Nhấn mạnh đến yêu cầu đặt ra cho công tác nhân sự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, Đại hội là sự kiện chính trị rất quan trọng, thời điểm đất nước trải qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ đó là Cương lĩnh năm 91, trong đó có 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011; 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011- 2020, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng vào 2030 và kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước 2045.
Đại hội cũng là một dấu mốc rất quan trọng, có ý nghĩa, định hướng tương lai, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, chính vì vậy, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải xác định đúng yêu cầu xây dựng Ban chấp hành Trung ương hạt nhân là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn tới.
“Về tiêu chuẩn, phải chăng nên phải nhấn tính toàn diện, có phẩm chất đạo đức, có trí tuệ, tầm nhìn xa, có tư duy chiến lược, có phương pháp lãnh đạo tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng, với sự nghiệp của chúng ta, có trí tuệ, có tầm nhìn, có tư duy chiến lược và kiến thức tương đối toàn diện để tham gia hoạch định được đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và đặc biệt là lãnh đạo tổ chức thực hiện thành công công việc. Tại sao trong truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du nói một chữ tâm thế mới bằng ba chữ tài, có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần đúc kết cũng rất hay, chỗ này có thể xử lý mối quan hệ này. Tôi nêu vấn đề thế để các đồng chí suy nghĩ”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Đảng không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương mà là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy, Tổ chức đảng các cơ quan, đơn vị.
Chính vì vậy, các địa phương phải làm tốt công tác nhân sự từ Đại hội Đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội 13. Bởi dưới có vững thì trên mới vững chắc, nhất là người đứng đầu và ở những nơi mà có cán bộ tham gia quy hoạch, cán bộ chiến lược được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá 13 phải chịu trách nhiệm trước Tiểu ban nhân sự, trước Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị, từng cơ quan, địa phương, từng cán bộ trực tiếp tham gia vào công tác chuẩn bị nhân sự cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của mình, toàn tâm, toàn ý lo cho công việc chung, phải đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết. Bên cạnh đó, chú trọng tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm chỉ ra những ưu điểm, kết quả cũng như khuyết điểm, hạn chế các khoá trước để có thêm cơ sở đề ra phương hướng, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ khoá 13 tới.
“Công tác cán bộ nói chung và công tác nhân sự Đại hội nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhưng cũng cực kỳ phức tạp, khó khăn lắm vì nó liên quan đến con người mà như nhà văn Nga Maxim Gorky nói, con người hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh làm sao, con người rất cao quý. Nhưng con người cũng có đủ thứ chứng tật không lành mạnh, nhận xét, đánh giá thế nào? Nhất là nói về nhược điểm, khuyết điểm của nhau. Cha ông ta tổng kết, thua trời một vạn, không bằng một ly, kém một tí, không chịu được miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu, người ta xây dựng con người cộng sản chấm dứt tình trạng này được không, thật sự đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên không?”.
Trên tinh thần này, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, công tác nhân sự tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 sắp tới phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học, nhất quán, bảo đảm sự công tâm, thật sự công bằng, trong sáng, khách quan. Đặc biệt, phải có con mắt tinh đời trong việc giới thiệu, đánh giá, lựa chọn lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình để làm thước đo chủ yếu; phải lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống hả hiệu quả, uy tín của bản thân công việc rồi gia đình, con cái làm thước đo không để bị đánh lừa bởi những động tác giả dễ đề cao, giấu khuyết điểm, thích khoe thành tích mà phải trên cơ sở xác định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ để tạo ra một tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thật sự ăn ý, đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới./.