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định, thời tiết những tháng đầu năm tương đối thuận lợi, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt là những điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát ở một số tỉnh, thành phố cuối tháng 1/2021 đã đặt ra không ít thách thức trong quản lý, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Trước những thuận lợi và khó khăn đan xen, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu năm đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Theo đó, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020.
Bức tranh kinh tế - xã hội trong quý I năm 2021 có nhiều gam màu sáng, cụ thể như: Trong ngành nông nghiệp, năng suất lúa và sản lượng cây lâu năm đạt khá; đàn lợn tiếp tục đà hồi phục. Sản xuất lâm nghiệp phát triển, thị trường xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản được mở rộng. Ngành thủy sản khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước, giá cá tra và tôm thương phẩm có xu hướng tăng. Ngành công nghiệp đạt mức tăng khá 6,5%; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45% và là ngành đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế với 2,37 điểm phần trăm.
Trong hoạt động dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước cho thấy cầu tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại; hoạt động xuất, nhập khẩu hồi phục mạnh mẽ, cán cân thương mại hàng hóa quý I/2021 ước tính xuất siêu 2,03 tỷ USD; có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đáng chú ý số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý I giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng tổng vốn đăng ký tăng 27,5% do tăng số doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng và giảm số doanh nghiệp có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2021 ước tính tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I/2021 tăng 0,29%, là mức tăng thấp nhất của quý trong 20 năm qua….
Hiện nay, hầu hết các nền kinh tế lớn đều thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng để kích thích tăng trưởng, tạo áp lực rất lớn đến lạm phát, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng và nền kinh tế có độ mở lớn, trong bối cảnh đó, khả năng kiểm soát lạm phát năm 2021 theo mục tiêu của Quốc hội có tính khả thi không, thưa bà ? Theo bà, Chính phủ cần giải pháp gì để kiểm soát lạm phát?
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2021 tăng 0,29% so với cùng kỳ năm 2020 là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2002, cùng với kinh nghiệm điều hành giá, kiểm soát lạm phát rất thành công của Chính phủ trong những năm qua, chúng tôi tin mục tiêu lạm phát được kiểm soát khoảng 4% trong năm nay của Chính phủ là khả thi.
Để kiểm soát lạm phát, chúng tôi cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng trong và ngoài nước phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng để có biện pháp điều hành hợp lý nhằm bình ổn thị trường. Đối với mặt hàng xăng dầu, Tổng cục Thống kê đề nghị cần theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và kết hợp sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI chung.
Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý cần đúng thời điểm, đúng liều lượng, nên tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý….
Vừa qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố kết quả điều tra 10.197 doanh nghiệp về tác động của dịch COVID-19 đến khu vực doanh nghiệp cho biết có đến 87,2% số doanh nghiệp bị tác động rất tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, 11% không bị ảnh hưởng và chỉ có 2% có tác động tích cực. Theo bà thời gian tới có cần gói hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp không?
Dịch COVID-19 xuất hiện từ quí I/2020 tác động tiêu cực, làm suy giảm nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong năm 2020. Cho đến nay, dịch COVID-19 vẫn xuất hiện các biến thể mới, tuy nhiên nền kinh tế toàn cầu có nhiều dấu hiệu khởi sắc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB đều dự báo tăng trưởng toàn cầu dương trong năm nay lần lượt ở mức 5,5% và 4%.
Năm 2020 và quý I/2021 mặc dù nước ta có tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao trên thế giới và khu vực, tuy nhiên mức tăng của quí I năm nay (4,48%) thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,82% cùng kỳ năm 2019 và 7,45% cùng kỳ năm 2018. Điều này cho thấy, tác động của dịch COVID-19 vẫn còn rất nặng nề, đặc biệt đối với doanh nghiệp - khu vực đóng góp trên 60% vào tăng trưởng GDP.
Chúng tôi cho rằng kết quả điều tra đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến doanh nghiệp do VCCI và WB vừa công bố, có tới 87,2% số doanh nghiệp bị tác động tiêu cực của dịch COVID-19 thời điểm hiện nay là phù hợp (tương ứng với tỷ lệ Tổng cục Thống kê công bố tháng 9/2020 là 83,7%).
Với diễn biến của dịch COVID-19 và khó khăn mà doanh nghiệp vẫn đang phải gánh chịu, để cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch, Tổng cục Thống kê đề xuất cần tập trung vào các nhóm giải pháp cơ bản.
Đó là cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tìm kiếm những cơ hội, ý tưởng, định hướng, đối tác kinh doanh mới để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh trong thời kỳ chịu tác động của dịch COVID-19 và hậu COVID-19. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp với vai trò là lực lượng sản xuất kinh doanh chính, đóng góp lớn nhất của nền kinh tế cần phát huy tối đa tinh thần đổi mới, sáng tạo; áp dụng những phương pháp mới, công nghệ số, những cách làm hay, khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế để trụ vững và phát triển.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục bổ sung các chính sách, các gói hỗ trợ hiệu quả giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn để ổn định trở lại. Cụ thể Nhà nước cần tập trung xem xét, triển khai các nhóm chính sách hỗ trợ như: tiếp tục thực hiện và mở rộng các gói hỗ trợ đã ban hành theo một số tiêu chí về đối tượng được nhận hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, mức hỗ trợ theo các Nghị quyết 41/2020/NQ-CP - Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020, Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Cùng với đó, Nhà nước xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đến hết năm 2021 áp dụng cho tất cả doanh nghiệp theo các mức giảm khác nhau phân theo doanh thu, theo ngành, lĩnh vực, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19; miễn, giảm các loại thuế, phí và tiền thuê đất đến hết năm 2021.
Mặt khác, Nhà nước tiếp tục thực hiện các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng; đồng thời, xem xét gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp với lãi suất vay bằng 0% hoặc lãi suất ưu đãi...
Với kết quả tăng trưởng quý I/2021, xin bà cho biết những giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới để đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021?
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% GDP trong năm 2021, theo tôi, trước mắt, cần thực hiện kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhanh chóng triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 trên diện rộng nhằm khống chế dịch bệnh, ổn định phát triển kinh tế; đồng thời, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp bằng việc đẩy mạnh tái đàn lợn, chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm và gia súc lớn…
Cùng với đó, Việt Nam tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu, nâng cao cơ hội cạnh tranh và nâng cao giá trị của hàng hóa xuất khẩu nhất là các mặt hàng Việt Nam có lợi thế. Việt Nam cũng tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Hơn nữa các bộ, ngành cần thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực thi chính sách tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời, tăng cường phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy hoạt động mua, bán hàng hóa trực tuyến, góp phần bảo đảm phòng chống dịch bệnh; áp dụng khoa học công nghệ 4.0 trong việc kinh doanh và cung cấp dịch vụ, hàng hóa.
Xin cảm ơn Tổng cục trưởng!